Tổ chức dòng họ được duy trì bền chặt ở Vạn Vĩ. Trong làng hiện nay có tất cả 12 họ: Tô, Nguyễn, Đỗ, Bùi, Vũ, Cao, Hoàng, Khổng, La, Cung, Lương, Ngô. Trong đó họ Tô, Nguyễn, Đỗ là ba họ lớn nhất, có uy tín nhất trong làng. Hiện nay ba họ này phần lớn tập trung sinh sống trên địa bàn Vạn Vĩ. Người có vai trò quan trọng trong mỗi dòng họ là trưởng họ và những vị trưởng bối (những người già). Họ được tham gia bàn bạc và quyết định những công việc quan trọng trong làng, tham gia việc soạn hương ước, tham gia lựa chọn những ông mo, ông đám, và là người “Cố vấn” đắc lực cho các chức sắc điều hành thôn. Trong nội bộ dòng họ những người trưởng họ cũng rất quan trọng, các gia đình có hiếu, hỉ, làm nhà… đều phải hỏi ý kiến và có sự chứng kiến của họ. Trong mỗi dòng họ đều có các pháp sư và giáng sinh đồng. Họ được gọi là những ông thầy. Hiện nay ở Vạn Vĩ vẫn còn giáng sinh đồng họ lo việc cúng tế chung cho làng và những việc cụ thể của các gia đình. Các dòng họ ở Vạn Vĩ sống rất đoàn kết với nhau và với cả các dòng họ của người Hán sinh sống ở vùng đất này. Mỗi dòng họ đều có bàn thờ họ riêng, có ngày giỗ họ riêng thường tổ chức vào tháng Chạp hàng năm. Ông tổ các dòng họ được thờ ở trong đình.
Ông đám: đàn ông cử ra một số ông đám. Những ông đám này phụ trách các công việc trong lễ hội đình và các dịp cúng tế trong năm của làng. Ông đám cũng không được hưởng lương.
Những năm 20 của thế kỷ XX, Vạn Vĩ còn có thêm chức xã trưởng, bảo trưởng để thắt chặt hơn việc quản lý làng xã phục vụ giai cấp cầm quyền lúc đó.
Từ sau giải phóng đến nay cơ cấu tổ chức trong làng có nhiều thay đổi. Cả đảo Vạn Vĩ tương đương với chính quyền cấp xã với bí thư, chủ nhiệm chịu trách nhiệm lãnh đạo chung. Dưới xã là cấp thôn, đứng đầu các thôn vẫn là các ông thôn được dân bầu nhưng các ông thôn không được hưởng lương như thời kỳ trước mà chỉ có chút thù lao do dân đóng góp. Dưới thôn là các đội sản xuất. Bán đảo Vạn Vĩ có 23 đội sản xuất, thôn Vạn Vĩ có 6 đội mỗi đội khoảng 200 lao động, đứng đầu mỗi đội sản xuất là đội trưởng. Hiện nay đội sản xuất được phân chia theo tính chất là đơn vị hành chính chứ không mang tính chất sản xuất tập thể như trước. Các chức ông hương, ông khoán, ông ký trong chính quyền mới được thay bằng nhưng cán bộ chuyên trách dưới sự chỉ đạo trực tiếp của ban chủ nhiệm và Đảng ủy. Riêng vị trí của ông mo, ông đám trong việc làng và trong lễ ngồi mâm ở đình thì vẫn theo cơ cấu cũ.
Tiểu kết chương 1
Người Kinh là một dân tộc thiểu số trong cộng đồng dân tộc Trung Quốc có nguồn gốc từ Việt Nam. Họ sinh sống tập trung chủ yếu ở thị trấn Giang Bình, Đông Hưng, Quảng Tây. Lịch sử quá trình di cư, lập nghiệp và phát triển của người Kinh đến nay đã gần 5 thế kỷ. Vạn Vĩ là một ngôi làng có nhiều người Kinh sinh sống trên đất Trung Hoa, trải qua quá trình di cư, lập nghiệp với muôn vàn khó khăn, thử thách, đồng bào nơi đây đã xây dựng cho mình cuộc sống ổn định với những nét văn hóa truyền thống đặc sắc.
Người Kinh ở Vạn Vĩ có đời sống vật chất đa dạng trong cách ăn, mặc ở. Sinh hoạt văn hóa phong phú với kho tàng văn học dân gian đa dạng, với những lời ca tiếng hát trữ tình, những nhạc cụ độc đáo, những lễ hội truyền thống mà cha ông để lại. Có nền kinh tế với cơ cấu nhiều ngành nghề: đánh cá, nông nghiệp, thủ công nghiệp, buôn bán, dịch vụ… trong đó nghề đánh cá là chủ yếu vì điều kiện tự nhiên và hoàn cảnh địa lý nơi đây rất thuận lợi cho nghề này phát triển. Cơ cấu tổ chức làng ở Vạn Vĩ cũng như nhiều làng Việt truyền thống khác trong nước chặt chẽ, dân chủ. Cơ cấu dòng họ được duy trì bền chặt. Gia đình là một đơn vị kinh tế, môi trường giáo dục của mỗi con người.
Nằm trong lòng một đất nước khác nhưng Vạn Vĩ vẫn giữ được khung của làng quê Việt. Những nét riêng đó được tồn tại và phát triển trong mối quan hệ với các tộc người bản địa như người Hán, Choang… Sự đan xen, giao lưu với văn hóa Hán và các cộng đồng người khác sinh sống ở nơi này đã tạo nên một phong cách rất riêng, rất đặc sắc của ngôi làng Vạn Vĩ. Hiện nay Vạn Vĩ trở thành khu du lịch, buôn bán sôi nổi và đầy tiềm năng phát triển thu hút sự quan tâm của rất nhiều du khách trong và ngoài nước.
Tín ngưỡng dân gian có thể xem là loại hình tín ngưỡng tôn giáo do chính nhân dân - trước hết, những người lao động - sáng tạo ra trên cơ sở những tri thức phản ánh sai lạc dưới dạng kinh nghiệm cảm tính từ cuộc sống thường nhật của bản thân mình. Tín ngưỡng dân gian là niềm tin vào thần linh thông qua những nghi lễ gắn liền với tập tục, thói quen truyền thống. Nó là một bộ phận của văn hoá dân gian, phản ánh những ước nguyện tâm linh của con người và cộng đồng. Tín ngưỡng dân gian không có tính hệ thống, không mang tính triết lí nhân sinh hoàn chỉnh như nhiều yếu tố khác vốn có của một tôn giáo. Tuy nhiên, cũng giống như tôn giáo, tín ngưỡng là sự thể hiện niềm tin, sự ngưỡng mộ của con người vào một thực thể siêu việt nào đó như Thượng Đế, Thần, Phật, Tổ tiên… Tín ngưỡng dân gian mang tính bình dị, tự nhiên, gần gũi với cuộc sống của người lao động cùng hoạt động thường nhật của họ [28: 13-14].
Có thể phân chia các hình thức tôn giáo tín ngưỡng ra làm hai thời kỳ: Tôn giáo trong xã hội chưa có giai cấp; tôn giáo trong xã hội có giai cấp.
Tôn giáo trong xã hội chưa có giai cấp có Tô tem giáo, Ma thuật giáo, Bái vật giáo.
Tôn giáo tín ngưỡng trong xã hội có giai cấp gồm các loại hình chủ yếu như: Sa man giáo, sùng bái thủ lĩnh, sùng bái hội kín, thờ thần bộ lạc, thờ cúng tổ tiên trong các gia đình phụ hệ, tôn giáo dân tộc và tôn giáo thế giới.
Đối chiếu với những vấn đề lý luận trên, có thể thấy trong cộng đồng người Kinh ở Trung Quốc tồn tại các loại hình tín ngưỡng hòa lẫn giữa Phật giáo và Đạo giáo, có một cộng đồng nhỏ theo Thiên chúa giáo. Trong đời sống văn hóa tâm linh, đồng bào Kinh còn tin vào nhiều thần, thánh. Trong gia đình, dòng họ đều thờ cúng Tổ tiên, thờ Táo quân, Thổ địa, Thiên quan… trong các đình, miếu người Kinh còn thờ nhiều vị thần: Tướng quân Trần triều, Đại vương Cao sơn, Đại vương Thánh tổ, Đại vương Hải Trần. Trong sinh hoạt văn hóa có nhiều những tập tục, lễ nghi, kiêng kỵ...