Đặc điểm tình hình và những vấn đề cơ bản về đường lối kháng chiến của Trung ương Đảng, tỉnh ủy Quảng Bình và huyện ủy Quảng Trạch

Một phần của tài liệu Khoá luận tốt nghiệp Lịch sử Làng chiến đấu Cảnh Dương trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 – 1954) (Trang 37 - 42)

CHƯƠNG 2: LÀNG CHIẾN ĐẤU CẢNH DƯƠNG TRONG THỜI KỲ KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP XÂM LƯỢC (1945 – 1954)

2.1.2.1. Đặc điểm tình hình và những vấn đề cơ bản về đường lối kháng chiến của Trung ương Đảng, tỉnh ủy Quảng Bình và huyện ủy Quảng Trạch

chiến của Trung ương Đảng, tỉnh ủy Quảng Bình và huyện ủy Quảng Trạch

Hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đường lối đúng đắn do Đảng đề ra, Đảng bộ và nhân dân Cảnh Dương nói riêng, nhân dân Quảng Trạch và cả tỉnh cả nước nói chung đã đứng lên chống thực dân Pháp xâm lược.

Đêm 19 – 12 – 1946, cuộc chiến đấu anh dũng của nhân dân ta nổ ra ở thủ đô Hà Nội và các thành phố, thị xã Nam Định, Hải Dương, Vinh, Huế, Đà Nẵng, … đã phá tan mưu đồ của thực dân Pháp định huy động toàn bộ lực lượng để đè bẹp quân và dân ta bằng hành động quân sự chớp nhoáng.

Ngày 2 – 1 - 1947, khi trả lời các nhà báo, một lần nữa Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Hễ một dân tộc đã đứng lên kiên quyết đấu tranh cho Tổ quốc họ thì không ai, không một lực lượng gì chiến thắng được họ” [18; 122].

Để cụ thể hóa đường lối kháng chiến trong tình hình trước mắt và kịp thời rút kinh nghiệm những tháng đầu của cuộc kháng chiến toàn quốc, Ban chấp hành Trung ương Đảng đã triệu tập hội nghị cán bộ từ ngày 3 đến ngày 6 – 4 -

1947. Hội nghị nhân định: “Tình hình Pháp lại đặc biệt nguy khốn và nước Pháp xa Việt Nam hàng vạn cây số, nên Việt Nam vẫn có thể kháng chiến và nắm chắc thắng lợi bằng cách mở rộng mặt trận ở bất cứ nơi nào có bóng địch, đánh ngay ở cả sau lưng địch, trong ruột địch” [24; 30].

Hội nghị nhắc nhở các cấp bộ Đảng ở các địa phương trong cả nước và các cấp chỉ huy quân sự phải nắm vững chiến thuật căn bản “Du kích vận động chiến”, tránh lối trận địa cứng đờ, mà dùng cách đánh vòng, đánh sau lưng, đánh bên hông quân địch, “du kích vận động chiến phải là cách đánh của toàn dân không phải là của riêng bộ đội”. Do đó phải phát động phong trào dân quân, phong trào du kích chiến tranh và phải vũ trang toàn dân. “Hóa một phần bộ đội thành dân quân (nhất là những nơi bị chiếm đóng)”. Phát triển các “đội vũ trang công tác”, “đội danh dự trừ gian”, “biệt động đội”, sử dụng “những đội quân đặc biệt tích cực và linh hoạt, thừa lúc thuận tiện, tiến thật nhanh và thật sâu vào vùng địch kiểm soát, đánh chớp nhoáng, tiêu diệt địch, rồi rút lui thật nhanh ra khỏi vùng kiểm soát của địch”. “Tổ chức căn cứ địa ở miền rừng núi và đồng bằng”. Thống nhất Ủy ban kháng chiến và Ủy ban hành chính thành Ủy ban kháng chiến hành chính. Trong các căn cứ địa chú ý xây dựng nền kinh tế kháng chiến với ba thành phần: “Kinh tế cá nhân, kinh tế hợp tác xã và kinh tế Nhà nước. Đẩy mạnh sản xuất vũ khí thô sơ thông thường, nghiên cứu sản xuất vũ khí mới, thực hành chế độ bộ đội tham gia sản xuất” [26].

Về văn hóa nhân dân ta “vừa kháng chiến vừa xây dựng nền văn hóa mới…”.

Về công tác xây dựng Đảng, phải “làm cho đoàn thể thành đoàn thể quần chúng” chú ý phát triển Đảng trong bộ đội, dân quân, trong các cơ quan Nhà nước, trong vùng sau lưng địch. Sữa chữa khuyết điểm theo thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Về công tác tư tưởng, Đảng có chủ trương học tập và tự phê bình theo thư Hồ chủ tịch gửi các đồng chí Bắc bộ và Trung bộ. Người chỉ rõ: “Trong lúc dân tộc đang ở ngã tư đường, chết hay sống, mất hay còn, mỗi một dồng chí và đoàn thể phải đem tất cả tinh thần và lực lượng ra để đưa toàn dân quay về một hướng, nhằm vào một đích: đánh đuổi thực dân Pháp, làm cho nước nhà thống nhất và độc lập… Trong lúc này tư tưởng và hành động của mỗi đồng chí rất có quan hệ

đến toàn quốc. Nếu một người sơ suất, một việc sơ suất là có thể hỏng việc to, sai một ly đi một dặm” [25; 13].

Từ thực tế bước đầu của cuộc kháng chiến, nghị quyết hội nghị cán bộ tháng 4 năm 1947 và thư Hồ Chủ tịch gửi cho cán bộ, đảng viên Trung bộ, Bắc bộ, đã bổ sung phát triển đường lối kháng chiến của Đảng thêm phong phú, hoàn chỉnh.

Bị những đòn giáng trả mãnh liệt của quân và dân ta, thực dân Pháp tạm co cụm về các thành phố mà chúng chiếm đóng, tìm mưu kế mới để thôn tín nước ta. Theo quyết định ngày 5 – 3 – 1947, của Chính phủ Ra-ma-đi-ê, Bô-đa được cử làm cao ủy Đông Dương thay Đác-giăng-li-ơ. Thực dân Pháp ra sức thực hiện âm mưu nhanh chóng kết thúc thắng lợi cuộc chiến tranh xâm lược.

Về mặt chính trị, chúng dựng lên Chính phủ bù nhìn tay sai để chống lại Chính phủ kháng chiến của ta.

Về quân sự, tiêu diệt quân chủ lực của ta, tiêu diệt cơ quan lãnh đạo của cuộc kháng chiến. Đây là mục tiêu số một của cuộc tiến công mà Va – luy gọi là “đánh vào ngọn hệ thống hình tháp Việt Minh”. Va – luy tuyên bố “Đây là cố gắng cuối cùng của chúng ta trước khi chiến thắng”.

Đến đầu tháng 1 năm 1947, cuộc tiến công của quân và dân ta vào các vị trí địch ở thành phố, thị xã phía Bắc vĩ tuyến 16 đã tiêu hao, tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch. Âm mưu và kế hoạch của thực dân Pháp định đánh úp cơ quan đầu não của ta ở Thủ đô Hà Nội và tiêu diệt lực lượng vũ trang ta ở các thành phố lớn bị thất bại hoàn toàn.

Ngày 4 – 3 - 1947, Thường vụ Trung ương Đảng ra chỉ thị về chống địch càn quét. Bản chỉ thị nêu rõ: Các địa phương đề phòng địch đánh rộng ra, có kế hoạch chống càn quét, tổ chức làng chiến đấu. Bộ đội, tự vệ dân quân phải tích cực bám địch, hết sức tránh để địch bao vây, có biện pháp bảo vệ dân, chuẩn bị làm vườn không nhà trống.

Quán triệt chỉ thị của thường vụ Trung ương Đảng, đầu năm 1947, tỉnh thành lập các Ban di cư từ tỉnh đến xã. Dựa vào vùng miền núi phía Tây, tỉnh và các huyện xây dựng các chiến khu kháng chiến. Thuận Đức (chiến khu của tỉnh và thị xã Đồng Hới), Bang Rợn (huyện Lệ Thuỷ), Rào Trù (huyện Quảng Ninh), Bồng Lai, Troóc (huyện Bố Trạch), Trung Thuần (huyện Quảng Trạch) thành

căn cứ kháng chiến của địa phương. Lực lượng dân quân, tự vệ được bổ sung về quân số; lúc này toàn tỉnh đã có 1332 chiến sỹ. Tất cả 5 huyện, thị trong tỉnh đều đã thành lập đại đội, trung đội du kích thường trực. Huyện Lệ Thuỷ còn có thêm một trung đội "Học sinh cảm tử quân".

Ở Quảng Trạch, được sự chỉ đạo trực tiếp của hai đồng chí Nguyễn Đình Chuyên và Trần Thanh Hải, đại diện của tỉnh ủy, huyện ủy Quảng Trạch đã chỉ đạo Ủy ban Hành chính và Ủy Ban kháng chiến, các ban ngành gấp rút chuẩn bị kháng chiến. Xuất phát từ đặc điểm tình hình của địa phương, huyện ủy đã phân công đảng viên tham gia chính quyền nắm giữ toàn bộ các chức vụ chủ chốt trong Ủy ban hành chính và Ủy ban kháng chiến. Đồng thời huyện ủy tập trung chỉ đạo đẩy mạnh việc “tiêu thổ kháng chiến” và lập “vườn không nhà trống”; lên kế hoạch bảo vệ dân, đưa dân đi tản cư, kế hoạch chiến đấu, xây dựng lực lượng vũ trang của huyện và các xã, cử nhiều đoàn cán bộ triển khai nhanh việc xây dựng chiến khu Trung Thuần và các trại sản xuất Ao Cá, Kim Mỹ, Vực Tròn, Ngọn Rào, chuyển dần các tài liệu, phương tiện làm việc và một bộ phận các cơ quan của huyện về chiến khu và các nơi an toàn. Các Ban tản cư của huyện và các xã được thành lập tại các địa phương dọc các sông và các tuyến đường giao thông quan trọng, nơi mà địch có khả năng đánh chiếm đầu tiên, chuẩn bị đưa dân đi tản cư.

Dưới sự hướng dẫn của Ủy ban kháng chiến huyện, nhân dân Cảnh Dương nói riêng và nhân dân toàn huyện nói chung ra sức chuẩn bị xây dựng khu kháng chiến. Ở Cảnh Dương đã tiến hành rào làng kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, và tiến hành đưa hành đưa dân đi tản cư. Ở các xã sắp có đồng bào đến tản cư thành lập các Ban đón tiếp, sắp xếp nơi ăn chốn ở tổ chức sản xuất cho đồng bào tản cư. Mặc dù cuộc sống khó khăn nhưng nhân dân đón tiếp hết sức chu toàn và thấm đậm tình nghĩa “hạt gạo chia đôi”.

Để làm thất bại ngay từ đầu âm mưu “đánh nhanh thắng nhanh” của thực dân Pháp, ở Quảng Trạch, huyện ủy lâm thời tập trung chỉ đạo các chi bộ, Ủy ban kháng chiến, dân quân du kích các xã dọc các trục đường giao thông đào hầm, hào, lập các chướng ngại vật, phá các cầu, cống, đường vào làng… tạo nên một thế trận chiến đấu liên hoàn giữa các xã ở tuyến trước. Đồng thời huyện ủy

chỉ đạo các xã nhanh chóng xây dựng, củng cố các đội du kích và dân quân, bổ sung thêm quân số đảm bảo mỗi xã, thôn có từ một trung đội đến đại đội du kích, có được một số vũ khí chiến đấu. Đầu tháng 3 năm 1947, tại Ba Đồn, 2 đội du kích “biệt động đội” được thành lập, đây là đơn vị vũ trang đầu tiên của huyện Quảng Trạch. Nhiệm vụ của các trung đội du kích “biệt động đội” là vừa phối hợp bộ đội chủ lực đánh địch, vừa làm nhiệm vụ cùng lực lượng du kích các xã tuyên truyền vận động nhân dân tham gia kháng chiến và chiến đấu bảo vệ làng. Tháng 10 - 1947, huyện bộ đội thành lập thêm trung đội du kích “biệt động đội” thứ ba. Để tăng cường sức chiến đấu, phối hợp với lực lượng vũ trang Quảng Trạch, tháng 3 - 1947, tỉnh đội bộ tăng cường thêm cho Quảng Trạch đại đội 5 của chi đội Lê Trực. Song song với việc tập trung thực hiện các công việc cấp bách trên đây, huyện ủy rất chú trọng đến công tác củng cố Mặt trận Việt Minh, các đoàn thể quần chúng và chuẩn bị điều kiện cần thiết như lương thực, thực phẩm, muối, đường, thuốc chữa bệnh, vải mặc,… nhằm đảm bảo đời sống cho nhân dân khi chiến sự bùng nổ.

Trong toàn tỉnh, các đại đội, trung đội tập trung của Quảng Ninh, Bố Trạch, Tuyên Hoá đi vào luyện tập, sẵn sàng chiến đấu. Vũ khí trang bị cho lực lượng du kích thường trực chiến đấu ngoài mã tấu, đại đao, gươm, dáo, mác Lào còn có 88 khẩu súng trường và 366 quả lựu đạn.

Lực lượng vũ trang tập trung của tỉnh chuẩn bị kế hoạch sẵn sàng tác chiến. Chi đội Lê Trực từ 4 đại đội tăng lên 6 đại đội. Trung đội nữ phân tán về các đơn vị để làm nhiệm vụ cứu thương. Ngoài đại đao, lựu đạn, bom, mìn, chi đội có 270 khẩu súng trường, 5 súng máy. Về hướng tấn công của địch, lãnh đạo tỉnh nhận định: Quảng Bình có chiều dài bờ biển trên 100 km, trong đó có 5 cửa sông mà hai cửa có đủ điều kiện cho thuỷ quân lục chiến của địch đổ bộ lên bờ. Bờ biển lại áp sát đường quốc lộ, có lợi thế cho cơ giới địch từ biển lên chạy suốt từ Bắc vào Nam. Về đường không, tỉnh có nhiều gò, đồi, có nơi gần như đồi trọc, đó là những nơi địch có thể cho quân nhảy dù xuống. Trên cơ sở nhận định đó, lực lượng vũ trang tỉnh lúc này được triển khai như sau:

- Một đại đội được lệnh hành quân lên chiến đấu ở Mặt trận Ba na phào, bảo vệ biên giới phía Tây của tỉnh.

- Một đại đội vào phối hợp chiến đấu ở đường số 9 - Quảng Trị.

- Một đại đội mới được tổ chức, tập trung huấn luyện ở Trung Thuần (Quảng Trạch).

Ba đại đội còn lại được bố trí: Một đại đội phối hợp với đại đội cảnh vệ chuẩn bị chiến đấu ở thị xã Đồng Hới, một trung đội phối hợp với đội tự vệ bố trí ở cửa biển Nhật Lệ. Hai trung đội phối hợp với du kích huyện Quảng Ninh, bố trí ở vùng Quán Hàu (cách Đồng Hới 7 km) có nhiệm vụ đánh địch từ Lệ Thuỷ tiến ra. Hai trung đội cùng du kích huyện Bố Trạch bố trí từ Lộc Đại (Quảng Ninh) đến Hoàn Lão. Một trung đội bố trí ở vùng Roòn cùng du kích Quảng Trạch đánh địch. Một trung đội công binh có nhiệm vụ bố trí bom mìn ở vùng ngoại ô Thị xã Đồng Hới, phụ trách việc phá hoại cầu Dài, cầu Lộc Đại, cầu đi Thuận Lý và có nhiệm vụ chặn đánh cơ giới địch khi chúng vào thị xã.

Song song với việc triển khai lực lượng, công tác giáo dục, tuyên truyền đường lối kháng chiến, xây dựng quyết tâm, chuẩn bị về mặt tâm lý, tư tưởng được tiến hành tích cực. Bằng các hình thức mít tinh, hội họp, cổ động tuyên truyền, phát thanh, các cấp bộ Đảng và Chính quyền đã kêu gọi, động viên khích lệ lực lượng vũ trang và nhân dân Quảng Bình đoàn kết nhất trí, muôn người như một, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ quê hương đất nước.

Một phần của tài liệu Khoá luận tốt nghiệp Lịch sử Làng chiến đấu Cảnh Dương trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 – 1954) (Trang 37 - 42)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(113 trang)
w