Nhân vật có phép màu

Một phần của tài liệu Yếu tố kì ảo trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp (Trang 61)

Bên cạnh loại hình nhân vật xuất thân thần kỳ, nhân vật kì ảo trong sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp còn mang phép màu, tức có những khả năng kì diệu đến khó tin. Họ là những con người có thân thế bình thường, xuất thân trong những gia đình bình thường thậm chí nghèo nhưng họ có thể làm được những điều phi thường mà người trần gian bình thường không thể thực hiện. Song, điều đáng nói ở đây, sự lạ ấy không gây cho người đọc một cảm giác kinh hãi đến sửng sốt mà người đọc chăm chú theo dõi từng chi tiết câu chuyện cho đến kết thúc tác phẩm với một niềm tin rằng “nó có thật”.

Đó là chi tiết trong truyện ngắn cùng tên với nhân vật Nàng Sinh nhấc hòn đá thần: “nhỏ bằng nắm tay người”, “Nó nhẵn thín như bào, sâu trong lớp đá có những vân đỏ li ti như mạch máu người”, “… Ai muốn cầu xin thì sờ tay vào hòn đá, ghé sát miệng vào kể lể với nó… Hòn đá trở thành một thức ngẫu vậy thiêng liêng, ban đêm có người trong thấy hòn đá tỏa sáng như một cục lửa” [102; 222]. Tuy nhỏ nhưng thật kì lạ không ai có thể nhấc nổi hòn đá lên bởi: “Hòn đá nặng đến kinh người”, duy chỉ có Sinh – thiếu nữ mồ côi ở bản Hua Tát: “Như có phép lạ, Sinh nhấc hòn đá lên tay dễ dàng như bỡn” [102; 222], “Sinh bóp khẽ vào cái ngẫu vật thiêng liêng. Hòn đá bỗng tan chảy thành nước trước mắt mọi người” [102; 223].

Như vậy, trong truyện Nàng Sinh chúng ta bắt gặp môtíp cô gái nghèo thô kệch và

người dị dạng biến thành cô nàng xinh đẹp, có sức mạnh thần kì (nhấc hòn đá thần nhẹ như lá mà cả làng không ai nhấc nổi).

Hay nhân vật Vinh Hoa trong Phẩm tiết, nhân vật này vừa hư vừa thực, một

nửa có thân thế mơ hồ, nhưng mặt khác lại được minh chứng đích thực là con gái thứ mười của Ngô Khải trong lịch sử. Với hoàn cảnh xuất thân như vậy, đáng lẽ Vinh Hoa chỉ là một người con gái hoặc một mĩ nữ nào đó như bao người đẹp trong dân gian, ấy vậy Vinh Hoa trong truyện lại có những khả năng siêu phàm. Bên cạnh những tài lẻ như hát hay, đàn giỏi như bao tài nữ, nàng còn có khả năng biến tất cả những câu nói của mình thành hiện thực „nói câu nào thiêng câu ấy‟. “Tỉ như trời nắng chang chang, nàng buột miệng “ngày kia trời mưa”, quả nhiên ngày kia mưa

thật. Tỉ như có người đi qua, nàng bảo “mai ông này chết”, quả nhiên người ấy không ốm đau bệnh tật gì hôm sau lăn ra chết. Trai gái lấy nhau thường dắt đến trước mặt nàng nhờ xem, nàng gật đầu là lấy được, nàng lắc đầu thì chịu, ba đầu sáu tay gì lễ cưới cũng không thành”. Chính vì khả năng siêu phàm đó mà bị công chúng xa lánh, thậm chí ở Kẻ Chợ còn ngân lên câu ca:

“Biết điều thì tránh Vinh Hoa

Quịt năm cắc bạc mất nhà như chơi”

Như vậy, Vinh Hoa hiện lên trong tác phẩm vừa là hiện thân của thiên thần lẫn quỷ dữ, hai mặt trắng đen này tồn tại song song trong toàn bộ câu chuyện.

Bên cạnh những nhân vật là con người có khả năng biến hóa, làm được những điều kì lạ, phi thường, trong sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp còn xuất hiện những đồ vật kì lạ có khả năng giúp ích cho dân làng, trở thành vật linh thiêng bảo vệ cho dân làng khỏi mọi căn bệnh phá hoại. Đơn cử như, chiếc tù và thần kì trong

Chiếc tù và bị bỏ quên. Cũng giống như chiếc đàn thần của Thạch Sanh trong truyện cổ tích giúp cho công chúa đang bị câm “vừa mới nghe tiếng đàn, tự nhiên đứng dậy cười nói huyên thuyên” hay “khi nghe tiếng đàn thần thánh thót của Thạch Sanh, tự nhiên quân sĩ của mười tám nước không còn ý chí đánh trận nữa…” thì chiếc tù và trong Chiếc tù và bị bỏ quên cũng có khả năng kì lạ: “Khi tiếng tù và vừa mới cất, những con sâu đen trên cây tự dưng quằn quại rồi rơi xuống đất” [102; 216], cứu dân chúng thoát khỏi nạn sâu đen kinh hoàng phá hoại, đem lại cuộc sống bình yên cho bản làng. Trong Chiếc tù và bị bỏ quên nhà văn đã sử dụng mô típ khắc phục tai họa (giết loài sâu kì lạ) bằng loại nhạc cụ thần kỳ - ống sáo, mà bí mật của nó được các nhân vật đoán ra bằng một cách lạ lùng và cũng hoàn toàn bất ngờ. Việc xây dựng chiếc tù và hoang đường, kì ảo trong tác phẩm này ta thấy nhà văn Nguyễn Huy Thiệp không chỉ đơn giản dừng lại là một thủ pháp nghệ thuật mà nó còn ẩn chứa những thông điệp ý nghĩa lớn lao trong bút pháp xây dựng nhân vật của

mình. Điều này thể hiện rõ nhất trong phầnkết thúc tác phẩm là âm thanh của tiếng

tù và rúc lên mỗi sáng ở bản Hua Tát: “Tiếng tù và cổ xưa nhắc nhở mọi người nhớ đến tổ tiên, báo hiệu cuộc sống bình yên không có sâu hại” [102; 217]. Vậy, chiếc

tù và vốn gắn với sinh hoạt của người miền núi, phải chăng nó chính là hình ảnh của quá khứ, của truyền thống với những giá trị lâu đời của dân tộc. Sâu xa hơn, phải chăng nhà văn Nguyễn Huy Thiệp muốn truyền tải thông điệp tới những con cháu thế hệ sau, mỗi người chúng ta cần phải có ý thức trách nhiệm hơn đối với quá khứ, không được lãng quên quá khứ bởi lẽ quá khứ chính là cội nguồn với sức mạnh lớn lao.

Không dừng ở những nhân vật có khả năng kì lạ, trong sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp còn có một ma lực siêu nhiên chi phối mạnh mẽ đến con người. Trong

truyện ngắn Nàng Bua, yếu tố kì diệu xuất hiện như một “phép thử” về tình người,

tình đời trong xã hội: thay đổi nhận thức, thái độ sống của con người đối với con người. Nàng Bua từ một cô gái nghèo khó nhờ điều kì diệu đã trở nên giàu có, từ bị hắt hủi, xa lánh bỗng chốc lại được mọi người tôn kính. Đến với tác phẩm, người đọc có thể dễ dàng nhận thấy ma lực của đồng tiền, vì đồng tiền mà người ta có thể suy tôn những giá trị mà trước đó chính người ta đã coi thường.

Tóm lại, nhân vật có phép màu cũng là một loại hình nhân vật điển hình trong sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp. Nhờ có sự xuất hiện của loại hình nhân vật này mà sáng tác của nhà văn càng phong phú và hấp dẫn bạn đọc bởi những phép màu biến hóa khôn lường đậm chất ảo nhưng lại mang dáng dấp vấn đề hiện đại từ phía nhân vật. Với sự xuất hiện của loại hình nhân vật này, mọi cái xấu, sự bất công ngang trái trong xã hội được ngăn chặn phần nào. Mặt khác, qua đó nhà văn cũng muốn nói đến một quy luật trong cuộc sống hiện đại, không phải mọi người tốt đều có câu chuyện kết thúc có hậu. Thêm nữa, nhà văn kêu gọi mọi người nên tỉnh táo để nhận chân xã hội và chấp nhận kết quả của nó, vì chỉ khi bạn chấp nhận thì mới đem lại cảm giác yên ổn, thanh bình và hạnh phúc trong cuộc sống.

Một phần của tài liệu Yếu tố kì ảo trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp (Trang 61)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(117 trang)