Giá trị sinh thái nhân vă nở cộng đồng người Mường Kim Bôi

Một phần của tài liệu Nghiên cứu phát triển du lịch ở cộng đồng người Mường thuộc hai huyện Kim Bôi và Tân Lạc (tỉnh Hòa Bình (Trang 43)

Mường Động gốc là xã Vĩnh Đồng, huyện Kim Bôi. Đây là một trong số những cái nôi văn hóa của cả vùng, đồng thời là nơi tập trung đông dân cư Mường với nền kinh tế phát triển sớm.

Ở trung tâm Mường Động (Mường Chiềng), người ta lưu truyền sự tích về người lập làng như sau: “Ngày xưa vùng Chiềng Động ngày là một vùng rừng núi rậm rạp, cư dân thưa thớt. Nhân dân ở đây lúc đó sinh sống bằng nghề phát rẫy, làm nương là chính. Có một năm, vợ vua Hùng vì giận chồng đã đem theo hai đứa con của mình chạy về Mường Động. Nhưng đến đây bà ngoái lại vẫn còn nhìn thấy ngọn núi Ba Vì (nơi bà ra đi) nên bà đã không ở lại nơi đây mà để lại người con cả. Bà và người con thứ tiếp tục đi đến tận Mường Vang. Bà và đứa con dừng lại ở Mường Vang (nay là xã Hương Nhượng) sinh sống ở đấy. Từ đó, người Mường Động được coi là anh và người Mường Vang (Lạc Sơn) được coi là em (khi cúng thần miếu, Mường Động cúng trước rồi Mường Vang mới được cúng). Và từ đó, nhân dân Mường Động và nhân dân Mường Vang mới đông đúc dần lên.” (Lời kể của ông Đinh Công Kẩu – Tài liệu sưu tầm của PTS. Hoàng Lương, Đại học Tổng hợp Hà Nội, năm 2003). Sự tích trên đã phần nào giải thích cho sự hình thành vùng Mường Động nổi tiếng.

Cũng giống như các mường khác ở Hòa Bình, người Mường Động cũng mang những đặc điểm văn hóa chung của người Mường tuy nhiên các nghi lễ, tập tục trong đời sống họ cũng có nhiều điểm khác so với người Mường Bi và các Mường khác.

Về nhà ở của người Mường Động vẫn duy trì hình thức nhà sàn với 3 tầng riêng biệt. Trên cùng là gác để lương thực, đồ dùng gia đình. Sàn nhà là nơi sinh hoạt chính và gầm sàn là nơi để các dụng cụ sản xuất và nhốt gia súc. Người Mường Động ở Kim Bôi có một số thành ngữ nói về ngôi nhà của mình:

Thứ nhất nhà dỏ, thứ hai rỏ bữa

Thứ nhất nhà dột, thứ hai không bữa

Hoặc Vợ tạm thì khà, nhà tạm thì dạc

Vợ tạm thì già, nhà tạm thì rách

Hay Nhà lụp xụp nhà ông Mo

Về trang phục của người Mường Động giống với người Mường Bi về cơ bản, tuy nhiên cũng chứa đựng những điểm khác biệt rõ rệt. Có thể nhận thấy trong tang phục của người Mường (tang phục của con cháu trong gia đình và trang phục của thầy Mo). Tang phục của người Mường Động được may toàn bộ bằng vải trắng tự dệt gọi là đồ tem. Quần áo tang của người Mường ở Kim Bôi khi may không được vấn gấu, phải để mép vải xơ ra, cố tình làm cho xấu đi để biểu hiện lòng thương tiếc đối với người quá cố. Trang phục của người Mường ngoài mục đích biểu lộ tình cảm, thái độ của người thân với người quá cố còn phản ánh chân thực nhất chế độ phụ quyền của người Mường.

Y phục của thầy Mo trong tang lễ tương đối nổi bật. Ông Mo trong lúc hành lễ phải mặc áo Mo và mũ Mo. Áo Mo được may bằng vải xanh, có nẹp bằng vải đỏ, vạt trái kéo rộng sang sườn bên phải, cài khuy; gấu áo và gấu tay có nẹp bằng vải đỏ. Mũ Mo hay còn gọi là mũ đuôi peo là loại mũ mềm, hình chóp thường có màu xanh. Tuy nhiên, mũ ở mỗi vùng Mường lại có những chi tiết khác nhau. Mũ thầy Mo ở vùng Mường Bi có gắn một mảnh vải cắt hình đuôi chim chèo bẻo và khi đội ngả chóp mũ đuôi peo ra phía sau. Ở Mường Động, các thầy Mo đội một loại mũ trắng tuyền không có một màu trang trí nào khác, hai mũi nhọn cong lên hai bên giống chiếc mũ ca lô.

Về ẩm thực, người Mường Động và người Mường Bi có những nét tương đồng. Ở Mường Động, cơm lam cũng được xem là một trong những món ăn nổi tiếng. Theo truyền thống, người Mường Động chỉ làm cơm lam vào các dịp thu hoạch lúa mới (tháng 11) hoặc vào dịp Tết Nguyên Đán. Hiện nay, một số hộ gia đình ở Kim Bội đã làm cơm lam quanh năm theo đơn đặt hàng của Khu du lịch suối khoáng Kim Bôi. Tuy nhiên chất lượng cơm lam bán cho du khách đã giảm đi rất nhiều so với hương vị truyền thống. Cơm lam truyền thống phải là loại lúa nếp ngon đem giã thành gạo rồi ngâm với nước lá thơm sau đó được dồn vào ống nứa. Công đoạn cuối cùng là nướng bằng than củi cho đến khi vỏ nứa vàng đều khi ấy cơm lam đã chín. Khi ăn người ta

cắt khúc 2- 3cm rồi dùng với mật mía hoặc muối vừng. Các hộ gia đình kinh doanh hiện nay làm cơm lam bằng cách thổi chín xôi rồi mới dồn vào ống nứa trước khi đem hơ qua bếp lửa. Các làm này vô hình chung đã giảm mất giá trị của món ăn truyền thống nơi đây trong mắt khách du lịch và không tạo được điểm nhấn cho du lịch Kim Bôi.

Khu mộ cổ Đống Thếch

Một trong những giá trị văn hoá biểu tượng của người Mường Động

Kim Bôi chính là khu mộ cổ Đống Thếch tại xã Vĩnh Đồng. Khu vực này trước kia là một khu linh địa hoành tráng, đồ sộ, có đến hàng trăm ngôi mộ với những chiếc cột đá cao lừng lững của dòng họ Đinh Công, dòng họ danh tiếng bậc nhất trong tứ Mường (Nhất Bi, nhì Vang, tam Thàng, tứ Động) ở đất Hòa Bình.

Tất cả các ngôi mộ đều được chôn tạo hình với những cột đá cao từ 1 đến 3m, phía đầu mộ đá to, chân mộ chôn đá nhỏ. Hai bên cũng được bao bọc bởi hàng rào đá xếp ken dày. Số lượng cột đá được chôn xuống nhiều hay ít tỉ lệ với danh tiếng, uy quyền của người quá cố. Những khối đá cẩm thạch nhẵn bóng, vững chãi có nguồn gốc ở tận Thanh Hoá, thể hiện sự bề thế và quyền lực của các dòng họ quan Lang ở xứ Mường. Theo tài liệu cổ của người Mường, các vị quan Lang ở xứ Mường Động rộng lớn đã chọn khu vực núi non hình miệng rồng này làm nơi yên nghỉ vĩnh hằng nhằm giữ long mạch cho con cháu đời sau mãi được thịnh vượng. Hình thức này cũng rất giống việc lựa chọn thế đất xây lăng của các vua Nguyễn sau này. Các ngôi mộ đều tuân thủ một nguyên tắc chung: phía đầu mộ chôn ba khối đá cao, to nhất thành một hàng thẳng, còn chân mộ chôn ba khối đối xứng với đầu mộ và những khối này nhỏ hơn, thấp hơn. Nhiều nhà khảo cổ đã sững sờ trước cảnh tượng hàng ngàn khối đá lớn, có khối cao đến 5m, nặng cả chục tấn, được dựng thẳng đứng quanh những ngôi mộ sau vài trăm năm dãi dầu mưa nắng mà vẫn vững chãi. Với các nhà khoa học, việc đưa ra những giả thuyết về

cách khai thác, vận chuyển những khối đá lớn này trên đoạn đường rất dài của người xưa là hết sức thú vị.

Trên mỗi khối đá đều khắc chữ Hán nói về thân thế, công danh, gia tộc của người nằm dưới mộ. Với những khối đá xanh vĩnh cửu, các quan lang, gia tộc người Mường tin rằng con cháu đời sau sẽ mãi khắc ghi công trạng của tổ tiên mình vào lịch sử.

Người đặt nền móng cho sự phồn thịnh của dòng họ Đinh Công của xứ Mường Động là ông Đinh Văn Cương vốn là người Ngọc Lặc, Thanh Hoá. Ông Cương mồ côi cha, từ nhỏ đã đam mê võ thuật, đánh trận. Một lần khi vua Lê hành quân qua đây bị giặc phục kích, đang lúc nguy khốn, ông xả thân đã cứu giúp. Để ghi nhớ công trạng, nhà vua phong công thần và ban cho ông chữ Công, đổi tên đệm từ Đinh Văn thành Đinh Công và giao trấn giữ vùng đất Kim Bôi, Hòa Bình ngày nay. Khi ông qua đời, người ta phải dùng hàng chục con voi về Thanh Hoá chuyển đá ra làm mộ, ròng rã nhiều tháng trời mới xong. Chỉ những người làm quan trong dòng họ Đinh khi qua đời mới được chôn trong khu mộ Đống Thếch và quanh năm có người trông coi cẩn thận. Khi một vị quan lang hoặc gia tộc có người qua đời thì cả vùng Mường Động làm đại tang.

Khu vực Đống Thếch có hơn 100 ngôi mộ với hàng ngàn cột đá sừng sững, uy nghiêm, giờ chỉ còn lại hơn chục ngôi mộ nằm rải rác trong vuông đất rộng chừng 2 ha. Năm 1984, Viện Khảo cổ, Bảo tàng lịch sử Việt Nam phối hợp với Sở VH-TT Hoà Bình khai quật một số những ngôi mộ còn sót lại để phục vụ nghiên cứu văn hóa Mường. Đây chính là một trong những sản phẩm du lịch độc đáo của người Mường Kim Bôi, có thể sánh ngang với thánh địa Mỹ Sơn - Quảng Nam. Nếu Mỹ Sơn là vùng đất thánh của người Chăm thì khu mộ cổ Đống Thếch – Kim Bôi là vùng đất thánh của người Mường Động. Tuy nhiên thực tế dễ nhận thấy hiện nay là khu vực này không được quan tâm, đầu tư một cách triệt để dẫn đến tình trạng bị bỏ hoang, xuống cấp nghiêm trọng.

Lễ hội Mường Động

Lễ hội Mường Động là lễ hội lớn nhất của người Mường Kim Bôi được tổ chức 2 năm một lần vào ngày 7 tháng 2 (theo lịch Mường). Mỗi lần khai hội thu hút hàng nghìn lượt người khách thập phương về tham dự.

Trong lễ hội, phần lễ mang đầy tính tâm linh của người dân trong vùng như tổ chức rước kiệu đón Phật từ chùa Động về đình (chùa Động thờ Phật và vua Dịt Dàng) do 4 thanh niên khỏe mạnh được tuyển chọn kỹ càng khiêng kiệu cùng cờ cái, cờ quân, sáo nhị nhà lang, ậu mõ và nhân dân cùng đi về đình làm lễ, tổ chức nhiều trò chơi cầu mong trời đất, thần linh ban cho con người sức khỏe, mùa màng tốt tươi. Các hoạt động của lễ hội mang đậm nét độc đáo trong giao tiếp cuộc sống hàng ngày, trong gia đình, làng xóm của người Mường nói chung và người Mường Động nói riêng. Tên gọi của hội trước đây được nhân dân gọi là hội chùa Động (nay gọi là hội Mường Động).

Điểm độc đáo ở lễ hội Mường Động là lễ hội được tổ chức 2 năm một lần, năm chẵn thì tổ chức tại đình, năm lẻ tổ chức tại chùa. Trước đây, phần lễ được sắm (chủ yếu cúng chay và có gà) được bày thành 2 ban gồm ban thượng, ban hạ. Ban thượng gồm một ván cơm thờ vị vua cha (vua Dịt Dàng), một ván cơm thờ vua bà (vợ vua Dịt Dàng) và vua con (con vua Dịt Dàng) gồm xôi, thịt gà, rượu. Ban hạ thờ Thành hoàng làng, thờ thổ địa, tiếp theo là mâm của các lang, ậu cúng ông bà, tổ tiên, những người đã khuất về dự hội, ăn cơm mâm hoa quả của khách thập phương về hội cầu tài, cầu lộc. Sau khi đã sắm đầy đủ các đồ cúng tế, lễ khấn do ông thầy cúng được nhân dân chỉ định là người có uy tín với dân làng được tiến hành. Phần lễ được phân công cho các xóm sắm sửa như sau: xóm Cặm Cõ (xã Đông Bắc) lo làm đu, ậu tạo Cốc (xã Vĩnh Đồng) lo bàn nhắm, ông từ lo phần cúng ở đình, chùa, các ậu trong Mường mang đồ lễ về cúng năm nào tổ chức ở đình thì cúng tại đình, năm nào tổ chức ở chùa thì cúng ở chùa. Về phần hội được tổ chức tại sân chùa hay cánh đồng gần chùa, có năm được tổ chức tại sân đình. Hội được diễn ra trong một ngày gồm có chơi đu, ném còn, rước kiệu, thi bắn nỏ, bắn súng kíp, thi đua ngựa, hát ví thường rang, bọ mẹng…

Lễ hội sắc bùa ngày xuân

Theo người Mường, sắc bùa hay xéc bùa có nghĩa là xách cồng, là một hội vui, có tính chất giải trí, diễn ra đầu năm mới ở khắp các bản Mường để cầu chúc cho nhau may mắn, mạnh khỏe trong dịp đầu năm mới. Ngoài ra, người Mường cũng có thể tổ chức sắc bùa trong các dịp vui khác: Đón khách quý từ xa đến, dựng nhà mới, kết hôn… Sắc bùa bao giờ cũng phải có phường do những người biết hát, biết đánh cồng, và biết đối gọi là phường bùa. Phường bùa bao giờ cũng có một ông chủ phường là người hát giỏi, biết đánh cồng và giao tiếp tốt. Người này cũng sẽ đảm nhận vai trò lựa chọn con hát cho phường bùa của mình. Một phường bùa thường có khoảng 12 người đánh chiêng, 2 người khiêng thúng đựng tặng phẩm và ông trùm. Trang phục của người sắc bùa phải đẹp: nam mặc áo dài, chít khăn đầu rìu; nữ mặc áo khoác vàng, đội nón bằng, đeo vòng tay, kiềng bạc và xà tích. Đoàn sắc bùa đi đến đâu, xóm làng rộn ràng tiếng cồng tiếng chiêng đến đó. Sau khi phường bùa chúc mừng gia chủ, gia chủ sẽ cất lời hát thường, rang, boong, mẹng để níu chân phường bùa. Sau đó, gia chủ sẽ tặng gạo và tặng quà cho phường bùa để cảm ơn đã mang lộc đến nhà đầu năm. Đó là diễn biến cơ bản của một hội xéc bùa ngày xuân của người Mường, thể hiện nét sinh hoạt văn hóa độc đáo riêng có ở xứ Mường.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu phát triển du lịch ở cộng đồng người Mường thuộc hai huyện Kim Bôi và Tân Lạc (tỉnh Hòa Bình (Trang 43)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(125 trang)