Xây dựng nhân vật trở thành biểu tượng về thân phận con người

Một phần của tài liệu Yếu tố kì ảo trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp (Trang 88)

Trong truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, bên cạnh cách thức xây dựng nhân vật theo hai quá trình vận động ngược nhau với một bên là đời thường hóa những nhân vật huyền thoại và một bên là huyền thoại hóa những nhân vật đời thường còn tồn tại cách thức thứ ba. Đó là cách thức xây dựng nhân vật đời thường trở thành biểu tượng về thân phận con người. Những nhân vật này hoàn toàn là người trần mắt thịt, là những con người cụ thể, sống trong đời sống hiện thực nhưng lại trở thành một biểu tượng về thân phận con người, họ luôn hướng tới một cái gì đó khát khao được chinh phục, có thể là cái đẹp, cái cao cả của cuộc sống. Đôi khi cái khát khao chinh phục đó là cái siêu nhiên rất khó có thể định tính, cân đo đong

đếm. Đơn cử như chàng Chương trong Con gái thủy thần, nàng Hạnh trong Huyền

thoại phố phường, chàng Sạ trong truyện ngắn cùng tên Sạ, thiếu nữ Xuân Hương trong Hồ Xuân Hương, ông Diểu trong Muối của rừng, các nhân vật thông thái

trong chùm truyện về nông thôn, tướng Thuấn trong Tướng về hưu

Có một sự trùng hợp khá ngẫu nhiên là phần lớn các nhân vật trong sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp sau khi chinh phục được một mốc son nào đó đều phải trả giá rất lớn. Chàng Khó trong truyện Trái tim hổ khi nghe đồn trái tim hổ có thể chữa lành bách bệnh nên bất chấp mọi sợ hãi, chàng đã cố gắng bằng mọi cách giết chết được con hổ, để lấy trái tim hổ chữa bệnh bại liệt cho Pùa – người yêu chàng.

Hay Sạ trong truyện ngắn Sạ chỉ nghĩ đến việc làm được một điều đó không bình

thường để được nổi tiếng... Và cuối cùng các nhân vật này cũng đạt được mục đích của mình dù để lại kết quả tốt hay xấu. Chàng Khó giết được con hổ nhưng bị trả

giá bằng sinh mạng của mình, Sạ gần như trở thành một huyền thoại đối với dân làng nhờ cuộc đời đầy phiêu lưu của mình” nhưng quãng đời bình thường cuối cùng được sống như mọi người ở bản Hua Tát mới đúng là “sự tích phi thường” mà Sạ lập được.

Vậy thì hành trình của các nhân vật trên cuối cùng nhằm mục đích gì? Thừa nhận rằng trong tất cả các hành động trên, mỗi một nhân vật hành động đều vì những mục đích riêng. Ai cũng có lí do và mọi lí do đều có thể chấp nhận được.

Nhưng mông lung và hão huyền hơn cả là nhân vật Sạ trong truyện cùng tên Sạ.

Lúc đầu Sạ bị mọi người trong làng căm ghét bởi những hành động kỳ quặc của anh ta như “một con thú lạ sống giữa con người” làm cản trở mọi nếp sống sinh hoạt của dân làng nơi đây. Để đến mức nhân vật cảm thấy bị xa lánh, cô lập và rốt cục buộc phải chạy khỏi ngôi làng của mình đã “chôn rau cắt rốn” và thể hiện mình ở mảnh đất khác. Nhưng khi đi rồi, truyện dường như quay ngắt 180 độ bởi lúc đó người ta nhận thấy “cuộc sống ở bản Hua Tát như buồn tẻ hơn” nếu không có chàng. Cho đến lúc ấy người ta mới nhớ Sạ “mới thấy Sạ đi là điều đáng tiếc”. Thời gian càng trôi đi, càng có nhiều đồn đại khó tin về Sạ, về những chiến công của anh và càng ngày anh càng trở nên đáng kể hơn trong mắt dân bản. “Rốt cục anh trở thành niềm tự hào của họ và vẫn tiếp tục là thế ngay cả khi anh bị cuộc đời đánh gục, trở về làng, lấy vợ và lặng lẽ sống nốt quãng đời còn lại của mình”. Trước khi chết, Sạ nói: “Quãng đời bình thường cuối cùng ta sống ở bản Hua Tát như mọi người đời mới thực sự chính là sự tích phi thường ma ta lập được”. Như vậy, sự cố gắng trở

thành anh hùng của Sạ trong phần đầu tác phẩm Sạ đã trở thành quá trình đi tìm giá

trị đích thực của cuộc sống bình thường trong khi những người cùng bản đi theo quy trình ngược lại. Sạ chết, nhưng đến phút lâm chung Sạ ý thức được suốt đời mình đã chạy theo những giá trị hư ảo, còn giá trị thực của cuộc sống mới là cái đẹp phi thường mà con ngưới hướng tới. Qua đây thiết nghĩ rằng, Sạ cũng là một kiểu nhân vật trong sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp, dù nó có thể không điển hình trong sáng tác của nhà văn hiện đại này, nhưng bằng đó thôi đã thấy được sự cá biệt tạo nên nét độc đáo cho cây bút của Nguyễn Huy Thiệp.

Và nếu như kiểu nhân vật Sạ là loại hình nhất vật duy nhất thì thiên tính nữ lại là một đặc điểm phổ biến được nhà văn khai thác nhiều lần trong hầu hết các truyện ngắn. Thiên tính nữ trong sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp trước hết là tinh thần của cái đẹp, đó là vẻ đẹp tự nhiên, trong sáng toát ra từ toàn bộ dáng điệu, cử chỉ, lời nói hay chỉ từ ánh nhìn của nhân vật. Thiên tính nữ là lòng bao dung độ lượng dung chứa cảm thông, thương yêu hết thảy mọi người từ người đáng thương đến kẻ độc ác. Đó còn là tinh thần vị tha, đức hi sinh cao cả, có thể quên mình vì sự

sống của kẻ khác như chị Thắm trong Chảy đi sông ơi, bé Thu trong Tâm hồn mẹ.

Thiên tính nữ còn là hiện thân của sức mạnh thần phục, cải biến cái xấu, các ác. Có thể nói, thiên tính nữ chính là một điểm tựa tinh thần vô cùng quan trọng cho mọi nhân vật trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp và cũng là điểm tựa cho chính tác

giả nữa như Ngô Thị Vinh Hoa trong Phẩm tiết, Mẹ Cả trong Con gái thủy thần.

Thiên tính nữ hay nguyên tắc tính thiện cũng trở thành một tuyên ngôn sống khá tự nhiên, ăn sâu vào máu nhiều nhân vật như chị Thắm, nàng Sinh, Xuân Hương, người con gái bến Tầm Xuân… Nguyên tắc tính thiện còn được nâng lên thành biểu tượng, thành huyền thoại như huyền thoại về con gái thủy thần.

Đơn cử như nhân vật Xuân Hương trong truyện ngắn Hồ Xuân Hương thiên

tính nữ đã bộc lộ rõ nét hơn bao giờ hết. Trong truyện ngắn thứ nhất, Hồ Xuân Hương hoàn toàn vắng bóng với tư cách là hình tượng nhân vật. Xuân Hương chỉ xuất hiện trong ý nghĩ của Tổng Cóc nhưng hình ảnh của nàng được nhân vật cảm thấy ghen tị bởi “Ông chịu Xuân Hương ở chỗ bà luôn thất bại ở trong cuộc đời mà vẫn thăng bằng, mà vẫn không có cảm giác thua cuộc. Ông bất ngờ bà ta to lớn hơn ông, bà mạnh mẽ hơn, sống có dũng hơn”…. Và ông hài lòng về sự “tinh khiết”, „sạch sẽ” của nàng. Trong truyện, Xuân Hương chỉ bước ra dưới hình thức cổ tích, huyền thoại: nàng tiên trong sạch, cô Tấm trong quả thị… đặt bên cạnh không khí trì đọng, buồn bã của làng quê, từ đó nhằm tô đậm hơn cảnh thanh bần, sạch sẽ, chu đáo của Xuân Hương. Qua đó, càng đậm chất kì ảo khiến Xuân Hương càng trở nên đẹp đẽ, hư ảo gần với cõi mộng. Có thể hiểu dụng ý nghệ thuật của nhà văn ở đây là để Xuân Hương chìm ẩn trong không khí mờ ảo màu sắc dân gian của tâm thức và

làng quê Việt Nam xa xưa. Kết thúc truyện một “Ông ngơ ngác nhìn xung quanh ngôi từ đường tĩnh lặng tìm bóng của Xuân Hương”. Đi tìm hình bóng chập chờn của cái Đẹp trong cô đơn, tĩnh lặng, trong những cố gắng nhọc nhằn của sáng tạo là sứ mệnh của nghệ sĩ. Phải chăng qua đây nhà văn muốn gợi nhớ đến sự cô đơn khủng khiếp của người nghệ sĩ, ở đây là Xuân Hương; tiếp theo, con người nghệ sĩ ấy đứng cao hơn cũng là đứng ngoài „sự phũ phàng của dòng luân thế” tức là cái chết.

Trong truyện cổ, yếu tố hoang đường, kì ảo là một trong những thủ pháp nghệ thuật đặc trưng đặc biệt hấp dẫn. Đối với thể loại cổ tích, yếu tố kì ảo, sức mạnh siêu nhiên thể hiện niềm tin lạc quan, mơ ước vào sự đổi thay thực tại, chống lại những bất công ngang trái. Trong truyện của Nguyễn Huy Thiệp, yếu tố kì ảo được đưa vào trong tác phẩm với nhiều dạng thức khác nhau, qua những cách thức xây dựng nhân vật cũng rất khác nhau. Bằng thủ pháp huyền thoại hóa các loại hình nhân vật, nâng nhân vật thành những biểu tượng của cuộc sống, cộng thêm thủ pháp gợi mở - một trong những kỹ thuật hiện đại của văn học viết, Nguyễn Huy Thiệp đã tạo ra được những đứa con tinh thần khá mơ hồ, thấm đẫm chất kì ảo nhưng chứa đầy tính đầy minh triết. Tâm lí, tính cách, số phận của nhân vật trong truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp đôi khi mang tính gợi mở gián tiếp, thấm đẫm chất thơ, mơ hồ và kì ảo. Ngay cả xuất thân của nhân vật nhiều khi cũng không thể nắm bắt được nguồn gốc, đậm chất huyền thoại. Những huyền thoại này lưu trong đời sống bằng cơ chế của những lời đồn đại.

Tóm lại, nghệ thuật xây dựng nhân vật của Nguyễn Huy Thiệp vừa cổ điển, vừa hiện đại. Cổ điển ở cách viết ngắn gọn, khúc chiết, nhân vật nhiều lúc hiện lên chỉ bằng vài nét chấm phá hoặc theo cách viết sử nhưng cũng tô đậm dấu ấn cho người đọc. Hiện đại ở việc sáng tạo ra các thủ pháp khắc họa tâm lí, tính cách mới của nghệ thuật truyện ngắn hiện đại, cũng như việc sử dụng các thủ pháp cũ. Nhân vật trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp đôi khi là những hình mẫu truyện cổ được lấy lại nhưng mang màu sắc mới vừa quen thuộc, vừa khác lạ bởi những yếu tố kỳ ảo đan xen trong tác phẩm. Và dù là dùng thủ pháp nào đi chăng nữa Nguyễn Huy

Thiệp đã thể hiện xuất sắc những vấn đề nóng hổi, bức thiết của cuộc sống đương đại với bao bộn bề, ngổn ngang, phức tạp, để truyền đến cho độc giả những thông điệp của ngày hôm nay một cách nhẹ nhàng mà thâm thúy.

Một phần của tài liệu Yếu tố kì ảo trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp (Trang 88)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(117 trang)