Về chính trị

Một phần của tài liệu Khoá luận tốt nghiệp Lịch sử Làng chiến đấu Cảnh Dương trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 – 1954) (Trang 43 - 45)

CHƯƠNG 2: LÀNG CHIẾN ĐẤU CẢNH DƯƠNG TRONG THỜI KỲ KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP XÂM LƯỢC (1945 – 1954)

2.1.2.2.1. Về chính trị

Cả vùng Roòn và làng Cảnh Dương sau khi lập chính quyền vẫn chưa có tổ chức Đảng. Thực hiện chủ trương của huyện ủy lâm thời, đồng chí Đồng Sĩ Nguyên – Bí thư Huyện ủy đã trực tiếp chỉ đạo việc bồi dưỡng, kết nạp một số quần chúng trung kiên ở vùng Roòn vào Đảng những tháng đầu năm 1946. Ngày 7 – 8 – 1946, tại nhà ông Hai Nhuế (Di Lộc), chi bộ vùng Roòn ra đời, đảng viên của chi bộ gồm bốn đồng chí: Ngô Đình Khiêm, Nguyễn Ngọc Bơn, Nguyễn Túy, Trần Thị Tính. Đồng chí Ngô Đình Khiêm được chỉ định làm Bí thư chi bộ. Trong thời gian này chi bộ kết nạp được ba đồng chí: Nguyễn Nghi, Nguyễn Viễn và Trần Hình, sau đó kết nạp thêm được bốn đồng chí: Ngô Phi Điểu, Phạm Bá Chuôi, Nguyễn Ngọc Phơn, Phạm Cung [13; 79].

Như vậy, với nhiệm vụ chung của cả nước là củng cố, phát triển hệ thống tổ chức Đảng toàn tỉnh đến cơ sở, thành lập và kiện toàn cơ quan lãnh đạo Đảng các cấp. Nhân dân Cảnh Dương cùng với nhân dân cả nước, nhân dân trong tỉnh đã thành lập chi bộ Đảng vùng Roòn – Cảnh Dương, đáp ứng một cách kịp thời những nhiệm vụ đòi hỏi của nhiệm vụ lịch sử đang đặt ra trong thời kỳ Đảng lãnh đạo chính quyền và toàn dân bảo vệ độc lập, tự do đất nước. Đây là lần đầu tiên chi bộ Roòn – Cảnh Dương được tổ chức công khai, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của huyện ủy lâm thời huyện Quảng Trạch. Hoạt động của chi bộ từ đây đi theo một định hướng đúng đắn, thống nhất, vận dụng nghị quyết, chỉ thị của Đảng vào thực tế địa phương, định ra những chủ trương phù hợp, đúng đắn và những biện pháp tích cực, kịp thời, đưa phong trào “Kháng chiến kiến quốc” ở vùng Roòn – Cảnh Dương phát triển, tiến hành đấu tranh cách mạng thắng lợi. Đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng của nhân dân khu vực Roòn nói chung, nhân dân Cảnh Dương nói riêng, đánh giấu bước nhảy vọt về nhận thức tư tưởng chính trị của nhân dân, là điều kiện để nhân dân khu vực Roòn thống nhất hoạt động cùng nhân dân cả nước. Cũng từ đây, nhân dân Cảnh Dương đã có sự chỉ đạo sát sao, đúng hướng của chi bộ khu vực Roòn trên mọi mặt công tác, đặc biệt là công việc chuẩn bị kháng chiến.

Hạ tuần tháng 10 – 1946, tại Ba Đồn, hội nghị cán bộ Đảng toàn huyện Quảng Trạch được triệu tập. Hội nghị chủ trương: “Xây dựng căn cứ kháng

chiến, xây dựng lực lượng vũ trang, phát động toàn dân tích cực tham gia chủ động kháng chiến; tăng cường công tác xây dựng Đảng, phát triển đảng viên mới” [15; 142]. Thường vụ huyện ủy nhận định khu vực Roòn có vị trí quan trọng lúc chiến sự nổ ra. Đây là hội nghị thể hiện sự nhạy bén, sáng suốt, phân tích, đánh giá đúng tình hình địa phương của huyện ủy. Trước tình hình khẩn trương, cuối tháng 10 – 1946, theo sự chỉ đạo của huyện ủy, “Ủy ban chuẩn bị kháng chiến và hành chính” khu vực Roòn được thành lập, huyện chỉ định đồng chí Nguyễn Ngọc Bơn làm chủ tịch. Sự kiện này thúc đẩy mọi công việc chuẩn bị kháng chiến được tiến hành nhanh chóng. Sau ngày thực dân Pháp chiếm Quảng Bình (27 – 3 – 1947), “Ủy ban chuẩn bị kháng chiến và hành chính” chuyển thành “Ủy ban kháng chiến hành chính” khu Roòn trụ sở đóng ở Kim Long, vẫn do đồng chí Nguyễn Ngọc Bơn làm chủ tịch, đồng chí Đỗ Như Nen làm ủy viên quân sự. Tuy cơ quan bộ máy là của khu Roòn nhưng vì nhu cầu kháng chiến nên số đông cán bộ lúc bấy giờ là người Cảnh Dương. Mặc dù Ủy ban kháng chiến khu vực Roòn chỉ tồn tại được gần một năm, đến tháng 9 – 1947 thì bị giải thể, nhưng Ủy ban này đã thực hiện được nhiều hoạt động có tác dụng lớn đến chi bộ Cảnh Dương và các vùng khác xung quanh:

- Tập hợp được cán bộ vùng Roòn vào một mối dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng vùng Roòn.

- Xây dựng được phong trào cách mạng đồng đều ở các làng.

- Xây dựng được đội tự vệ làm tốt nhiệm vụ cách mạng là trấn áp bọn phản động và làm nòng cốt cho dân quân du kích các làng.

- Đảm bảo cho khu vực Roòn làm tốt vai trò là chiếc cầu nối giữa chiến trường Bình – Trị - Thiên và vùng tự do Thanh – Nghệ - Tĩnh.

Ủy ban kháng chiến khu vực Roòn chính là tiền thân của xã Thuận Bắc và Thuận Nam, đến tháng 9 – 1947 là xã Phú Trạch và Hòa Trạch, tồn tại cho đến kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp 1954.

Làng Cảnh Dương lúc này chỉ có một tổ Đảng thuộc chi bộ xã Hòa Trạch nhưng vì địa bàn trọng yếu về mọi mặt nên luôn là trọng điểm chỉ đạo của huyện Quảng Trạch và tỉnh Quảng Bình, nhất là trên lĩnh vực tổ chức chiến đấu, xây dựng lực lượng vũ trang.

Vừa tập trung xây dựng, kiện toàn bộ máy quản lí hành chính, nhân dân Cảnh Dương vừa tổ chức giác ngộ rõ bản chất, đường lối của cuộc kháng chiến, hiểu rõ âm mưu địch, thực hiện theo các bước của cuộc chiến tranh. Nhân dân tham gia các lớp huấn luyện ngắn ngày: Lớp “Ba giai đoạn kháng chiến”; lớp “Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi”; các buổi diễn thuyết của cán bộ liên khu IV, cán bộ tỉnh, huyện về chủ trương, đường lối của Đảng ta, về tính chất mục đích, nhiệm vụ kháng chiến... [11; 45] trang bị cho nhân dân Cảnh Dương những nhận thức mới, củng cố niềm tin vào thắng lợi của cuộc kháng chiến. Công tác động viên thi đua “sản xuất nuôi quân, giết giặc lập công, trừ gian diệt tề, bảo mật ba không: không nghe, không thấy, không biết” được quán triệt trong toàn dân có hiệu quả [11; 45].

Bên cạnh tổ chức Đảng, các tổ chức quần chúng ở Cảnh Dương tiếp tục xây dựng và củng cố: Hội mẹ chiến sĩ, Hội phụ lão cứu quốc, Hội nông dân, Đoàn thanh niên, Hội thiếu niên cứu quốc, Đội thiếu sinh quân... đã trở thành sức mạnh, niềm tin của thôn Cảnh Dương trong chín năm kháng chiến. Tiêu biểu cho các tổ chức ấy, giữa năm 1947, Chính quyền đã thành lập một đội thiếu niên lấy tên là “Trung đội thiếu niên quân”, khi thành lập có 12 em, do đó sau yêu cầu của cuộc kháng chiến, bổ sung thêm đợt hai có bảy em, đợt ba có sáu em, do Trương Cao Miên làm trung đội trưởng. Nhiệm vụ của trung đội là làm liên lạc cho thôn đội từ xã Hòa Trạch về các đại đội. Do làm tốt nhiệm vụ, đội được giao thêm nhiệm vụ liên lạc lên huyện, làm liên lạc đưa tin từ vùng địch tạm chiếm sang vùng tự do. Khi hòa bình lập lại, một số đi thoát ly, số còn lại ở nhà độ tuổi đã lớn, trung đội được giải thể.

Một phần của tài liệu Khoá luận tốt nghiệp Lịch sử Làng chiến đấu Cảnh Dương trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 – 1954) (Trang 43 - 45)

w