CHƯƠNG 2: LÀNG CHIẾN ĐẤU CẢNH DƯƠNG TRONG THỜI KỲ KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP XÂM LƯỢC (1945 – 1954)
2.2.1. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ ở Cảnh Dương
Đầu năm 1947, có thêm viện binh, Bộ chỉ huy Pháp đã mở nhiều cuộc tiến công lấn chiếm ở Miền Trung và Miền Bắc nước ta.
Sau khi đánh chiếm Thừa Thiên, Quảng Trị và được tăng thêm viện binh, thực dân Pháp tiến công đánh chiếm Quảng Bình, thực hiện chiến lược "Đánh nhanh, thắng nhanh".
Quân Pháp chia làm hai cánh: cánh thứ nhất lực lượng khoảng 2.000 tên từ Quảng Trị theo đường quốc lộ số 1 đánh ra; cánh thứ hai gồm các lực lượng hải quân và lính thuỷ đánh bộ tiến công vào Quảng Bình từ hướng biển.
Kế hoạch đánh chiếm Quảng Bình của địch chia làm hai bước:
- Bước thứ nhất: địch dựa vào ưu thế binh hoả lực đánh chiếm thị xã Đồng Hới, trung tâm kinh tế, quân sự của tỉnh.
- Bước thứ hai: sau khi hoàn thành bước 1, địch tiến hành đánh chiếm các cửa biển, cửa sông, các trục đường giao thông quan trọng, các vị trí hiểm yếu nhằm ngăn chặn, khống chế lực lượng ta, thực hiện kế hoạch "Bình định", chia cắt vùng chiếm đóng với vùng tự do của Liên khu 4.
Để đối phó với âm mưu “đánh nhanh thắng nhanh” của thực dân Pháp, tỉnh uỷ đã chủ trương triển khai thế trận chiến tranh nhân dân trực diện chiến đấu chặn bước tiến quân thù, đồng thời phát động chiến tranh du kích để chiến đấu lâu dài. Công tác triển khai cho lực lượng vũ trang trong toàn tỉnh sẵn sàng chiến đấu được tiến hành nhanh chóng. Củng cố các chiến khu Tuyên Hóa, Trung Thuần, Mỹ Đức, Thuận Đức. Chi đội Lê Trực có 6 đại đội đóng ở những vị trí trọng yếu của tỉnh cùng dân quân, du kích chuẩn bị kế hoạch đối phó với địch. Tỉnh uỷ, Uỷ ban kháng chiến theo dõi sát tình hình chiến sự diễn ra ở Thừa Thiên, Quảng Trị để kịp thời chỉ đạo cho toàn quân và toàn dân đánh địch.
16 giờ ngày 26 – 3 - 1947, thực dân Pháp cho 5 tàu chiến và 2 ca nô rập rình ngoài khơi cách cửa sông Nhật Lệ chừng 2 hải lý. Còi điện ở Đồng Hới liên hồi báo động. Vùng ngoại ô thị xã nổi trống, mõ, thanh la chuyển tiếp từ làng này qua làng khác, xã này qua xã khác. Chi đội Lê Trực cùng lực lượng dân quân, du kích thị xã Đồng Hới được lệnh triển khai đội hình chiến đấu như kế hoạch đã định.
Sáng ngày 27 tháng 3 năm 1947, thực dân Pháp chính thức tấn công xâm lược Quảng Bình lần thứ hai - cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược của quân và dân Quảng Bình bắt đầu.
Vào lúc 5 giờ sáng ngày 27 – 3 - 1947 (mồng 7 tháng 2 năm Đinh Hợi), lính thủy đánh bộ Pháp được máy bay và tàu chiến yểm trợ đã nổ súng tiến công vào thị xã Đồng Hới theo hướng từ cửa biển Nhật Lệ và cửa sông Gianh. Tại cửa Nhật Lệ, một đại đội vệ quốc quân do đồng chí Lê Thanh Đồng, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn Lê Trực trực tiếp chỉ huy chặn đánh địch ngay từ khi chúng mới bước chân lên bờ.
Ngày 28 – 3 – 1947, sau khi chiếm được thị xã Đồng Hới, quân Pháp tiến đánh ga Thuận Lý, Diêm Điền, Đức Phổ, Lệ Kỳ, Phú Quý, Lý Hòa, Quy Đức, Thanh Khê và đánh chiếm huyện lỵ Hoàn Lão (Bố Trạch). Cùng ngày, một bộ phận quân Pháp dùng ca nô từ Thanh Khê ngược sông Gianh lên đánh phá Ba Đồn thăm dò lực lượng kháng chiến của huyện Quảng Trạch.
Như vậy, chỉ trong thời gian ngắn, từ cuối tháng 3 đến giữa tháng 4 – 1947 bằng những cuộc hành quân đánh phá lớn, quân Pháp đã làm chủ được vùng hữu ngạn sông Gianh (phía Nam huyện Quảng Trạch) chúng kiểm soát, khống chế các hoạt động trên sông Gianh – con đường giao thông thủy quan trọng đối với công cuộc kháng chiến của huyện Quảng Trạch và tỉnh Quảng Bình. Từ đây, quân Pháp lấy sông Gianh làm chính, chia đôi Quảng Bình và tạo nên một phòng tuyến quân sự hết sức lợi hại ngăn cắt chiến trường Bình – Trị - Thiên và vùng tự do Thanh – Nghệ - Tĩnh. Sau hàng loạt các cuộc tấn công càn quét vào các xã phía Bắc huyện Quảng Trạch không thành công, quân Pháp từ kế hoạch “đánh nhanh thắng nhanh” buộc phải chuyển sang đánh lâu dài với ta. Từ thế tiến công chúng phải quay sang tiến hành bình định để nắm dân, tìm cách bao vây bóp
nghẹt, cắt đứt mọi nguồn cung cấp nhân tài vật lực của ta. Cả vùng đồng bằng, ven biển, vùng tự do và chuẩn bị điều kiện khi thuận lợi sẽ đánh ra vùng tự do của ta để mở rộng vùng tự do của chúng.
Khu vực Roòn là vùng tự do sau lưng địch. Trước sự thay đổi mau lẹ của tình hình chiến trường, Ủy ban kháng chiến khu vực Roòn giải thể, Đảng bộ khu vực Roòn cũng chia thành hai Đảng bộ xã Hòa Trạch và xã Phú Trạch để lãnh đạo sát sao hơn mọi mặt kháng chiến. ở Đảng bộ xã Hòa Trạch, đa số đảng viên là người Cảnh Dương. Tuy nằm trong xã Hòa Trạch, Cảnh Dương vẫ có sự chỉ đạo trực tiếp và thường xuyên của huyện và tỉnh vì là địa bàn quan trọng, có vị trí chiến lược ở vùng tự do Bắc Quảng Trạch. Khi chiến sự lan rộng ở Quảng Bình, công việc chiến đấu ở Cảnh Dương đã trở nên khẩn thiết, một số đồng chí ở Cảnh Dương được cử đi học lớp quân sự trước đó về trực tiếp lãnh đạo nhân dân kháng chiến; các đồng chí Hoàng Hữu Hương, Nguyễn Viễn, Hồ Qúy Kiên được cử đi học lớp quân sự cấp tốc do tỉnh tổ chức tại chiến khu Thuận Đức (cách thị xã Đồng Hới 4 km). Lớp huấn luyện có nội dung sát thực hơn vì ít nhiều đã qua chiến đấu thực tế. Theo nhu cầu công tác chung, các đồng chí Ngô Văn Khiêm, Nguyễn Ngọc Bơn, Nguyễn Túy đã được điều dộng lên tỉnh và tăng cường cho trung đoàn 18 của tỉnh. Đồng chí Trần Thị Tính sau đó là đồng chí Nguyễn Văn Ngữ phụ trách bí thư xã Hòa Trạch.
Cuối tháng 3 – 1947, để thực hiện âm mưu của mình và biết được Cảnh Dương có một vị trí quân sự quan trọng ở phía Bắc Quảng Bình, là địa bàn án ngữ chặn bước quân xâm lược tấn công vào vùng Roòn và ra vùng tự do Thanh – Nghệ - Tĩnh, nên khi chiếm được Đồng Hới, Hoàn Lão, Thanh Khê rồi dọc đường quốc lộ 1A từ Thanh Khê đến Hạ Cờ, chỉ sau một, hai ngày tàu chiến giặc Pháp đã vào sát bờ. Với pháo kích đủ các loại, đại liên, lựu pháo, đại bác nã vào làng.
Như vậy, từ đây cuộc sống yên bình và độc lập, tự do của nhân dân Cảnh Dương lại bị thực dân Pháp tàn phá. Cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp của cán bộ, đảng viên, nhân dân Cảnh Dương bắt đầu.
Trước khi tấn công làng Pháp đã dùng tàu đi lại thăm dò tình hình của ta. Trước tình hình đó, các lực lượng dân quân du kích đã triển khai phương án chiến đấu. Khác với những lần trước, lần này thực dân Pháp cho tàu chiến thả
neo và dùng ca nô chạy áp sát và pháo kích đủ các loại bắn từng đợt hỏa lực cao vào làng. Đây là lần đầu tiên nhân dân Cảnh Dương chứng kiến các loại vũ khí hiện đại, tối tân, bắn phá quê hương mình kể từ khi thành lập làng. Hành động liều lĩnh của địch không làm cho nhân dân nao núng tinh thần, ngược lại, nhân dân Cảnh Dương càng biểu thị tinh thần đoàn kết, quyết tâm đánh Pháp. Ban chỉ huy thôn đội lập tức tổ chức kế hoạch tác chiến. Các đồng chí: Cao Thướng, Nguyễn Viễn, Hoàng Hữu Hương, Nguyễn Ngọc Bơn, Phạm Phơn trực tiếp chỉ đạo tác chiến cùng dân quân du kích và dân quân tự vệ. Tuy với vũ khí thô sơ: bom, mìn, đại đao, lựu đạn, một vài khẩu súng trường, bom tự tạo, nhưng với sự chủ động chỉ đạo kháng chiến từ trước, đặc biệt là lòng quyết tâm bảo vệ quê hương, giữ dìn đất nước, nhân dân Cảnh Dương mà nòng cốt là lực lượng dân quân, đã dựa vào làng chiến đấu, triển khai phương án chiến đấu, chống đổ bộ theo đúng kế hoạch tác chiến. Từng hồi báo động bằng kèn, mõ lúc khoan thai, khi dồn dập để cho nhân dân và lực lượng chiến đấu biết rõ địch đang ở vị trí xa, gần, đi lại hay đang thả neo... nhưng cũng từ các âm thanh đó làm cho kẻ thù chần chừ do dự, không rõ thực hư và không dám manh động. Do vậy, địch không dám liều lĩnh tấn công Cảnh Dương. Lúc địch cho ca nô áp sát vào bờ, kẽng, mỏ ở các chốt gác lại đổ hồi náo nhiệt, xen vào đó là các đường đạn súng trường của lực lượng dân quân du kích bắn tỉa, địch lại lùi ra xa ngoài khơi. Cuộc chiến đấu giằng co nhau khá quyết liệt. Tàu chiến và ca nô địch tuy nhiều đợt cấp tập vào bờ nhưng đội hình bố trí của ta vẫn bình tĩnh bám sát địa bàn. Ba chòi gác vẫn theo dõi thế trận, liên lạc, chỉ huy chiến đấu, phát ra các tín hiệu báo động, hoạt động liên tục có hiệu quả. Lúc này giữa các đại đội dân quân du kích và trung đội tự vệ phối hợp chiến đấu dưới sự chỉ huy của Ban chỉ huy thôn đội (trụ sở tại nhà thờ phe Tây), ở đây, các chỉ thị, mệnh lệnh để điều động, điều chỉnh các đội hình chiến đấu được quyền đi và thu thập tin tức cụ thể ở các đơn vị trở về. Tổ liên lạc, trinh sát của các em thiếu niên, tổ chức cứu thương của Nữ dân quân vẫn bình tĩnh thi hành công vụ dưới làn pháo kích của quân Pháp từ ngoài khơi vào.
Nhân dân kiên trì bám địch bám làng, dựa vào công sự làng chiến đấu để đánh địch, buộc địch phải rút quân.
Trận pháo kích kéo dài từ 7 giờ tối đến mờ sáng hôm sau kết thúc, tàu chiến, ca nô địch buộc phải nhổ neo rút quân khỏi vùng biển Cảnh Dương. Cuộc pháo kích của quân Pháp chỉ làm sát thương 1 vài người và làm sập hai nhà, vì địch và ta đều chiến đấu từ xa nên chưa gây thiệt hại gì cho địch ngoài uy hiếp tinh thần bằng đạn súng trường, bom mìn, kiểu mõ đổ hồi. Lực lượng tự vệ, dân quân du kích ở tuyến đầu vừa nổ súng uy hiếp, vừa theo dõi sát sao các hoạt động của giặc, triển khai phương án chiến đấu khi giặc Pháp đổ bộ lên bờ.
Trong trận này, ta chưa biết rõ âm mưu đánh phá cụ thể của địch là chiến đấu hay uy hiếp thăm dò nên phương án và tinh thần chiến đấu của nhân dân Cảnh Dương là chống đổ bộ. Tuy tương quan lực lượng không cân sức, nhưng với vũ khí thô sơ, lòng can đảm quyết tâm, có kiến thức bước đầu về chiến tranh du kích và chiến tranh dân dân, nhân dân Cảnh Dương đã anh dũng đối phó với địch được trang bị ca nô, tàu chiến, vũ khí tối tân hiện đại (thời Cần Vương chống Pháp, Cảnh Dương cũng có lần bị uy hiếm nhưng chỉ bằng lính bộ và lính trường nhưng chưa bắn phá).
Trận pháo kích của tàu địch là điều kiện cho quân dân Cảnh Dương nêu cao tinh thần cảnh giác, ý chí chiến đấu và tổ chức lực lượng chiến đấu khi địch đánh vào làng. Qua đó phân chi bộ, Ban chỉ huy thôn đội lãnh đạo nhân dân, lực lượng tự vệ, dân quân du kích cũng cố thêm vững chắc hệ thống phòng ngự, công tác phân công liên lạc, báo động, công tác trực tiếp đảm bảo cho cuộc kháng chiến trường kỳ, anh dũng của nhân dân Cảnh Dương.
Thắng lợi của nhân dân Cảnh Dương trong trận pháo kích cuối năm 1947 có ý nghĩa to lớn, đây là trận thắng đầu tiên của nhân dân Cảnh Dương, cổ vũ tinh thần, khí thế chiến đấu đối với toàn dân, nhất là lực lượng dân quân du kích và tự vệ. Cũng từ đây, thực dân Pháp nhận thấy rõ vị trí quan trọng và nguy hiểm của làng Cảnh Dương, Cảnh Dương trở thành địa điểm bị uy hiếp thường xuyên, lúc tàu chiến, khi ca nô của địch với nhiều hình thức, có lúc vừa chạy vừa bắn pháo, có lúc nhả neo, kết hợp máy bay uy hiếp.
Từ trận pháo kích đầu tiên, trong những tháng còn lại của năm 1947, giặc Pháp vẫn tiếp tục dùng tàu neo đậu ngoài biển Cảnh Dương, máy bay phản kích oanh tạc, vừa đưa quân đánh nhiều trận để thăm dò, vừa hoạt động tình báo để
thu thập tình hình của ta, nhưng đều bị ta chặn và đánh cho tan tác. Và để ngăn chặn các hoạt động của địch ra vùng tự do, dưới sự chỉ đạo của huyện ủy du kích, bộ đội Cảnh Dương kết hợp với du kích và bộ đội các địa phương khác trong huyện đã tiến hành đánh địch, quấy rối địch ngay trong vùng chúng kiểm soát buộc địch phải lo đối phó với ta.
Đầu tháng 9 – 1947, nhân dân Cảnh Dương kết hợp với nhân dân và du kích xã Hòa Trạch do đồng chí Trần Thị Tính (người Di Luân) làm Bí thư, và xã Thuận Trạch do đồng chí Võ Tạo làm Bí thư đã dùng bom tự tạo đánh sập cầu Roòn, phá cầu gỗ bắc qua sông con từ Di Luân xuống Cảnh Dương, nếu giặc đổ bộ vào Cảnh Dương, từ đó lấn lên Di Luân chiếm quốc lộ 1A. Đồng thời phá sập bốn nhịp giữa cầu xi măng cốt thép nối liền quốc lộ trên sông Roòn. Mặt khác nhân dân Cảnh Dương còn kết hợp với nhân dân các xã khác trong địa bàn huyện tiến hành phá nhiều cầu, cống trên quốc lộ 1A đoạn đường từ Roòn đến Ba Đồn, cắt đứt đường quốc lộ 1A ra nhiều đoạn đường nhỏ, làm gián đoạn các hoạt động quân sự và vận tải của địch ở trong vùng trong nhiều ngày.
Thực hiện “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dùng người Việt đánh người Việt”, một mặt thực dân Pháp đẩy mạnh các hoạt động quân sự phá hoại các cuộc tản cư, tiến công tiêu diệt các căn cứ kháng chiến của ta, mặt khác, chúng tập trung lực lượng xây dựng bộ máy chính quyền tay sai ở những nơi chúng kiểm soát. Chúng đưa những tên việt gian phản động, những tên địa chủ, cường hào, bọn phản động đội lốt đạo Thiên chúa ra thành lập các ban hội tề... Đối với các làng công giáo, chúng không thành lập các ban hương lý (hội tề), mà giao mọi quyền hành cho bọn phản động trong Thiên chúa giáo nắm giữ, điều hành. Đến giữa năm 1947, toàn huyện Quảng Trạch có 68 thôn thì có 7 thôn do bọn phản động trong Thiên chúa điều hành, 14 thôn có hội tề. Mặt khác, chúng còn thực hiện những thủ đoạn về chính trị vô cùng thâm độc và nham hiểm. Thông qua bọn phản động Thiên chúa giáo, thực dân Pháp tuyên truyền, nói xấu cách mạng, kích động mâu thuẫn giữa đồng bào lương và đồng bào theo đạo Thiên chúa giáo... Chúng còn đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền cho Đảng “Việt Kiến”; đưa ra các khẩu hiệu “thỏa hiệp tạm thời” nhằm cưỡng bức nhân dân tán đồng việc đưa Bảo Đại trở về làm vua.
Sau khi chiếm được Ba Đồn, thực dân Pháp thường đem quân ra đánh phá, cướp bóc của cải của bà con Di Luân để đánh xuống Cảnh Dương, nhân dân Di Luân kết hợp với nhân dân Cảnh Dương đã chống phá lại địch với những trận Cầu Hồ, Lùm Thụy, Mũi Vích,... gây cho chúng nhiều thiệt hại.
Trong điều kiện quân Pháp kiểm soát hết sức nghiêm ngặt các tuyến đường và thường xuyên đánh phá, càn quét, cán bộ đảng viên và nhân dân Quảng Trạch nói chung, nhân dân Cảnh Dương nói riêng, với trí thông minh, sáng tạo, đã dựa vào đường đi liên thôn, liên xã, liên huyện, để vận tải, chuyên chở hàng hóa từ Tuyên Hóa chuyển về, từ Nghệ Tĩnh chuyển vào.
Với vị trí địa lý và đặc điểm của mình là sát biển, có giao thông đường biển thuận lợi kết hợp với sự gan dạ, anh dũng kiên cường, không ngại hy sinh, gian khổ, đồng thời được sự chỉ đạo của huyện ủy, Ủy ban kháng chiến hành chính xã và nhân dân Cảnh Dương đã lập ra đội “thuyền vận tải biển 139”. Tháng 6 năm