Vấn đề nhập cư, quyền công dân và quyền ưu tiên đặc biệt của người Malay ở Malaysia

Một phần của tài liệu Mahathir Mohamad với vấn đề dân tộc và tôn giáo của Malaysia (Trang 51)

của người Malay ở Malaysia

Tháng 8 năm 1995, Thủ tướng Mahathir Mohamad ra một lời kêu gọi hướng tới Bangsa Malaysia, nghĩa là một dân tộc Malaysia thống nhất trong đó mọi người dân đều là người Malaysia chứ không phân biệt người Malay, người Hoa, người Ấn Độ, người Iban hay người Kadazan. “Mọi người đều có thể tự đồng nhất mình với đất nước Malaysia, nói tiếng Malaysia (Bahasa Malaysia) và chấp nhận Hiến pháp Malaysia”. Như vậy có nghĩa là các đặc quyền trước đây vẫn dành cho bumiputra (người Malay và các dân tộc bản địa khác ở Malaysia) đang dần dần rút đi. Ông Lim Kit Siang lãnh tụ phe đối lập trong Quốc hội đã đánh giá “Tôi công nhận lời tuyên bố của Mahathir là can đảm. Những lời phát biểu của ông là sáng suốt nhất trong việc xây dựng dân tộc về lâu dài” [57; 24].

Từ cuộc bầu cử Liên bang năm 1959, Liên minh UMNO đã giành được thắng lợi lớn và lãnh trách nhiệm kiến tạo nên một xã hội mới với sự thoả ước của ba đảng phái và tổ chức chính trị lớn của xã hội về vấn đề chế độ công dân của Malaysia. Vấn đề này theo cùng với sự phát triển của lịch sử càng khẳng định tính đúng đắn của nó trong việc xác lập quyền công dân Malaysia

ở một đất nước đa dân tộc đa tôn giáo. Theo đó, chế độ công dân được dành cho những ai sinh ra ở Malaysia thì đương nhiên đều là công dân Malaysia. Trong lĩnh vực giáo dục, tiếng Malay được bắt buộc dùng trong tất cả các trường học và một chương trình dạy tiếng Malay được soạn ra cho tất cả các trường học sử dụng ngôn ngữ khác.

Đặc quyền của người Malay ở trong các cơ quan dân sự áp dụng tỉ lệ tuyển dụng là 4/1 tức là cứ 4 người làm việc trong bộ máy dân sự là người Malay thì mới có một người không phải Malay tham gia vào bộ máy hành chính nhà nước. Nhà nước cũng tăng cường vai trò của mình trong các hoạt động kinh tế. Khu vực kinh tế nhà nước không những tạo ra sự kiềm toả với nền kinh tế chính trị mà còn là môi trường đào tạo tầng lớp doanh nhân bản địa. Tuy nhiên bên cạnh đó, chính sách kinh tế tự do cũng được áp dụng để cho những người không phải Malay có thể hoạt động kinh tế mà không sợ bị tịch biên hay bị đối xử phân biệt về thuế má.

Có thể thấy được là mục tiêu tối thượng của chính quyền là tạo ra một kiểu công dân Malaysia mới có lòng trung thành với dân tộc chứ không phải riêng với một nhóm cộng đồng nào. Liên bang Malaysia được chính thức ra mắt từ ngày 16-9-1963 đánh dấu một thắng lợi lớn trong chính sách cố kết dân tộc của liên minh. Cũng vì mục tiêu dân tộc đó mà trong Liên minh có sự thoả thuận để Singapore rút khỏi Liên minh năm 1965 bởi vì như tuyên bố của chủ tịch UMNO lúc bấy giờ là Tunku Abdul Rahman: “Hoà bình và hạnh phúc của nhân dân trên đất nước này tuỳ thuộc vào thiện chí và sự hiểu biết lẫn nhau giữa các tộc người. Không có điều này thì dân tộc sẽ nằm trong hiểm hoạ tan vỡ” [121;16]

Từ sau sự xác lập lại chủ quyền Malaysia này, Malaysia đã cố gắng để hình thành khuôn đúc ra một mẫu công dân Malaysia mới. Chính phủ liên bang quyết định lấy văn hoá và di sản truyền thống làm cơ sở để tạo dựng

mẫu người mới này, trong đó tiếng Malay và giáo dục được đặt lên hàng đầu. Tiếng Malay được quyết định là phương tiện truyền thông chính thức gọi là quốc ngữ (Bahasa Kebangsaan). Tuy vậy tiếng Anh vẫn được sử dụng ở các cấp chính quyền và các ngôn ngữ khác vẫn được phép giảng dạy. Mahathir là người đã nhận thấy lợi thế của người Malaysia khi sử dụng tiếng Anh như một ngôn ngữ chính thức nên đã khuyến khích để người dân Malaysia nâng cao trình độ Anh ngữ của mình nhằm đón bắt và chia sẻ với bạn bè quốc tế những tiến bộ của nhân loại thông qua ngôn ngữ thông dụng nhất hành tinh này.

Giáo dục được coi là công cụ quan trọng để tạo dựng một xã hội thống nhất tích hợp và tương hợp với truyền thống văn hoá Malaysia. Một chương trình chuẩn hoá được thiết lập với mục tiêu đào tạo một lớp người ưu tú hiện đại và tạo nên một cộng đồng dân tộc dựa trên truyền thống văn hoá Malaysia theo đúng như mục tiêu đã được công bố rộng rãi trong hệ tư tưởng mới Rukunegara (Niềm tin của đất nước) “Tổ quốc chúng ta, Malaysia có sứ mệnh phải hoàn thành sự thống nhất lớn lao hơn của hết thảy mọi dân chúng, duy trì một lối sống dân chủ, tạo dựng một xã hội công bằng trong đó của cải của Tổ quốc sẽ được chia sẻ công bằng và hợp lý, đảm bảo một cách tiếp cận tự do các truyền thống văn hoá phong phú và đa dạng của dân tộc, xây dựng một xã hội tiến bộ hướng về khoa học và kỹ thuật hiện đại”. [129; 11]

Vấn đề tộc người ở Malaysia luôn là vấn đề nhạy cảm. Nhiều cuộc xung đột sắc tộc đã xảy ra mà điển hình là cuộc xung đột năm 1969. Chính sách “đất nước Malaysia dành cho người Malaysia” được đưa ra như một nỗ lực cứu vớt vấn đề này. Chính phủ Malaysia đã sử dụng các cơ sở nhà nước như một biện pháp phân phối lại xã hội và giảm bớt sự căng thẳng về chủng tộc. Nhưng mặt khác Malaysia cũng xây dựng được nhiều tổ hợp công nghiệp liên doanh nhà nước tư nhân như nhà máy sản xuất ô tô Proton Saga, nhà máy

sản xuất đệm lò xo Perawaja Terengganu. Nhà nước còn là trường học đào tạo cho các doanh nhân bản địa cho họ cơ hội để kinh doanh và tham gia vào các lĩnh vực kinh tế mà nếu nằm ngoài nhà nước họ không có khả năng cạnh tranh được với người Hoa bản địa. Khu vực kinh tế nhà nước của Malaysia trên thực tế phục vụ lợi ích quyền lợi cho tầng lớp tư bản tư nhân người Malay và là nhân tố thúc đẩy việc hình thành cộng đồng công thương nghiệp Malay. Thực chất của quá trình tạo ra các xí nghiệp nhà nước là tăng cường quyền lực cho tư nhân gốc Malay. Bắt đầu thời Mahathir tức là những năm đầu của thập kỉ 80, Malaysia đã bắt đầu tư nhân hoá các xí nghiệp nhà nước và kế hoạch cụ thể về chính sách này được đưa ra năm 1987. Những xí nghiệp được tư nhân hoá là những doanh nghiệp hoạt động tiêu tốn nhiều vốn như: ngành đường sắt hàng không, bưu chính viễn thông và các ngành dịch vụ công cộng khác, tuy nhiên có hạn định ưu đãi hơn cho những người bản địa mua cổ phần từ các công ty này.

Trước và chủ yếu trong thời kì lãnh đạo của Mahathir, chính sách kinh tế và xã hội NEP và NDP đã được thực thi với mục tiêu quan trọng là:Giảm và đi đến xoá bỏ đói nghèo cho mọi người dân Malaysia không phân biệt sắc tộc; Kết cấu lại xã hội Malaysia theo ba hướng chủ yếu về việc làm, nghề nghiệp và vốn cổ phần bằng các chức năng kinh tế. Đối với các mục tiêu về việc làm và nghề nghiệp, nhà nước chủ trương khuyến khích sự tham gia của người Malay vào các hoạt động công thương hiện đại bằng cách đào tạo khuyến khích ưu đãi các cơ sở kinh doanh khi tuyển dụng người Malay. Bước vào thập kỉ 90, số người Malay được đào tạo ngành nghề kỹ thuật, bác sĩ, kĩ sư, kế toán… ngày càng tăng lên và có xu hướng cân đốí hơn so với cơ cấu tộc người. Tương tự như vậy, sở hữu vốn cổ phần trong khu vực kinh doanh cho thấy sự gia tăng cổ phần của người Malay cũng như người Hoa và giảm đáng kể cổ phần vốn nước ngoài. Mặc dù mục tiêu không đạt được như kế

hoạch đề ra, nhưng các chính sách phát triển của chính phủ đã có một ý nghĩa to lớn trong việc xoa dịu những mâu thuẫn sắc tộc tạo ra hình ảnh một nước Malaysia thống nhất hài hoà. Với mục tiêu tái thiết lại cơ cấu xã hội, tất cả các nhóm dân tộc đều được ghi nhận là tăng việc chia sẻ nguồn vốn so với giai đoạn trước đó. Người bản địa sỏ hữu từ 63 tỉ RM năm 2000 đã tăng lên 73.2 tỉ năm 2002 với tốc độ tăng trưởng là 7.8 % một năm. Người Hoa chiếm 159.8 tỉ RM và có tốc độ tăng trưởng là 11.2 %. Chính phủ nhận thức rằng những nỗ lực để tăng cổ phần của người bản địa sẽ trở thành một thách thức lớn trong điều kiện hiện nay với bối cảnh toàn cầu hoá và tự do hoá thị trường. Do vậy, những cố gắng để đưa người bản địa sở hữu 30% trong một số ngành kinh tế đến năm 2010 đã phần nào được đáp ứng. Chính phủ cũng khuyến khích việc tham dự của người bản địa vào 8 lĩnh vực nghề nghiệp: tài chính, kiên trúc, bác sĩ, nha khoa, kĩ sư, luật sư, kiểm sát, quân y; khuyến khích sinh viên bản địa tham gia vào các chương trình giáo dục đào tạo nghề một số ngành như công nghệ thông tin và khoa học kỹ thuật; tiếp tục khuyến khích sự tham gia của người bản địa vào hành chính công và muốn nhấn mạnh rằng người bản địa có mặt trong mọi ngành nghề; cố gắng hỗ trợ và nâng cao tính cạnh tranh của Khối công nghiệp và thương mại bản địa (BCIC). Đa dạng hoá ngành nghề sẽ giúp cho những người bản địa có nhiều cơ hội tham gia vào những lĩnh vực kinh tế sinh lời hơn, giúp họ khẳng định thế đứng của mình trong cuộc sống hiện đại mà không phải dựa vào sự trợ cấp của chính phủ như nhiều năm trước đó

Như vậy, chính sách kinh tế mới (NEP) với hai mục tiêu chính là: Giảm và tiến tới xoá nghèo nàn trong mọi tộc người, cải tổ lại xã hội để giảm và tiến tới loại bỏ sự đồng nhất tộc người với chức năng kinh tế (người Hoa nắm giữ thương mại và các ngành nông nghiệp sinh lời còn người Malay chủ yếu làm nông nghiệp và buôn bán ở quy mô nhỏ) đã đem lại nhiều thành tựu đáng

kể. Vị thế của người Malay trong liên bang đã thay đổi. Họ không chỉ thuần tuý làm nông nghiệp mà cong tham gia vào khu vực công nghiệp và thương nghiệp. Đặc biệt sự thành lập Liên minh cầm quyền (Barisan National) gồm 10 đảng phái chính trị, thắng lợi liên tiếp trong các cuộc bầu cử liên bang đã khích lệ mạnh mẽ chính phủ tiến đến một mục tiêu dân tộc Malaysia thống nhất. Mục tiêu tạo dựng một kiểu người Malaysia mới được Mahathir Mohamad tiếp tục triển khai mạnh mẽ khi ông nhậm chức Thủ tướng năm 1981. Chủ trương của chính phủ liên bang không phải là đồng hoá, biến mọi người Malaysia thành người Malay mà nhấn mạnh đến sự hoà nhập xã hội thành một thực thể Malaysia, lấy truyền thống văn hoá và ngôn ngữ của người Malay làm cốt lõi. Ba thành phần tộc người bản địa (bumiputra) là người Malay ở bán đảo, người Iban ở Sarawak và người Kadazan ở Sabah dễ liên kết và hội nhập với nhau do sự định hướng của các quyền lực chính trị. Người Hoa tuy lép vế hơn về chính trị song vẫn giữ vai trò quan trọng trong kinh tế. Người Ấn giữ số lượng ít, đóng vai trò là trung gian trong mọi hoạt động giữa hai nhóm tộc người lớn.

Một phần của tài liệu Mahathir Mohamad với vấn đề dân tộc và tôn giáo của Malaysia (Trang 51)