Vài nét về văn hóa dân gian

Một phần của tài liệu luận văn Tín ngưỡng của người Kinh ở làng Vạn Vĩ, Giang Bình, Đông Hưng, Quảng Tây, Trung Quốc (Trang 29 - 32)

Khi tìm hiểu về văn hóa dân tộc Kinh ở Kinh Đảo, trước tiên chúng ta thấy rất rõ truyền thống yêu ca hát của đồng bào nơi đây. Truyền thống này đã làm nên một kho tàng văn nghệ dân gian đặc sắc ở khu vực này. Ở Vạn Vĩ người Kinh rất đỗi tự hào về nét đặc sắc trong lời ca tiếng hát đối đáp trữ tình,

có thể chia lời hát thành bốn loại chính: hát nghi lễ ở đình, hát cưới, hát đối đáp nam nữ, hát kể chuyện.

Hát nghi lễ ở đình: chủ yếu hát vào dịp hội đình ngày 10 tháng 6, ngoài ra còn hát ở miếu và các dịp cúng lễ chung của cả làng. Trong ngày hội đình người hát chính là Cô dào (cô nhà tơ), tham gia từ khi buổi lễ bắt đầu đến khi kết thúc. Vì có tục hát nghi lễ ở đình mà đình Vạn Vĩ còn được gọi là kháp đình (đình hát). Nội dung hát đình gồm: hát theo từng nghi thức cúng tế, hát

chúc thần, cầu thần, hát răn dạy, hát tình cảm.

Hát đối đáp nam nữ: số lượng người tham gia vào loại hình hát này nhiều nhất, phong phú về nội dung, không bị bó hẹp vào thời gian, địa điểm nhất định. Chủ đề của bài hát da dạng: đa phần là hát bày tỏ tình cảm giữa trai và gái, hát trêu trọc nhau, thử tài nhau, hỏi han nhau về cuộc sống, ngoài ra còn hát ca ngợi xóm làng, về cuộc sống lao động, truyền dạy những kinh nghiệm sống, kinh nghiệm trong việc đối nhân xử thế… “Hàng tuần vào thứ bảy và chủ nhật, dân làng tụ tập nhau tại nhà ca hát của làng để hát đối đáp. Rải rác trong tuần từng nhóm gia đình hoặc nhóm những người thích ca hát thường hẹn nhau đến một nơi nào đó để hát” [12: 80].

Hát cưới: là một nét văn hóa độc đáo ở Vạn Vĩ, trong bất kì một đám cưới nào cũng không thể thiếu tiếng hát đối đáp trữ tình. Trong đám cưới những đôi hát của nhà trai sẽ hát đối với đôi hát của nhà gái. Hôn nhân và tiếng hát đã gắn bó chặt chẽ với nhau trong tiềm thức của người dân Vạn Vĩ.

Hát kể chuyện: đây là một hình thức nghệ thuật rất dặc biệt của người Kinh ở Đây. Nội dung là hát kể lại các truyện Nôm được người dân ưa thích như: Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm khúc, Tống Trân Cúc Hoa, Kiều, Lưu

Bình Dương Lễ, Nhị độ Mai… Hiện nay nhiều cụ già ở Vạn Vĩ rất yêu thích và

cũng thuộc ít nhiều truyện Nôm. Người say sưa tìm hiểu về truyện Nôm rồi dịch rất nhiều truyện từ chữ Nôm sang tiếng Việt là bác Tô Duy Phương, bà con ở

Vạn Vĩ coi bác là vị “học giả của làng”. Ngoài ra người Kinh còn hát về lịch sử làng, ca hát về truyền thống dân tộc Kinh. Nổi bật có cuốn Ca hát truyền thống

dân tộc Kinh, tập hợp mấy chục bài hát do bác Phương sưu tập. Tất cả những ấn

phẩm này đều được in bằng chữ Nôm hoặc chữ Việt. Trong chuyến đi thực tế của mình, tôi đã đến thăm nhà bác Phương, bác đã đưa cho tôi xem rất nhiều rất nhiều bản dịch từ chữ Nôm sang tiếng Việt của bác. Bác Phương nói rằng “Truyền thống, phong tục và văn hóa của dân tộc Kinh được truyền giữ bằng văn bản, thơ văn bằng chữ Nôm rất nhiều. Vì vậy tôi đã cố gắng để dịch dược nhiều các tác phẩm bằng chữ Nôm, rồi cố gắng mở mở lớp dạy chữ Nôm cho con cháu trong thôn với mong muốn con cháu mình sau này sẽ là lớp người kế tục gìn giữ truyền thống tổ tiên, hướng về cội nguồn dân tộc”. Bác Phương còn tự mình đi vận động bà con hát theo những làn điệu đã được ông soạn chép. Hàng năm vào những dịp lễ hội làng, bà con Kinh tộc lại tập trung về những ngôi đình nghe những lời ca tiếng hát trữ tình, đậm đà chất Việt.

Ngoài các loại hình ca hát trên, kho tàng văn nghệ dân gian còn có các loại hình nghệ thuật được người dân ưa thích: thần thoại, truyền thuyết, âm nhạc, múa, sân khấu, chơi nhạc cụ… “Nhạc cụ cổ truyền của người Kinh gồm đàn nhị, sáo trúc, trống, cồng và cây độc huyền cầm là cây đàn đặc thù của họ những truyện dân gian và cổ tích của họ rất nhiều. Những điệu múa ưa chuộng của người Kinh là múa dèn, múa gậy sặc sỡ nhiều màu, múa rồng và múa y phục thêu thùa” [55: 4]. Nhạc cụ nổi tiếng được người Kinh đặc biệt ưa thích là đàn bầu, nó được người Hán coi là “kinh tộc độc hữu”. Hiện nay ở Vạn Vĩ người gảy đàn bầu nổi tiếng là anh Tô Xuân Phát (đình trưởng đình Vạn Vĩ). Anh cũng là một người thầy rất tận tụy trong lĩnh vực nghệ thuật này. Tiếng đàn của anh đã làm say đắm biết bao du khách khi đặt chân đến nơi này khi nghe anh biểu diễn. [phụ lục 5]

Có thể thấy văn hóa của người Kinh ở Vạn Vĩ là bức tranh đa sắc. Truyền thống văn hóa nơi đây vừa mang đậm nét văn hóa truyền thống của người Việt nhưng cũng đồng thời pha lẫn những sắc màu của nền văn hóa Hán. Trong suốt giai đoạn phát triển từ buổi đầu định cư ở vùng đất mới đến nay, người Kinh ở Vạn Vĩ luôn có ý thức gìn giữ truyền thống văn hóa bản địa nhưng mặt khác họ cũng tích cực tiếp nhận văn hóa bên ngoài thông qua sự cải biến cho phù hợp. Văn hóa của người Kinh nơi đây rất dặc biệt, nó không giống văn hóa Hán nhưng cũng có nhiều nét khác với văn hóa của người Kinh ở Việt Nam. “Người Kinh trên phương diện sinh hoạt phấn đấu trường kỳ đã sáng tạo một nền văn hóa rực rỡ muôn màu, nội dung của nền văn học truyền khẩu thật phong phú, ca khúc và khúc điệu đạt đến 30 loại. Đàn bầu là một nhạc khí chỉ riêng người Kinh mới có mà thôi. Phê bình về âm nhạc và dân ca của Kinh tộc, sách Hoa ngữ nói rằng: lời ca thuần phác, khúc điệu bình dị, ít biến hóa” [55: 4].

Một phần của tài liệu luận văn Tín ngưỡng của người Kinh ở làng Vạn Vĩ, Giang Bình, Đông Hưng, Quảng Tây, Trung Quốc (Trang 29 - 32)