Mọi sự vật, hiện tượng đều được gắn với hệ tọa độ không - thời gian xác định, nên những cảm nhận của con người về thế giới đều bắt đầu từ sự đổi thay của không gian, thời gian. Không gian nghệ thuật trong tác phẩm văn học có tác dụng mô hình hóa các mối liên hệ của bức tranh thế giới như thời gian, xã hội, đạo đức tôn ti trật tự. Không gian nghệ thuật có thể mang tính địa điểm, tính phân giới – dùng để mô hình hóa các phạm trù thời gian như bước đường đời, con đường cách mạng. “Không gian nghệ thuật chẳng những cho thấy cấu trúc nội tại của tác phẩm văn học, các ngôn ngữ tượng trưng, mà còn cho thấy quan niệm về thế giới, chiều sâu cảm thụ của tác giác hay một giai đoạn văn học” [36; 161]. Như vậy, không gian nghệ thuật là phương thức tồn tại và triển khai của thế giới nghệ thuật. Không gian nghệ thuật trở thành phương tiện chiếm lĩnh đời sống, “mang ý nghĩa biểu tượng nghệ thuật”.
Trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, ngoài không gian thực xuất hiện trong tác phẩm như không gian nông thôn, không gian thành thị, giữa không gian hẹp ngoài trời, không gian rộng trong nhà… còn có không gian huyền thoại mang đậm chất kì ảo hay còn gọi là không gian ngoài xã hội. Ở đó, mỗi một kiểu không gian kì ảo lại gắn với những đặc trưng tính cách nhất định của nhân vật, nói lên những vấn đề nhất định của cuộc sống. Không gian kì ảo này tồn tại xung quanh cuộc sống nói lên quan niệm về thế giới của con người, cũng là chiều sâu cảm thụ của tác giả. Không gian mà Nguyễn Huy Thiệp miêu tả trong tác phẩm là một không gian có thực nhưng đã bị làm mờ đi nên người đọc dễ nhận thấy đó là một tác phẩm đầy rẫy yếu tố kì ảo. Đây là không gian để nhân vật diễn trò, có thể đó là không gian đám cưới, không gian của bến xe hay hẹp hơn là cái cổng, một con đường, một ngôi nhà, bến sông, biển… nhưng đôi khi người đọc lại không thể xác định được không gian địa lí của chúng bởi tính chất hư ảo của nó.
Đó là lí do mà rất nhiều truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp chúng ta bắt gặp một không gian kì ảo tồn tại ở một cõi vĩnh hằng ngoài thế gian này. Đơn cử,
trường hợp Những ngọn gió Hua Tát không gian huyền thoại hiện lên như truyện
cổ tích. Mười câu chuyện trong đó dường như được đẩy vào một thứ ngữ cảnh phi không gian – phi thời gian, được phủ bọc một bầu không khí huyền thoại. “Ở Hua Tát, những chuyện cổ như những bông hoa dại, màu vàng nhạt, bẻ như khuy áo, điểm đâu đó quanh rào trong các ngõ nhỏ. Đàn ông ngậm hoa này trong miệng uống rượu không bao giờ say. Nó cũng giống như những viên đá cuội trắng, có gân đỏ, mảnh như sợi chỉ nằm kín đáo nơi lòng suối. Phụ nữ thích những viên sỏi này. Họ nhặt nó về ủ trong áo lót đủ một trăm ngày”. Rõ ràng không gian kì ảo xuất hiện trong tác phẩm như nhằm để chuyển tải một thông điệp nghệ thuật nào đó đến với độc giả. Ở đó, nhân vật mặc sức vẫy vùng với con người thật của chính mình, lúc thật lúc hư, và không gian đã trở nên đa chiều. Trong không gian ấy, mọi sự vật đều
có sức mầu nhiệm. Trong Những ngọn gió Hua Tát nếu thời gian là quá khứ tuyệt
đối theo kiểu thời gian sử thi thì không gian là vùng núi rừng “quanh năm lung bung một thứ sương mù bàng bạc nên hình người và vật chỉ thoáng những nét nhòa nhòa đại thể”. Bằng cách đó, nhà văn đã biến mười câu chuyện trong bản nhỏ trở thành biểu tượng cho một thứ lương tri dân gian sáng suốt tồn tại vĩnh cửu trong tâm thức con người. Như vậy, có thể coi đây là phương thức xây dựng huyền thoại mới trên cơ sở hóa giải huyền thoại cũ.
Có một sự trùng hợp khá ngẫu nhiên rằng phần lớn không gian kì ảo lại được nhà văn xây dựng trong những không gian lớn điều này càng làm tăng tính chất kì ảo trong tác phẩm. Bởi lẽ sự kì ảo đã đủ khiến cho bạn đọc mơ hồ thì giờ đây nhà văn còn xây dựng ở một không gian mênh mông đất trời. Đó không chỉ là không gian mờ ảo của núi rừng Tây Bắc, cũng không dừng ở những ngọn núi bản Hua Tát… mà ở đó còn có cả những ngọn núi Hoa Qủa Sơn, Thủy Liêm Động (Muối của rừng) như phim Tây Du Ký vậy. Tại đó, người ta thấy những loài “hoa tử huyền nhiều không kể xiết”. Trong khi đó, loài hoa tử huyền này cứ ba chục năm mới nở một lần. “Người nào gặp hoa tử huyền sẽ gặp may mắn. Hoa này mà u
trắng, vị mặn, bé bằng đầu tăm, người ta vẫn gọi hoa này là muối của rừng. Khi rừng kết muối, đấy là điềm báo đất nước thanh bình, mùa màng phong túc”. Hay
đơn giản chỉ là những vệt sương mù trùm kín Muối của rừng cũng đủ cho ta thấy
đây là một tác phẩm sử dụng đậm chất không gian kì ảo: “Đến chân núi đá, ông Diểu kiệt sức. Ông ngồi phệt xuống nhìn về phía vực. Bây giờ sương mù đã trùm kín nó. Ông sực nhớ ra đây là khu vực đáng sợ nhất trong thung lũng, khu vực mà cánh thợ săn đặt tên cho là Hõm Chết”… Ngay cả điểm nhìn ở cuối tác phẩm “bóng ông nhòa vào màn mưa” cũng cho thấy tương lai vẫn là những điểm mờ không lối đi. Người đọc cũng chưa thể trở về với cuộc sống hiện thực dù tác phẩm đã nhẹ nhàng khép lại. Bút pháp này cho thấy có đôi chút tương đồng với những cây bút lớn của các nhà văn trên thế giới như: Tsêkhốp, J.London, Heminguê… tất cả đều sử dụng không gian mênh mông để diễn đạt trạng thái cô đơn của con người – một cá thể nhỏ nhoi giữa biển trời vô cùng diệu vợi.
Hay Con gái thủy thần cũng là một truyện sử dụng không gian mênh mông như vậy. Tại đây nhà văn đã cho sự hư ảo cùng chảy với dòng sông cái, cùng hiện lên với bãi mía của dân làng… Nghĩa là nhà văn đã kết hợp yếu tố kì ảo với hiện thực đời sống, gắn vào cuộc sống mưu sinh của người dân để tính huyền thoại này càng có sức sống mầu nhiệm hơn trong lòng bạn đọc. Thử giả thiết, nếu không có sự tác động, ảnh hưởng tới một nhu cầu bức thiết nào đó của con người trần thế thì có lẽ cô gái thủy thần kia có tồn tại trong tác phẩm cũng chẳng ai để ý, bởi lẽ chẳng ảnh hưởng đến ai. Và cuộc sống với Chương vẫn tiếp tục chảy trôi như bao người khác. Nhưng chắc chắn để nhân vật trơ vơ trong tác phẩm mà không có một chức năng thúc đẩy sự phát triển của cốt truyện hẳn tác phẩm đó sẽ trở thành vô nghĩa hoặc chí ít không thu hút độc giả. Bằng lí do như vậy, không tội gì nhà văn không xây dựng cho mình thêm không gian kì ảo để „con đẻ‟ của mình thêm sinh động trong mắt bạn đọc.
Đó chính là lí do Chương thấy: “Một buổi, trăng rất sáng, tôi nhớ đận ấy vào dịp tháng Bẩy, tôi đi gác quanh bãi mía, ánh trăng soi rõ mồn một, trông thấy cả những rễ mía trông hơi giống đầu rễ si đâm tua tủa ở các đốt cây. Rặng mía hắt
bóng thẫm đen chạy dài trên mặt cát đã bị gió làm cho khô se đi nên rất mịn. Thỉnh thoảng gió đùa rào rào trong bãi mía nghe lạnh cả người”… Sau một hồi ráo riết bắt kẻ trộm bãi mía, Chương mới té ngửa ra vì biết con gái thủy thần trêu. Chàng vừa sợ vừa mừng vì được gặp nhân vật bấy lâu chàng đã nghe kể lại. Để rồi, sau hôm đó chàng cứ mãi đi kiềm tìm bóng hình nàng. Con gái thủy thần – “nàng hiện ra trong ánh sáng mờ mờ huyền ảo. Nàng không hùng biện. Nàng chỉ buồn rầu”. Và rồi chương “cứ đi, đi mãi... “tìm nàng. Con gái thủy thần! Nàng ở đâu? Nàng ở chỗ nào? Vì cái gì? Bởi cái gì? Ðể tôi mượn màu son phấn ra đi... Như vậy, đến cuối truyện Con gái thủy thần, Chương vẫn đi tìm Mẹ Cả, thế giới thuộc về anh ta là không gian bên ngoài thậm chí ngoài xã hội. Nó không chỉ dừng ở không gian ngoài vườn, ngoài đồng, bên sông… và biển mà đó còn là không gian huyền thoại – trong mơ ước. Vượt qua ranh giới này anh ta sẽ gặp sự cố, gặp tai biến. Đi tìm Mẹ Cả - con gái thủy thần, Chương hướng về phía mặt trời mọc, hướng ra biển mà đi mang theo khát vọng về một ngày nào đó sẽ tìm thấy tình yêu đích thực của mình, tìm thấy lẽ sống của cuộc đời. Nhưng cuộc sống – thể xác lại cuốn anh ta theo dòng người đổ về thành phố. Ba lần gặp cô gái có tên Phượng là ba lần trong cuộc đời anh ta có những thay đổi và dịch chuyển lớn lao. Nghịch lý xuất hiện khi nơi gặp gỡ vốn không thuộc về Chương. Nó khiến anh ta trở nên lạc lõng, lố bịch và đau đớn. Lại thêm một truyện kết thúc trong sự đau đớn, suy sụp của nhân vật trong không gian huyền thoại vốn không dành cho người trần mắt thịt.
Đến tác phẩm Thương nhớ đồng quê người đọc nhận thấy “Vũ trụ mở ra vô
cùng vô tận. Gió ào ào, nghe như có muôn vàn cánh chim bay đang vỗ trên đầu. Một cảm giác kinh dị xâm chiếm toàn thân khiến tôi bủn rủn. Tôi rõ ràng thấy có một bóng hình vĩ đại đang lướt nhanh qua, đang chuyển vận mãnh liệt trên đầu. Tôi nằm áp xuống bờ rạ, tâm trạng bâng khuâng, thổn thức”. Dường như nỗi sợ hãi, sự cô đơn đã trở thành “bột nêm” cho Nguyễn Huy Thiệp xây dựng trong bất cứ một thành tố nghệ thuật nào trong tác phẩm, song song với không gian kì ảo đầy mông lung của tự nhiên. Nỗi sợ hãi này thực chất lại bắt nguồn từ chính sự ý thức được nỗi cô đơn, sự nhỏ bé của con người trong cõi đời mênh mông rộng lớn. Tâm trạng
này cũng chỉ nảy sinh khi con người ở trong tình trạng một mình, nhỏ lẻ không gian rộng lớn như giữa cánh đồng vắng, trên dòng sông vắng, trong ngôi nhà vắng, trên đồi vắng… Và Nguyễn Huy Thiệp đã dựng lên được những không gian ấy để nhân vật thỏa sức vẫy vùng “kêu người không thưa, kêu trời không thấu”.
Nhưng Nguyễn Huy Thiệp không chỉ dừng ở không gian mênh mông đất trời, sông nước mà nhà văn còn triệt để khai thác một dạng thức không gian tù túng, trì đọng, ít có sự liên hệ với thế giới bên ngoài. Tất cả trở nên mơ hồ, bấp bênh giữa hư và thực. Không gian ấy thực ra đều bắt nguồn từ chính tâm trạng của con người, thế giới tưởng tượng của con người với những điều bí mật tưởng chừng như nghịch
lí. Đó là sự tù túng từ ngay chính sũy nghĩ của nhân vật Chương trong Con gái thủy
thần đến sự tù túng trong không gian nông thôn. Ở đó, nhân vật đi tìm nhân vật điều bí ẩn, nhưng những huyền thoại này cuộc sống văn minh đô thị không còn chấp nhận, mọi người đã lãng quên và cơ hồ biến mất và đó là lí do nhân vật bao giờ cũng xuất phát từ làng quê: con đò, bến Cốc… đi tìm. Bởi chỉ có làng quê mới có thể là không gian lí tưởng để lưu giữ những huyền thoại xa xưa… Điều này cũng cho ta thấy được sự đối lập giữa hai kiểu không gian đóng và mở, một bên là không gian trì đọng nông thôn và bên kia là thị thành tấp nập không bao giờ chấp nhận điều kì ảo, vô căn cứ. Ở đó họ chỉ tin vào những điều tai nghe, mắt thấy và có tính khoa học. Ở đó sự minh triết được ứng dụng tối đa.
Một điều đặc biệt là phần lớn không gian kì ảo trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp đều gắn với tự nhiên, thiên nhiên – những cái tồn tại khách quan bên ngoài con người. Đó là một dòng sông, một bến đò mơ màng và cô liêu (Chảy đi sông ơi); là một cánh rừng “xanh ngắt và ẩm ướt” đang độ xuân về (Muối của rừng); là bạt ngàn rừng núi một sắc trắng hoa ban (Muối của rừng); là bạt ngàn
rừng núi một sắc trắng hoa ban (Những người thợ xẻ); là những cơn mưa nhiệt đới
khi thì dai dẳng thấm vào vách, vào lòng người, khi thì ào ạt nuốt vào đêm rừng
mênh mang, sâu thẳm (Chuyện tình kể trong đêm mưa)… Nhân vật trong truyện
ngắn Nguyễn Huy Thiệp được đặt vào thế đối diện với thiên nhiên bao la, vĩnh hằng để hoặc là “ngộ” ra thân phận bé nhỏ, cô đơn, mong manh và phù du của nhân sinh
trước dòng chảy tự nhiên vĩnh cửu, hoặc là tìm về với “bản lại diện mục” của chính mình, bảo tồn phần nhân tính thuần phác trước những tác động mạnh mẽ của xã hội hiện đại. Chính tự nhiên đã dạy cho con nười bài học làm người. “Hãy đến với tự nhiên bằng tâm thế hòa hợp chứ không phải là chinh phục, là khai chiến” – đó phải chăng là thông điệp mà Nguyễn Huy Thiệp muốn gửi đến độc giả của hôm nay và mai sau qua các truyện ngắn của ông?.
Tuy nhiên, trong tác phẩm của mình, Nguyễn Huy Thiệp ít khi quan tâm đến xây dựng một kiểu bối cảnh mang ý nghĩa phổ quát nhằm vĩnh viễn hóa một ý niệm nào đó để cập đến những vấn đề nhân sinh vĩnh cửu của con người hay thời đại. Mà không gian trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp được tạo dựng theo nhiều cách thức khác nhau với những vai trò không giống nhau: đôi khi trở thành thành tố cấu thành một số biểu tượng… Trong Thiên văn, Sang sông, Hạc vừa bay vừa kêu thảng thốt, Đưa sáo sang sông… nhà văn lựa chọn những không gian, những thời điểm có ý nghĩa biểu trưng, kết hợp với các yếu tố khác như nhân vật, sự kiện… tạo nên một mô hình có tính ẩn dụ cao.
Tóm lại, bằng sự kết hợp hài hòa giữa cái thực và cái ảo, chúng xen lẫn và chuyển hóa lẫn nhau đã tạo ra cho sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp một không gian thứ ba “không gian huyền thoại” đầy tính nghệ thuật. Ở đó, người ta đã thấy những cách tân nghệ thuật độc đáo nhất của nhà văn chính là „nghệ thật biểu hiện cái phi lý trong việc tạo dựng không gian‟ nhưng lại nói lên những vấn đề bức thiết của cuộc sống hiện đại. Ở đó nhân vật tồn tại trong một một thế giới mà ta cảm nhận được là hình ảnh của những cơn ác mộng với những nỗi lo âu trần thế. Chất huyền thoại trong sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp còn được thể hiện trong những không gian mang tính lịch sử với đời sống hoang sơ, trì đọng “thung lũng Hua Tát ít nắng. Ở đây quanh năm cứ lung bung một thứ sương mù bàng bạc nên nhìn người và vật thì chỉ nhìn thấy những nét nhòa nhòa đại thể mà thôi. Đó là thứ không khí huyền thoại”. Như vậy, với việc tạo dựng các tọa độ không gian đặc biệt, Nguyễn Huy Thiệp đã tạo nên một „dung môi‟ thích hợp cho sự xuất hiện vừa dày đặc, vừa đa dạng cái kì ảo, như một phương thức làm sống dậy biểu tượng. Lối viết này còn
xuất hiện rất nhiều trong các sáng tác của văn xuôi đương đại như một phương thức xây dựng hư cấu được ưa chuộng nhất.