Thờ cúng dòng họ

Một phần của tài liệu luận văn Tín ngưỡng của người Kinh ở làng Vạn Vĩ, Giang Bình, Đông Hưng, Quảng Tây, Trung Quốc (Trang 47 - 48)

Bên cạnh việc thờ tự các vị thần, trong tín ngưỡng của người Kinh còn có sự thờ cúng ông tổ của dòng họ. Việc thờ tự này là một bước phát triển khi cộng đồng người Kinh định cư đông đảo trên cùng đất mới. Các dòng họ người Kinh ở Vạn Vĩ rất đoàn kết với nhau ít có sự phân biệt hay cạnh tranh mạnh mẽ như ở các làng người Việt trong nước. “Họ” của người Kinh nơi đây là những người cùng một họ (họ Tô, họ Nguyễn, họ Đỗ, họ Lương...). Mỗi dòng họ đều làm nhà thờ hoặc gian thờ họ riêng. Ở Vạn Vĩ có 12 dòng họ trong đó họ Tô, Nguyễn, Vũ là ba họ lớn nhất, lâu đời nhất. Hàng năm mỗi đều tổ chức ngày giỗ ông tổ của dòng họ mình. Mỗi dòng họ đều có ngày giỗ họ riêng, thường được làm vào tháng Chạp hàng năm. Riêng họ Tô tổ chức giỗ họ vào 10/4. Ông tổ của các dòng họ trong làng được thờ trong đình.

Bàn thờ, tùy từng dòng họ mà lớn nhỏ khác nhau nhưng cũng như bàn thờ tổ tiên ở từng gia đình, bàn thờ họ cũng được làm thành hai tầng. Tầng trên thờ tổ tiên, ông bà, không có bài vị, trên mặt gỗ ốp dằng sau bàn thờ được sơn màu đỏ, trên có viết những dòng chữ màu vàng tên dòng họ được thờ, câu thành kính tổ tiên… phía trên những dòng chữ ấy có gắn nhiều lá bùa bằng giấy với nhiều màu rực rỡ. Phía trước đặt một lư hương lớn bằng đồng hoặc sứ, hai bên là hai bát nhang bằng gốm, sứ, cùng với một số đồ khác như bình sứ màu vàng, đèn dầu đặt bên cạnh. Hai bên cạnh, phía ngoài câu đối cắm nhiều lá cờ bằng vải, nhiều màu.

Tầng dưới cũng thờ đạo âm quân, phù hộ cho các ông “Thầy” của dòng họ đi lại làm việc cho dân. Trang thờ tầng dưới đặt bài vị làm bằng gỗ, sơn màu đỏ dặt ở chính giữa. Phía trước chính giữa đặt một bát nhang, trước bát

nhang có một bộ ấm chén (ít nhất là 3 cái chén). Hai bên cạnh cũng đặt hai bình hoa bằng sứ màu vàng, ống đựng hương.

Nhà thờ Tổ, giao cho gia đình trưởng họ trông nom, hương khói vào những ngày tết, lễ, rằm, giỗ. Họ nào không có nhà thờ thì nhà trưởng nam, dòng đích làm một gian thờ riêng tại khu đất nhà mình. Vào dịp giỗ tổ hàng năm hoặc khi có việc họ thì cả họ tới nhà trưởng họ dự lễ hoặc ăn uống. [phụ lục 6]

Theo lệ đến ngày gỗ họ, cả họ tập trung đông đủ tại nhà thờ hoặc gian thờ họ, dự tế lễ và hưởng lộc. Lễ vật để cúng là Tam sinh (bò, lợn, dê hoặc gà, bò, lợn), cháo chè, xôi (hoặc 5 bát cơm). Cỗ trong ngày giỗ được làm thịnh soạn, nhiều món. Tiền làm cỗ do các gia đình trong họ đóng góp.

Việc thờ cúng tổ tiên, dòng họ thể hiện ý thức hướng về cội nguồn, về những người có công sinh thành, tạo dựng cuộc sống đối với thế hệ người Kinh đang sống. Đây là một nét đẹp trong đời sống văn hóa tinh thần mà người Kinh cần gìn giữ và phát huy nhằm giáo dục các thế hệ sau giữ gìn bản sắc của dân tộc, biết hướng về cội nguồn.

Số liệu điều tra hiện trạng những đối tượng thờ cúng trong gia đình người Kinh ở Vạn Vĩ

Đối tượng thờ cúng Tổng số hộ đã

điều tra Số hộ thờ Số hộ không thờ

Thờ cúng tổ tiên 38 100 % 0% Thần Tài 38 53% 47% Thần Đất 38 46% 54% Thần Cửa 38 65% 35% Thần Thiên quan 38 45,5% 35,5% Tổ sư 38 10% 90% Thờ cúng dòng họ 38 89% 11%

[nguồn tài liệu điền dã T8-2009]

Một phần của tài liệu luận văn Tín ngưỡng của người Kinh ở làng Vạn Vĩ, Giang Bình, Đông Hưng, Quảng Tây, Trung Quốc (Trang 47 - 48)