Tổ chức làng

Một phần của tài liệu luận văn Tín ngưỡng của người Kinh ở làng Vạn Vĩ, Giang Bình, Đông Hưng, Quảng Tây, Trung Quốc (Trang 34 - 37)

Vạn Vĩ có thể gọi là thôn theo quản lý hành chính, những cũng có thể gọi là làng theo dân gian. Cũng như nhiều làng Việt truyền thống ở trong nước, ở Vạn Vĩ thời kì trước giải phóng cũng có cơ cấu tổ chức xã hội chặt chẽ. Ở làng các thứ tự chức sắc được dân bầu và phân chia quyền lợi trách nhiệm tương đối rõ ràng. Các chức chính trong tổ chức làng gồm:

Ông thôn: là người đứng đầu trong làng, được dân làng rất kính trọng. Ông thôn có vai trò quản lí thôn, theo dõi việc thực thi hương ước, hòa giải và xử lý những sự vụ trong thôn, chủ trì nghi thức tế lễ và lo liệu các việc công ích. Ông thôn với nhiệm kỳ là 3 năm, nhưng nếu ai làm tốt thì vẫn được bầu lại. Ông thôn là người được dân làng rất kính trọng, ông được trả lương bằng hai mẫu ruộng công và một giậu cá ngoài biển để gia đình ông làm.

Ông quản: lo phụ ông thôn chấp hành chấp hành việc xử phạt, quản lý núi rừng. Người đàn ông trưởng thành trong thôn lần lượt làm nghĩa vụ Ông quản. Một nhiệm kỳ 3 năm thì lấy bảy hoặc tám ông khoán trong đó có một ông khoán đứng đầu. Ông khoán đầu là người kế cận cho chức trưởng thôn. Các ông khoán không được trả lương.

Ông ký: chuyên lo việc văn thư trương mục, sổ sách thu chi về kinh tế. Chức này có nhiệm kỳ 3 năm, được hưởng lương từ một đến hai mẫu ruộng công.

Ông hương: chuyên lo việc công ích, được quyền tuyển người, phân bổ người lao động. Chức này cũng theo nhiệm kỳ 3 năm, được hưởng lương từ hai đến ba mẫu ruộng công.

Ông mo: là người chăm lo việc quét dọn, hương khói phục vụ thần linh. Ông mo do hội đồng bô lão và thần thánh tuyển chọn, phải có cả đức và tài. Vì thế ông mo là người rất có uy tín trong làng. Ông mo cũng hưởng lương như ông hương, ông ký.

Ông đám: đàn ông cử ra một số ông đám. Những ông đám này phụ trách các công việc trong lễ hội đình và các dịp cúng tế trong năm của làng. Ông đám cũng không được hưởng lương.

Những năm 20 của thế kỷ XX, Vạn Vĩ còn có thêm chức xã trưởng, bảo trưởng để thắt chặt hơn việc quản lý làng xã phục vụ giai cấp cầm quyền lúc đó.

Từ sau giải phóng đến nay cơ cấu tổ chức trong làng có nhiều thay đổi. Cả đảo Vạn Vĩ tương đương với chính quyền cấp xã với bí thư, chủ nhiệm chịu trách nhiệm lãnh đạo chung. Dưới xã là cấp thôn, đứng đầu các thôn vẫn là các ông thôn được dân bầu nhưng các ông thôn không được hưởng lương như thời kỳ trước mà chỉ có chút thù lao do dân đóng góp. Dưới thôn là các đội sản xuất. Bán đảo Vạn Vĩ có 23 đội sản xuất, thôn Vạn Vĩ có 6 đội mỗi đội khoảng 200 lao động, đứng đầu mỗi đội sản xuất là đội trưởng. Hiện nay đội sản xuất được phân chia theo tính chất là đơn vị hành chính chứ không mang tính chất sản xuất tập thể như trước. Các chức ông hương, ông khoán, ông ký trong chính quyền mới được thay bằng nhưng cán bộ chuyên trách dưới sự chỉ đạo trực tiếp của ban chủ nhiệm và Đảng ủy. Riêng vị trí của ông mo, ông đám trong việc làng và trong lễ ngồi mâm ở đình thì vẫn theo cơ cấu cũ.

Tiểu kết chương 1

Người Kinh là một dân tộc thiểu số trong cộng đồng dân tộc Trung Quốc có nguồn gốc từ Việt Nam. Họ sinh sống tập trung chủ yếu ở thị trấn Giang Bình, Đông Hưng, Quảng Tây. Lịch sử quá trình di cư, lập nghiệp và phát triển của người Kinh đến nay đã gần 5 thế kỷ. Vạn Vĩ là một ngôi làng có nhiều người Kinh sinh sống trên đất Trung Hoa, trải qua quá trình di cư, lập nghiệp với muôn vàn khó khăn, thử thách, đồng bào nơi đây đã xây dựng cho mình cuộc sống ổn định với những nét văn hóa truyền thống đặc sắc.

Người Kinh ở Vạn Vĩ có đời sống vật chất đa dạng trong cách ăn, mặc ở. Sinh hoạt văn hóa phong phú với kho tàng văn học dân gian đa dạng, với những lời ca tiếng hát trữ tình, những nhạc cụ độc đáo, những lễ hội truyền thống mà cha ông để lại. Có nền kinh tế với cơ cấu nhiều ngành nghề: đánh cá, nông nghiệp, thủ công nghiệp, buôn bán, dịch vụ… trong đó nghề đánh cá là chủ yếu vì điều kiện tự nhiên và hoàn cảnh địa lý nơi đây rất thuận lợi cho nghề này phát triển. Cơ cấu tổ chức làng ở Vạn Vĩ cũng như nhiều làng Việt truyền thống khác trong nước chặt chẽ, dân chủ. Cơ cấu dòng họ được duy trì bền chặt. Gia đình là một đơn vị kinh tế, môi trường giáo dục của mỗi con người.

Nằm trong lòng một đất nước khác nhưng Vạn Vĩ vẫn giữ được khung của làng quê Việt. Những nét riêng đó được tồn tại và phát triển trong mối quan hệ với các tộc người bản địa như người Hán, Choang… Sự đan xen, giao lưu với văn hóa Hán và các cộng đồng người khác sinh sống ở nơi này đã tạo nên một phong cách rất riêng, rất đặc sắc của ngôi làng Vạn Vĩ. Hiện nay Vạn Vĩ trở thành khu du lịch, buôn bán sôi nổi và đầy tiềm năng phát triển thu hút sự quan tâm của rất nhiều du khách trong và ngoài nước.

Chương 2

Một phần của tài liệu luận văn Tín ngưỡng của người Kinh ở làng Vạn Vĩ, Giang Bình, Đông Hưng, Quảng Tây, Trung Quốc (Trang 34 - 37)