Huyền thoại hóa nhân vật đời thường

Một phần của tài liệu Yếu tố kì ảo trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp (Trang 82)

Sẽ thật thiếu sót nếu luận bàn về cách thức xây dựng nhân vật trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp mà không nói đến biện pháp xây dựng nhân vật theo “huyền thoại hóa nhân vật đời thường”. Như một thủ pháp đối nghịch lại hiện thực hóa nhân vật huyền thoại, bằng lối xây dựng huyền thoại hóa nhân vật đời thường, phần lớn các nhân vật xuất thân từ hiện thực đời sống lại có những hành động phi phàm, không khác gì hành động của tiên giới. Với thủ pháp này, nhà văn “tiên hóa người thường” thành những hình ảnh rất đẹp trong mắt bạn đọc. Và càng đẹp hơn nữa khi những “vị tiên trên trần gian” xuất hiện trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp lại không phải thêu dệt từ những từ ngữ đã được “gọt giũa”, ngôn ngữ bóng bẩy. Mà ở đó người ta thấy lời văn thật giản dị nhưng vô cùng sắc sảo. Chỉ bằng vài từ miêu tả ngắn gọn, nhà văn đã đem đến cho người đọc những ấn tượng thị giác không bao giờ quên.

Đôi lời nhận xét cũng không thể thỏa mãn thị hiếu bạn đọc. Hãy cùng đi sâu hơn vấn đề này qua những minh chứng dưới đây.

Phải chăng là hình ảnh nàng Sinh (Nàng Sinh) thành cô “tiên Sinh” tọa lạc

dưới hạ giới. Bởi lẽ, nàng cũng nhỏ nhắn như bao cô gái trần thế khác, dù có khỏe đến mấy cũng không thể có sức mạnh bằng cả dân làng cộng lại. Thế mà nàng lại làm được những điều phi thường trước sự chứng kiến trầm trồ của cả làng. Dường như mọi người đều không tin nổi vào mắt mình, vì nàng nhấc hòn đá thần “nhẹ nhữ

bỡn”. Trong khi đó “Hòn đá nặng đến kinh người”, duy chỉ có Sinh – thiếu nữ mồ côi ở bản Hua Tát: “Như có phép lạ, Sinh nhậc hòn đá lên tay dễ dàng như bỡn” [102; 222], “Sinh bóp khẽ vào cái ngẫu vật thiêng liêng. Hòn đá bỗng tan chảy thành nước trước mắt mọi người” [102; 223]. Như một truyện cổ tích xưa vậy, nàng Sinh trong chốc lát đã biến mình thành nàng thiên nga xinh đẹp. Tại đây, chúng ta bắt gặp mô típ cô gái nghèo thô kệch và người dị dạng biến thành cô nàng xinh đẹp như cô tiên, có sức mạnh thần kì. Bằng tài năng của mình Nguyễn Huy Thiệp đã xây dựng mình một mẫu hình nhân vật tuyệt vời mà ai chứng kiến cũng cảm thấy thỏa lòng. Đúng vậy! Chỉ có thể dùng thủ pháp huyền thoại hóa nhân vật đời thường này, nàng Sinh mới được bù đắp những mất mát lớn lao này. Một mình nàng bơ vơ, lạc lõng giữa cõi đời, nàng không cha không mẹ, bị mọi người coi khinh… Nay nhờ hành động phi thường, nàng bỗng trở nên xinh đẹp trong mắt thiên hạ và được tán dương, nể phục… và tôn trọng không khác gì một “đức mẫu”. Phải chăng đây là cái nhìn hướng thiện của nhà văn với ước vọng về một tương lai tốt đẹp giữa hiện thực đời sống phũ phàng.

Xuân Hương trong truyện ngắn Nàng Xuân Hương, nàng đẹp như tranh,

xinh như mộng. Người đời khâm phục nàng không chỉ bởi nàng đẹp mà còn ở sự thông tuệ về trí thức, giỏi giang trong công việc, có một nghị lực sống phi thường... Ở đó, người ta thấy nàng toát lên những cái gọi là tuyệt vời nhất trần gian, nàng được ví như tiên nữ trên trời… Nghị lực mà khiêm tốn, thành công mà khiêm nhường. Ngay cả lúc nàng xuất hiện trong tác phẩm cũng thật ẩn hiện như thực như mơ nhưng hình ảnh của nàng làm cho người đọc nhớ mãi không phai. Nàng đẹp khiến vạn vật phải ghen tỵ, nghị lực của nàng thật hiếm ai sánh bằng. Ngay cả ông Tổng Cóc – một người thành đạt trong làng chưa bao giờ biết thua là gì cũng cảm thấy thua nàng, bởi “bà luôn thất bại ở trong cuộc đời mà vẫn thăng bằng, mà vẫn không có cảm giác thua cuộc. Ông bất ngờ bà ta to lớn hơn ông, bà mạnh mẽ hơn, sống có dũng hơn”…. Và ông hài lòng về sự “tinh khiết”, „sạch sẽ” của nàng. Với cách sống này, thiết nghĩ một người bình thường khó làm được sự phi thường ấy. Chỉ có những vị tiên nữ luôn ban phát mọi điều tốt đẹp cho chúng sinh mới có đủ

dũng khí để bước tiếp sau mỗi lần vấp ngã. Ai cũng biết “có vấp ngã mới trưởng thành”, nhưng với Xuân Hương cả cuộc đời vấp ngã liệu còn đủ sức đứng lên? Có một thực tế, nếu sự thật này xảy ra trong cuộc đời thực thì có lẽ không một ai đứng dậy nổi và đi tiếp với từng bước đi dõng dạc và đường hoàng như Xuân Hương. Chỉ có Xuân Hương, chỉ có một tâm hồn tinh khiết mới đủ dũng khí để nghĩ về một ngày mai tươi sáng. Trong truyện, Xuân Hương bước ra tác phẩm như một truyện cổ tích, đầy tính kì ảo: nàng trong sạch và tinh khiết như cô Tấm trong quả thị đặt bên cạnh không khí trì đọng, buồn bã của làng quê, từ đó nhằm tô đậm hơn cảnh thanh bần, sạch sẽ, chu đáo của Xuân Hương. Và chỉ có cây bút Nguyễn Huy Thiệp mới xây dựng nên một hình tượng đẹp như Xuân Hương không giống với bất kỳ một nhân vật nào khác trong toàn bộ kho tàng nhân vật hiện đại.

Chưa vội kết luận, ta hãy bàn thêm về Ngô Thị Vinh Hoa trong Phẩm tiết.

Nàng vốn được sinh ra trong một gia đình quyền quý, nàng cũng là sản phẩm của người cha người mẹ dưới hạ giới nên chắc chắn khẳng định một điều nàng cũng là người trần thế như bao cô gái khác. Thế nhưng, Vinh Hoa lại có những khả năng kỳ lạ, sự kỳ lạ này không phải đơn thuần là tài nữ vẹn sắc, tài hoa mà nàng có những phép biến hóa thần thông quảng đại. Tỉ như trời đang nắng chang chang nàng bảo ngày mai trời mưa thì mưa thật, gặp ai đó nàng bảo ngày mai chết quả nhiên ngày hôm sau người đó chết thật. Ngay cả thân hình mỏng manh của nàng cũng đã có những điểm nhấn kỳ lạ: “Trên cổ Vinh Hoa có bảy tràng hoa quấn cổ, xòe lòng tay ra thấy có viên ngọc...ở trong, trên khắc hai chữ “thiên mệnh”. Như vậy, nếu không dùng thủ pháp xây dựng nhân vật kì ảo thì làm sao Nguyễn Huy Thiệp dựng nên

một hình ảnh Ngô Thị Vinh Hoa như trong Phẩm tiết. Nàng tượng trưng cho thiên

thần nhưng cũng đầy lúc là sự hiện diện của ác quỷ. Nhưng bông hồng đẹp nào chẳng có gai. Bởi vậy, thiết nghĩ chỉ có dùng thủ pháp xây dựng nhân vật kì ảo, Nguyễn Huy Thiệp mới dựng nên một Vinh Hoa đa tính cách, biến hóa khôn lường như vậy.

Hay trong tác phẩm Tiệc xòe vui nhất, Hặc một anh chàng quê mùa ở bản Hua Tát lại có thể “hô mây hoán vũ”. Trước lời cầu xin của Hặc để minh chứng cho

chàng sống trung thực, Then đã cho trời mưa xuống “Trời cao tĩnh lặng. Bỗng nhiên từ đâu đó xa xôi có một cơn gió mơ hồ thổi về. Tất cả ngọn cây trên rừng xào xạc. Mặt đất bắt đầu xuất hiện những cơn lốc nhỏ. Buổi chiều, bầu trời đầy mây vần vũ và khi đêm xuống thì mưa như trút”.

Như vậy, chỉ có thể dùng biện pháp huyền thoại hóa nhân vật đời thường Nguyễn Huy Thiệp mới có thể xây dựng nên những nhân vật của mình đẹp và sống động như vậy. Thiết nghĩ, chỉ có cách xây dựng kiểu nhân vật này thôi thì nhân vật trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp mới sống mạnh mẽ trong lòng độc giả đến thế. Bằng bút pháp kì ảo, cộng hưởng cùng cách thức xây dựng nhân vật linh hoạt, biến hóa khôn lường… văn của Nguyễn Huy Thiệp mới lạ làm sao. Nhân vật mới ấn tượng tưởng chừng như bước từ trang sách ra hiện thực đời sống. Kì lạ thay, hầu hết các truyện ngắn nếu đã được nhà văn dùng bút pháp ảo thì xuyên suốt yếu tố này được duy trì đều đặn trong tác phẩm từ cách xây dựng cốt truyện đến cách xây dựng nhân vật, không gian, thời gian… Thế nhưng, bạn đọc đến với tác phẩm của nhà văn cảm nhận được không hề có cảm giác cổ điển, mang màu sắc huyền thoại, xa vời thực tế. Đó hẳn là những vấn đề của hiện đại đang đặt ra gay gắt, và biết đâu chỉ bằng bút pháp kì ảo thì mọi điều phức tạp trong cuộc sống này mới được giải quyết. Đó cũng là một cái nhìn mang đầy ý nghĩa nhân văn!

Một phần của tài liệu Yếu tố kì ảo trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp (Trang 82)