MỘT SỐ GIẢI PHÁP NHẰM HOÀN THIỆN KIỂM SOÁT CHI THƯỜNG XUYÊN NSNN TẠI KBNN LAI CHÂU
3.1.1 Mục tiêu kiểm soát chi NSNN trong những năm sắp tớ
Cùng với chương trình cải cách hành chính của Chính phủ và mục tiêu chung của ngành là: "Đổi mới toàn diện về cơ chế chính sách và quy trình nghiệp vụ trong công tác kiểm soát chi NSNN qua KBNN theo hướng đơn giản, hiện đại, công khai, minh bạch và phù hợp với thông lệ quốc tế, trên nền tảng vận hành hệ thống thông tin tài chính tích hợp (Tabmis ) nhằm quản lý chặt chẽ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính của Nhà nước, phục vụ chiến lược phát triển KT-XH đến năm 2020". Với mục tiêu đó hoạt động quản lý quỹ NSNN của KBNN nói chung và kiểm soát chi thường xuyên NSNN qua KBNN Lai Châu cũng phải không ngừng đổi mới hoàn thiện nhằm đạt được các mục tiêu cụ thể như sau:
Thứ nhất: Phải đảm bảo tất cả các khoản chi tiêu từ NSNN đều được kiểm soát chặt chẽ qua hệ thống KBNN tỉnh. Ngoài ra, cơ chế cấp phát và kiểm soát chi NSNN cũng phải phù hợp với xu hướng cải cách hành chính trong quản lý chi NSNN và phù hợp với các phương thức cấp phát ngân sách Nhà nước mới như chi theo dự toán, khoán chi hành chính, cơ chế khoán thu, khoán chi với đơn vị sự nghiệp có thu.
Thứ hai: Đảm bảo sử dụng tiết kiệm và có hiệu quả các nguồn kinh phí của NSNN tỉnh. Cơ chế cấp phát và kiểm soát chi phải đạt mục tiêu chi đúng, chi đủ, kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng NSNN để góp phần loại bỏ tiêu cực, chống tham ô, lãng phí, nâng cao hiệu quả sử dụng kinh phí nhà nước. Từ chỗ chi đúng, chi đủ, chi có hiệu quả, tạo ra được những tiền đề phát triển kinh tế - xã hội, tăng tích lũy, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa..
Thứ ba: Làm cho các cơ quan, đơn vị sử dụng NSNN trên địa bàn tỉnh Lai Châu thấy được quyền và nghĩa vụ trong việc sử dụng kinh phí NSNN. Từ đó nâng
cao ý thức, chấp hành chế độ chi tiêu NSNN, sử dụng kinh phí đúng đối tượng, đúng định mức, tiết kiệm và hiệu quả. Đặc biệt là phân định rõ trách nhiệm của người chuẩn chi và KBNN. Vai trò chuẩn chi là: Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, chủ tịch UBNN các cấp và những người được ủy quyền. Kho bạc nhà nước chỉ đóng vai trò kế toán, có trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành chế độ tài chính, kế toán của người chuẩn chi khi thực hiện chi tiêu và kế toán các khoản chi tiêu đó. Vì vậy, vấn đề đặt ra là cần có sự phân định rõ trách nhiệm giữa chuẩn chi và người kế toán để có sự kiểm tra, kiểm soát trong quá trình điều hành ngân sách nhà nước.
Thứ tư: Quy trình thủ tục kiểm soát chi NSNN phải đảm bảo tính khoa học, đơn giản, rõ ràng, công khai và minh bạch, thuận lợi cho người kiểm soát, người được kiểm soát, đồng thời phải đảm bảo các yêu cầu về quản lý ngân sách.