Để phân biệt khái niệm “cái kì ảo” với các khái niệm khác, giới nghiên cứu văn học đã đưa ra rất nhiều thuật ngữ như cái lạ, cái thần diệu, cái siêu nhiên, cái
huyền ảo… Trong đó, có hai xu hướng trái ngược nhau: Một bên đồng nhất cái kì
ảo với cái huyền ảo. Với xu hướng này lại chấp nhận quan niệm bất kì sáng tác nào
rộng với nội hàm khái niệm văn học kì ảo. Ngược lại, theo như quan điểm của Todorov chỉ thu hẹp cái kì ảo là sự do dự (hesitation). Bởi vậy, xu hướng này sẽ dẫn đến những bất cập như đã nêu ở phần định nghĩa (đúng bản chất nhưng thu hẹp nội hàm của khái niệm). Chính do sự thừa – thiếu về mặt bản chất đó của khái niệm sẽ dẫn đến tính thiếu thuyết phục bởi có quá nhiều loại truyện như truyện ma, truyện kinh dị không có giá trị văn học cũng sẽ được xếp cùng với những tác phẩm lấy yếu tố kì ảo như một dụng công nghệ thuật. Do đó, với những loại truyện ấy đã không được chấp nhận, không được xếp vào loại văn học kì ảo. Cũng từ đây, sau nhiều nghiên cứu chuyên sâu, người ta đã phân loại văn học có yếu tố kì ảo thành những nhóm nhỏ và văn học kì ảo chỉ là một trong những thể loại đó và bên cạnh nó
chúng ta thấy sự song hành của văn học huyền ảo.
Trước hết, chúng ta đi tìm hiểu khái niệm huyền ảo. Theo Jean Paul Sartre: "Huyền ảo là một thế giới toàn diện mà sự vật biểu hiện một tư tưởng quyến rũ đòi đoạn, vừa bất thường vừa lôi cuốn, gặm nhấm trong cơ thể nhưng không thể
diễn tả thành lời" [39]. Truyện huyền ảo là những truyện ma quái, truyện hoang
đường, truyện không có thật, nó gắn bó sâu sắc với tôn giáo, triết lý và với môi trường sống khác nhau của mỗi dân tộc. Xét về mặt từ nguyên học “huyền ảo” trong
tiếng Anh là Magic. Trong Từ điển Tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên định nghĩa
huyền ảo như sau: Huyền ảo có vẻ đẹp kì lạ và bí ẩn (như cảnh vật huyền ảo qua
màn sương). Trong Từ điển Anh – Việt (the Oxford English – Vietnamese
dictionary) giải nghĩa magic là ma thuật, yêu ma, phép kì diệu, thần thông. Khác
với Magic, Fantastic được giải thích là kì quái, kì dị, vô cùng to lớn, là cái tưởng
tượng, không tưởng. Trong quyển Từ điển tiếng Việt, kì ảo là “kì lạ tựa như không
có thật mà chỉ có trong tưởng tượng”. Như vậy, xét về mặt định nghĩa hai khái niệm, có một sự tương đồng là cùng nói đến phạm trù của những cái kì lạ, mơ hồ nhưng huyền ảo xuất phát từ nghĩa “ma thuật” trong tiếng Anh thường mang tính chất ma quái của thế giới không thực, nó mang màu sắc của cái huyền bí. Cái huyền ảo theo định nghĩa của từ điển bách khoa toàn thư trực tuyến định nghĩa là “có vẻ đẹp kì lạ và bí ẩn, vừa như thực vừa như hư, tạo sức cuốn hút mạnh mẽ”
nghĩa là huyền ảo còn đi kèm theo vẻ đẹp mà khiến cho con người ta mơ hồ khó xác định được. “Dòng huyền ảo lâu đời nhất có lẽ là huyền ảo Châu Mỹ la tinh, gắn bó với thánh kinh Maya” [39]. Từ sự kiện thiên nhiên cây cỏ, muông thú đều có tiếng nói, đều có thể họa nên những hình thái nên thơ và dưỡng nuôi sự sống, người Maya đã tạo nên một khái niệm huyền ảo tự nhiên như ta ăn và thở. Sau này, các tác giả nổi tiếng Châu Mỹ la tinh đều dựa vào nguồn gốc văn hoá Maya của họ để tự tạo cho mình những hình thức huyền ảo cá biệt.
Xét về văn học kì ảo (Fantastical Literature) và văn học huyền ảo
(Magical Literature), hiện nay chưa có một tài liệu nào có thể phân biệt rạch ròi hai khái niệm mà xu hướng đồng nhất được sử dụng nhiều hơn. Hai thuật ngữ này cũng rất ít được sử dụng. Chúng tôi xin đưa ra đánh giá của Lê Huy Bắc trong bài nghiên
cứu Cái kì ảo và văn học huyễn ảo. Trong bài viết này, Lê Huy Bắc đã dùng khái
niệm văn học huyễn ảo để chỉ thể loại mà chúng ta đang nói tới trong đó hai dòng văn học trên chỉ là 2/3 giai đoạn phát triển của thể loại văn học này. Chúng ta có thể
phân biệt được ở văn học kì ảo “người kể luôn cố thuyết phục người đọc rằng câu
chuyện mình kể là có thật và cái kì ảo luôn tồn tại với mục đích gây nỗi hoang
mang cho người đọc” còn cái huyền ảo lại được sử dụng như thời cổ đại nghĩa là
“họ điềm nhiên đặt nhân vật, sự kiện hoang đường nào đó vào trong tác phẩm mà không cần mất công chứng minh là nó có thực” đây được xem là giai đoạn cao hơn của yếu tố kì ảo trong dòng văn học huyễn ảo. Tuy nhiên, với sự phát triển đa dạng của văn học hiện nay, đi kèm theo nó là xu hướng viết khác nhau và tìm đến nhiều
cách thể hiện khác nhau, có thể chỉ dùng một chất liệu của mỗi giai đoạn của văn
học huyễn ảo (theo cách phân chia của Lê Huy Bắc) nhưng cũng có thể là sự kết hợp hình thức và chất liệu ở tất cả các giai đoạn đó. Việc phân định là điều khó có thể thực hiện được mà phải có thêm nhiều cơ sở lí luân khoa học hơn nữa mới có thể đi đến kết luận. Do vậy, trong bài nghiên cứu này, chúng tôi tạm dùng thuật ngữ
cái kì ảo để nghiên cứu trong những truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp.