Cảnh Dương thực hiện nghĩa vụ hậu phương đối với tiền tuyến, phối hợp chiến đấu với chiến trường toàn quốc

Một phần của tài liệu Khoá luận tốt nghiệp Lịch sử Làng chiến đấu Cảnh Dương trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 – 1954) (Trang 90 - 95)

CHƯƠNG 2: LÀNG CHIẾN ĐẤU CẢNH DƯƠNG TRONG THỜI KỲ KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP XÂM LƯỢC (1945 – 1954)

2.3.1.2.2. Cảnh Dương thực hiện nghĩa vụ hậu phương đối với tiền tuyến, phối hợp chiến đấu với chiến trường toàn quốc

phối hợp chiến đấu với chiến trường toàn quốc

Một trong những nhân tố đưa đén thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp là ta có sức mạnh toàn dân đánh giặc, sức mạnh của chiến tranh nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc ta có một phần đóng góp của nhân dân Cảnh Dương. Cảnh Dương là vùng tự do, vừa chiến đấu chống địch càn quét, vừa xây dựng hậu phương, đóng góp sức người sức của cùng nhân dân cả nước chiến đấu, thực hiện được vai trò của hậu phương kháng chiến.

Ngày 23 – 9 – 1945, được quân Anh giúp đỡ, thực dân Pháp nổ súng, quay lại xâm lược Việt Nam. Cùng với nhân dân cả nước, nhân dân Cảnh Dương hướng về miền Nam ruột thịt, phát động phong trào chi viện cho cuộc kháng chiến của nhân dân Nam Bộ. Các cuộc lạc quyên, “Tuần lễ vàng”, “Tuần lễ đồng”... được nhân dân hưởng ứng nhiệt tình và trở thành đơn vị dẫn đầu của tỉnh, huyện. Người đôi hoa tai, kẻ chiếc nhẫn, chiếc mâm, bộ ngũ sự, tam sự... đã đóng góp được 22.000 đồng (Đông Dương), 16 lạng vàng. Tiếp đó “tuần lễ đồng” được phát động, nhân dân Cảnh Dương góp được 332kg đồng, 1.217kg

sắt. Số tiền vàng đồng thu được, một phần giữ lại góp vào quỹ mua vũ khí trang bị cho lực lượng dân quân du kích địa phương, phần còn lại góp vào quỹ chung của huyện chuyển vào miền Nam.

Phong trào tăng gia tiết kiệm, tổ chức hũ gạo kháng chiến, đóng đảm phụ quốc phòng, mua công trái kháng chiến... ngày càng được đẩy mạnh, phát triển dưới nhiều hình thức và đạt nhiều kết quả. Đi đầu trong phong trào này là các gia đình công thương khá giả ở Cảnh Dương, tiêu biểu có cụ Hồ Bảng, Trần Phương, Đậu Xích, Đồng Mắm, Nguyễn Huyền... sẵn sàng hưởng ứng cả tiền của và hiện vật có giá trị hàng tấn gạo lúc bấy giờ. Để giải quyết các vấn đề trang bị vũ khí cho lực lượng vũ trang địa phương và ủng hộ chiến trường miềm Nam, Cảnh Dương đã dấy lên phong trào quần chúng sôi nổi: quyên góp, mua sắm vũ khí ủng hộ bộ đội du kích, thu được 40.000 đồng Đông Dương [10; 220].

Những ngày đầu kháng chiến cũng là ngày sôi động của phong trào thanh niên xung phong ghi tên gia nhập đoàn quân Nam tiến lên đường vào Nam, tiêu biểu dịp đầu có các dồng chí Lê Xuân Hữu, Nguyễn Ngạt, Nguyễn Huyến [11;50]. Tiếp theo phong trào Nam tiến, thanh niên Cảnh Dương đã lần lượt lên đường vào đại đội 5 bộ đội chủ lực của tỉnh và tham gia vệ quốc ngày càng đông. Mỗi đợt lấy quân, thanh niên Cảnh Dương đều hăng hái lên đường mặc dù lúc này chưa có luật về nghĩa vụ quân sự. Thanh niên Cảnh Dương (có một số là phụ nữ) đã có mặt ở các đơn vị chủ lực, một số đông trở thành cán bộ cốt cán trong quân đội nhân dân Việt Nam, có người là chiến sĩ thi đua (đồng chí Đỗ Thị Kim Quy); có người giữ các chức vụ quan trọng trong các cơ quan của Đảng và Nhà nước (đồng chí Lê Đài là Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên từ 1953 – 1955). Cảnh Dương cũng là nơi cung cấp hàng nghìn cán bộ, công nhân viên chức cho huyện, tỉnh và trung ương, họ ra đi từ quê hương hoặc nơi cư trú làm ăn. Đến 20 – 7 – 1954, Cảnh Dương có 237 người nhập ngũ [11; 255].

Trong kháng chiến Cảnh Dương là vùng tự do, trở thành căn cứ quan trọng của huyện Quảng Trạch – nơi huấn luyện, an dưỡng, nghỉ chân của bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương. Ở đây, tình đồng chí, nghĩa đồng bào như con em trong nhà. Nhân dân thường xuyên đem quà bánh trao tặng, động viên các đoàn quân trên đường đi vào Nam nghỉ lại tại địa phương. Những hoạt động và tình

cảm đó biểu thị tình “quân dân cả nước”, là tấm lòng của hậu phương đối với tiền tuyến.

Đóng góp nổi bật của nhân dân Cảnh Dương là công tác vận chuyển quân lương, vũ khí bằng đường thủy, và đường bộ cho chiến trường Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy và Bình Trị Thiên, liên khu IV, liên khu V.

Từ ngày đầu bùng nổ chiến tranh, thực dân Pháp chiếm đóng và phong tỏa Bình – Trị - Thiên, kiểm soát chặt chẽ các tuyến giao thông thủy bộ. Để mở rộng đường tiếp vận, theo đề nghị của cơ qua tài chính của tỉnh ủy Quảng Bình, huyện ủy Quảng Trạch đồng ý, Cảnh Dương được giao nhiệm vụ vận chuyển hàng hóa, nhu yếu phẩm vào vùng địch hậu huyện Bố Trạch để chuyển lên chiến khu Thuận Đức (cách Đồng Hới 4 km). Đồng chí Bảng được thôn giao trách nhiệm trực tiếp tổ chức, lãnh đạo chuyên chở hàng bằng đường biển Cảnh Dương – Quý Đức. [10; 247]. Lần đầu tiên phải vượt qua nhiều đồn bốt địch, hai cửa sông Gianh và Lý Hòa, qua sự tuần tra của tàu chiến, ca nô địch, đội chở hàng đã lợi dụng lúc thời tiết biển động có sóng to, gió lớn để vượt qua sự kiểm soát của địch. Bằng lòng dũng cảm, mưu trí, chuyến vận chuyển hàng đến địa điển tại chiến khu đã thành công. Từ đó tạo tiền đề khai thông luồng vận chuyển, tiền thân của ngành vận tải biển Quảng Bình trong chiến tranh, cũng là bước đột phá cho các chuyến vận tải vào Bình – Trị - Thiên và khu V sau này. Sau chuyến vận chuyển mở đột phá khẩu đưa hàng vào chiến khu an toàn thì nhu cầu tiếp tế cho chiến trường Bình – Trị - Thiên ngày càng lớn. Đơn vị vận tải Nam Thắng do liên khu 4 và tỉnh ủy trực tiếp chỉ đạo ra đời từ các chủ thuyền và thủy thủ của phân đoàn vận tải Cảnh Dương.

Điều đặc biệt là trong những năm đầu kháng chiến chống Pháp ta chưa có tổ chức hợp tác xã, các thuyền vận tải biển đều do các chủ thuyền và thủy thủ cùng quản lí, thống nhất thành lập đoàn thuyền vận tải Cảnh Dương. Trong quá trình vận chuyển, lực lượng chủ lực là các bác, trung niên, thanh niên, kể cả một số cụ đã xấp xỉ 60 tuổi, có nhiều đồng chí đã hy sinh hoặc bị tù đày, mất tích trong khi làm nhiệm vụ. Có lần các thủy thủ tình nguyện gửi đơn lệnh xin bảo lãnh thuyền của ông Nguyễn Đình Tiếu để nhận hàng vượt biển vào liên khu V. Họ đã quyết tử vì nghĩa vụ lớn lao.

Đầu năm 1948, con đường vận chuyển Phú Hội – Cảnh Dương được hình thành và sử dụng có hiệu quả trong việc vận chuyển gạo, muối giải quyết đời sống cho nhân dân trong những vùng địch tạm chiếm ở huyện Quảng Ninh, Đồng Hới.

Cuối năm 1948, công tác vận tải đường bộ theo quốc lộ 1A, và tỉnh lộ bị bế tắc, tỉnh phải mở đường vận tải xuyên sơn qua Khe Gát lên Cà Roòng (huyện Bố Trạch). Trước khó khăn đó, Ty giao thông công chính Quảng Bình chỉ thị: tăng cường vận tải bằng đường biển. Đường biển từ Cảnh Dương qua Nhật Lệ vào Quảng Trị được khai thông.

Ngày 15 – 3 – 1949, chi điểm vận tải biển huyện Quảng Trạch được thành lập. Sau đó phân đoàn vận tải Cảnh Dương ra đời (3 – 1949). Các đồng chí Nguyễn Đình Điến, Trần Hình (Kính Hình), Phạm Bảng, Nguyễn Ngọc Chiêm, Ngô Đình Hạp, Nguyễn Hạnh đã đóng góp công sức và trí lực cho ngành vận tải biển, cùng đội ngũ anh em, câu lưới “buông dầm, cầm chèo”, “vào lộng ra khơi”, mau hòa nhập “tay lưới, tay súng”, am hiểu sông nước, kẻ nhiều người ít, đã anh dũng, tháo vát vượt qua đạn bom, sự kiểm soát, rình rập của kẻ thù, tham gia vào các chuyến vận tải chuyển lương thực, thực phẩm, vũ khí, quân nhu từ Thanh – Nghệ - Tĩnh vào chiến trường Bình – Trị - Thiên và liên khu V qua Phú Hội, Gia Ninh (Quảng Bình), Gia Đẳng, Hải Khê (Quảng Trị). Cảnh Dương là nơi nhận hàng từ vùng tự do Thanh – Nghệ - Tĩnh cũng là nơi phân phối hàng cho các chiến trường. Các thuyền vận tải ra đi lấy các ngày lịch sử (1 – 5; 19 – 5...) để đánh lạc hướng địch. Khó khăn nhất cho các đội thuyền là phải nắm được tình hình địch ở cửa Gianh, Nhật Lệ, thủy thủ phải nắm chắc khẩu lệnh, ám hiệu để đối phó khi gặp địch.

Tháng 5 – 1950, do yêu cầu của chiến trường, hợp tác xã vận tải Nam Thắng ra đời, mang phiên hiệu 139, thay cho phân đoàn vận tải Cảnh Dương. Đồng chí Huyền, phân chỉ huy, có một chi bộ Đảng lãnh dạo do đồng chí Hân làm Bí thư. Đây là sự kiện quan trọng đánh dấu bước trưởng thành của phân đoàn vận tải Cảnh Dương. Từ đó, lực lượng vận tải được đẩy mạnh, có hàng trăm chiếc thuyền anh dũng vượt biển mặc cho sự khủng bố, kiểm soát ác liệt của máy bay và tàu chiến địch. Hợp tác xã Nam Thắng đã đem hàng ngàn tấn hàng hóa, quân lương tiếp tế cho mặt trận Bình – Trị - Thiên và chiến trường liên khu V.

Ngày 20 – 10 – 1950, đồng chí Phan Hạnh - Ủy viên thường vụ tỉnh ủy đã trực tiếp động viên thủy thủ Cảnh Dương mở đợt vận chuyển cứu trợ đột xuất, tiếp tế cho trung đoàn 101 đang chiến đấu ở Thừa Thiên Quảng Trị. Theo kế hoạch, 28 thuyền chở 200 tấn gạo và vũ khí vào Gia Đẳng, Hải Khê (Quảng Trị). Đồng chí Hân (Bí thư hợp tác xã vận tải Nam Thắng) mở cuộc họp vạch kế hoạch ra đi và làm lễ “truy điệu sống” cho các thuyền viên. Trời gió mùa, ba chiếc đi liên lạc trước, mỗi chiếc cách nhau 500 – 800 mét, vào đến Mỹ Hòa (xã Quảng Phúc – Quảng Trạch) thì gặp địch. Thuyền neo lại, tiến thoái lưỡng nam, trở về thì gặp gió, đi tiếp thì bị tàu địch chặn. Qua trao đổi tín hiệu ba chiếc thuyền liên lạc chạy ra khơi. Địch cho tàu đuổi theo, số thuyền của ta thoát được, đưa gạo, vũ khí, hàng hóa và quân trang vào đúng địa điểm tập kết. Các đồng chí Hân, Tương, Xì, Bồi, Sớ...là những tay lái vững vàng, vượt qua đầu sóng ngọn gió đưa hàng vào chiến trường trong những năm chiến tranh ác liệt.

Trong 4 năm (1949, 1950, 1951, 1952), phân đoàn vận tải Cảnh Dương, sau đó là hợp tác xã vận tải Nam Thắng đã chuyển vào chiến trường được 500 quả mìn, 500 võ lựu đạn, 50 súng Badôca, 4.800 tấn vũ khí, quân trang, 900 tấn gạo; 350 tấn muối...

Đồng thời, khi cần thiết, đội thuyền vận tải biển còn đưa đón các đoàn cán bộ vượt biển khơi vào Nam ra Bắc an toàn. Cảnh Dương cũng trở thành nơi đón tiếp, chăm sóc cán bộ, bộ đội từ Trị - Thiên, liên khu V tạm dừng chân ra Thanh – Nghệ - Tĩnh, lên chiến khu Việt Bắc. Tên tuổi các mẹ trong Hội Mẹ chiến sĩ đã để lại nghĩa tình sâu nặng cho những ai một lần dừng chân, như: mẹ Phiên, mẹ Vụ, mẹ Kháu, mẹ Kiếm, mẹ Tơ, mẹ Nhiểm và nhiều chị như: Chị Miên, chị Khuyên, chị Tiến, chị Cước, chị Ruộng, chị Kỷ, chị Đan, chị Sửa,…

Trên đường bộ, lúc bấy giờ chưa có lực lượng thanh nên xung phong, hầu như gia đình nào ở Cảnh Dương, các công dân trên 18 tuổi đều tham gia công việc dân công tiếp vận. Có gia đinh vì điều kiện nhân lực họ vẫn hoàn thành nhiệm vụ dưới các hình thức nhờ người thay thế hoặc đi thuê người làm hộ. Từng đoàn nam nữ thanh niên, kìu kịt trên đôi vai gánh vượt U Bò, Ba Rền (Bố Trạch) vận tải đường rừng chuyển vũ khí, lương thực cho chiến trường Trị - Thiên. Các bác Cao Du, Cao Tiền và một số anh chị em khác luôn có mặt trong các chuyến

vận tải đường dài. Cũng trên mặt trận này xuất hiện các chiến sỹ thi đua toàn quốc: Phạm Xì, Nguyễn Tương, Phạm Ruộng [10; 255].

Ngoài nhiệm vụ vận chuyển quân nhu, lương thực và hàng hóa thiết yếu cho các chiến trường, nhân dân Cảnh Dương còn phối hợp chiến đấu cùng bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương trong vùng. Lực lượng dân quân Cảnh Dương được bổ sung, tăng cường so với địa phương và của huyện; một số được biệt phái tăng cường cho các xã như đồng chí Phạm Bảng vào Thổ Ngọa, đồng chí Cao Ba vào Mỹ Hòa (Quảng Trạch) [10; 49]. Du kích Cảnh Dương phối hợp với lực lượng chủ lực và đại đội 5 tham gia nhiều chiến dịch. Chiến dịch Xuân – Hè năm 1949 – 1950, trung đội du kích do đồng chí Đậu Trung Thành chỉ huy bao vây Ba Đồn, Mỹ Hòa, Thuận bài. Trừ gian diệt tề ở Thượng Sơn, Hướng Phương. Phục kích bao vây kinh tế chặn đường tiếp vận giữa Thanh Khê và Ba Đồn làm cho địch mất ăn và mất ngủ. Nhân dân Cảnh Dương cử từng trung đội dân quân luân phiên nhau cùng các xã ven đường quốc lộ đi bao vây đồn bốt địch, cùng nhân dân các xã đêm đêm đi phá đường, vác tre hỗ trợ cả về nguyên liệu và lực lượng dân quân cùng các làng rào làng chiến đấu, xây dựng công sự, hầm hào chống Pháp. Trong các trận phối hợp chiến đấu Cảnh Dương có hiều tấm gương anh dũng hy sinh như: Đậu Đình, Trần Bá Quyền, Phạm Mắm, Phạm Sau, Lê Kinh...

Nói tóm lại, Cảnh Dương đã khắc phục khó khăn trong kháng chiến để xây dựng, củng cố và làm nghĩa vụ hậu phương kháng chiến. Sự nghiệp đó là nhờ sự đóng góp nhân tài, vật lực, tài lực của mỗi người dân Cảnh Dương. Hậu phương Cảnh Dương vững chắc đã tạo điều kiện cho nhân dân Cảnh Dương đánh thắng các trận càn của thực dân Pháp, đồng thời góp phần chi viện cho các chiến trường, phối hợp với các địa phương chiến đấu, đưa cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc ta thắng lợi.

Một phần của tài liệu Khoá luận tốt nghiệp Lịch sử Làng chiến đấu Cảnh Dương trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 – 1954) (Trang 90 - 95)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(113 trang)
w