Trong một năm, người Kinh ở vạn Vĩ có nhiều ngày lễ, tết. Chính trong những ngày lễ tết đó, những tục lệ và lễ nghi là những hình thức nghệ thuật pha lẫn màu sắc thiêng liêng tạo nên không khí thần linh để thu hút mọi người làm cho hệ thống tín ngưỡng có thể tồn tại bền vững từ đời này qua đời khác.
+ Tết Nguyên Đán
Tết Nguyên Đán là ngày rất quan trọng đối với người Kinh ở Vạn Vĩ, nó kết thúc một năm đời thường và đón chào một năm mới đang tới.
Thời kỳ 1949 trở về trước, tết đến nhà nhà đều gói bánh chưng vuông, đúng truyền thống dân tộc, từ khoảng những năm 60 của thế kỷ XX thì bánh chưng vuông đã vắng bóng dần nhường chỗ cho bánh tày - là loại bánh được làm bằng gạo nếp, tròn, dài - vốn là của người Choang nhưng hiện nay cả người Kinh và người Hán ở Vạn Vĩ đều làm loại bánh này trong dịp tết.
Vào buổi trưa ngày 30 Tết, nhà nào cũng mang thịt lợn, gà, cá, thêm cả bánh, quả... ra đình cúng rồi sau đó mới về nhà cúng bái tổ thần trong gia đình. Chiều 30 Tết, nhà nào cũng sửa sang lại bàn thờ, treo đôi hồng cảnh mới (hai bông hoa tết bằng giấy hoặc lụa treo trên thước lụa hồng), thay chân hương, dán hai câu đối đỏ và những lời cầu chúc mới lên bàn thờ và bên ngoài cửa nhà, cửa bếp, nấu cháo mật, cháo chè, làm một mâm cơm cùng với
các loại bánh, quả đặt lên bàn thờ cúng tổ tiên sau đó cả gia đình ăn bữa cơm đoàn tụ. Đến tối 30, nhà nào cũng làm bánh bạc dầu (bánh bằng bột nếp quấy chín, viên tròn, nhân bằng lạc, vừng, đường, rắc bên ngoài bột nếp khô, bánh có màu trắng bạc) để cúng giao thừa ngoài trời. Trước giao thừa người dân có tục treo khăn thờ. Khăn thờ được làm bằng vải lụa màu xanh, đỏ dài 2m, rộng 0,4m, thường là treo 4 cái phía bên trái bàn thờ. Khăn thờ được treo suốt từ khi cúng giao thừa cho đến rằm mới cuốn lại coi như hết tết.
Sáng mồng một Tết, gia đình làm một mâm cơm cúng mang ra giếng thắp hương với ý nghĩ là để mua nước mới, mong cho nguồn nước ngọt dồi dào cho cả năm. Trong ngày mồng một, không ai đi chơi, thăm hỏi nhà nhau, chỉ ở nhà ăn cháo chè, rau dưa, bánh ngọt chứ không ăn mặn cho đến khi mặt trời lặn.
Bắt đầu từ ngày mồng hai, mọi người đi chơi, thăm hỏi, chúc tụng, mừng tuổi nhau bằng phong bao lì xì. Trong ngày mồng hai, con gái đi lấy chồng phải về chúc mừng năm mới cha mẹ đẻ và phải mang theo gà, bánh chưng hoa quả. Sau đó ông bà sẽ mừng tuổi cho con cháu.
Việc hương khói cúng bái vẫn tiến hành đều đặn ngày hai lần, cúng thức ăn cùng với 5 bát cơm cho đến tận ngày đưa các cụ. Các dòng họ người Kinh ở Vạn Vĩ hầu hết làm lễ tết trong 5 ngày (cả ngày 30 cho đến mồng 4), đến ngày mồng 4 thì hóa vàng đưa các cụ. Riêng họ Tô đốt vàng đưa các cụ vào mồng ba tết theo ông Tô Duy Phương giải thích: trước đây nhiều đời, họ Tô nghèo nên chỉ ăn tết 3 ngày và có câu ca còn lưu lại “Họ Tô mùng 3 ăn rốn, mùng 4 ngồi tơ”. Người Kinh ở Vạn Vĩ có tục giết gà vào ngày mồng ba Tết để lấy tiết gà chấm lên bốn mảnh giấy đỏ rồi dán lên bàn thờ và để nguyên đó cho đến ngày 30 tết năm mới thì mới bỏ đi.
Có thể thấy người Kinh ở Vạn Vĩ rất chu đáo, long trọng trong việc chuẩn bị, đón tết, đặc biệt là việc cúng bái tổ tiên trong ba ngày tết quan trọng nhất trong năm.
+ Tết Đoan Ngọ
Tết Đoan Ngọ còn được gọi là Đoan Dương tiết, diễn ra trong ngày mồng 5 thánh 5 âm lịch. Tết Đoan Ngọ có đặc trưng là nhà nhà đều mua rất nhiều hoa quả để ăn. Vào buổi sáng sớm người lớn trong gia đình lấy nước tro hoặc hùng hoàng bôi lên trán đứa trẻ, với ước vọng ngăn cản bệnh tật cho trẻ con. Nếu trong nhà có trẻ em gái muốn xâu lỗ tai thì đợi đến đúng buổi sáng Đoan Ngọ mời người đến xâu giúp, người ta cho rằng xâu lỗ tai cho trẻ vào ngày này là tốt nhất. Sau các công việc đó gia đình cùng ngồi ăn hoa quả. Sau đó họ nấu cháo mật, xôi, làm bánh trưng nhỏ, bánh tro... làm mâm cơm để cúng tổ tiên vào buổi trưa. Sau khi cúng xong cả gia đình lại ngồi ăn bữa cơm đoàn tụ. Trong ngày này trước của nhà nào cũng treo một con hổ nhỏ kết bằng lá ngải hoặc đơn giản hơn là chỉ cắm một cây ngải, với quan niệm để giải trừ tà ma làm hại đến trẻ con trong nhà. Đó là các nghi lễ tiến hành trong gia đình, còn trong làng cũng tổ chức một lễ hội linh đình với nhiều hoạt động giải trí, đặc biệt là trò chơi dân gian bắt vịt sống. Hiện nay Tết Đoan Ngọ chỉ còn được tổ chức trong phạm vi gia đình, tục bôi tro, bôi hùng hoàng lên trán trẻ không còn nữa nhưng việc ăn hoa quả vào buổi sáng sớm, nấu cháo mật, cháo chè… mâm cơm cúng tổ tiên vẫn duy trì.
+ Hội đình
Hội đình diễn ra trong suốt tuần lễ (từ ngày mồng 9 tháng 6 đến ngày 15 tháng 6 âm lịch) hàng năm.
Ủy ban làm việc dân gian hội đình gồm có: - Trưởng ban: phụ trách chung
- Phó trưởng ban nội vụ: Phụ trách chung công việc tế lễ, khấn nguyện, trang trí đình, đồ lễ, tiếp đãi người đến tế lễ ở đình.
- Ông mo: trực tiếp hương khói, khấn vái (không chỉ ngày vào ngày hội đình mà cứ ngày 14, ngày 30 hàng tháng có nhiệm vụ thắp hương, khấn vái)
- Ông chúc: đọc chúc văn, trợ giúp ông mo cúng bái trong đình.
Ngoài ra còn có các ông chấp hiệu, tài vụ (2 người), kể toán kiêm thủ quỹ, đội trưởng đội sản xuất (6 người), tổ có vấn (khoảng hơn 20 người), quan viên tư văn (gần 20 người, mỗi hội đình của người một lần), tám ông đám, hát nhà tơ (4 người, tham gia từ khi buổi lễ bắt đầu đến khi kết thúc)...
Hội đình gồm 4 lễ chính
Nghinh thần: là lễ rước thần về đình. Vào buổi sáng ngày 9 tháng 6, cả
làng tập chung đông đủ ở đình để đi ra bãi rước thần về mở hội. Đi đầu là ông chấp hiệu tiền quân, tiếp sau là các ông chấp hiệu trung quân, chấp hiệu hậu quân, chấp hiệu chiêng, trống dập, bàn hương án có bệ để thần ngự, long, bàn, phù giá bày hoa quả, kẹo bánh, quạt. Đi theo sau là các ông mo, chúc, ông đám, quan viên, các cô nhà tơ (còn gọi là cô đào)... và dân làng, khách thập phương nối nhau rất dài đi sau cùng. Đoàn đi từ đình ra bãi chính rước thần Bạch Long trấn hải Đại vương về ngụ ở vị trí cao nhất trong đình, rồi đoàn rước lại nguyên đội hình đến miếu Cao Sơn rước thần Cao sơn về.
Đến chiều tối dân làng tổ chức lễ đóng cây đám mở hội. Lễ đóng cây đám được tiến hành trong không khí trang nghiêm. Cây đám được đặt ở ngang cửa đình, cách mặt đất khoảng 2m. Cây đám được đặt ở vị trí đó cho đến ngày tan hội.
Tế thần: lễ tế chính được tiến hành vào sáng 10 tháng 6. Lễ vật cúng tế
gồm có: gà, lợn, bánh, hoa quả nhưng quan trọng nhất là lợn tế thần được lựa chọn rất kĩ. Lợn khi đem lên tế được mổ sạch, để nguyên cả con, đặt nằm úp, bốn chân duỗi ra. Các nội tạng của lợn cũng được làm sạch sẽ, đặt vào khay
để đưa lên cúng tế. Sau lễ tế chính, trong 5 ngày (từ ngày 11 đến ngày 15) mỗi ngày mộ lần tế vào buổi sáng. Mỗi lễ tế kéo dài hơn hai giờ, số lượng tham gia là 26 người: ông mo, ông thông sướng, ông đông lãnh, ông chúc, ông mạnh bái, ông hòa ứng, ông bê văn, sáu ông tư văn bê rượu, tám ông đám và 4 cô nhà tơ. Lễ tế diễn ra trong không khí trang nghiêm, rất thành kính, dân làng tập chung đông chật đình để xem tế. Trong ngày hội đình, buổi sáng diễn ra lễ tế còn buổi chiều và tối thì hát nhà tơ.
Ngồi mâm: lễ diễn ra trong hai ngày. Đối tượng được ngồi mâm là những
trai đinh từ 19 tuổi trở lên và gia đình không có tang và phụ nữ vừa sinh con. Ở đình có cuốn sổ để ghi chép theo dõi chu đáo việc này. Mỗi mâm ở đình ngồi 6 người chia ra 3 chấp chính: cao nhất là “chiếu sàng quan” (còn gọi là chiếu nhất hay cỗ nhất) dành cho lãnh đạo thôn, xã và các vị trưởng lão; thứ hai là “chiếu trung đình” dành cho người già từ 50 tuổi trở lên và các quan viên; cuối cùng là “chiếu hàng bổ” ngồi góc đình dành cho người trẻ tuổi không có chức tước, vai vế. Trước kia cứ ba người trong một mâm cỗ, chuẩn bị cỗ ăn một ngày, một mâm thường có 18 đến 24 đĩa thức ăn. Hiện nay số lượng có thể tăng lên 8, 9 hoặc 10 người một mâm vì số lượng khách có nhu cầu tham gia ngồi mâm ngay một đông. Việc ăn ở đình khẳng định vị thế của người tham gia lễ ngồi mâm đồng thời cho thấy sự vui mừng của khách tham gia hội đình. Chiều ngày ngồi mâm diễn ra lễ chuyển giao ông đám. Sau đó lại có tục “xướng trò”, nội dung của tục này là cầu thần và răn dạy dân làng về lối sống, cách cư xử sao cho phải đạo, cách giáo dục con cháu trong gia đình.
Tống thần: tiến hành vào tối 14 hoặc 15. Mở đầu buổi lễ bằng lời hát
của 4 cô nhà tơ. Nhà tơ hát một canh, sau đó ông mo đọc văn “tế ngu” với nội dung mong thần thánh xá tội và rộng lượng bỏ qua những thiếu xót của dân làng trong những ngày hội đình vừa qua. Đến giờ tốt, ông mo xin âm dương rồi cùng các ông đám tháo và đưa cây đám ra ngoài của đình coi như đã tống
thần về nơi thần ngự. Sau khi hoàn tất việc tống thần, ông đám đầu đưa hai cây bông (Cây tre dài hơn một thước hai đầu cây buộc nhiều hoa giấy) đã chuẩn bị trước cho hai cô nhà tơ múa bông. Mỗi cô nhà tơ hai tay cầm hai cây bông uyển chuyển múa biểu thị động tác quét đằng đông, đằng tây... sau cùng cô ném cây bông đó ra sân đình, dân làng đã chờ sẵn ở ngoài tranh nhau cướp bông để cầu chúc sức khỏe, con cái, ăn nên làm ra. Hiện nay cây bông không ném ra ngoài đình mà được ném lên mái đình, với quan niệm sẽ đem lại may mắn, tạo nhiều phúc lộc cho cả dân làng.
Hội đình kết thúc vào ngày 16 tháng 6. Ngày này, các ông đám mới được bầu trong hội đình vừa qua cùng ông mo và nhà tơ đi thắp hương và hát ở các miếu để tạ lễ các thần, tối lại quay về đình hát và múa đội đèn kết thúc hội.
Trải qua thăng trầm của lịch sử, những tác động của một nền văn hóa khác đặc sắc nhưng vẫn tồn tại đến ngày nay một lễ hội đình đặc sắc... “hội đình rất thuần Kinh” [12: 72].
+ Tết Trung Nguyên
Theo Đạo Phật thì đây là ngày lễ Vu lan tức là ngày vong nhân xá tội. Ở Vạn Vĩ, người Kinh tổ chức lễ tết này vào ngày 15 tháng 7 âm lịch, đây là dịp lễ nghi lớn mang tính cộng đồng là sự tưởng nhớ đến tổ tiên, sự chăm sóc của những người đang sống dành cho những vong hồn “không nơi nương tựa”.
Ở gia đình, người Kinh làm lễ cúng chay cúng tổ tiên và cúng cô hồn vào sáng sớm, buổi trưa làm mâm cơm với toàn đồ mặn để cúng. Người ta cúng và đốt rất nhiều đồ vàng mã: quần áo, kim ngân. Vàng bạc, nhà cửa, xe, các đồ dùng để gửi cho tổ tiên, cô hồn vì người ta quan niệm cô hồn thiếu thốn sẽ về quấy nhiễu gây phiền phức cho xóm làng, gia đình.
Ở ngoài đình, dân làng mời thầy về cúng, làm lễ chiêu hồn. Lễ được tiến hành ở tại sân đình, thầy cúng đứng giữa, hai bên là hai chiếc thuyền được làm bằng từ lá và cọng chuối cắt ghép lại dài khoảng 2m, rộng 1m. Trên
thuyền bày nhiều ngô rang, cơm nắm, bánh kẹo và các đồ vàng mã như quần áo, giày dép, tiền giấy… Ba, năm hoặc bảy người deo mặt nạ đóng giả làm ma đói. Đợi đến khi thày cúng làm phép, đọc chú thỉnh mời ma đói về ăn xong, ngay lập tức ma đói cùng nhiều trẻ con trong làng đợi sẵn ở xung quanh xông vào cướp sạch thức ăn trên thuyền. Sau khi thức ăn trên thuyền được ma đói lấy đi hết, thầy cúng cùng dân làng cắm lên thuyền một lá cờ đuôi nheo màu xanh hoặc đỏ bằng giấy, đặt lên đó một ít gạo, đồ mã rồi mang thuyền chuối ra biển thả. Khi thuyền được thả xuống biển dân làng đốt pháo và hóa vàng để gửi cho cô hồn.
+ Tết Trung thu
Tết Trung thu tổ chức vào ngày 15 tháng 8 âm lịch hàng năm. Ở gia đình vào buổi sáng nấu cháo mật, cháo chè, xôi, mua hoa quả, bánh kẹo… để cúng chay, bữa tối cả gia đình tập trung đầy đủ ăn bữa cơm đoàn tụ. Sau đó đến tối các gia đình mang những đồ chay đã chuẩn bị sẵn, ra ngoài trời cúng trăng. Làm lễ cúng trăng xong các gia đình tập trung, tổ chức cho trẻ đi rước đèn thưởng trăng. Trẻ em cầm trên tay những cây đèn lồng đủ màu sắc, hình dáng cùng người lớn đi thưởng trăng ngoài bãi biển. Hiện nay, vào dịp Trung thu khách thập phương đổ về biển Vạn Vĩ rất đông để thưởng trăng và vui chơi trên bãi biển.
+ Tết Cơm mới
Lễ cúng cơm mới được thực hiện vào ngày 10 tháng 10 âm lịch. Vào ngày này, các gia đình nấu cơm bằng gạo mới để dâng lên cúng tổ tiên và thần cai quản ruộng vườn. Theo lời lưu truyền trong dân gian thì ông thần ruộng vườn của người Kinh vốn đỗ trạng nguyên và làm quan. Ông được cai quản thời gian bằng chiếc roi ngựa. Một hôm ông về thăm vợ, để được ở nhà với vợ lâu hơn ông đã giấu chiếc roi ngựa đi, nên mặt trời bị đóng lại, thời gian ngừng trôi. Hoàng đế vô cùng tức giận ra lệnh chém đầu ông. Người vợ
nằm mơ thấy chồng bảo mỗi ngày bắt một con bọ bỏ vào lọ và đã làm theo lời chồng. Nhưng được một thời gian bà mẹ vô tình nhìn thấy, bà không biết ý đồ của con đã dùng nước sôi giết chết số bọ đó. Người vợ lại mơ thấy chồng bảo đem chôn bọ ở đám bùn trước nhà. Chẳng bao lâu sau từ đám bùn đó mọc lên hai cây tre xanh tốt. Hoàng đế trong lần đi du ngoạn đến gốc tre đó thì đòn kiệu bị gãy, vua rơi xuống nước chết. Từ đó, người dân thấy sự linh thiêng của vị trạng nguyên ẩn hồn trong cây tre nên đã tôn ông làm thần ruộng vườn, vào ngày tết cơm mới họ cúng họ cúng để cảm tạ ông đã bảo vệ cho mùa màng được tốt tươi cho họ trong suốt cả năm.
+ Lễ Chạp mộ
Người Hán và người Kinh trong nước thường thăm, sửa sang, cúng mồ mả vào tháng 3 (Tết thanh minh) còn người Kinh ở Vạn Vĩ làm việc đó vào dịp cuối năm trong khoảng thời gian 22 đến 29 tháng Chạp nên gọi là lễ Chạp mộ. Người Kinh ở đây quan niệm nên ra cúng mộ, dọn cỏ, sửa sang lại mộ của những người trong gia đình, trong dòng họ trước Tết để mời người đã khuất về ăn tết cùng gia đình, dòng họ. Vào dịp này các gia đình mang đồ lễ ra cúng tạ mộ. Các dòng họ cũng ra cúng mộ tổ rồi giỗ họ luôn
Tiểu kết chương 2
Tìm hiểu về hệ thống tín ngưỡng của người Kinh ở Vạn Vĩ bao gồm tín ngưỡng trong gia đình và tín ngưỡng cộng đồng, chúng ta thấy tín ngưỡng của người Kinh nơi đây rất phong phú, đa dạng. Cùng với việc thờ cúng tổ tiên dòng họ, người Kinh còn thờ nhiều thần thánh khác bởi họ tin vào những sức