Về kinh tế

Một phần của tài liệu Khoá luận tốt nghiệp Lịch sử Làng chiến đấu Cảnh Dương trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 – 1954) (Trang 86 - 89)

CHƯƠNG 2: LÀNG CHIẾN ĐẤU CẢNH DƯƠNG TRONG THỜI KỲ KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP XÂM LƯỢC (1945 – 1954)

2.3.1.2.1.1. Về kinh tế

Xây dựng hậu phương về kinh tế là một trong những nhân tố quan trọng có nghĩa quyết định thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân Cảnh Dương. Thực hiện chỉ thị của Bác Hồ “vừa kháng chiến vừa kiến quốc”, nhân dân Cảnh Dương vừa làm nhiệm vụ chống càn vừa làm nhiệm vụ sản xuất. Đánh bắt thủy hải sản là nghề chính, anh em, trai bạn, các cụ già đều thông thạo

sông nước, một người có thể là trai bạn cho các lái, có thể là tay câu, tay lưới giỏi. Nhận thức rõ phương châm “ăn no đánh thắng”, ngư dân Cảnh Dương bám biển đêm ngày để nuôi sống gia đình và quyên góp cho làng xã. Tất cả mọi hoạt động sản xuất chủ yếu diễn ra vào ban đêm.

Huyện ủy lãnh đạo nhân dân tiến hành bao vây kinh tế địch, làm cho địch càng khó khăn lúng túng. Quân và dân Cảnh Dương chủ động việc không đưa hàng hóa và các vật phẩm khác vào vùng địch, triệt để không dùng hàng địch, thi hành triệt để lệnh tổng bãi thị của tỉnh ủy Quảng Bình.

Hoạt động buôn bán các chợ có phần sa sút, nhân dân Cảnh Dương kết hợp với các vùng lân cận tổ chức những chợ nhỏ, gọi là “chợ độc lâp”, “chợ kháng chiến” để trao đổi hàng hóa và những nhu yếu phẩm hàng ngày. Chợ chủ yếu họp vào ban đêm. Trong chín năm kháng chiến nhân dân Cảnh Dương vẫn bám biển bám làng, đủ thực lực để đánh giặc

2.3.1.2.1.2. Về chính trị

Một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất trong công cuộc xây dựng, củng cố hậu phương là xây dựng hậu phương về chính trị. Đây là nền tảng quan trọng để tổ chức, huy động nhân lực, vật lực, tài lực cho kháng chiến, bảo đảm được sự ổn định chính trị ở vùng tự do; là cơ sở để xây dựng các mặt khác. Những ngày đầu kháng chiến, dưới sự chỉ đạo của Ủy ban kháng chiến – hành chính khu vực Roòn, nhân dân Cảnh Dương được học tập chính trị, tham dự các buổi diễn thuyết của cán bộ Liên khu IV về ba giai đoạn kháng chiến; “Kháng chiến nhất định thắng lợi”... Qua những hoạt động đó, trình độ giác ngộ của nhân dân được nâng cao, ý thức sâu sắc hơn về kháng chiến và ra sức phục vụ kháng chiến.

Nhiệm vụ quan trọng là củng cố, phát triển Đảng, đồng thời củng cố bộ máy chính quyền và các đoàn thể ở Cảnh Dương nhằm đảm bảo sự nhất trí giữa Đảng – chính quyền – nhân dân, tạo nên sự đoàn kết vững chắc để giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến. Dưới sự chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, công tác phát triển đảng viên ở Cảnh Dương được chú trọng. Số lượng Đảng viên trong xã Hòa Trạch đa số là người Cảnh Dương, và giữ những chức vụ quan trọng trong bộ máy chính quyền địa phương. Đây là thuận lợi lớn cho nhân dân Cảnh Dương trong quá trình tổ chức kháng chiến. Mặt trận đoàn kết toàn dân được củng cố và

mở rộng. Các đoàn thể cứu quốc chuyển sang những ban chuyên trách phục vụ kháng chiến: Ban tản cư tiêu thổ kháng chiến, Hội mẹ chiến sĩ, Hội lão dân quân... Đây là điều kiện thuận lợi để tập hợp đông đảo các thành phần nhân dân tham gia kháng chiến toàn dân. Vai trò và uy tín của chính quyền ngày càng được nâng cao, quần chúng gắn bó hơn với cách mạng, kể cả trong những ngày địch càn quét ác liệt, nhân dân vẫn hướng về kháng chiến, thực hiện nhiệm vụ kháng chiến của Đảng và Chính phủ.

2.3.1.2.3. Về quân sự

Kết hợp công cuộc xây dựng hậu phương về chính trị, kinh tế, Cảnh Dương tiến hành xây dựng hậu phương về quân sự để có lực lượng chiến đấu bảo vệ quê hương. Thực hiện chủ trương: vừa chiến đấu vừa xây dựng, xây dựng trong chiến đấu, chính quyền Cảnh Dương tích cực phát triển, củng cố, nâng cao sức mạnh chiến đấu cho lực lượng dân quân du kích và toàn thể nhân dân.

Trước hết, Cảnh Dương tập trung lực lượng phát triển dân quân du kích. Trong kháng chiến, lực lượng này ngày càng đông và trưởng thành, xây dựng thành ba đại đội với tổng số 321 người. Cùng với sự trưởng thành trong những trận chống càn, lực lượng này được chọn lọc chặt chẽ. Lực lượng dân quân còn lại được phiên chế thành trung, tiểu đội tự vệ bảo vệ tại chổ và phục vụ chiến đấu.

Công tác huấn luyện, trang bị cho dân quân du kích và tự vệ được coi trọng. Lực lượng xây dựng đến đâu, Ban chỉ huy thôn đội tổ chức huấn luyện đến đó. Rút kinh nghiệm sau những trận chống càn năm 1948, các cán bộ chỉ huy đại, trung đội được bồi dưỡng, tổ chức các lớp huấn luyện quân sự cấp tốc do tỉnh tổ chức tại chiến khu Thuận Đức. Sau những đợt học tập quân sự, cán bộ trở về huấn luyện cho du kích cách đánh mìn, đặt chông, tập bắn súng, ném lựu đan, ném bom nổ tự tạo... huấn luyện cho lực lượng canh gác ở chòi về khả năng xét hỏi, báo động dân quân... Công tác huấn luyện đã trở thành nề nếp, nâng cao trình độ giác ngộ chính trị, chiến thuật, kỹ thuật cho dân quân du kích và dân quân tự vệ. Để động viên, khuyến khích phong trào du kích, tháng 3 – 1948, Cảnh Dương tổ chức “Đại hội tập” [9; 5]. Đây là dịp để dân quân du kích thể hiện khả năng kỹ chiến thuật của mình. Các môn thi: ném lựu đạn, bắn súng,

châm bom, mìn,... đạt kết quả cao. Đại hội đã gữi thư quyết tâm chiến đấu bảo vệ làng lên bộ tổng tư lệnh, tỉnh đội và huyện đội [9; 5].

Ban chỉ huy thôn đội được kiện toàn và củng cố, trở thành đầu não chỉ huy chiến đấu của làng. Ban chỉ huy thôn đội xây dựng một tiểu đội dân quân thường trực để giúp ban chỉ huy giải quyết những công việc cần thiết.

Cảnh Dương lập Ban quân khí, xây dựng công binh xưởng, tổ chức lò rèn để rèn kiếm, đại đao, chế tạo chai nổ trang bị cho dân quân du kích và tự vệ.

Phong trào toàn dân luyện tập quân sự, mọi người dân đều chuẩn bị một thứ vũ khí (mác, đại đao) trong nhà để đánh giặc. Phong trào “quân sự hóa” trong toàn dân được phát triển sôi nổi ở mọi nơi, đặc biệt là sau trận chống càn đầu tiên vào cuối năm 1947. Chi bộ Đảng chỉ đạo nhân dân sẵn sàng đánh địch trong bất kỳ hoàn cảnh nào, tập hợp sức mạnh từ trẻ đến già, từ thanh niên đến phụ nữ, các em nhỏ cũng tham gia giữ làng.

Như vậy, trước yêu cầu chiến đấu bảo vệ quê hương, Cảnh Dương đã khẩn trương xây dựng lực lượng vũ trang địa phương tích cực rèn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Các thôn xóm đều có lực lượng tự vệ tự trang bị vũ khí, sẵn sàng đánh địch và thắng địch.

Một phần của tài liệu Khoá luận tốt nghiệp Lịch sử Làng chiến đấu Cảnh Dương trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 – 1954) (Trang 86 - 89)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(113 trang)
w