Về quân sự

Một phần của tài liệu Khoá luận tốt nghiệp Lịch sử Làng chiến đấu Cảnh Dương trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 – 1954) (Trang 45 - 52)

CHƯƠNG 2: LÀNG CHIẾN ĐẤU CẢNH DƯƠNG TRONG THỜI KỲ KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP XÂM LƯỢC (1945 – 1954)

2.1.2.2.2. Về quân sự

Thực hiện khẩu hiệu: Mỗi người dân là một người lính, mỗi thước đất là chiến hào, mỗi làng xóm là một pháo đài , nhân dân Cảnh Dương ra sức tổ chức bố phòng, xây dựng lực lượng dân quân du kích, xây dựng làng chiến đấu.

Lực lượng dân quân du kích ở Cảnh Dương phát triển khá mạnh. Lực lượng chiến đấu gọi là du kích. Những ngày đầu chuẩn bị kháng chiến, để kết hợp sản xuất và chiến đấu, bám biển và bán làng, lực lượng dân quân du kích tổ chức thành 11 trung đội ở 11 xóm. Sau đó, do tình hình mới, lực lượng này phiên chế

thành 3 đại đội (còn gọi là dân quân loại I) trấn giữ ở 3 mặt làng, tổng quân số 321 đồng chí, dưới sự chi huy của Ban chỉ huy thôn đội.

- Đại đội 1: Quân số 108 đồng chí, bố trí phòng thủ hướng Tây Nam (có cổng chính vào làng, thông ra quốc lộ 1A) do đồng chí Hoàng Hữu Hương – đại đội trưởng và đồng chí Ngô Chiểu – đại đội phó chỉ huy.

- Đại đội 2: Quân số 105 đồng chí, bố trí phòng thủ hướng Đông Nam (từ cửa lạch Roòn đến Miếu Ông), do đồng chí Võ Trung Thành - đại đội trưởng, đồng chí Phạm Chuôi – đại đội phó chỉ huy.

- Đại đội 3: Quân số 108 đồng chí, bố trí phòng thủ hướng Bắc (dọc bờ sông Roòn), do đồng chí Trương Lau – đại đội trưởng và đồng chí Phạm Kế - đại đội phó chỉ huy.

Lực lượng trực tiếp phục vụ chiến đấu: 1 trung đội Nữ dân quân (do đồng chí Nguyễn Thị Ruộng làm trung đội trưởng gồm 36 đồng chí); tiểu đội Thiếu sinh quân (15 em); trung đội Lão dân quân làm nhiệm vụ cứu thương, tiếp tế, liên lạc... quân số trên 400 người.

Ngoài ra, Cảnh Dương còn có hàng trăm dân quân tự vệ (dân quân loại II). Trong kế hoạch tác chiến, lực lượng này bố trí tại chỗ (tại gia đình hoặc khu vực cụm 3 - 5 nhà), sẵn sàng đánh địch ngay trong làng hoặc ngay trong nhà mình.

Toàn bộ lực lượng dân quân du kích Cảnh Dương được tuyển chọn từ những người hăng hái, dũng cảm, có tính kỷ luật và tinh thần chiến đấu cao, được rèn luyện thử thách, có kỷ cương như bộ đội chính quy. Đặt dưới sự chỉ huy trực tiếp và thống nhất của Ban chỉ huy thôn đội. Ban chỉ huy thôn đội có 3 đồng chí : Phạm Phơn (thôn đội trưởng); Nguyễn Nghi (Chính trị viên thôn đội); Hoàng Hữu Tỏ (thôn đội phó, phụ trách hậu cần và là phó Ban bảo trợ dân quân). Cả làng tin tưởng theo một hiệu lệnh chung: giặc đến tất cả đánh giặc, giặc đi tất cả tham gia sản xuất.

Thiếu vũ khí ta dùng đá sỏi Đá san hô ta đổi mạng thù Địch nhiều tàu chiến ca nô Ta nhiều vũ khí thô sơ giữ làng.

Về trang bị vũ khí: Đội tự vệ được trang bị bảy khẩu súng trường các loại: Monsqueton, Judckinois Nhật. Số súng này được ông Nguyễn Duy Giao mua về bằng tiền của nhân dân ủng hộ 8.000 đồng (Đông Dương). Đây là việc làm tích cực và hết sức thiết thực bởi một đơn vị dân quân tự mình trang bị súng là một việc hiếm thấy lúc bấy giờ. Còn các loại vũ khí thô sơ, đại đao, mác Lào được thôn tổ chức lò rèn làm tại địa phương, phục vụ cho huấn luyện và chuẩn bị chiến đấu. 100% có một loại vũ khí (hoặc đại đao, kiếm, hoặc mác), gia đình nào cũng có sẵn trong nhà 1 – 2 cây mác để tự vệ và sẵn sàng chiến đấu. Ngoài ra Cảnh Dương còn chế tạo được chai nổ (than vỏ xoan trộn vôi bột nhét vào chai). Vũ khí cụ thể như sau: 7 khẩu súng trường, 2 khẩu bức kích pháo, hơn 100 quả bom, mìn, 500 quả lựu đạn (không tính số lượng chai nổ), mỗi người có một đại đao hoặc một mác.

Công tác huấn luyện được chú trọng thường xuyên. Lúc đầu, do chưa quen đội hình đội ngũ nên chưa thống nhất khẩu lệnh và động tác. Các buổi huấn luyện, tập võ tổ chức chủ yếu vào ban đêm, thu hút đông đảo thanh niên, trung niên tập luyện. Dần dần, dân quân du kích cùng thực hiện mệnh lệnh thống nhất, chấp hành nghiêm chỉnh kỷ luật của Ban chỉ huy thôn đội. Đình làng trở thành nơi huấn luyện của dân quân tự vệ. Được đầu tư công sức huấn luyện chuẩn bị kháng chiến lâu dài nên đội ngũ cán bộ cốt cán, đại đội tự vệ và lực lượng dân quân được nâng lên về mặt tổ chức hoạt động cũng như kỷ thuật đánh giặc. Nhiều đồng chí tự vệ qua huấn luyện được bổ sung cho lực lượng tự vệ huyện. Đồng chí Ngô Đình Phác được cử đi học trường võ bị Sơn Tây, các đồng chí Hoàng Hữu Hương, Hồ Quy Kiêu, Nguyễn Viễn học lớp quân sự cấp tốc ở tỉnh.

Hậu cần của đại đội tự vệ tập trung do chính quyền và dân nuôi. Còn đối với dân quân có 11 xóm trang bị vũ khí, gia đình mỗi dân quân tự lo hậu cần lương thực, thực phẩm. Đối mặt với nhiều khó khăn thử thách như vậy nhưng nhờ có khí thế cách mạng hừng hực và niềm vui sướng được làm người tự do, tự nguyện tham gia bảo vệ Tổ quốc, quê hương nên không một ai lùi bước ngại khó khăn mà hăng hái tham gia luyện tập.

Thực hiện đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện và trường kỳ, Cảnh Dương đã thành lập Ban chuyên môn, chuyên trách các mặt cụ thể phục vụ chiến đấu.

+ Ban bảo trợ dân quân: Thu hút nhiều gia đình công thương giàu có, yêu nước tham gia, tự nguyện chịu trách nhiệm công tác bảo đảm cho lực lượng dân quân về mọi mặt hậu cần, mua vũ khí,... Ban này do các đồng chí Đồng Thoạn, Đậu Phúc điều hành.

+ Ban quân khí: Chuyên lo việc sản xuất, giữ gìn, phân phối vũ khí cho các đại đội, tiểu đội.

+ Ban cứu tải thương: Chăm lo thuốc men, bông băng, cáng, thải thương, huấn luyện công tác cứu thương, sơ cứu cho nhân dân.

+ Ban tuyên truyền, địch vận: Ngày thường làm nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục truyền thống, biểu dương chiến thắng, cổ vũ tinh thần hăng hái của nhân dân, lúc chiến tranh thì làm công tác địch vận.

Sự thành lập các Ban chuyên môn ở Cảnh Dương là hoạt động đúng hướng, đúng đắn, thể hiện được một cách sinh động đường lối kháng chiến của Đảng, qua đó đã huy động tất cả sức người, sức của của nhân nhân phục vụ cho kháng chiến trường kỳ. Hoạt động của từng Ban chuyên môn đã để lại nhiều bài học quý giá cho nhân dân Cảnh Dương.

Bên cạnh việc tổ chức, huấn luyện tác chiến cho các lực lượng dân quân du kích và lực lượng tự vệ, một công việc nổi bật trong thời gian chuẩn bị kháng chiến là công tác bố phòng chiến đấu, biến Cảnh Dương thành một pháo đài kiên cố. Đó là việc “Tiến hành tiêu thổ kháng chiến, rào làng chiến đấu chống thực

dân Pháp xâm lược”

Là một địa bàn trọng yếu của vùng Roòn về mọi mặt, nhất là lĩnh vực quân sự nên việc xây dựng lực lượng vũ trang tổ chức sẵn sàng chiến đấu luôn có sự chỉ đạo của huyện. Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của chi bộ, Cảnh Dương vừa xây dựng lực lượng tự vệ dân quân du kích, tổ chức các công tác chính trị, vừa tiến hành rào làng chiến đấu bảo vệ quê hương.

Giặc Pháp biết Cảnh Dương là nơi tập kết hàng hóa, vũ khí của ta từ Thanh - Nghệ - Tĩnh vào qua đường biển, từ đó vận chuyển vào Mặt trận Bình - Trị - Thiên. Đã nhiều lần chúng muốn nhổ cái gai trước mắt, chặn đường tiếp tế và lập bàn đạp lên vùng chiến khu Tuyên Hóa nhưng chưa được. Địa thế Cảnh Dương hiểm yếu, được bao bọc bởi sình lầy, sông ngòi và những lùm dứa dại cao to, kín mít. Xóm cách xóm, nhà cách nhà bởi những bức tường xây lệch. Ngoài nhìn vào không thấy trong, ở giữa không nhìn được xung quanh. Nhà đục tường thông nhà, hệ thống vật cản, công sự chiến đấu, vị trí quan sát được xây khá hoàn chỉnh từ những ngày đầu “Toàn quốc kháng chiến” năm 1946.

Những ngày đầu chuẩn bị kháng chiến của nhân dân Cảnh Dương diễn ra vô cùng khẩn trương. Thực hiện chủ trương của tỉnh và của huyện, Cảnh Dương đã không tiếc của cải và vật lực tập trung theo kháng chiến. Song song với công tác nâng cao nhận thức, ổn định tư tưởng, chuẩn bị về lực lượng và trấn áp bọn phản động. Bên cạnh đó nhân dân Cảnh Dương còn tiến hành “tiêu thổ kháng chiến” và lập “vườn không nhà trống”, đưa lực lượng người già, trẻ em triệt để tản cư lên Quảng Châu, Quảng Hợp. Đưa tài sản lên cất giấu ở các làng Quảng Châu, Tùng Lý, Hùng Sơn, Đá Đen… Mặt khác, lực lượng tiêu thổ tiến hành đốt nhà trường, nhà thương chánh, phối hợp cùng với các xã khác trong huyện nhân dân Cảnh Dương đã đào hàng trăm hầm, hố trên các trục đường giao thông “băm” nát các con đường thành hàng trăm đoạn lớn, nhỏ đoạn đường quốc lộ 1A từ Ba Đồn ra Roòn.

Nhân dân Cảnh Dương đã đem hết tài sản sức lực cho công cuộc chiến đấu bảo vệ quê hương. Học tập kinh nghiệm rào làng chiến đấu của thôn Cự Nẫm, nhân dân Cảnh Dương với địa hình sẵn có của mình là sát biển, có các ụ đất, xung quanh làng có nhiều cây rừng xen kẽ với dứa dại, dọc bờ biển chủ yếu là cây phi lao, phía Nam làng là một rừng cây um tùm mà phần lớn là cây sầm bù, trong làng nhà cửa mọc san sát nhau… hàng ngàn người dân Cảnh Dương đã chặt cây quanh làng, lên rừng chặt gỗ, dỡ những công trình công cộng như dở bốn nhà thờ phe (giáp) lấy cột kèo, đòn tay, lấy dây rừng rào thành ba lớp quanh làng. Đường vào làng được kè đá ngăn cách, hàng trăm thùng gỗ dùng để chế biến nước mắm (đường kính gần 2 mét, cao hơn 1,5 mét) được thôn huy động

đựng cát dựng thành lũy làm ụ chiến đấu dọc biển. Nhân dân Cảnh Dương đào hàng nghìn hầm chiến đấu, hầm ẩn nấp, ở Cảnh Dương làm được 800 hầm các loại, nhà nào cũng có hầm trú ẩn làm bằng đá san hô. Vỏ chai, đồng, sắt được gom lại chế tạo vũ khí. Nhân dân không những đóng góp tài sản, tiền bạc mà còn kề vai sát cánh cùng các đội du kích đánh giặc bằng đại đao và mìn tự tạo. Giao thông hào được hình thành bằng việc đục các nhà trong từng xóm, từng chòm, nhà nối nhà, xóm nối xóm làm thành một hệ thống giao thông dài chằng chịt ngang, dọc quanh thôn mà địch không tài nào hiểu nổi. Vì thế mà trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, Cảnh Dương đã được nhắc đến với tên gọi “pháo đài làm bằng san hô”. “Bộ binh Pháp có máy bay, tàu chiến phố hợp đã từng quần nhau với du kích Cảnh Dương trong những tường ngõ chi chít những tường đá san hô. Lần nào cũng vậy, giặc Pháp như lạc giữa phố nhỏ đầy cạm bẫy và hậm hực rút lui khi đã bị thiệt hại nặng”.

Đồng thời cùng với nhân dân trong toàn tỉnh nhân dân Cảnh Dương còn đặt vọng gác, trên ba hướng đi vào làng đều có vọng gác, chòi quan sát và cổng lớn kiểm soát chặt chẽ người qua lại. Mỗi chòi bố trị một ban tiểu đội du kích 5 – 6 người làm nhiệm vụ cảnh giới, trực tuyến. Một chòi đặt ở hướng Tây Nam làng, quan sát về đường quốc lộ 1A và đường từ quốc lộ 1A vào làng theo cổng chính. Một chòi đặt ở hướng Đông Bắc sát cửa lạch Roòn, quan sát vùng biển và dọc sông Roòn. Một chòi đặt ở hướng Đông Nam, quan sát hướng xã Quảng Hưng và bãi biển Xuân Hòa (xã Quảng Xuân). Ba phía từ ngoài làng vào đều có cổng lắp cửa chắc chắn để kiểm soát người lạ mặt vào làng. Lực lượng quan sát ở các chòi được trang bị mỗi người 2 quả lựu đạn, 1 mác và có liên hệ mật thiết với ba đại đội dân quân du kích. Đặt trạm quan sát tàu biển. Quy định hiệu lệnh báo động mõ và kẻng, cử dân quân canh gác, tuần tra suốt cả ngày lẫn đêm. Kết hợp với trạm gác của cả tỉnh và huyện để biết tình hình và sự tấn công của kẻ thù. “Ở cửa biển Nhật Lệ, thiết lập một trạm gác với chòi cao, canh phòng, phát hiện tàu biển địch và một hệ thống báo động dây chuyền từ Đồng Hới vào tận Hạ Cờ, Tân Ấp, Quy Đạt lan ra đến Đèo Ngang. Trống, mõ, thanh la, chuông chùa, chuông nhà thờ, tất cả những gì gỏ thành âm thanh tronh nhân dân, hễ cứ nghe báo động ở trạm gác Nhật Lệ báo là chuyền nhau xã này chuyền qua xã khác, thôn này lan

qua thôn nọ. Qua nhiều lần thực tập rút kinh nghiệm nên khi thật sự báo động, đã đạt được hiệu quả khá nhanh” [16; 151].

Mặt khác, nhằm ngăn chặn tàu thủy, ca nô của Pháp đi vào sông Roòn. Ở phía bờ biển – phía cửa lạch Roòn, nhân dân Cảnh Dương đã tự đánh đắm thuyền của mình để làm chướng ngại vật, 28 chiếc thuyền đánh cá có trọng tải từ 2 tấn đến 60 tấn đựng đầy đá san hô đánh chìm xuống nước. Phía trong cửa lạch hàng ngàn cây phi lao được vót nhọn, cắm xuống lòng sông tạo thành bãi cọc lớn bịt ngang luồng chính.

Trong một số tài liệu đã ghi lại câu chuyện về những hành động hy sinh cao cả của người dân Cảnh Dương cho kháng chiến: “Cái hôm ngăn lạch ấy có một đám trẻ em chạy đến xem. Những chiếc thuyền lớn đã được gỡ hết cột buồm, mui, khoang. Trong lòng thuyền chứa đầy đá san hô. Thuyền bị đục thủng đáy, chìm dần xuống. Đám trẻ em trên bờ reo lên: Chiếc thứ hai lăm rồi bay ơi – chiếc thứ hai sáu, chiếc thứ hai bảy – Hoan hô! Tôi véo tai một đứa: Về đi! Suýt nữa thì tôi phát cáu lên: Hoan hô cái gì! Chúng thấy sự việc mới lạ, kích động trí tò mò non trẻ của chúng thì hoan hô nhưng chúng không thể hiểu được nỗi lòng cha anh chúng tự tay mình nhấn chìm những chiếc thuyền của mình xuống lòng sông. Tôi đứng một mình nhìn chiếc thuyền thứ hai tám từ từ chìm dần. Lưng khoang, rồi mép khoang. Nước biển tung sóng và trùm lấp lên thân thuyền. Có gì cay cay trong mắt. Tôi chạy ra bờ biển. Tôi ghé vai đẩy một chiếc thùng. Hò dô ta. Các cụ, các mẹ, các chị đang lăn thùng gỗ ra bãi biển để làm ụ chắn đạn. Những chiếc thùng gỗ bốn người ôm, sáu người ôm, màu nâu thẫm đã được đổ đầy cát đứng lên trên bãi biển cát trắng, như những cột đá to tướng đang xây dựng dở dang”.

Rõ ràng ta thấy, nhân dân Cảnh Dương đã không tiếc sức lực, của cải vật chất cùng nhân dân cả nước đứng lên ra sức chuẩn bị về mọi mặt để bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Cả Cảnh Dương như một pháo đài nổi nằm cạnh sông, biển sẵn sàng đánh trả quân cướp nước. Bên cạnh đó, lực lượng dân quân du kích được huấn luyện kỹ về lối đánh du kích và phòng thủ theo kế hoạch kháng chiến.

Như vậy ta thấy làng chiến đấu Cảnh Dương trở thành cơ sở để phá tan âm mưu lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dùng người địa phương đánh người dịa

phương của thực dân Pháp. Đồng thời, bồi dưỡng và tích lũy tiềm lực mọi mặt cho cuộc kháng chiến của nhân dân Cảnh Dương. Trong quá trình tổ chức và xây dựng làng chiến đấu Cảnh Dương, chi bộ Đảng khu vực Roòn, Ủy ban kháng chiến khu vực Roòn đóng vai trò chỉ đạo, vạch ra đường lối đúng đắn và toàn diện, vận dụng một cách sáng tạo, thích hợp với địa hình địa thế Cảnh Dương, trên cơ sở đó làm hạt nhân tập trung, đoàn kết, tổ chức phát động quần chúng, trong đó Đảng viên làm đầu tàu gương mẫu theo khẩu hiệu “Đảng viên đi trước làng nước đi sau”.

Một phần của tài liệu Khoá luận tốt nghiệp Lịch sử Làng chiến đấu Cảnh Dương trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 – 1954) (Trang 45 - 52)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(113 trang)
w