CHƯƠNG 2: LÀNG CHIẾN ĐẤU CẢNH DƯƠNG TRONG THỜI KỲ KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP XÂM LƯỢC (1945 – 1954)
2.2.2.2. Trận càn ngày 15 5-
Sau thất bại trong trận càn ngày 6 – 5 – 1948, để trả món nợ bị thất bại và quyết đập tan ý chí chiến đấu của quân dân Cảnh Dương, đúng 10 ngày sau, ngày 15 – 5 – 1948, địch lại mở trận càn quy mô lớn, cỡ trung đoàn có thêm quân của chi khu Thanh Khê phối hợp. Lực lượng địch hơn 400 quân, có pháo lớn ngoài tàu yểm trợ theo hai hướng đường thủy và đường bộ đánh vào làng Cảnh Dương. Địch xuất phát từ Ba Đồn, càn quét qua các thôn quanh Cảnh Dương: Tú Loan, Hòa Bình, Quảng Châu, Di Luân, Phúc Kiều, Di Lộc rồi tập trung áp sát Cảnh Dương.
- Cánh quân bộ chúng tiến từ Ba Đồn ra tiến theo quốc lộ 1A đánh xuống đầu làng, đánh thẳng xuống cổng làng.
- Cánh quân từ biển vào chia hai cánh đánh vào phía Nam và phía Bắc làng. Chúng đi dọc bờ biển, hội quân ở sân vận động cửa biển rồi tiến vào trước đình làng. Chúng tạo thành hai gọng kìm âm mưu tiêu diệt làng Cảnh Dương.
Về phía ta, rút kinh nghiệm và phát huy chiến thắng vừa giành được trong trận đánh ngày 6 – 5 – 1948, quán triệt chủ trương Đại hội đại biểu Đảng bộ Liên khu 4 (tháng 5 năm 1948): “Tất cả cho Bình - Trị - Thiên" với nhiệm vụ:
+ Đánh mạnh ở Bình Trị Thiên.
+ Thúc đẩy phong trào kháng chiến và đề phòng địch đánh Thanh - Nghệ - Tĩnh...
+ Mở rộng mặt trận Trung Lào.
Đồng thời hưởng ứng về ngày 19 – 5, lập chiến công chào mừng sinh nhật của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Được trang bị thêm vũ khí chiến đấu, quân và dân Cảnh Dương càng dâng cao khí thế chiến đấu sẵn có của mình. Với tư thế chủ động phòng ngự, dựa vào thế trận làng chiến đấu quân ta nổ súng đánh địch khắp làng, dân quân du kích bám sát từng động thái của địch. Lợi dụng chiến hào chằng chịt ngang dọc, các đường hào xuyên từ nhà này sang nhà khác, các tường rào tường nhà, hầm ẩn nấp lúc ẩn lúc hiện đánh địch từ mọi phía cùng với các tổ chốt chặt chẽ các xóm, ngõ đã làm cho quân địch khiếp sợ, lúng túng chống đỡ. Tuy quân số và hỏa lực địch áp đảo nhưng nhân dân Cảnh Dương hết sức bình tĩnh đánh địch, dân quân du kích bằng phương pháp chiến đấu phù hợp, thông thạo địa hình, công sự tốt, luôn bám sát bước tiến của địch nên hạn chế được hỏa lực của chúng. Do đó đã đánh trả quyết liệt, phá tan các đợt tấn công của kẻ thù. Tuy kẻ thù ở thế tiến công nhưng lại bị động trên địa bàn mà chúng đã chọn, chúng buộc phải kéo nhau tháo chạy, hủy bỏ cuộc hành quân đánh phá Cảnh Dương. Trong trận này chúng đã đốt ba nóc nhà dân ở chòm Đông Tỉnh, nhân dân Cảnh Dương đã tiêu diệt được 11 tên địch.
Từ khi Pháp nổ súng tiến đánh nhiều trận vào Cảnh Dương, đặc biệt qua hai trận càn quét lớn, kẻ thù tìm mọi cách thăm dò lực lượng và tinh thần chiến đấu của ta để triệt phá, nhưng chúng đã vấp phải phong trào chiến tranh du kích kiên
cường anh dũng của quân dân Cảnh Dương nên không có cơ hội để thực hiện mục đích mở rộng vùng chiếm đóng từ Hạ Cờ đến Đèo Ngang, từ đó làm bàn đạp đánh phá vùng tự do Roòn – Quảng Trạch, tiến lên Tuyên Hóa, ra Thanh - Nghệ - Tĩnh. Cảnh Dương vẫn là pháo đài kiên cố, ngăn cản mục đích tiến bước chiếm đóng của chúng.
Như vậy, nhân dân Cảnh Dương liên tiếp đánh bại 2 cuộc càn lớn của quân Pháp, bảo vệ vững chắc quê hương. Cùng với Cự Nẫm (Bố Trạch), Cảnh Dương trở thành làng chiến đấu tiêu biểu của Tỉnh và cả Liên khu 4.
Từ Cự Nẫm, Cảnh Dương, phong trào xây dựng làng xã chiến đấu phát triển mạnh mẽ và rộng khắp. Từ Hòa Duyệt, Lệ Sơn, Pháp Kệ ở khu vực phía Bắc tỉnh, làng xã chiến đấu từng bước hình thành trên địa bàn hai huyện phía Nam như Hiển Lộc, Hiển Vinh, Sào Nam, Hưng Đạo,... trở thành nét đặc trưng tiêu biểu của Quảng Bình trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Để bảo vệ làng biển thân yêu, làng chiến đấu quả cảm, sau mỗi trận càn, dân quân du kích, nhân dân Cảnh Dương dưới sự lãnh đạo của phân chi bộ kịp thời tập trung củng cố lại hệ thống công sự chiến đấu, hầm hào bí mật, các vị trí đài quan sát, hàng rào bao quanh làng, nâng cao ý thức cảnh giác kẻ thù cho các tổ chức đoàn thể quần chúng, toàn dân, chuẩn bị cho những trận chiến đấu mới.