Hình ảnh có một vai trò quan trọng trong chức năng diễn đạt, trong văn, thơ,
cũng như trong tất cả các ngành nghệ thuật tạo hình. Hình ảnh trong văn chương là hình ảnh của sự vật mà ngôn ngữ văn chương gợi lên trong óc tưởng tượng của
chúng ta qua những khái niệm và biểu tượng, có khả năng diễn đạt nội tâm của chủ
thể sáng tác. Nhưng để một hình ảnh nào đó trở thành biểu tượng hay yếu tố cấu thành biểu tượng đòi hỏi phải có những tính chất nhất định như sự năng động trong việc phản ánh các chiều sâu hiện thực cũng như trong tâm thức con người, khả năng gợi thức liên tưởng, khả năng gây ám ảnh, thủ pháp lặp hình ảnh… để nhà văn xây dựng thành các biểu tượng từ các hình ảnh có ý nghĩa tượng trưng.
Trong ý nghĩa như vậy, truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp xuất hiện nhiều hình ảnh, mang tính biểu tượng. Đó có thể là hình ảnh một con người ra đi tìm kiếm một
điều gì đó trong khát vọng cháy bỏng và nỗi khắc khoải khôn nguôi (Con gái thủy
thần). Hay hình ảnh về những dải hoa dại bạt ngàn gợi ý niệm về cái đẹp nguyên
càng hiếm hoi cạn kiệt trong tâm hồn con người hiện đại. Cũng có thể là hình ảnh của dãy vòng cung Đông Sơn xuất hiện nhiều lần trong một tác phẩm như những tín hiệu nghệ thuật đầy ý nghĩa ám dụ. Ngoài ra trong truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp còn hàng loạt những hình ảnh được nâng lên thành biểu tượng. Như hình ảnh: biển, sông, hồ, đầm, suối, mưa, sương… được nâng lên thành biểu tượng nước. Nhưng phương pháp để nhà văn lồng các hình ảnh xuất hiện trong truyện cũng rất đa dạng: có khi hình ảnh như một giấc mơ thoáng hiện giữa cuộc mưu sinh nhọc nhằn của con người (rừng hoa ban bạt ngàn trong Những người thợ xẻ), có khi hình ảnh lại hiện lên như những giá trị tuyệt đối ám ảnh trong thẳm sâu tâm hồn
thúc giục nhân vật ra đi kiếm tìm (hình ảnh Mẹ Cả trong Con gái thủy thần), có khi
hình ảnh lặp đi lặp lại như một hoài niệm ăn sâu vào tiềm thức nhân vật thành ý niệm về những giá trị đích thực đã vĩnh viễn mất đi giữa cõi thế gian này (một vùng
núi xanh mây trắng trong hồi ức của ông giáo Chi trong Sống dễ lắm), hoặc nhiều
khi hình ảnh lại lóe sáng từ chính vô thức nhà văn… Chính những hình ảnh lặp đi lặp lại đó là những hình ảnh giàu tính chất ám thị, gợi mở một thế giới vô cùng vô tận nằm ngoài bề mặt cảm tính của hình tượng. “Sự lặp lại nhiều lần một cách bất thường của nó xoáy sâu vào tâm trí người đọc những dấu hỏi, những băn khoăn không dứt, và nhiều khi nó găm lại trong tiềm thức người đọc một cách nhanh chóng và lâu bền mà không giải thích được vì sao” [86; 132].
Đầu tiên, có thể dễ dàng nhận ra trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp sự
xuất hiện nhiều lần hình ảnh nhân vật ra đi kiếm tìm một chân trời mới mà đôi khi
chính bản thân nhân vật cũng chưa biết rõ thứ mình tìm kiếm. Điển hình như trong
Con gái thủy thần, nhân vật Chương rời bỏ lũy tre làng với những vương hệ lụy mang màu sắc huyền thoại lãng mạn của cái tôi thức tỉnh, huyền thoại của riêng anh ta về một sự toàn vẹn tuyệt đối không thể có ở cõi đời này. Hình ảnh “Tôi nhằm hướng mặt trời mọc mà đi…” thỉnh thoảng lại hiện ra trong tác phẩm như một khát vọng đau đáu. Hình ảnh này còn xuất hiện trong nhiều truyện ngắn khác và thường nằm ở cuối truyện, gợi liên tưởng đến một hành trình bất tận không có điểm kết.
Tôi băng qua cánh đồng, qua dòng sông”. Vì “mặt trời bao giờ cũng ở phía trước mặt tôi”. Hay trong Những người thợ xẻ, kết thúc tác phẩm là hình ảnh những người thợ xẻ đi mãi trên chiếc cầu vồng bảy sắc trong giấc mơ tràn ngập hoa ban trắng, một màu trắng nao lòng của nhân vật tôi với một câu hỏi khắc khoải: “Này hoa ban, một ngàn năm sau thì mày còn trắng thế này không?. Chúng tôi cứ đi, đi mãi… Tôi biết chắc ở trước mặt tôi đấy là cổng Trời, là cổng Thiên đường”. Nhân
vật tôi trong Những người muôn năm cũ cũng rời bỏ núi heo hút, man rợ của mình
để đuổi theo ngôi sao mai lấp lánh cuối chân trời vì không muốn thấy ngôi sao kia lụi tàn… Như vậy, dù hình ảnh về hành trình nhân vật tôi đi hướng về phía mặt trời đôi lúc chỉ thoáng hiện mong manh hư ảo giữa cuộc đời trần trụi nhưng đã phản ánh được nỗi niềm khát vọng trong tâm thức nhà văn, hướng về những giá trị tuyệt đối Chân – Thiện – Mĩ. Bởi vì khi nhân vật ra đi tìm kiếm một chân trời mới cũng chính là lúc nhân vật tôi thức tỉnh để bắt đầu một hành trình xác định giá trị tồn tại của mình thật sự trong cuộc đời này vì lẽ gì?
Bênh cạnh hình ảnh về một con người ra đi, đau đáu tìm kiếm một khoảng trời khắc khoải, sáng tác Nguyễn Huy Thiệp còn hấp dẫn tầm mắt độc giả bởi
những rừng hoa dại bạt ngàn. Những hình ảnh này xuất hiện rất nhiều lần trong các
truyện mang ý nghĩa biểu trưng khác nhau, nhưng lần nào cũng gây nên những rung động mạnh mẽ đối với độc giả. Hình ảnh “Bạt ngàn là hoa ban trắng bên đường, màu trắng đến là khắc khoải, nao lòng” hiện lên trong truyện ngắn Những người thợ xẻ; là rừng hoa tử huyền “nhiều không kể xiết” trong Muối của rừng hiện thân cho niềm tin chiến thắng của cái thiện khiến nhân vật và cả người đọc không khỏi xúc động. Đó là rừng “hoa cúc dại nở vàng đến nhức mắt” bao bọc một bầu không
khí huyền thoại xuất hiện nhiều lần trong chùm mười câu chuyện Những ngọn gió
Hua Tát; là cả rừng “hoa cúc dại nở vàng rực rỡ như mê man đầy trong những thung lũng hoang vắng không có một bóng người nào” trong nỗi nhớ da diết của
ông giáo Chi với tác phẩm Sống dễ lắm cũng như nhân vật tôi trong Những người
muôn năm cũ “ mùa hoa cúc dại ngai ngái vương vấn tưởng như vừa quen vừa lạ”; là “những bông hoa dại, màu vàng nhạt, bé như khuy áo, điểm đâu đó quanh rào
trong các ngõ nhỏ” đem lại điều kì diệu cho dân làng, trở thành loại “thần dược” cho các cô gái muốn “chồng mình sẽ không bao giờ mơ tưởng đến những người phụ nữ khác”… Những hình ảnh này một mặt gợi ý niệm về cái đẹp nguyên sơ, chân thực của cuộc sống, vừa thức dậy trong người đọc những cảm xúc trong trẻo như được tắm mát trong mạch nước nguồn tinh khiết của tự nhiên, gạn lọc những tạp chất xô bồ của cuộc sống hiện đại đang ngày càng xâm chiếm vào đời sống. Mặt khác, chính những hình ảnh tươi đẹp này lại góp phần đánh thức cho mỗi người chúng ta những khoảng trời mơ ước, khơi mở cho con người kỷ nguyên mới bước vào vùng đất thiêng tự khám phá những rừng hoa dại mênh mông trong tận thẳm sâu tâm hồn mình. Còn gì tuyệt vời hơn khi nhân vật tự thức tỉnh, kèm theo đó là những hình ảnh tươi đẹp của tự nhiên ban tặng “tâm tĩnh, cảnh đẹp” thì chẳng còn lí do con người không tự soi chiếu và trở về bản thể của mình rõ ràng nhất. Nói theo ngôn ngữ của cuộc sống hiện đại, nhiều lúc con người ta sống rốt cục cũng chỉ vì muốn được sống là chính mình “tự do, tự tại” là vì vậy.
Ngoài ra, còn có một số hình ảnh xuất hiện nhiều lần trong sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp như những tín hiệu nghệ thuật đầy ý nghĩa ám dụ. Chẳng hạn,
hình ảnh Mẹ Cả xuất hiện lặp đi lặp lại trong Con gái thủy thần có nguồn gốc từ
chính tín ngưỡng dân gian nơi làng quê. Về biểu tượng có thể hiểu Mẹ Cả là một cổ mẫu trong kho tàng folklore Việt Nam. Mẹ Cả là con của giao long được sinh ra
trong một đêm mưa gió dưới gốc muỗm bên sông. Huyền thoại về Mẹ Cả trong Con
gái quỷ thần là câu chuyện cứu cha con ông Hội thoát chết hay giúp làm nguôi cơn giận của thần sông với những người muốn mang chiếc trống linh thiêng đi… Và hành trình Chương đi tìm Mẹ Cả chính là hành trình con người đang hoài vọng tìm về những huyền thoại đã mất, với khát khao cháy bỏng tìm lại thế giới thiêng. Để rồi khi đi tìm Mẹ Cả, Chương không còn lối quay về vì thế giới thiêng đó thật mông lung, hư ảo. Kết thúc truyện, nhân vật Chương vẫn trên hành trình không ngừng nghỉ đi về phía biển, với một câu hỏi da diết, đau đớn: “Con gái thủy thần! Nàng ở đâu? Nàng ở chỗ nào? Bởi lẽ gì”. Như vậy, hình ảnh Mẹ Cả đã được tác giả nâng lên thành những biểu tượng nghệ thuật mang vẻ đẹp của “thiên tính nữ”, biểu tượng
của cái Đẹp mà bất cứ một người phàm tục nào đều muốn hướng tới. Mẹ Cả đã trở thành biểu tượng cho sự phù hộ bất ngờ, là biểu tượng của người mẹ - trinh nữ, hiện thân của sự trong sáng vô tư đến giải cứu con người đang bị lối sống đô thị đe dọa.
Hay trong Thương nhớ đồng quê, hình ảnh dãy vòng cung Đông Sơn xuất hiện rất
nhiều viền quanh hình ảnh làng quê trong tâm thức nhân vật tôi như những rào chắn, những giới hạn vây quanh số phận con người, tạo nên một bầu không khí tù đọng, nặng nề. Hình ảnh này trở thành một thành tố cấu thành biểu tượng nông thôn trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp.
Trên đây chúng tôi chỉ khái lược những hình ảnh kì ảo mang ý nghĩa biểu tượng điển hình trong sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp. Bởi ngoài phạm vi đó còn hàng loạt những hình ảnh khác cũng được nâng lên thành những biểu tượng nghệ thuật như các hình ảnh: biển, sông, hồ, đầm, suối, mưa, sương… được nâng lên
thành biểu tượng nước. Khảo sát qua truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, biểu tượng
nước được soi chiếu qua những biến thể khác nhau: “Biển rộng vô cùng. Tôi chưa biết biển… Ngày mai tôi đi ra biển. Ngoài biển không có thủy thần” [102; 79] trong
Con gái thủy thần, là sông: “Con sông bến nước mơ màng và buồn cô liêu, nửa như chờ đợi, nửa như hờn dỗi” [95;5] trong Chảy đi sông ơi… Mỗi biến thể lại mang trong mình những ẩn ý, hàm nghĩa sâu xa, vừa mang hơi hướng biểu trưng chung của mẫu gốc nước, vừa mang những hướng nghĩa biểu trưng riêng gắn liền với những đặc điểm bản thể của nó. Hoặc cũng có thể là hình ảnh trần tục như trong
Muối của rừng, ông Diểu một mình “trần truồng như thế, cô đơn như thế mà đi” biểu tượng cho sự trở về với đất mẹ thiên nhiên, trở về với những giá trị bản năng của con người…
Như vậy, với thủ pháp lặp hình ảnh, Nguyễn Huy Thiệp đã vô hình giúp độc giả xâu chuỗi thành những biểu tượng trong một thế giới nghệ thuật thống nhất. Đó có thể là những hình ảnh có nguồn gốc từ cổ mẫu trong tâm thức dân gian, có thể lấy từ chính những trải nghiệm của chính cuộc đời nhà văn, hoặc cũng có thể do nhà văn tưởng tượng nên để gửi gắm những triết lý nhân sinh của mình… Tất nhiên, những yếu tố trên không tách bạch mà xuyên thấm, đan xen nhau trong các hình ảnh
– biểu tượng. Qua những hình ảnh kì ảo mang tính tượng trưng cao, nhà văn muốn xoáy sâu vào tâm trí người đọc những dấu hỏi lớn về xã hội, từ đó cảm nhận, trải nghiệm, về cuộc sống chính mình, đồng thời qua đó độc giả thấy được phần nào đó những suy tư trăn trở của nhà văn về cuộc đời.