Không chỉ vay mượn những cốt truyện cổ mang màu sắc huyền thoại, giả cổ tích, cốt truyện "ảo cốt truyện" nhằm thiết chế ra những câu chuyện vừa hư vừa thực, phản ánh cho một loại người trong xã hội mà truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp còn sử dụng yếu tố kì ảo như một phương thức nghệ thuật giàu sắc thái thẩm mĩ. Ở đó, nhà văn còn đưa vào những trang văn xuôi của mình những bài thơ - những khúc đồng dao vừa dân dã, nôm na, lại vừa thấm thía chiều sâu và ý vị triết lý. Cái thật - giả, cái hư - thực… đan cài vào nhau, lung linh biến điệu đến vô cùng, tạo nên hiệu ứng thẩm mĩ độc đáo ở độc giả.
Hầu hết trong tất cả các sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp đều gắn với những câu thơ, cho dù đó là tác phẩm tự sự. Dù đó là những câu thơ do chính nhà văn sáng tác, dù có thể nhà văn sẽ mượn lời của những thi nhân từ trước… Nhưng tất cả đều toát lên âm hưởng ngọt ngào mà sắc bén, ở đó người ta thấy trong một tác phẩm có
thể tồn tại nhiều cốt truyện cùng một lúc. Đơn cử như trong truyện ngắn Chảy đi sông ơi chúng ta cũng có thể nói tác phẩm sử dụng cốt truyện giả cổ tích, cũng có thể nói là tác phẩm sử dụng ảo cốt truyện, gần với thơ.
“Chảy đi sông ơi Băn khoăn làm gì? Rồi sông đãi hết Anh hùng còn chi?...”
Không chỉ đơn thuần là lời thơ, mà văn của Nguyễn Huy Thiệp còn mượt mà như những tiếng hát lơ lửng bay trên mặt sông. “Hơi nước ở trên mặt sông bốc lên ngùn ngụt. Lòng tôi trào dâng cảm giác dễ chịu lạ lùng, như vừa tắm xong, như vừa gột rửa được điều u ám”. Bằng lời văn triết lý kết hợp với những câu thơ mượt mà,
pha chút âm hưởng kì ảo truyện ngắn Chảy đi sông ơi đem lại cho độc giả không
chỉ ấn tượng về loại hình nhân vật, mà còn có tạo nên những sắc thái nghệ thuật vô cùng độc đáo.
Với kiểu cốt truyện mơ hồ, gần với thơ có vẻ tiếng nói, quan điểm của người viết được bộc lộ một cách thẳng thắn, tường minh hơn hai kiểu cốt truyện vừa nêu trên. Điều này có thể làm giảm nhẹ sự mắng nhiếc với tiếng đời, nhưng thực chất cõi lòng lại được thỏa mãn. Có vẻ lời thơ rất nhẹ nhàng nhưng thực tại thì quá sâu cay. Còn trong truyện giả cổ tích, sự bộc lộ tư tưởng, tình cảm, quan niệm thẩm mĩ của tác giả thường như một ẩn ngữ, mang ý nghĩa hàm ẩn. Từ một chi tiết, sự kiện hay nhân vật trong truyện cổ, bằng cái nhìn mới mẻ, tác giả đã gia cố thêm để sáng tác nên những tác phẩm giàu ý nghĩa thời sự, có sức lan tỏa. Nói một cách hình tượng từ cốt truyện, nhân vật, môtip, chi tiết, sự kiện… tác giả đã treo lên đó các bức tranh đủ màu sắc của cuộc sống. Điển hình hơn cả cho loại cốt truyện này là sự
sáng tạo từ truyện cổ Trương Chi – một câu chuyện hay và cảm động. Mị Nương,
người con gái với nhan sắc tuyệt trần từ say mê câu hát, tiếng đàn của chàng trai con nhà thuyền chài trên sông đâm ra thương nhớ người hát đến ngã bệnh. Đến khi phụ thân nàng gọi Trương Chi đến thì hóa ra lại là một người với khuôn mặt xấu xí
vô cùng. Mị Nương thoát bệnh thì lại đến căn bệnh tương tư của Trương Chi, chàng ra về mà mang theo hình ảnh giai nhân thầm yêu trộm nhớ cho đến lúc chết.
Dựa vào tính tiết về mối tình éo le, sự cam chịu của nhân vật trước thân phận nghèo hèn, bằng cái nhìn của con người đương đại Nguyễn Huy Thiệp đã xây dựng lại hình chàng Trương Chi mới của thời đại chân thực hơn. Câu chuyện không còn thơ mộng và trữ tình như trong truyện cổ, không còn là hình ảnh của chàng Trương Chi cam chịu, nhẫn nhục của ngày xưa nữa mà thay vào đó là một con người do bị dồn nén, o ép đến mức phản ứng gay gắt đối với xã hội, sẵn sàng văng tục ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào. Nhưng nếu chỉ dừng lời văn để văng tục sẽ có lẽ tác phẩm sẽ trở nên quá thô thiển, bởi vậy để làm “mềm hóa” lời văn mà vẫn giữ vững được nội dung cốt truyện, cái thông điệp mà nhà văn muốn truyền tải đến độc giả không còn cách nào khác là nên thêm những câu thơ mượt mà vào trong tác phẩm:
"Nỗi buồn của ta ơi
Như cục đá đè nặng tim ta Nào ai thấu
Phía xa kia là quê nhà Tuổi trẻ mờ sương Những ký ức mờ sương Những ước mơ đâu cả rồi?...
Những nụ cười, những đồng lúa chín, Những lâu đài rực rỡ…”
Câu thơ đồng thời cũng là tiếng hát vút cao, là nỗi lòng của chàng Chương với thực tại cô đơn tẻ nhạt. “Đêm xuống. Bóng tối mù mịt Trương Chi rùng mình vì sự vắng lặng xung quanh. Không ai đáp lại chàng. Sự vắng lặng kinh hoàng. Chỉ có tiếng giun dế, tiếng ễnh ương, tiếng chó sủa. Trương Chi úp mặt vào hai lòng bàn tay chai sạn. Chàng khóc”. Với kiểu truyện cổ được tinh xảo qua phương thức kì ảo, gần với thơ Nguyễn Huy Thiệp đã cho nhân vật của mình có cơ hội nghiền ngẫm kĩ hơn một hiện thực đã chìm lấp trong lớp trầm tích thời gian. Nhà văn đã cố gắng tái tạo, sáng tạo lại hình ảnh Trương Chi qua chính những nghiệm suy của mình nhằm
đưa tới cho độc giả những vấn đề gần gũi với cuộc sống hôm nay. Tác giả đã lấy truyện cổ rồi thay đổi từ cốt truyện, từ nội dung đến hình thức của nó để đề ra một chủ đề tư tưởng mới, những hình tượng văn học mới theo quan điểm của mình. Kết thúc truyện Trương Chi là lời bộc bạch của chính tác giả: "Tôi – Người viết truyện ngắn này – căm ghét sâu sắc cái kết thúc truyền thống ấy. Qủa thực, cái kết thúc ấy là tuyệt diệu và cảm động, trí tuệ dân gian đã nhọc lòng làm hết sức mình. Còn tôi, tôi có cách kết thúc khác… Tôi biết giây phút rốt đời Trương Chi cũng sẽ văng tục. Nhưng đấy không phải là lỗi ở chàng".
Với truyện ngắn Trương Chi nhà văn tiếp cận, khám phá hiện thực, làm cuộc đối thoại với người xưa, người nay theo một hướng khác, ở đó những gì diễn ra trong câu chuyện quá khứ chỉ đóng vai trò là nguyên nhân, thâm chí chỉ là nguyên cớ để tác giả viết lại theo quan điểm, nhận thức của con người hiện đại. Nói
cách khác, các nhà văn đã sáng tạo lại những truyện Trương Chi dựa trên hệ giá trị
mới và đặt chúng vào môi trường văn xuôi đương đại.
Có thể khẳng định, 99% truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp đều có chất thơ. Từ Con gái thủy thần, Thương nhớ đồng quê, Mưa nhã nam, Huyền thoại phố phường, Giọt máu, Chút thoáng Xuân Hương, Mưa, Nguyễn Thị Lộ, Trương Chi, Đời thế mà vui, Thiên văn, Tội ác và trừng phạt, Thương cả cho đời bạc, Chăn trâu cắt cỏ, Hạc vừa bay vừa kêu thảng thốt, Truyện tình kể trong đêm mưa, Đưa sáo sang sông, Sống dễ lắm… Có lẽ không một tác phẩm nào, nhà văn không cho mấy dòng thơ vào tô điểm. Nếu ví truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp như “bát canh” thì những câu thơ trong tác phẩm chính là “bột nêm” là gia vị không thể thiếu để mang hương vị hoàn hảo cho người thưởng thức món canh đó.
Vậy thiết nghĩ cũng không quá khó gọi truyện của Nguyễn Huy Thiệp là những sáng tác mang âm hưởng kì ảo, gần với thơ. Rất nhiều câu thơ trong sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp mượn lời từ các bậc tiền bối, thậm chí kèm theo trích dẫn. Đơn cử như trong Phẩm tiết:
“Chữ trinh đáng giá ngàn vàng... Chữ trinh còn một chút này...
Chữ trinh kia cũng có ba bảy đuờng... (Nguyễn Du) Hay trong Con gái thủy thần: "Cái tình chi
Mượn màu son phấn ra đi..." (Lời hát cổ) "Giang hồ còn lại mình tôi
Quê người đắng khói, quê người cay men..." (Nguyễn Bính)
Bên cạnh đó là những câu thơ do chính nhà văn tự sáng tác cực kỳ sáng tạo, gây ấn tượng mạnh đến độc giả như:
“Thạch Sanh đốn củi trên rừng
Để nàng công chúa kéo càng lệch vai” (Những người thợ xẻ)
“Hay Biết điều thì tránh Vinh Hoa Quịt năm cắc bạc mất nhà như chơi"...
Từ chất liệu dân gian, kết hợp với lời thơ và hơi thở của cuộc sống đương đại nhà văn đã sáng tạo nên những tác phẩm phù hợp với cảm thụ nghệ thuật của độc giả thời đại mới: Độc giả như “Có cảm giác như nhà văn đã xé toạc tấm mặt nạ “chức năng, loại hình” của nhân vật cổ tích, tái tạo cho họ một gương mặt mới bằng xương bằng thịt, một gương mặt biểu lộ đầy đủ những cung bậc tình cảm”. Đồng hiện cùng với các nhân vật xảy ra thật đó, có rất nhiều sự kiện mà con người không thể lí giải nổi, chỉ có thể bút pháp kì ảo, cùng với lời thơ… mới có thể giúp hỗ trợ tối đa những điều mà nhà văn muốn truyền tải. Thực tế cuộc sống vốn rất phức tạp có nhiều chuyện có thể giải thích được, những cũng có những truyện người ta không thể giải thích được. Trong những lúc đó, hãy để màu sắc kì ảo lên tiếng. Đó là lí do mà rất nhiều tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp dùng bút pháp kì ảo như một chất liệu không thể vắng bóng trong những công trình nghệ thuật của mình.
Với cách nhìn mới, rất nhiều nhân vật dân gian được tái sinh trong tác phẩm hiện đại đã bị đẩy ra khỏi ánh giới của hình tượng cũ, thậm chí không còn đường
dây liên hệ với nhân vật quá khứ, đơn cử như Trương Chi. Dù hiện thực được phô
bày trần trụi nhưng không phải vì thế mà tác phẩm thiếu đi chất kì ảo. Đó chính là tài năng riêng của Nguyễn Huy Thiệp, một cây bút xuất sắc của văn học Việt Nam đương đại. Ở đó, nhân vật mới phủ nhận sự tồn tại của nhân vật cũ, bước vào xã hội
hiện đại, phát ngôn cho tư tưởng nghệ thuật mới. Đó là một Trương Chi cay cú đến phản ứng xã hội.
Tóm lại, với kiểu cốt truyện kì ảo gần với thơ Nguyễn Huy Thiệp đã làm cho tác phẩm tự sự trở nên mềm mại và dịu ngọt hơn dù đó là những vấn đề tự sự đang được nhà văn bóc mẽ. Dù sự thật được phơi bày nhưng sự phơi bày đó độc giả vẫn cảm nhận được sự nhẹ nhàng nhưng đáng để suy ngẫm cho hôm qua, hôm nay và cả mai sau. Có thể nói, bằng cái nhìn tinh tế, cây bút sắc sảo của Nguyễn Huy Thiệp đã góp một cái nhìn chân thực hơn, sinh động hơn nhu cầu nhận thức lại của văn học Đổi mới, mang lại hiệu quả "lạ hóa" cho dòng chảy chung của văn học dân tộc. Sự lạ hóa đó từ bút pháp thể hiện đến nội dung tác phẩm, kì ảo từ cốt truyện đến nhân vật, từ không gian đến thời gian. Bởi lẽ những truyện có tính nhân bản luôn được đánh thức, tái sinh để tham gia vào dòng chảy của cuộc sông thực tại, là bệ đỡ văn hóa truyền thống để người viết tiếp thu những cái mới, cái tiến bộ của xã hội hiện đại. Sức sống, sức lan tỏa của chúng là vì thế. Hơn ai hết Nguyễn Huy Thiệp là nhà văn nhận thức sâu sắc điều đó. Bởi vậy, những sáng tác của nhà văn cũng là minh chứng cho sự tiếp thu một cách đầy tính sáng tạo của các tác giả hôm nay đối với sức sống và giá trị lâu bền của văn học dân gian, những tinh hoa nghệ thuật truyền thống.