Lý thuyết tự sự từ trước đến nay luôn đề cao vai trò của cốt truyện. Vậy cốt truyện là gì? Để trả lời câu hỏi này giới nghiên cứu văn học đưa ra nhiều cách định nghĩa khác nhau.
Trong cuốn Lý luận văn học, cốt truyện được xác định là “một hệ thống các
sự kiện phản ánh những diễn biến của cuộc sống và nhất là các xung đột xã hội một cách nghệ thuật, qua đó các tích cách hình thành và phát triển trong những mối quan hệ qua lại của chúng nhằm làm sáng tỏ chủ đề và tư tưởng tác phẩm” [19; 137].
Theo Từ điển thuật ngữ văn học thì cốt truyện là “hệ thống sự kiện cụ thể, được tổ
chức theo yêu cầu tư tưởng và nghệ thuật nhất định, tạo thành bộ phận cơ bản, quan trọng nhất trong hình thức động của tác phẩm văn học thuộc các loại tự sự và kịch” [36; 99]. Còn theo Từ điển văn học thì cốt truyện là thuật ngữ chỉ “sự phát triển của hành động, của tiến trình các sự việc, các biến cố trong tác phẩm tự sự và kịch, đôi khi cả trong tác phẩm trữ tình” [10; 324].
Cốt truyện có vai trò vô cùng quan trọng trong việc làm sáng tỏ chủ đề và tư tưởng tác phẩm văn học, mặc dù việc định nghĩa cốt truyện vẫn chưa đi đến đích cuối cùng thậm chí vẫn còn xảy ra tranh cãi nhưng vai trò của nó trong một tác phẩm văn học là không thể chối cãi. Cốt truyện là một yếu tố thuộc về nội dung, và là một phương thức hiển hiện của hình thức nghệ thuật trong tác phẩm văn học, chủ yếu nằm trong hai thể loại tự sự và kịch. Nó được coi là bộ phận cơ bản, “quan trọng nhất” trong hình thức động của tác phẩm văn học thuộc loại tự sự và kịch. Ngoài ra, cốt truyện còn được coi là “toàn bộ các biến cố sự kiện được nhà văn kể ra, là cái mà người đọc có thể đem kể lại”.
Khi tiếp cận khái niệm cốt truyện chúng ta cần phải phân biệt một số khái niệm đi kèm với cốt truyện như câu chuyện và sườn chuyện. Câu chuyện là khái
niệm “thường được dùng trong trường hợp có yêu cầu kể lại một sự việc nào đó xảy ra trong đời sống mà người kể là người trực tiếp chứng kiến hay được nghe kể lại” [19; 137]. Do yêu cầu nhận thức của người nghe, trong câu chuyện trình tự các sự việc thường được sắp xếp trước sau đúng như trình tự trong đời sống của chúng. Còn ở trong cốt truyện thì trình tự các sự kiện có thể bị đảo lộn chứ không tuân theo diễn biến các sự kiện xảy ra. Việc thay đổi này một phần nào đó gây sự chú ý của
người đọc hay để nêu bật chủ đề tư tưởng của tác phẩm. Còn sườn truyện thường
được hiểu với một phạm hẹp hơn khái niệm cốt truyện, nó chỉ là “cái khung bao gồm các biến cố chính cắm mốc cho sự phát triển của cốt truyện, chứ không bao gồm cả các tình tiết cụ thể như cốt truyện” [19; 138].
Về phân loại cốt truyện, tùy thuộc vào từng tiêu chí, các nhà nghiên cứu
thường chia cốt truyện thành nhiều loại. Xét theo phương diện kết cấu và quy mô nội dung có thể chia cốt truyện thành cốt truyện đơn tuyến và cốt truyện đa tuyến. Xét theo tiêu chí thời gian có cốt truyện tuyến tính, cốt truyện khung và cốt truyện gấp khúc. Còn xét theo tiêu chí sự kiện thì người ta chia cốt truyện thành cốt truyện phân đoạn, cốt truyện liền mạch, cốt truyện ghép mảnh, cốt truyện siêu văn bản… Bên cạnh đó, nếu căn cứ theo hình thức biểu hiện về mặt kết cấu sẽ có cốt truyện đóng và cốt truyện mở… Nhưng nhìn chung việc phân chia này chỉ mang tính chất tương đối bởi vì bản chất một cốt truyện bao giờ cũng có sự dung hòa của nhiều loại cốt truyện.
Cốt truyện là thành phần quan trọng trong tác phẩm văn học. Chính sự lôi cuốn và hấp dẫn của nó đã góp phần tạo nên sức mạnh thuyết phục của chủ đề và tư tưởng tác phẩm. Cốt truyện góp phần bộc lộ hiệu quả đặc điểm mỗi tính cách nhân vật trong toàn thể sự phản ánh trung thực của nhà văn. Nói về vấn đề này, M. Gorki đã từng khẳng định, cốt truyện là “hệ thống các quan hệ qua lại của các nhân vật, là lịch sử sự phát triển và sự tổ chức một tính cách nào đó” [24; 324]. Như vậy, cốt truyện là phương diện bộc lộ tính cách nhân vật đặt trong mối quan hệ giữa con người với con người. Với tư cách là một hệ thống những biến cố, cốt truyện còn là
phương diện nghệ thuật độc đáo để nhà văn tái hiện các mâu thuẫn của đời sống thông qua các xung đột nhân cách. Tóm lại, cốt truyện là phương diện của lĩnh vực hình thức nghệ thuật, thông qua đó nhà văn thể hiện ý đồ, tư tưởng, chủ đề của tác phẩm.
Trong văn học truyền thống, cốt truyện được đánh giá rất cao. Còn trong giai đoạn văn học mới, vai trò của cốt truyện đang dần dần xem nhẹ vì cuộc sống hiện đại gấp gáp, thế giới vi tính, kinh tế thị trường phát triển mạnh như vũ bão và không tuân theo một nguyên tắc quy luật nào cả. Dù vậy, cốt truyện vẫn đóng một vai trò nhất định, nó không chỉ đơn thuần theo phương thức truyền thống là sâu chuỗi các sự kiện hành động của mỗi nhân vật mà nó còn có những biểu hiện đa dạng, phức tạp hơn. Đại văn hào Gớt là một trong những người đặc biệt coi trọng cốt truyện trong sáng tạo truyện ngắn. Ông đã từng nói: “Đúng vậy, còn gì quan trọng hơn cốt truyện và nếu thiếu nó thì cả nền lí luận nghệ thuật sẽ còn ra gì nữa? Nếu cốt truyện không dùng được thì tài năng ta cũng sẽ lãng phí vô ích. Và chính vì nghệ sĩ hiện nay không có những cốt truyện xứng đáng nên tình hình nghệ thuật hiện đại mới bi đát như thế” [17;16]. Moon – tác giả truyện ngắn Anh thời hiện đại cũng khẳng định: “Nhà văn sống bằng cốt truyện như họa sĩ sống bằng màu và bút vẽ vậy” [81; 149].
Ở Việt Nam, từ đầu thế kỉ XX, đặc biệt từ những năm 80 của thế kỉ, nghệ thuật xây dựng cốt truyện đã có nhiều đổi mới. Nguyễn Huy Thiệp cũng là một tác giả tiêu biểu có nhiều sáng tạo trong xây dựng cốt truyện. Một trong những biện pháp mà người ta thấy cốt truyện trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp hấp dẫn chính là nhờ vào những dạng cốt truyện kì ảo: Cốt truyện giả huyền thoại, giả cổ tích; Cốt truyện gần với thơ; Cốt truyện ảo cốt truyện... Bởi vậy, trong phần này chúng tôi sẽ đi phân tích và làm rõ hơn ba dạng cốt truyện mang màu sắc kì ảo trong những truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp mà chúng tôi vừa nêu trên đây.