Về xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng

Một phần của tài liệu Khoá luận tốt nghiệp Lịch sử Làng chiến đấu Cảnh Dương trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 – 1954) (Trang 26 - 28)

CHƯƠNG 2: LÀNG CHIẾN ĐẤU CẢNH DƯƠNG TRONG THỜI KỲ KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP XÂM LƯỢC (1945 – 1954)

2.1.1. Về xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng

Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Nước ta bước vào kỷ nguyên mới – Kỷ nguyên độc lập tự do. Từ đây nhân dân ta đã thoát khỏi ách nô lệ, đứng lên làm chủ vận mệnh dân tộc và vận mệnh của chính mình: Đảng ta từ một Đảng hoạt động bí mật trở thành Đảng cầm quyền, lãnh đạo nhân dân xây dựng chế độ mới dân chủ cộng hòa. Hòa trong không khí chung của cả nước, nhân dân Cảnh Dương phấn khởi tham gia xây dựng chế độ mới.

Về mặt thuận lợi: Sau Cách mạng tháng Tám, phong trào cách mạng như một dòng thác lôi cuốn tất cả các thành phần trong xã hội: người lao động, sư sãi, binh lính (lính đi Tây về), hương chức, tri thức, tài gia... hăng hái tham gia. Họ ra đường chào nhau bằng hai chữ “đồng bào”, và gọi nhau bằng hai chữ “đồng chí”. Tầng lớp hăng hái nhất là thanh niên, mà nòng cốt là tổ “Trần Quốc Toản” hầu hết là anh em nghèo đói, thất học. Số này về sau trở thành lực lượng trụ cột của phong trào. Nhân dân toàn xã giàu lòng yêu quê hương đất nước, có truyền thống đấu tranh kiên cường.

Về khó khăn: Cùng với những khó khăn chung của cả nước, tình hình Cảnh Dương lúc này gặp rất nhiều khó khăn.

Về kinh tế: Là một vùng giáp biển, thiên tai liên tiếp xảy ra cùng với hậu quả của nạn đói năm 1945 đã để lại gánh nặng cho chính quyền cách mạng. Hàng hóa khan hiếm, chợ làng không mở, nhân dân trong vùng thiếu ăn, làm cho nền kinh tế kiệt quệ.

Về văn hóa: Do hậu quả cai trị của chính quyền thực dân phong kiến và của thực dân Pháp, các tệ nạn xã hội như rượu chè, cờ bạc, cướp giật, đói kém, mù chữ,… ngày càng tăng.

Về giặc ngoại xâm: Ngày 6 – 9 – 1945, khi quân đội Nhật rút quân khỏi Quảng Bình thì một liên đội 200 quân Tàu Tưởng do Hoàng Thiếu Linh chỉ huy

lũ lượt kéo đến thị Xã Đồng Hới với danh nghĩa quân Đồng Minh vào tước giới quân đội Nhật. Vừa đặt chân, chúng đã đưa ra hàng loạt yêu sách ngang ngược, tung đồng bạc Quan Kim mất giá ở Trung Quốc phá rối thị trường và đòi chính quyền cách mạng phải cung cấp lương thực, thực phẩm cho chúng. Chúng khiêu khích, hách dịch, cướp bóc, phá hoại nhân dân ta. Có một điều đáng lo ngại nữa là cơ hội đó bọn Quốc dân đảng, bọn phản động đội lốt tôn giáo đã câu kết với quân Tưởng ra sức tuyên truyền nói xấu cách mạng, nói xấu Đảng. Chúng liên kết và kích động một số đồng bào xấu trong các tôn giáo, ngấm ngầm lập ra cái gọi là “Liên tôn chống cộng”, làm lung lạc tinh thần của nhiều binh lính cũ mới đi theo cách mạng.

Đội ngũ cán bộ đã từng lăn lộn, gắn bó với phong trào cách mạng của xã nhà, làm nên kỳ tích trong Cách mạng tháng Tám tiếp tục đứng ra quản lý xã hội mới nên chưa có kinh nghiệm, tổ chức Đảng của xã chưa được thành lập.

Như vậy sau Cách mạng tháng Tám cùng với nhân dân cả nước nhân dân Cảnh Dương phải đối mặt với ba thứ giặc là: giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm.

Trước tình hình khó khăn chung trong toàn tỉnh sau khi giành chính quyền, để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chủ yếu trước mắt là “Củng cố chính quyền, chống kẻ thù xâm lược, bài trừ nội phản, cải thiện đời sống nhân dân”, thì việc thành lập tổ chức Đảng là hết sức cấp bách.

Ngày 7 – 10 – 1945, Ban vận động thành lập Đảng bộ tỉnh Quảng Bình đã triệu tập hội nghị cán bộ toàn tỉnh tại thị xã Đồng Hới. Hội nghị bàn biện pháp phát triển Đảng và phát động toàn dân thực hiện 6 nhiệm vụ cấp bách do Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra trong phiên họp của chính phủ ngày 3 – 9 – 1945. Hội nghị đã quyết định: “Xây dựng Đảng, củng cố chính quyền cách mạng, mở rộng Mặt trận Việt Minh, phát triển các đoàn thể quần chúng vững chắc”.

Sau hội nghị, phủ ủy Quảng Trạch triển khai nghị quyết của tỉnh trong toàn huyện. Tình hình cách mạng đang đặt ra cho phủ ủy Quảng Trạch một trách nhiệm vô cùng nặng nề là cần có một tổ chức Đảng thực sự vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức để lãnh đạo nhân dân vượt qua những khó khăn, thử thách, xây dựng, cũng cố và bảo vệ vững chắc chính quyền cách mạng. Quảng Trạch là địa phương sớm có cơ sở Đảng và phong trào cách mạng của

quần chúng. Tổ chức Đảng ở Quảng Trạch có từ năm 1933, song trong thực tế phong trào cách mạng trước năm 1945 thường xuyên bị địch khủng bố. Hoạt động của tổ chức Đảng ở Quảng Trạch thiếu sự chỉ đạo trực tiếp của các tổ chức cấp trên… Ngay sau hội nghị cán bộ Đảng toàn tỉnh, trước tình hình khó khăn của phong trào cách mạng ở Quảng Trạch, tỉnh ủy lâm thời Quảng Bình đã cử đồng chí Nguyễn Đồng (tức là đồng chí Đồng Sĩ Nguyên, nguyên ủy viên bộ chính trị ĐCS Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch HĐBT. Nước CHXHCN Việt Nam) về làm Bí thư Phủ ủy và đồng chí Trần Văn Sớ về làm Chủ tịch Ủy ban cách mạng lâm thời.

Cuối tháng 10 – 1945, Phủ ủy Quảng Trạch đã triệu tập Hội nghị cán bộ Đảng toàn huyện tại Phủ lỵ Ba Đồn. Hội nghị kiểm điểm, đánh giá lại tình hình hoạt động các mặt trong hơn 3 tháng qua và quán triệt nội dung các chủ trương của Hội nghị cán bộ Đảng của tỉnh (7 – 10 – 1945) về công tác xây dựng Đảng, Hội nghị thảo luận và đi đến thống nhất thành lập huyện ủy lâm thời thay cho Phủ ủy và đề ra một số nhiệm vụ trước mắt:

- Xây dựng, củng cố Đảng bộ, phát triển Đảng viên mới, thành lập các chi bộ thôn, xã còn lại.

- Củng cố chính quyền, mặt trận Việt Minh và các đoàn thể cứu quốc.

- Phát động toàn dân tham gia các hoạt động xây dựng cuộc sống mới, hưởng ứng phong trào diệt giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm và phong trào “tuần lễ đồng” “tuần lễ vàng”, xây dựng quỹ “độc lập”.

Hội nghị bầu Ban chấp hành Đảng bộ huyện lâm thời, do đồng chí Nguyễn Đồng làm Bí thư.

Ở Cảnh Dương, nhân dân Cảnh Dương hưởng ứng nghị quyết của tỉnh ủy và phủ ủy, ra sức phấn đấu xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng đang còn non trẻ trên mọi mặt.

Một phần của tài liệu Khoá luận tốt nghiệp Lịch sử Làng chiến đấu Cảnh Dương trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 – 1954) (Trang 26 - 28)

w