Thờ cúng Tổ tiên

Một phần của tài liệu luận văn Tín ngưỡng của người Kinh ở làng Vạn Vĩ, Giang Bình, Đông Hưng, Quảng Tây, Trung Quốc (Trang 39)

Thờ cúng tổ tiên là một trong những loại hình tín ngưỡng phổ biến nhất không chỉ trong cộng đồng người Kinh mà còn cả trong các gia đình của các dân tộc khác ở Trung Quốc.

Tổ tiên là khái niệm để chỉ những người có cùng huyết thống, đã mất như

kỵ, cụ, ông bà, cha, mẹ… là những người có công sinh thành và nuôi dưỡng, có ảnh hưởng đến đời sống vật chất và tinh thần của các thế hệ con cháu.

Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên xuất phát chủ yếu trên cơ sở lòng tin vào sự tồn tại của thế giới bên kia của con người sau khi chết. Sau khi chết, linh hồn ấy vẫn còn cần đến thức ăn, quần áo, vật dụng trong sinh hoạt hàng

ngày… nhưng hoạt động của linh hồn có phần khác thường, nó có thể giúp đỡ hoặc gieo họa cho người sống bất kì lúc nào. Theo X.A. Tôcarev thì “Sự thờ cúng tổ tiên là một hình thức tôn giáo, từ lâu đã được thừa nhận trong giới khoa học… là sự thờ cúng ông, bà, cha, mẹ và những người đồng tộc đã chết và trước hết là hình thức gia đình - thị tộc của sự thờ cúng đó, tức là lòng tin rằng, tổ tiên đã chết che chở cho con cháu đang sống, và những lễ nghi cầu xin do các thành viên thị tộc hay gia đình tiến hành để nhằm thờ phụng tổ tiên” [48: 312-313].

Người Trung Quốc, ý thức về tổ tiên khá sâu đậm, đặc biệt là tổ tiên dòng họ. “Họ quan niệm rằng: người chết chỉ có thể yên ổn trong phần mộ của mình hay trên bàn thờ gia đình nếu cháu dâng cúng lễ vật theo nghi thức, ngược lại người sống chỉ sung sướng khi được bao bọc bởi những ảnh hưởng tốt lành của người chết đang che chở cho họ một cách bí ẩn. Người Trung Quốc thờ cúng tổ tiên cũng là để kính báo tổ tiên mỗi khi trong gia đình, họ tộc có những việc lớn như làm nhà, cưới xin, thăng quan tiến chức…” [36: 37].

Ở Việt Nam, việc thờ cúng tổ tiên thể hiện đạo hiếu những thế hệ đang sống phải “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây” kính trọng, phụng dưỡng ông bà, cha mẹ lúc sinh thời, thờ phụng khi mất. Nó trở thành đạo lý lẽ sống của con người. Theo Toan Ánh “thờ phụng Tổ tiên do lòng thành kính và biết ơn của con cháu đối với cha mẹ, ông bà, cụ kỵ đã khuất mà thôi” [3: 4]. Như vậy tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên là một bộ phận của ý thức xã hội, là một loại hình tín ngưỡng dân gian được hình thành từ thời nguyên thủy với niềm tin thiêng liêng rằng, tổ tiên đã chết sẽ che trở, phù giúp cho con cháu, được thể hiện thông qua lễ nghi thờ phụng. Nó là sự phản ánh hoang đường quyền hành của người đứng đầu thị tộc phụ hệ, gia đình phụ quyền được duy trì và phát triển trong xã hội có giai cấp sau này, là sự biết ơn, tưởng nhớ và tôn thờ những người

có công sinh thành, tạo dựng, bảo vệ cuộc sống như cụ, kỵ, ông, bà, cha, mẹ, Tổ sư, Tổ nghề, Thành Hoàng làng, Tổ nước… [36: 57].

Biểu tượng về tổ tiên là những hình ảnh đẹp đẽ mà con cháu gán cho tổ tiên. Tổ tiên luôn là những hình ảnh tài giỏi, có công, có đức. Nơi thờ tổ tiên thường có bài vị, được trang trí, bày đặt cầu kì sang trọng.

Trong quá trình nghiên cứu và tiến hành điền dã ở Vạn Vĩ, Kinh Đảo, Trung Quốc tôi thấy, trong mỗi gia đình của đồng bào Kinh đều có bàn thờ tổ tiên, vào những ngày nhất định người ta cúng giỗ linh đình ở đó. Bàn thờ tổ tiên là không gian thiêng liêng để con, cháu trong gia đình thể hiện, gửi gắm lòng tưởng nhớ, biết ơn tổ tiên, biết ơn các vị âm binh đã bảo vệ cho tổ tiên của mình, phù hộ gia đình mình. [phụ lục 6] Có thể tham khảo số liệu điều tra về thực trạng thờ cúng Tổ tiên ở Vạn Vĩ của chúng tôi qua bảng sau

Địa điểm Số hộ đãđiều tra cúng Tổ tiênSố hộ có thờ Số hộ không thờcúng Tổ tiên Ghi chú

Vạn Vĩ 38 100% 0%

Sơn Tâm 18 100% 0%

Vu Đầu 20 100% 0%

[Tài tiệu điền dã tháng 8-2009]

Người Kinh ở Vạn Vĩ lập bàn thờ ở nơi cố định, trang trọng nhất thường là ở chính giữa phòng khách, tầng một của nhà, đối diện cửa chính. Bàn thờ tổ tiên được làm bằng gỗ, sơn màu đỏ. Việc trang trí bàn thờ gia tiên của các gia đình người Kinh ở Vạn Vĩ không hoàn toàn giống nhau. Có gia đình bàn thờ bày trí cầu cầu kì, có gia đình đơn giản hơn, điều này phụ thuộc vào quan niệm tâm linh và điều kiện kinh tế của mỗi gia đình. Nhưng nhìn chung một bàn thờ gia tiên thường gồm hai tầng. Bàn thờ thường treo câu đối ở hai bên, câu đối được làm bằng gỗ, sơn nền đỏ, chữ màu vàng nội dung câu đối ở mỗi nhà cũng khác nhau và thường đóng ở tầng trên…

Tầng trên thờ tổ tiên, ông bà, không có bài vị, trên mặt gỗ ốp dằng sau bàn thờ được sơn màu đỏ, trên có viết những dòng chữ màu vàng tên dòng họ được thờ, câu thành kính tổ tiên…Ví dụ: bàn thờ Tổ tiên những gia đình thuộc họ Tô có những chữ “Tô môn đường thượng lịch”, “Đại xin viếng tôn thân vị tiền”… phía trên những dòng chữ ấy có gắn nhiều lá bùa bằng giấy với nhiều màu rực rỡ. Phía trước đặt ba bát nhang bằng gốm, sứ, hai bên có hai bình sứ màu vàng, một cây đèn dầu đặt bên cạnh. Hai bên cạnh, phía ngoài câu đối cắm nhiều lá cờ, cờ được làm bằng vải, mỗi lá cờ có nhiều màu sắc.

Tầng dưới thờ đạo âm quân, có bài vị làm bằng gỗ, sơn màu đỏ đặt ở chính giữa. Trên bài vị có ba dòng chữ: ở giữa là “Hạ đàn quan tướng chi vị”; bên tả là “Thiên thiên lực sĩ”; bên hữu là “Vạn vạn tinh binh”, dòng chữ ở hai bên thường viết nhỏ hơn. Phía trước chính giữa đặt một bát nhang, trước bát nhang có một bộ ấm chén (ít nhất là 3 cái chén). Hai bên cạnh cũng đặt hai bình hoa bằng sứ màu vàng.

Các nhà nghiên cứu cho rằng, bàn thờ của người Kinh cũng tuân thủ theo thuyết âm dương, ngũ hành, theo đó bát hương là hành thổ nên để ở vị trí trung tâm, đến thuộc hành hỏa. Khi thắp hương, trên ban thờ có ba yếu tố: hỏa (phần đang cháy), mộc (phần hương đã cháy), phần thổ (phần thân hương cắm trong bát hương). Mộc sinh hỏa, hỏa sinh thổ, sự chuyển hóa đó thể hiện ước vọng sinh tồn, phát triển. Rượu và nước mang tính âm, hành thủy. Khi thắp hương thể hiện âm dương hòa hợp, cầu mong mọi sự suôn sẻ tốt lành. Trong những ngày sóc vọng, người Kinh thường có lọ hoa trên bàn thờ, cành hoa thuộc hành mộc được cắm vào nước với ý nghĩa cầu mong sự khai hoa tươi tốt quanh năm. Có hoa có quả thể hiện ước vọng sung túc, thịnh đạt trong cuộc sống...

Trong các nghi lễ gia đình, người Kinh ở Vạn Vĩ rất coi trọng việc cúng giỗ và thờ phụng tổ tiên. Theo phong tục, cư dân thường tổ chức việc cúng

giỗ ông bà trước ngày giỗ kỵ một ngày, chỉ những người chết trẻ mới giỗ đúng ngày. Lễ vật để cúng cho đời cụ trở về trước là Tam sinh (bò, lợn, dê hoặc gà, bò, lợn), cháo chè, xôi (hoặc 5 bát cơm); lễ vật cúng đời cụ trở về sau là một mâm cơm chung có rất nhiều món, cả món ăn ngọt và món ăn mặn. Ngoài mâm cơm, hương hoa, trái cây, còn có các loại vàng mã - một lễ vật không thể thiếu được trong những dịp cúng giỗ lớn. Tục đốt vàng mã có từ rất lâu đời, với quan niệm “dương sao âm vậy”, người sống cần những gì, sinh hoạt ra sao thì người chết cũng có một cuộc sống ở cõi âm như vậy nên người Kinh tin rằng việc đốt vàng mã sẽ giúp cho người quá cố ở thế giới bên kia không bị thiếu thốn. Ngày nay, đồ vàng mã cũng được mô phỏng như các loại tiền, vàng, quần áo, ngựa, xe, nhà… Nhang cũng là một lễ vật không thể thiếu được trong những dịp cúng giỗ vì khói nhang tạo ra một không khí thần bí, trang nghiêm, thành kính và làm cho linh hồn của người đã khuất trở nên gần gũi hơn với những người đã sống. Khi thắp nhang cũng giống như người Kinh ở trong nước, họ thường thắp lẻ như: 1, 3, 5, 7… cây với quan niệm số lẻ thuộc số âm.

Người Kinh không chỉ thờ cúng tổ tiên vào ngày gỗ kỵ, những ngày lễ tết mà còn vào những dịp gia đình có việc hệ trọng như cưới xin, làm nhà mới, khai trương cửa hàng, khi gia đình có người ốm, khi công việc làm ăn gặp khó khăn… họ đều cúng tổ tiên để cầu xin những điều tốt lành, vạn sự như ý, mong được tổ tiên chứng giám.

Lễ vật thờ cúng đơn giản hơn so với ngày giỗ kỵ, chủ yếu là hương hoa, trái cây. Vào những dịp này, gia chủ thắp hương ở bàn thờ với ý nghĩa kính báo để tổ tiên biết, cầu mong tổ tiên phù hộ cho con cháu khỏe mạnh, làm ăn ngày một phát tài.

- 100% gia đình người Kinh ở Vạn Vĩ có bàn thờ tổ tiên. - 98% các cặp vợ chồng nhớ ngày cúng giỗ ông bà tổ tiên.

- 100% bàn thờ tổ tiên được đặt ở vị trí trang trọng nhất trong nhà. [Số liệu điền dã tháng 8 – 2009]

Người Kinh coi việc thờ cúng tổ tiên là công việc hàng ngày, hàng tháng, quanh năm. Cho đến nay, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên vẫn được người Kinh coi trọng, duy trì và gìn giữ theo đúng kiêng kỵ và tập tục. Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên có ảnh hưởng sâu sắc đến toàn bộ đời sống của người Kinh nơi đây. Nó tạo nên sự đoàn kết trong gia đình, dòng họ và thể hiện đạo hiếu của thế hệ đang sống với tổ tiên, với người đã khuất.

Một phần của tài liệu luận văn Tín ngưỡng của người Kinh ở làng Vạn Vĩ, Giang Bình, Đông Hưng, Quảng Tây, Trung Quốc (Trang 39)