người Việt ở trong nước
Khi người Kinh ở Vạn Vĩ tách khỏi cộng đồng người Việt định cư ở vùng đất mới ngoài biên giới thì tín ngưỡng của họ vẫn không tách khỏi tín ngưỡng của người Việt nói chung. Trong quá trình mở rộng và phát triển sự giao lưu văn hóa trong phong tục, tín ngưỡng giữa người Kinh ở Vạn Vĩ với người Việt ở trong nước cũng rộng mở qua việc buôn bán, kết hôn. Chính vì thế, tín ngưỡng của người Kinh ở Vạn Vĩ có nhiều nét tương đồng với tín ngưỡng của người Việt trong nước. Sự tương đồng thể hiện rõ trên nhiều hình thức của hệ thống tín ngưỡng như thờ cúng tổ tiên, thờ phụng các vị thần trong gia đình, thờ Thành Hoàng, nghi lễ trong sinh đẻ, hôn nhân, tang ma, nghi lễ lịch tiết…
Việc thờ cúng tổ tiên người Kinh ở Vạn Vĩ và người Việt ở trong nước đều thể hiện đạo hiếu những thế hệ đang sống phải “uống nước nhớ nguồn”,
“ăn quả nhớ người trồng cây” kính trọng, phụng dưỡng ông bà, cha mẹ lúc sinh thời, thờ phụng khi mất.
Trong mỗi gia đình của đồng bào Kinh ở Vạn Vĩ và người Việt ở trong nước đều có bàn thờ Tổ tiên, lập bàn thờ ở nơi cố định, trang trọng nhất. Vào những ngày nhất định người ta cúng giỗ linh đình ở đó. Bàn thờ tổ tiên là không gian thiêng liêng để con, cháu trong gia đình thể hiện, gửi gắm lòng tưởng nhớ, biết ơn tổ tiên đã phù hộ con cháu trong gai đình.
Trong các nghi lễ gia đình, người Kinh ở Vạn Vĩ và người Việt ở trong nước rất coi trọng việc cúng giỗ và thờ phụng tổ tiên. Ngoài mâm cơm, hương hoa, trái cây, còn có các loại vàng mã - một lễ vật không thể thiếu được trong những dịp cúng giỗ lớn. Ngày nay, đồ vàng mã cũng được mô phỏng như các loại tiền, vàng, quần áo, ngựa, xe, nhà… Nhang cũng là một lễ vật không thể thiếu được trong những dịp cúng giỗ.
Người Kinh ở Vạn Vĩ và người Việt ở trong nước không chỉ thờ cúng tổ tiên vào ngày gỗ kỵ, những ngày lễ tết mà còn vào những dịp gia đình có việc hệ trọng như cưới xin, làm nhà mới, khai trương cửa hàng, khi gia đình có người ốm, khi công việc làm ăn gặp khó khăn… họ đều cúng tổ tiên để cầu xin những điều tốt lành, vạn sự như ý, mong được tổ tiên chứng giám. Họ coi việc thờ cúng tổ tiên là công việc hàng ngày, hàng tháng, quanh năm. Cho đến nay, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên vẫn được người Kinh ở Vạn Vĩ và người Việt ở trong nước coi trọng, duy trì và gìn giữ theo đúng kiêng kỵ và tập tục.
Ngoài việc thờ cúng tổ tiên người Kinh ở Vạn Vĩ và người Việt ở trong nước còn thờ cúng một số vị thần thánh khác, gọi chung là các “Thần bản gia” như thờ Thổ Công (Thần Đất), Thần Tài, Thần Thổ Địa, Thần Bếp.
Cũng giống như ở Việt Nam, trong các làng của người Kinh ở Kinh ở Vạn Vĩ cũng có đình, chùa, miếu… là những nơi linh thiêng thờ những vị thần bảo trợ cho cuộc sống, đáp ứng nhu cầu tâm linh của đồng bào. Cách đây
ba bốn trăm năm khi người Đồ Sơn sang lập nghiệp định cư ở Vạn Vĩ, họ đem theo cả tín ngưỡng Thành hoàng ở làng quê gốc. Đối tượng thờ cúng của đồng bào phần đa là các thần được đem từ quê hương Việt Nam sang như Đức thánh Trần (Trần Hưng Đạo), Mẫu Liễu Hạnh, Cao Sơn đại vương (hóa thân của Tản Viên sơn thánh), Quảng Trạch Đại Vương (vua Lê Thái Tổ)… hình thức cúng tế các vị thần này cũng tương tự như ở Việt Nam.
Người Kinh ở Vạn Vĩ và người Việt ở trong nước đều coi trọng việc sinh con, là lễ thức đầu tiên trong vòng tiến triển một đời người. Sinh đẻ là việc rất quan trọng đối với người phụ nữ. Ngay từ khi thai nghén, người phụ nữ phải giữ gìn và kiêng cữ để tránh những điều không hay cho trẻ sau này. Cả người Kinh ở Vạn Vĩ và người Việt ở trong nước đều mong sinh con trai để nối dõi tông đường.
Cũng giống như người Việt ở trong nước, người Kinh ở Vạn Vĩ sau khi đứa trẻ sinh ra được ba ngày thì làm lễ cúng Mụ. Vẫn là quan niệm từ nhiều đời nay người ta cho rằng muốn tạo được một con người thì phải có 12 bà Mụ trên trời. Mỗi bà chịu trách nhiệm nặn một bộ phận cơ thể. Cho nên làm lễ 3 ngày là dịp trả công lao cho các bà Mụ do đó gọi là lễ cúng Mụ [37: 381]. Lễ đầy tháng, đầy năm cũng được cả người Kinh ở vạn Vĩ và người Việt ở trong nước tiến hành cẩn thận chu đáo. Trước kia tục ở Việt Nam “sinh con được 3 ngày thì chỉ làm vài mâm cỗ cúng thần Dưỡng (Bà Mụ). Đến ngày thứ 7, thứ 9, đầy 100 ngày, đầy một năm thì làm lễ cáo tiên, yến tiệc linh đình, rồi tân khách đem thơ văn, đồ chơi, quần áo đến mừng. Các lễ 100 ngày và đầy năm là trọng hơn cả.” [37: 381]. Ở Vạn Vĩ khi được 3 ngày gia đình làm lễ “tam chiêu tế tổ” và cúng Mụ cho đứa trẻ; khi đầy tháng làm lễ cúng tổ tiên, cúng Mụ và cúng giải ổ; khi đầy năm người ta lại cúng tổ tiên và Mụ. Hiện nay do điều kiện kinh tế phát triển nhiều gia đình làm lễ đầy tháng, đầy năm cho con khá lớn. Điều đó cho thấy tín
ngưỡng liên quan đến việc sinh đẻ về cơ bản người Kinh ở Vạn Vĩ và người Việt trong nước có nhiều điểm giống nhau.
Trong nghi lễ hôn nhân của người Kinh ở Vạn Vĩ và người Việt ở trong nước có nhiều nét tương đồng, thể hiện sự giao lưu, hòa nhập khá đậm nét.
Cùng xuất phát từ một cội nguồn đất Việt, người Kinh ở Vạn Vĩ khi tách khỏi cộng đồng người Việt định cư ngoài biên giới thì nghi lễ hôn nhân của họ không tách rời khỏi nghi lễ hôn nhân của người Việt nói chung. Chính vì vậy trong hôn lễ cổ truyền của người Kinh ở Vạn Vĩ có nhiều nét tương đồng với nghi lễ hôn nhân cổ truyền của người Việt trong nước.
Môi trường gặp gỡ, tìm hiểu đính ước của trai gái cùng chủ yếu qua các sinh hoạt ca hát và lễ hội. Trong Nếp cũ Toan Ánh viết: “Tại miền Bắc có những tục hát đối giữa nam và múa như hát quan họ, hát ví, hát trống quân, tại miền Trung và miền Nam có những buổi hát hò. Đây là dịp trai gái gặp nhau và có thể tìm hiểu nhau qua câu hò, giọng hát… Trong những ngày hội làng, hội tổng, ngoài những cặp trai gái đó hát với nhau, còn những cặp trai gái khác cũng nhân ngày hội mà gần gũi, hiểu rõ gia thế nhau, trao đổi cùng nhau một vài câu chuyện trong lúc đi xem hội, xem hát… [2: 174-175]. Khi thực hiện các thủ tục cưới hỏi là do bố mẹ định liệu và người làm mối cũng giữ vai trò quan trọng. Về quá trình thực hiện nghi lễ hôn nhân người Kinh ở Vạn Vĩ và người Việt ở trong nước đều bắt buộc thực hiện các lễ: dạm hỏi (người Kinh ở Vạn Vĩ gọi là lễ đặt), lễ ăn hỏi dẫn cưới (người Kinh gọi là lễ gánh), lễ đón dâu và lễ lại mặt.
Người Kinh ở Vạn Vĩ và người Việt ở trong nước đều rất cẩn thận trong việc so tuổi xem hai người có hợp nhau không, xem ngày giờ tốt cho từng nghi lễ. Trầu cau, rượu, trà, các loại bánh và pháo hồng là những lễ vật không thể thiếu trong hôn lễ, trong đó trầu cau là quan trọng nhất. Thách cưới cũng là một nghi thức bắt buộc.
Trước khi rước dâu, cô dâu chú rể phải làm lễ gia tiên. Trong lễ đón dâu và rước dâu không thể thiếu người chủ hôn, bà mối, phù dâu phù rể, đại diện họ hàng và bạn bè của hai bên gia đình. Của hồi môn của cô dâu là không thể thiếu và bao giờ cũng được mang theo tất cả cùng cô dâu trong lễ đưa dâu.
Trong khi thực hiện các nghi lễ, cô dâu chú rể luôn thể hiện thái độ tôn trong bố mẹ cả hai bên bằng việc lễ gia tiên trước bàn thờ và lạy ông bà cha mẹ, sau khi lễ như vậy bố mẹ hai bên thường cho cô dâu chú rể tiền mừng hoặc của hồi môn.
Trang phục của cô dâu chú rể trong ngày cưới là trang phục cổ truyền của người Việt xưa. Mâm cỗ cưới của Người Kinh ở Vạn Vĩ và người Việt ở trong nước đều ngồi 6 người, thức ăn không hết có thể mang về.
Với những điểm trên, có thể thấy rõ sự giao lưu văn hóa trong nghi lễ hôn nhân giữa Người Kinh ở Vạn Vĩ và người Việt ở trong nước. Sự tương đồng trong hôn lễ cổ truyền của Người Kinh ở Vạn Vĩ và người Việt ở trong nước có được là do họ có cùng khuôn mẫu, cùng nền tảng hôn lễ cổ truyền của người Việt xưa. Nhưng rồi sau nhiều thế kỷ tách khỏi cộng đồng, cái nôi truyền thống của vùng Bắc bộ và thích nghi với vùng đất mới nơi biên cương hải đảo, lại định cư cùng dân tộc khác trên đất nước khác nên nghi lễ hôn nhân của người Kinh ở Vạn Vĩ có nhiều nét khác biệt. Sự khác biệt thể hiện ở những chi tiết cụ thể trong nghi lễ hôn nhân.
Trong xã hội hiện đại, với xu hướng toàn cầu hóa, cả nghi lễ hôn nhân của người người Kinh ở vạn Vĩ và người Việt ở trong nước đều có sự biến đổi. Sự biến đổi tất yếu đó đã xóa nhòa khá nhiều những khác biệt vốn có giữa nghi lễ hôn nhân cổ truyền của người Kinh ở Vạn Vĩ và nghi lễ này của người Việt trong nước nhưng đồng thời lại tạo ra nhiều điểm giống nhau trong nghi lễ hôn nhân hiện đại. Cả người Kinh ở Vạn Vĩ và người Việt ở trong nước hiện nay đều hầu hết theo mô hình tổ chức hôn lễ hiện đại: đơn giản các nghi lễ, phát triển các
dịch vụ, nâng cao chất lượng cỗ cưới, trang phục kiểu Phương Tây, trị giá quà mừng lớn, tổ chức hôn lễ ở nhà hàng, khách sạn ngày càng phổ biến.
Trong nghi lễ lịch tiết người Kinh ở Vạn Vĩ với Người Việt trong nước có nhiều điểm tương đồng.
Tết Nguyên Đán được coi là lễ tết quan trọng nhất trong năm. Cả người Kinh ở Vạn Vĩ và Người Việt trong nước đều tổ chức đón tết rất long trọng, đặc biệt là việc cúng Tổ tiên. Từ những năm 60 trở về trước cứ mỗi dịp tết đến nhà nhà người Kinh ở Vạn Vĩ lại gói bánh trưng vuông dúng truyền thống của quê Mẹ nhưng sau này thì tập tục đó đã bị mai một bởi sự giao lưu tiếp biến với phong tục Hán. Chiều 30 tết nhà nhà sửa sang lại bàn thờ, thay chân hương, làm một mâm cơm đặt lên bàn thờ cúng tổ tiên sau đó cả gia đình ăn bữa cơm đoàn tụ. Người Việt ở trong nước gọi là bữa cơm Tất niên.
Người Kinh ở Vạn Vĩ cũng giống Người Việt trong nước đều chuẩn bị mâm cơm cúng giao thừa thịnh soạn, háo hức chờ đón, chứng kiến sự chuyển giao năm cũ sang năm mới. Trong ngày tết người Kinh vẫn giữ tục lệ truyền thống ở quê nhà đó là việc đi chơi, thăm hỏi, chúc tụng, mừng tuổi nhau; vẫn thực hiện việc hương khói cúng bái trong cả 3 ngày Tết và sau ngày mồng 3 có thể đốt vàng đưa các cụ.
Người Kinh ở Vạn Vĩ và Người Việt trong nước cũng rất coi trọng rằm Tháng giêng, vào ngày này đều chuẩn bị lễ rất cẩn thận để cúng gia tiên.
Tết Đoan Ngọ (tết Đoan Dương) vào ngày mùng 5 tháng năm là giai đoạn chuyển mùa nên hay có bệnh thời khí nên người Kinh ở Vạn Vĩ cũng giống như người Việt trong nước rất chú ý đến những tập tục với ước vọng ngăn cản bệnh tật cho trẻ. Trong Việt Nam phong tục của Phan Kế Bính viết: “Tết này ta hay lấy lá múng nhuộm các đầu ngón tay, ngón chân cho trẻ mà trừ ngón tay trỏ. Sáng sớm hôm ấy ăn rượu nếp, trứng luộc, khế, bánh đa, đào mận, muỗm, dưa hấu, uống nước dừa. Người lớn thì uống rượu hòa ít tam thần đơn hoặc hùng
hoàng gọi là giết sâu bọ. Trẻ con ăn xong thì bôi hồng hoàng vào thóp đầu, vào ngực, vào rốn để trừ trùng”… [11: 57] giữa trưa thì làm cúng tổ tiên, nhiểu nhà đi lấy lá ngải cứu tết thành hình con vật theo năm, kết xong treo giữa cửa để trừ sự bất thường… ; người Kinh ở Vạn Vĩ cũng có tục lấy hồng hoàng bôi lên trán đứa trẻ, gia đình tổ chức ăn rất nhiều hoa quả vào buổi sáng, buổi trưa làm mâm cơm thịnh soạn cúng tổ tiên, trước cửa nhà cũng treo biểu tượng con vật (con hổ) bằng lá ngải. Đó là những điểm khá tương đồng trong dịp lễ tết này của người Việt trong nước với người Kinh ở Vạn Vĩ.
Ngày Tết Trung nguyên, người Kinh ở Vạn Vĩ cũng như người Việt trong nước đều tổ chức lễ nghi cầu siêu cho các linh hồn lang thang, trong gia đình thì cúng tổ tiên, đốt vàng mã cho người đã khuất.
Những ngày lễ tết khác như Tết Trung thu, Tết Cơm mới của người Kinh ở Vạn Vĩ về cơ bản cũng giống với người Việt trong nước
Tìm hiểu sự giao lưu Văn hóa trong tín ngưỡng của người Kinh ở Vạn Vĩ với Người Việt trong nước, ta thấy ở đây có sự gần gũi, tương đồng về cơ bản và điều đó chứng tỏ rằng sợi dây liên kết họ với đất Mẹ chưa bao giờ bị đứt đoạn.
3.3. Một số giải pháp để phát huy và bảo tồn các giá trị văn hoátrong tín ngưỡng của cộng đồng người Kinh ở Vạn Vĩ.