2.1. Khái niệm tín ngưỡng
Tín ngưỡng tôn giáo là một hiện tượng lịch sử thuộc lĩnh vực văn hóa tinh thần của đời sống xã hội. Những lý luận chung về tín ngưỡng tôn giáo là rất phong phú và phức tạp. Đã có không ít những tác phẩm của các nhà kinh điển trên thế giới và trong nước bàn về vấn đề này. Ở đây với tính chất góp phần làm cơ sở để tìm hiểu về “Tín ngưỡng của người Kinh ở Vạn Vĩ, Giang Bình, Đông Hưng, Quảng Tây, Trung Quốc” người viết chỉ xin khái lược đề cập đến vấn dề này.
Tín ngưỡng là những quan niệm riêng lẻ hoặc tương đối có hệ thống phản ánh lòng tin của con người với sự tồn tại của hiện tượng siêu nhiên và ảnh hưởng của nó đối với số phận con người. Các nhà khoa học còn đưa ra thuật ngữ “Tín ngưỡng tiền tôn giáo”. Tín ngưỡng tiền tôn giáo là khái niệm chỉ hệ thống tín ngưỡng được hình thành và tồn tại ở một tộc người nào đó trước khi du nhập phổ biến ở đó những “Tôn giáo thế giới”. Tín ngưỡng trong xã hội nguyên thuỷ rất đa dạng, được các nhà dân tộc học phân loại và biểu thị bởi một hệ thống thuật ngũ phong phú: “Tô tem giáo” và “tín ngưỡng dân gian”.
Tô tem giáo có nguồn gốc từ chữ “Tôtem” của một bộ lạc da đỏ Bắc Mỹ có nghĩa là “Thị tộc”, “giống loài” của họ. Đó là lòng tin của con người vào mối quan hệ thân thuộc giữa họ với những đại diện của giới động vật hay thực vật, thâm chí là vật cụ thể (con suối, gốc cây, hòn đá…) coi đó là tổ tiên thị tộc của họ “Tô tem giáo là sự nhân cách hóa tập thể, bằng hình thức con thú hay cây cỏ thần thoại” [48: 8]. Tôtem giáo gắn liền với thời kỳ thị tộc mẫu hệ được biểu hiện dưới nhiều dạng như ma thuật, bái vật linh...
Tín ngưỡng dân gian có thể xem là loại hình tín ngưỡng tôn giáo do chính nhân dân - trước hết, những người lao động - sáng tạo ra trên cơ sở những tri thức phản ánh sai lạc dưới dạng kinh nghiệm cảm tính từ cuộc sống thường nhật của bản thân mình. Tín ngưỡng dân gian là niềm tin vào thần linh thông qua những nghi lễ gắn liền với tập tục, thói quen truyền thống. Nó là một bộ phận của văn hoá dân gian, phản ánh những ước nguyện tâm linh của con người và cộng đồng. Tín ngưỡng dân gian không có tính hệ thống, không mang tính triết lí nhân sinh hoàn chỉnh như nhiều yếu tố khác vốn có của một tôn giáo. Tuy nhiên, cũng giống như tôn giáo, tín ngưỡng là sự thể hiện niềm tin, sự ngưỡng mộ của con người vào một thực thể siêu việt nào đó như Thượng Đế, Thần, Phật, Tổ tiên… Tín ngưỡng dân gian mang tính bình dị, tự nhiên, gần gũi với cuộc sống của người lao động cùng hoạt động thường nhật của họ [28: 13-14].
Có thể phân chia các hình thức tôn giáo tín ngưỡng ra làm hai thời kỳ: Tôn giáo trong xã hội chưa có giai cấp; tôn giáo trong xã hội có giai cấp.
Tôn giáo trong xã hội chưa có giai cấp có Tô tem giáo, Ma thuật giáo, Bái vật giáo.
Tôn giáo tín ngưỡng trong xã hội có giai cấp gồm các loại hình chủ yếu như: Sa man giáo, sùng bái thủ lĩnh, sùng bái hội kín, thờ thần bộ lạc, thờ cúng tổ tiên trong các gia đình phụ hệ, tôn giáo dân tộc và tôn giáo thế giới.
Đối chiếu với những vấn đề lý luận trên, có thể thấy trong cộng đồng người Kinh ở Trung Quốc tồn tại các loại hình tín ngưỡng hòa lẫn giữa Phật giáo và Đạo giáo, có một cộng đồng nhỏ theo Thiên chúa giáo. Trong đời sống văn hóa tâm linh, đồng bào Kinh còn tin vào nhiều thần, thánh. Trong gia đình, dòng họ đều thờ cúng Tổ tiên, thờ Táo quân, Thổ địa, Thiên quan… trong các đình, miếu người Kinh còn thờ nhiều vị thần: Tướng quân Trần triều, Đại vương Cao sơn, Đại vương Thánh tổ, Đại vương Hải Trần. Trong sinh hoạt văn hóa có nhiều những tập tục, lễ nghi, kiêng kỵ...