Cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ hoạt động du lịch

Một phần của tài liệu Nghiên cứu phát triển du lịch ở cộng đồng người Mường thuộc hai huyện Kim Bôi và Tân Lạc (tỉnh Hòa Bình (Trang 78)

Hiện nay trên địa bàn huyện có 2 khách sạn và hơn 10 nhà nghỉ tập trung chủ yếu ở thị trấn Mường Khến. Ngoài ra còn hệ thống nhà nghỉ homestay đã được triển khai tại các khu du lịch.

Khu bảo tồn Ngọc Sơn – Ngổ Luông có 04 nhà nghỉ dân sinh được dự án Ngọc Sơn - Ngổ Luông hỗ trợ bao gồm: Suối Mu 1 ở xóm Khướng và Suối Mu 2 ở xóm Sát Thượng, nhà nghỉ Vườn Xanh và nhà nghỉ Rừng Xanh ở xóm Mòn. Mặt khác, dự án cũng đang hỗ trợ thêm hai nhà nghỉ ở thôn Thượng, xã Thạch Lâm và hai nhà nghỉ khác ở xã Nam Sơn. Tất cả các nhà nghỉ đều được trang bị hệ thống nhà vệ sinh tiêu chuẩn, chăn nệm và màn cho

dịch vụ ngủ qua đêm. Mỗi nhà nghỉ có thể tiếp đón và phục vụ khoảng 10 khách mỗi tối.

Khu du lịch ở Tử Nê – Thanh Hối được Tổ chức CECAD hỗ trợ xây dựng hai nhà văn hóa theo đúng kiến trúc nhà sàn truyền thống Mường trên diện tích 500 m2 tại xóm Cú và xóm Tam. Đây là địa điểm biểu diễn múa hát, đánh cồng chiêng của tổ văn nghệ mỗi khi du khách tới thăm, đồng thời, nhà văn hóa cũng là nơi diễn ra các hoạt động cộng đồng của người dân, từ những cuộc họp xóm, giao lưu hay đơn giản là những buổi trò chuyện sau một ngày làm việc vất vả.

Một phòng trưng bày các tác phẩm về văn hóa và môi trường cũng đã được hoàn thiện bởi các em học sinh trường THCS Tử Nê (xã Tử Nê) dưới sự giúp đỡ của Trung tâm và hai vườn thuốc nam được trồng tại xóm Cú và trường THCS Thanh Hối (xã Thanh Hối) cũng nằm trong chương trình du lịch cộng đồng. Tổ chức CECAD đã mở một cửa hàng lưu niệm tại xã Tử Nê nhằm phục vụ cho khách du lịch có nhu cầu xem và mua các đồ thổ cẩm của người Mường như chăn, váy, áo, v.v.

Với nguồn tài trợ từ ICCO (Tổ chức Liên minh các nhà thờ vì sự hợp tác Phát triển, Hà Lan) và FPSC (Tổ chức hỗ trợ phát triển Nguồn lực và Văn hóa, Tây Ban Nha), CECAD đã hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa, công trình vệ sinh và thay mái fi-bro xi-măng bằng mái lá cho các hộ làm nhà nghỉ, đầu tư thêm bộ cồng chiêng cho tổ văn nghệ, hỗ trợ nguyên vật liệu và khung cửi cho hoạt động tổ dệt thổ cẩm và xúc tiến quảng bá địa điểm du lịch này tới các công ty du lịch trong và ngoài nước. Bốn nhà nghỉ trong xóm Cú cũng được sửa sang để phục vụ nhu cầu nghỉ đêm của du khách [15,tr.7].

Nhìn chung, cơ sở vật chất và chương trình đào tạo kỹ năng phục vụ du khách cho cộng đồng người Mường ở hai xã Tử Nê và Thanh Hối đã được tổ chức CECAD đầu tư khá tốt, bài bản. Người dân đã có những nhận thức rõ về du lịch cộng đồng và hiệu quả của việc phát triển du lịch cộng đồng cũng như lợi ích khi tham gia du lịch cộng đồng.

2.3.3. Các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực du lịch

Các công ty du lịch

Các công ty lữ hành nội địa và quốc tế đã khai thác điểm du lịch Tân Lạc cho các hành trình ngắn ngày: 1 ngày, 2 ngày. Các điểm du lịch được du khách biết đến hiện nay là: động Hoa Tiên, thác Trăng, núi Cột Cờ. Các điểm du lịch này được kết nối với các điểm khác trong tỉnh Hòa Bình để xây dựng chương trình du lịch mới.

Bên cạnh đó, một số công ty lữ hành quốc tế lớn như HG travel, Exotismo, Fidi tour… đã nhìn thấy ở Tân Lạc tiềm năng để phát triển mô hình homestay mới có thể thay thế cho Mai Châu trong tương lai không xa và đã tiến hành bán các sản phẩm du lịch tại đây. Mặc dù số lượng khách du lịch đến với Tân Lạc chưa nhiều nhưng hứa hẹn tiềm năng phát triển lớn cho du lịch cộng đồng nơi đây.

Các tổ chức phi chính phủ

Chương trình “Du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng tại hai xã Tử Nê và Thanh Hối” là một chương trình thuộc dự án “Cải thiện sinh kế, bảo tồn bản sắc văn hóa và bảo vệ môi trường tại huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình” do FPSC (Tổ chức hỗ trợ phát triển Nguồn lực và Văn hóa, Tây Ban Nha) tài trợ và CECAD là đơn vị chủ quản chịu trách nhiệm thực hiện. Chương trình này cũng không nằm ngoài mục đích nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân Tử Nê và Thanh Hối, đặc biệt là những người dân tộc thiểu số, thông qua việc bảo tồn, gìn giữ những hiểu biết và bản sắc văn hóa Mường, cũng như bảo vệ môi trường.

Tổ chức CECAD đã tiến hành những hoạt động chuẩn bị để phát triển du lịch như: hỗ trợ xây nhà văn hóa của dân tộc Mường; khôi phục các điệu múa, bài hát Mường bằng cách thành lập đội múa và dệt thổ cẩm; tổ chức nhóm đi thăm quan học hỏi kinh nghiệm về du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng tại Chiang Mai, Thái Lan, tham quan khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, tỉnh Thanh Hóa; đào tạo người dân về cách tiếp đón khách du lịch và nấu món ăn Mường; in các tờ quảng cáo về văn hóa và du lịch ở Tử Nê và Thanh Hối.

Tổ chức FPSC cũng hỗ trợ phát triển hoạt động du lịch sinh thái tại khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Sơn – Ngổ Luông. Đây là một điểm đến du lịch mới ở phía Đông Nam thủ đô Hà Nội, nằm giữa vườn quốc gia Cúc Phương và khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, hòa trộn cảnh quan thiên nhiên đặc sắc với nét văn hóa dân tộc từ các ngôi làng truyền thống của người Mường Khụ. Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Sơn – Ngổ Luông được thành lập năm 2006 và bắt đầu đón khách du lịch năm 2010. Đây là mô hình du lịch cộng đồng đã được triển khai khá thành công và mang lại những thay đổi lớn lao trong nhận thức cũng như đời sống của người Mường Khụ.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu phát triển du lịch ở cộng đồng người Mường thuộc hai huyện Kim Bôi và Tân Lạc (tỉnh Hòa Bình (Trang 78)