Nguyễn Huy Thiệp (29/04/1950) vốn là một nhà văn sinh ra trên mảnh đất Thanh Trì, Hà Nội. Thuở nhỏ ông cùng gia đình lưu lạc khắp nông thôn đồng bằng Bắc Bộ, từ Thái Nguyên qua Phú Thọ, Vĩnh Phúc, nên hình ảnh về những miền quê nghèo, lam lũ cứ trở đi trở lại trong từng trang văn của Nguyễn Huy Thiệp như một nỗi nhớ, niềm thương: “Tôi sinh ra ở làng quê, lớn lên ở làng quê”. Ấp ủ bao ước mơ, hoài bão, năm 1970 sau khi tốt nghiệp Khoa Sử của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Nguyễn Huy Thiệp đã trở thành một thầy giáo gắn bó bao năm tháng với ngôi trường nhỏ của xứ sở Tây Bắc xa xôi. Đến năm 1980, Nguyễn Huy Thiệp chuyển về Hà Nội công tác ở Bộ Giáo dục, sau đó, làm việc tại Công ty Kỹ thuật trắc địa bản đồ (Cục Bản đồ) cho đến khi về hưu.
Nhìn vào đôi nét cuộc đời ấy, ít ai nghĩ rằng ẩn sau những điều bình thường ấy là cả một tâm hồn nghệ sĩ vẫn đêm ngày trăn trở với cuộc đời qua từng trang giấy? Thế mà đề tài về nông thôn thuần hậu, về Tây Bắc đại ngàn, về Hà thành đô thị, hay về lịch sử, danh nhân… đều đã ngấm vào từng sáng tác của nhà văn thật ám ảnh đến chạnh lòng.
Bước vào thời kì đổi mới, mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội đều không ngừng chuyển mình mạnh mẽ và từng bước tạo nên những diện mạo mới cho con người và cho quê hương đất nước. Văn học – Nghệ thuật theo đó cũng nỗ lực hết mình nhằm tìm ra những giá trị thẩm mĩ đích thực qua phong trào đổi mới văn nghệ, đưa nền văn học dân tộc đến với thời kì mở cửa, hội nhập quốc tế. Hưởng ứng phong trào đó, ở bình diện sáng tác, nước ta đã xuất hiện hàng loạt tài năng văn học trẻ, có phong cách văn chương độc đáo mà Nguyễn Huy Thiệp là một hiện tượng tiêu biểu “Viết về văn xuôi Việt Nam 1975 – 2000 không thể không đề cập đến Nguyễn Huy Thiệp” [57; 125]. Xuất hiện vào giữa những năm tám mươi của thế kỷ XX, Nguyễn Huy Thiệp lập tức gây chú ý với người đọc, sáng tác của ông làm văn đàn lần nữa sôi động sau Nguyễn Minh Châu và lập tức trở thành hiện tượng văn học “Hai lần lạ: nội dung lạ, nghệ thuật lạ” [72; 6].
Nguyễn Huy Thiệp đã khẳng định mình trên nhiều lĩnh vực văn học như: tiểu thuyết, kịch, tạp văn, tiểu luận, phê bình… Ông để lại trên 20 đầu sách đã được in và xuất bản nhiều lần với nhiều thể loại. Tuy nhiên, nhà văn dành tâm huyết và gặt hái được nhiều thành công hơn cả là những trang viết thuộc thể loại truyện ngắn.
Năm 1985, Nguyễn Huy Thiệp cho in Chảy đi sông ơi, Chút thoáng Xuân
Hương (3 truyện), rồi liên tiếp năm1986: Tướng về hưu, năm 1987: Không có
vua… Và cứ thế, cây bút Nguyễn Huy Thiệp liên tục xuất hiện trên văn đàn. Người
ta đua nhau tìm đọc Nguyễn Huy Thiệp vì rất nhiều lí do (nào thấy văn lạ, thấy văn giải tỏa được ức chế, thấy được nhìn sâu vào sự thật ở những mặt trái, mặt xấu xa của hiện thực đời sống mà ít cây bút đả động tới). Tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp in dấu ấn khá đậm nét về nông thôn và những người lao động. Sở trường của ông là truyện ngắn, mảng đề tài đa dạng gồm lịch sử và văn học, hơi hướng huyền thoại và cổ tích, xã hội Việt Nam đương đại, xã hội làng quê và những người lao động.
Trong sự nghiệp cầm bút của mình, Nguyễn Huy Thiệp viết không nhiều nếu tính từ năm 1985 đến nay. Ông viết tất cả khoảng gần 50 truyện ngắn và gần 10 vở kịch, nhưng mỗi tác phẩm “là một vụ nổ gây phản ứng dây truyền” [57; 120]. Khi
Nguyễn Huy Thiệp viết Tướng về hưu, một nhà văn có tên tuổi (xấp xỉ lục tuần) đã
ao ước đánh đổi cả một đời văn để viết được một cái truyện như thế. Chính vì vậy,
Tướng về hưu xuất hiện trên văn đàn lại thêm một lần nữa làm hâm nóng thêm sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp vốn đang nóng sôi sục. Có nhận định còn cho rằng
tác phẩm Tướng về hưu là “thần viết” chứ không phải là người bình thường viết.
Nhà phê bình Vương Trí Nhàn thán phục Nguyễn Huy Thiệp là cây bút có “hai lần lạ”, vì nhà văn mang đến cái chất lạ mà lâu nay văn học Việt Nam còn thiếu – chất
kiêu bạc, tàn nhẫn, cay đắng (Tưởng tượng về Nguyễn Huy Thiệp).
Nếu quan sát từ những đặc trưng thẩm mĩ về đề tài, cốt truyện, chúng ta có thể tạm chia truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp thành những tiểu loại chính như:
- Truyện mang màu sắc cổ tích, huyền thoại: Chảy đi sông ơi, Con gái Thủy
- Truyện thế sự, kể về con người và cuộc sống đương đại: Tướng về hưu, Cún, Không có vua, Những người thợ xẻ, Những bài học nông thôn, Huyền thoại phố phường, Tâm hồn mẹ…
- Truyện viết về đề tài lịch sử: Kiếm sắc, Vàng lửa, Phẩm tiết, Nguyễn Thị
Lộ, Mưa Nhã Nam, Chút thoáng Xuân Hương…
- Truyện ngắn về đề tài đồng quê và những người dân lao động: Thương nhớ đồng quê, Những bài học nông thôn, Những người thợ xẻ,…
Có thể nói, phần lớn các truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp khi đăng tải đều được bạn đọc đón nhận rất nhiệt thành. Bởi ở đó, công chúng nhận ra trong cây bút này có sự cuốn hút “hai lần lạ: nội dung lạ, nghệ thuật lạ” [72; 6]. Song, thực tế tranh luận về Nguyễn Huy Thiệp từ đầu đến cuối chỉ xoay quanh các cặp vấn đề
chính như: Tâm và Tài của người sáng tác, lịch sử và quyền hư cấu của nhà văn,
cái xấu lấn át cái đẹp trong tác phẩm, tin hay tuyệt vọng trước con người… Nguyễn
Huy Thiệp không trực tiếp nói về các bậc thầy, các vị tiền bối văn chương mà mình là học trò, nhưng đọc sáng tác của nhà văn thấy rõ những cây bút xuất sắc từ thời đông – tây, kim – cổ, trong và được Nguyễn Huy Thiệp chắt lọc thành những “bài học đắt giá” trong sáng tác của mình.
Truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp khai thác trên rất nhiều đề tài khác nhau, nhưng hầu hết các truyện ngắn đều hướng tới phản ánh hiện thực của con người trong xã hội với sự nảy sinh cái xấu và cái ác, sự đảo lộn giá trị trong cuộc sống. Sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp thường giàu tính triết lý và chiêm nghiệm.
Thế giới nhân vật trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp đa dạng và phức tạp, hầu hết là những người nông dân, tiểu thị dân với đủ mọi lứa tuổi, “toàn những con người góc cạnh gân guốc”. Họ là những con người tồn tại chân thực với tất cả sự phức tạp của nó. Nhân vật trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp đan xen các màu sắc thẩm mỹ khác nhau: Kẻ sang người hèn, người trung thực kẻ giả trá, người may mắn kẻ bất hạnh, từ vị tướng về hưu đến người sủa xe đạp, từ người đẹp như tranh vẽ đến kẻ dị dạng gớm guốc… Truyện Nguyễn Huy Thiệp như một phòng triển lãm về con người được khúc xạ qua lăng kính chủ quan của nhà văn – lăng kính nghiêng
nhìn về cái bản năng, cái tự nhiên, cái vô thức… nghĩa là phần con trong chữ con
người “Con người tự nhiên vốn dĩ vô luân và tự do” (Bài học tiếng Việt).
Trên phương diện nghệ thuật, truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp ghi nhận nhiều sáng tạo mang cá tính trong việc xây dựng tình huống. Nhà văn Nguyên Ngọc ví von rằng tìm được tình huống là tìm được “huyệt chính” của đời sống, từ tình huống mà triển khai các xung đột tạo không khí truyện và làm phát lộ tính cách,
khắc sâu chủ thể tác phẩm. Sang sông là một ví dụ về sự sáng tạo tình huống điển
hình của truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp. Có thể nhận thấy, hầu hết các truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp đều khai thác những tình huống trong đời sống thường nhật
song khá đa dạng, giàu kịch tính như: tình huống kịch (Sang sông, Không có vua,
Tướng về hưu…); Tình huống tượng trưng (Thương nhớ đồng quê, Muối của rừng…); Tình huống lựa chọn (Những bài học nông thôn, những người thợ xẻ);
Tình huống giả tưởng (Những ngọn gió Hua Tát)…
Ngoài ra, khi nói đến truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp chúng ta không thể không nhắc đến những đóng góp trong nghệ thuật kể truyện. Đó là giọng điệu với sắc thái lạnh lùng khi nhìn thằng vào sự thật, phơi bày cái xấu, cái ác với giọng điệu vừa giễu nhại vừa trữ tình. Là những trang văn thấm đẫm yếu tố trữ tình, mang phong cách đa dạng, biến ảo, được bao phủ bởi màu sắc huyền thoại, chất thơ và khuynh hướng thể hiện cái đẹp, cái lãng mạn của đời sống vốn rất đa sự, của con người vốn rất đa đoan. Có thể nói, mỗi trang văn của Nguyễn Huy Thiệp đều mang tới cho người đọc những thông điệp sâu xa, có giá trị, ẩn chứa nhiều chiêm nghiệm, suy tư về con người và cuộc đời.