Về kinh tế tài chính

Một phần của tài liệu Khoá luận tốt nghiệp Lịch sử Làng chiến đấu Cảnh Dương trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 – 1954) (Trang 32 - 34)

CHƯƠNG 2: LÀNG CHIẾN ĐẤU CẢNH DƯƠNG TRONG THỜI KỲ KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP XÂM LƯỢC (1945 – 1954)

2.1.1.2. Về kinh tế tài chính

Đi đôi với việc xây dựng chính quyền cách mạng, công tác chống “giặc đói” được triển khai khẩn trương. Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Cảnh Dương gấp rút cứu đói bằng biện pháp phát động phong trào tăng gia sản xuất, tích cực ra khơi vào lộng đánh bắt cá, trao đổi hàng hóa để ổn định cuộc sống. Đồng thời, với tình ái hữu tương trợ lẫn nhau nhân dân đã thực hiện “Cứ mười ngày nhịn ăn một bữa” để lấy gạo cứu đói. Hũ gạo cứu đói được phổ biến trong các gia đình và được mọi người sôi nổi hưởng ứng, vận động tài gia lạc quyên “Phát chẩn” cho dân nghèo, phong trào tiết kệm xây dựng “Quỹ cứu tế”... Trước Cách mạng tháng Tám 1945, nhân dân Cảnh Dương trong đó có các tài gia, các vị khoa bảng đã có ý thức góp công, góp của và tài năng cho quê hương, đất nước. Sau cách mạng, họ càng có ý thức hơn trong các phong trào chống giặc đói dù đời sống kinh tế, việc làm ăn buôn bán có phần chững lại.

Với tinh thần nhường cơm sẻ áo, nhân dân Cảnh Dương không những đùm bọc nhau mà còn giúp đỡ nhân dân các vùng lân cận và nhân dân các tỉnh bạn. Cảnh Dương là nơi giao lưu buôn bán, gần đường quốc lộ 1A, lại có tiếng là làng giàu có nên người đói khổ từ các tỉnh phía Bắc và trong vùng tìm đến xin ăn, được nhân dân Cảnh Dương chia sẽ và giúp đỡ.

Dể giải quyết căn bản nạn đói, tăng gia sản xuất phải là biện pháp hàng đầu có tính chất lâu dài. Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ chí Minh: “Tăng gia sản xuất, tăng gia sản xuất ngay, tăng gia sản xuất nữa”. Phong trào thi đua tăng gia sản xuất dấy lên khắp các thôn xóm ở Cảnh Dương. Các chủ trương ra khơi bám biển, đi chợ gần, đi chợ xa được mọi người, mọi nhà đoàn kết thực hiện. Đặc biệt chính quyền và Mặt trận Việt Minh Cảnh Dương có một hình thức ủng hộ mang tinh thần cách mạng cao, gắn liền vời đặc điểm nghề nghiệp của địa phương được nhân dân hưởng ứng mạnh mẽ đó là: Toàn dân tổ chức một ngày “Hội đồng”. Thuyền câu, thuyền lưới đánh bắt được cá đưa bỏ chung, các ngành khác bỏ tiền một ngày công đóng góp xây dựng “Quỹ độc lập”. Mùa biển năm 1946, nhân dân Cảnh Dương được mùa đã góp phần cứu đói cuộc sống hằng ngày.

Về tài chính: Thực hiện sắc lệnh xây dựng “Quỹ độc lập”, và tổ chức “Tuần lễ đồng”, “Tuần lễ vàng” ngày 4 – 9 – 1945 của Chính phủ, Chính quyền và Mặt trận Việt Minh Cảnh Dương đã tổ chức tốt công tác tuyên truyền vì lòng yêu nước và ý thức xây dựng Tổ quốc để bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng, vận động mọi người ai có ít ủng hộ ít, ai có nhiều ủng hộ nhiều, phong trào đã cuốn hút mọi người dân, mọi gia đình tham gia.

Hưởng ứng “tuần lễ vàng”, nhân dân Cảnh Dương tham gia tích cực. Nhiều gia đình ủng hộ nhiều thứ quý giá như tói bạc, nồi đồng, mâm thau và những hiện vật thờ cúng thiêng liêng như tam sự, ngũ sự… Nhiều phụ nữ còn mang cả đồ trang sức như nhẫn, hoa tai, vòng vàng đến ủng hộ. Trong phong trào này, Cảnh Dương đã đóng góp được 22.000 đồng (Đông Dương), 16 lạng vàng, phần lớn nộp lên trên, một phần giữ lại góp vào quỹ. Tiếp đó “tuần lễ đồng” được phát động, nhân dân Cảnh Dương góp được 332kg đồng, 1.217kg sắt.

Tổ chức bán đấu giá “Ảnh Bác Hồ”, người đạt được số tiền cao nhất có ông Trần Phương (2.000 đồng), ông Đồng Mắn (1.000 đồng). Vận động tài gia mua “ngân phiếu kháng chiến”.

Cùng với đó các phong trào giúp đỡ quốc phòng cũng được đẩy mạnh. Nhân dân đã góp được:

- Quỹ ủng hộ mua súng 8.000 đồng (Đông Dương), nhân dân Cảnh Dương đã mua 6 khẩu để tự vệ.

- Quỹ ủng hộ dân quân 10.000 đồng (Đông Dương).

Tấm lòng nhiệt tình cách mạng của nhân dân được khơi dậy, cùng gánh vác công việc cách mạng trong thời kỳ mới.

Hoạt động tăng gia sản xuất, đẩy mạnh phát triển kinh tế mọi mặt được nhân dân Cảnh Dương phát huy trong cuộc kháng chiến trường kỳ và đã góp nhiều công của cho sự nghiệp kháng chiến, hoàn thành suất sắc nhiệm vụ hậu phương đối với tiền tuyến.

Một phần của tài liệu Khoá luận tốt nghiệp Lịch sử Làng chiến đấu Cảnh Dương trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 – 1954) (Trang 32 - 34)

w