Với tư cách là Thủ tướng Malaysia, Mahathir có rất nhiều cơ hội để phát biểu ý kiến của mình trước công chúng trong nước, trước cộng đồng Hồi giáo và cả nhân dân toàn thế giới. Thư viện điện tử của chính phủ Malaysia tại địa chỉ website http://www.pmo.gov.my cung cấp cho chúng ta biết hàng nghìn bài diễn văn của ông trong suốt 22 năm ở cương vị đứng đầu nhà nước Malaysia.
Bài diễn văn gần như cuối cùng cũng là một bài diễn văn của ông được cả cộng đồng Hồi giáo tung hô là phát biểu nhân dịp khai mạc Hội nghị các quốc gia Hồi giáo tổ chức tại Malaysia tháng 10/2003 ngay trước khi ông nghỉ hưu. Trong bài diễn văn này ông đã công khai hơn nữa việc kêu gọi tín đồ Hồi giáo tuân thủ trung thành với giáo lý chính thống và tăng cường cam kết duy trì bổn phận và vai trò cũng như quyền lợi của mỗi thành viên trong Cộng đồng Hồi giáo trên toàn thế giới. Ummah vốn là một ước mơ sâu thẳm mà những năm trước còn nhiều khó khăn và phụ thuộc vào phương Tây Malaysia đã không dám nghĩ đến. Trong Hội nghị phô trương thanh thế của Hồi giáo này, Mahathir đã không tiếc lời ngợi ca những người đang có mặt “Dù họ có là người Hồi giáo hay không nhưng sự có mặt của họ tại Hội nghị này sẽ mang lại một hiểu biết hơn nữa về Hồi giáo và những người theo đạo Hồi, nó
giúp chúng ta loại trừ nhận thức sai lầm rằng Hồi giáo là tôn giáo của những người lạc hậu và những kẻ khủng bố”. “Cả thế giới đang nhìn vào chúng ta. Chắc chắn 1,3 tỉ người theo Hồi giáo, 1/6 dân số thế giới đang trao gửi hy vọng vào chúng ta mặc dù họ hoài nghi về nguyện ước của chúng ta và khả năng của chúng ta trong quyết định khôi phục lại danh dự của đạo Hồi và những người theo Hồi giáo” [139; 14]
Vấn đề dân tộc cũng được ông đề cập đến nhiều lần trong các phát biểu có tính chính thức của mình. Quan niệm người Malay là một bộ phận dân tộc như các nhóm dân tộc khác tích hợp nên xã hội Malaysia có quyền lợi và trách nhiệm tương đương nhau nhưng do sự phát triển còn có tính hạn chế theo dân tộc nên người Malay đang nhận được sự hậu thuẫn lớn từ chính phủ để vươn lên. Ý tưởng về thế hệ “người Malay mới” bắt nguồn từ mong ước xoá bỏ những tính cách không được chờ đợi của thế hệ “Malay cũ”. Ngay từ khi mới bắt đầu nhiệm kì của mình, ông đã nhận thức được rằng những người Bumiputera có thể sẽ thất vọng vì ông đã không ưu đãi, nuông chiều họ bằng những quyền hạn ông có được. Nhưng cùng với thời gian họ đã nhanh chóng nhận ra rằng chỉ có dưới thời lãnh đạo của Mahathir, đất nước Malaysia mới mang lại được cho họ một sự phát triển rực rỡ đến thế. Những nhận định của Mahathir về vấn đề dân tộc của Malaysia có thể nói như là phương châm cho sự nghiệp vì sự hoà bình ổn định và phát triển bền vững của quốc gia này “Chúng ta không bao giờ được quên rằng sự thống nhất quốc gia là tài sản lớn nhất của chúng ta. Sự thống nhất quốc gia trong một đất nước đa chủng tộc và đa tôn giáo chỉ có thể được duy trì trên sự hiểu biết sâu sắc lòng khoan dung và sự kính trọng lẫn nhau giữa một tập thể đa dạng. Chúng ta đã chứng kiến nhiều xã hội đa sắc tộc thất bại trước vấn đề của mình bởi vì quyền lợi của dân tộc được đặt lên trên quyền lợi của quốc gia. Do đó nếu chúng ta không thận trọng, chúng ta sẽ thất bại và sẽ bị huỷ hoại”. [75; 46]