Người Malay và cuộc khủng hoảng về tư tưởng tộc người

Một phần của tài liệu Mahathir Mohamad với vấn đề dân tộc và tôn giáo của Malaysia (Trang 47)

Những người Malay đầu tiên định cư ở Malaya được xác định là có mặt ở khắp mọi nơi từ vùng đồi núi thấp đến khu vực trung nguyên, từ các vùng bờ biển cho đến các đồng bằng màu mỡ nơi cửa sông. Họ sinh sống chủ yếu bằng nghề trồng trọt và nghề cá. Có thể nói hai sự kiện ảnh hưởng lớn nhất đến cộng đồng người Malay ở Malaysia chính là sự có mặt của nhân tố tôn giáo (Hồi giáo) và vấn đề nhập cư (người Hoa). Tiếp biến ngôn ngữ và văn hoá của người Arab, những người Malay đã hình thành cho mình một hệ giá trị mới dựa trên cơ tầng nền tảng của những phong tục tập quán lâu đời (adat) với những yếu tố ngoại lai có ảnh hưởng sâu sắc đi kèm với sự truyền bá Hồi giáo ở đây. Chính tôn giáo là yếu tố làm nên sự khác biệt sâu sắc giữa một người Malay với những người không phải Malay khác mặc dù họ cùng sinh sống trong một địa bàn cư trú, cùng sử dụng một ngôn ngữ và cùng tham gia vào một môi trường văn hoá. Cuộc hôn nhân giữa những người Malay và người Hoa gần như không bao giờ có cũng bởi cản trở có tính quyết định này.

Sự kiện thứ hai ảnh hưởng đến cuộc sống của người Malay là sự xuất hiện của người Hoa. Sự có mặt của người Hoa làm cho người Malay cảm thấy mình suy yếu. Những gì họ có thể làm thì người Hoa đều làm tốt hơn và với một giá thành rẻ hơn. Chính vì vậy họ thấy mình mất sức cạnh tranh trước người Hoa. Do vậy người Malay luôn có ý thức rằng họ phải nắm lấy ngọn cờ chính trị ở Malaysia nếu không sẽ chẳng có gì đảm bảo được vị trí và quyền lợi của họ ở đất nước đang tràn ngập người Hoa này.

Người Malay trong lần điều tra dân số đầu tiên nhận ra mình là cộng đồng thiểu số trên chính đất nước mình đã sốt sắng tìm cách cải thiện tình

hình một cách nhanh chóng. Họ vội vã tạo ra rào cản hạn chế người Hoa với hy vọng mang cơ may đến cho người bản xứ. Nhưng quyền đặc biệt của người Malay không thể phát huy hiệu quả khi mà đa số người Malay sống ở nông thôn còn đang trong tình trạng nghèo khổ và số còn lại hoạt động trong lĩnh vực công thương nghiệp lại yếu kém về kinh tế và quản lý. Những ưu tiên trong đăng ký và cấp giấy phép không có ý nghĩa gì với người Malay khi mà hoạt động công thương nghiệp nằm trong tay người nước ngoài. Do đó, các biện pháp tức thời ấy không mang lại hiệu quả mà phải cần đến những chính sách lâu dài.

Cộng đồng người Hoa, Ấn ở Malaysia hiện chiếm gần một nửa dân số và cố kết với nhau theo nguyên tắc trung thành với chính quốc bằng mối liên hệ huyết thống và cội nguồn thông qua gia dình và dòng họ. Họ khu biệt trên mảnh đất dễ sinh lời đô thị – nơi quan điểm về cư dân, sắc tộc được coi là ít bảo thủ hơn, nơi họ có được thái độ cởi mở hơn, thân thiện hơn. Nếu tham gia vào quá trình tái thiết lại bình đẳng tộc người, họ không tránh khỏi những e ngại: quyền lợi từ nền kinh tế thương mại của mình sẽ bị phụ thuộc vào nền kinh tế sản xuất nông nghiệp nghèo nàn của người Malay và nền kinh tế hiện đại giàu có của họ sẽ trở thành “con bò sữa” cho nền kinh tế lạc hậu ở các vùng nông thôn. Và nếu những khác biệt tộc người được khắc phục, người Malay nắm giữ một phần kinh tế đáng kể thì liệu trong một quốc gia đa chủng tộc, họ có được điều kiện lý tưởng của một chủng tộc bình đẳng hay sẽ trở thành một thứ công dân hạng hai trong một quốc gia xa lạ do người Malay khống chế và quản lý phục vụ cho lợi ích của người Malay. Mỗi nhóm tộc người lo sợ sự lấn át của tộc người khác đã ra sức giành giật, mở rộng thế lực, phạm vi ảnh hưởng dẫn đến tình trạng thiếu tin cậy lẫn nhau, làm phương hại đến sự thống nhất của đất nước và dân tộc.

Trong khi đó, những người bản địa Hồi giáo lại không muốn thừa nhận những cư dân không phải người Malay có vị trí hợp pháp ở trong nước Malaysia và theo họ, muốn bảo vệ quyền lợi của người Malay thì trước hết phải ngăn chặn “mối đe doạ từ những người không phải gốc Malay”. Họ quá cực đoan về quyền lợi của người Malay và luôn thấy quyền lợi này mâu thuẫn với quyền lợi của các cộng đồng cư dân khác mà không nhận thức được rằng quyền lợi mâu thuẫn đó có thể dàn xếp trong một cơ cấu xã hội hoà hợp dân tộc. Thêm vào đó, vùng nông thôn Malay lại bảo thủ với tổ chức hành chính kampung truyền thống, kém về khả năng tự vận động để thích ứng. Hơn nữa trong lịch sử, việc Nhật Bản đàn áp người Hoa song lại đối xử tốt hơn với người bản xứ cũng làm cho người bản xứ bỏ lỡ cơ hội gần gũi với các cộng đồng cư dân khác. Điều đó gây ra hậu quả tâm lý tương tự như chính sách “chia để trị ” của thực dân phương Tây.

Mahathir cho rằng thật khó mà tưởng tượng được một Malaysia sẽ thế nào nếu không có những cửa hàng của người Hoa ở khắp mọi nơi? Người Hoa không chỉ cung cấp mọi nhu cầu từ thiết yếu đến cao cấp cho toàn bộ đất nước mà còn mua hàng hoá của những đối tác và phân phối đi khắp mọi nơi. Họ là bánh xe chủ lực trong mộ máy vận hành nền kinh tế Malaysia. Nhìn lại lịch sử chúng ta thấy trước khi có người Hoa, Malaysia vẫn có những tiểu quốc thương mại có thể nói là hùng mạnh. Rõ ràng người Malay cũng có những tố chất của thương nhân để có thể làm ăn buôn bán nhưng những tố chất ấy ngay khi phải đối đầu cạnh tranh với người Hoa thì lại không còn tác dụng. Điều này không có nghĩa là sự thắng thế tuyệt đối của người Hoa trước người Malay. Sự thất bại của người Malay không chỉ là sự thất bại về truyền thống buôn bán mà còn là sự thất bại của lịch sử khi mà họ đã quá bị ảnh hưởng bởi mô hình buôn bán của người Ấn Độ và người Arab cũng như những sự kiện chính trị khác đã đẩy họ về với nghề trồng trọt và đánh bắt cố

hữu ở các vùng nông thôn nghèo nàn. Dám nhìn nhận thẳng vào vấn đề yếu kém của người Malay, Mahathir đã cho thấy tính cách lãnh đạo quyết đoán và quả cảm của ông khi không ngần ngại mổ xẻ những vấn đề có thể coi là nguyên nhân giải thích cho sự thất thế của người Malay trên một số bình diện trước người Hoa. Ông cho rằng sự yếu kém ấy không chỉ là sự yếu kém nhất thời mà là sự yếu kém có tính truyền thống do những đặc tính dân tộc của người Malay đang bộc lộ nhiều yếu tố tỏ ra không còn thích hợp được với xã hội đề cao tính cạnh tranh.

Người Malay theo truyền thống vẫn là cộng đồng có ưu thế về chính trị bởi vì trong lịch sử, bán đảo Melayu là đất của người Melayu và do các Sultan Melayu cai quản. Đến thời kì thuộc địa các chính quyền thực dân vẫn luôn duy trì chủ quyền chính trị của các Sultan Melayu, tức là các Sultan này trên danh nghĩa vẫn nắm quyền lãnh đạo. Sau chiến tranh thế giới thứ hai, chính quyền thực dân Anh âm mưu thành lập Liên hiệp Malaya để giành lấy quyền cai trị đất nước nhưng do sự phản ứng quyết liệt của người Malay, họ không thực hiện được kế hoạch này và phải thành lập liên bang Malaya năm 1948. Và cũng chính người Melayu dưới sự lãnh đạo của UMNO đã tham gia đàm phán với người Anh về vấn đề trao trả nền độc lập Malaya và Hiến pháp năm 1957 đã đảm bảo cho người Malay tiếp tục giữ được các ưu thế trong các vấn đề về ngôn ngữ, văn hoá và vị trí đặc biệt của các Sultan. Trong khi đó bản thân các cộng đồng dân cư khác như người Hoa và người Ấn không phải là những cộng đồng thống nhất. Người Hoa đến Malaysia từ nhiều vùng khác nhau của Trung Quốc và có mặt trong nhiều khoảng thời gian khác nhau trong lịch sử của Malaysia, họ cũng đã khác chính bản thân cộng đồng mình về thổ ngữ, phong tục … cho nên không phải dễ dàng mà đoàn kết thống nhất được mặc dù yếu tố tông tộc quê hương được những người Hoa hết sức đề cao. Người Ấn chiếm tỷ lệ dân cư ít ỏi trong đó có một bộ phận theo Hồi giáo đã

rất dễ hoà nhập vào cộng đồng Malay nên sống an phận và lo làm kinh tế. Mỗi cộng đồng dân tộc đều có những đảng phái riêng đại diện cho cộng đồng mình trên vũ đài chính trị. Với Mahathir, sự lúng túng của người Malay trước việc đất nước tràn ngập những người không phải Malay là cần thiết nhưng không nên đẩy đến mức cực đoan để chia rẽ sự thống nhất của Malaysia. Người Malay tuy có nhiều nhược điểm nhưng cũng có những lợi thế mà họ phải tin rằng không tộc người nào có được. Đó chính là sự hậu thuẫn chính trị không chỉ từ Mahathir, mà còn của tất cả những người đứng đầu của Malaysia đều đã dành cho họ.

Một phần của tài liệu Mahathir Mohamad với vấn đề dân tộc và tôn giáo của Malaysia (Trang 47)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(136 trang)