Mahathir và sự nghiệp xây dựng một cái nhìn đúng đắn về Hồi giáo của ông

Một phần của tài liệu Mahathir Mohamad với vấn đề dân tộc và tôn giáo của Malaysia (Trang 94)

Hồi giáo của ông

Tầm nhìn của Mahathir với vấn đề tôn giáo của Malaysia khá rõ ràng và nhất quán. Ông không mong mỏi trở thành một nhà thần học, một nhà nghiên cứu Hồi giáo nhưng ở vị thế của người lãnh đạo một quốc gia có phần đông dân số theo Hồi giáo, ông tự đòi hỏi mình phải xác lập được cái nhìn sâu sắc về Hồi giáo.

Trong tất cả những bài phát biểu của mình về vấn đề Hồi giáo, Mahathir luôn cho rằng ông “đang nói đến những vấn đề không tránh khỏi khả năng có thể đụng chạm đến những con người nhạy cảm”. Bởi vì với ông Hồi giáo vốn dĩ là một vấn đề nhạy cảm đến mức mà mỗi khi đề cập đến ông luôn phải sẵn sàng để đối phó lại mọi sự phản ứng có thể xảy ra. Điều đó cũng cho thấy Mahathir ý thức về tính nhạy cảm của vấn đề này như thế nào và ông luôn đặt vấn đề đúng tầm quan trọng của nó.

Mahathir với tính bộc trực sẵn có của mình đã chỉ ra cái thực tế ảm đạm mà dường như những người Hồi giáo đang cố lẩn tránh để ve vuốt lòng tự hào về sự ưu việt của nền văn hoá, văn minh của họ. “Ngày nay những người theo đạo Hồi không biết đến bao lâu nữa mới trở lại là những người vĩ đại như họ đã từng trong kỷ nguyên đầu tiên của Hồi giáo. Nền văn minh Hồi giáo huy hoàng gần như đã biến mất và những người Hồi giáo ngày nay bị nhìn một cách khinh mạn, bị xúc phạm, bị đàn áp. Tôn giáo của họ bị coi là tôn giáo sản sinh ra những tên khủng bố, được truyền bá bởi những tên khủng bố” [132; 5]. Ông thẳng thắn đưa ra cái nhìn thực tế về vị trí của người Hồi giáo trong con mắt nhìn nhận của thế giới. Sau sự kiện 11/9, nước Mỹ gần như đã phát động một cuộc chiến nhằm vào người Hồi giáo không chỉ bằng

việc tấn công Afganistan mà còn là sự truy quét đối với người Hồi giáo theo một mặc định đánh đồng người Hồi giáo với những kẻ khủng bố, những kẻ lạc hậu bị dồn đến đường cùng sẵn sàng làm tất cả những gì để trả đũa mà không kể đến tính mạng của bản thân và của hàng vạn người lương thiện vô tội. “Hồi giáo nghĩa là hoà bình nhưng ngày nay Hồi giáo lại bị đồng nghĩa với khủng bố. Sự phán xét ấy là không công bằng nhưng trên thực tế thì nhiều người Hồi giáo đang lao vào cuộc chiến và cướp đi nhiều sinh mạng trong sự chống trả giận dữ mà bất kể tính toán là đang giết ai và hậu quả sẽ thế nào” [140; 2].

Để thay đổi thực tế đáng buồn của cộng đồng Hồi giáo, ông cho rằng Malaysia cũng như các quốc gia Hồi giáo khác trên toàn thế giới cần xem xét lại vấn đề Hồi giáo. Ông nói “Xem xét lại Hồi giáo là việc làm cần thiết vì chúng ta phải hiểu rằng nền tảng giáo lý nguyên thuỷ của Hồi giáo được truyền bá bởi Prophet không giống với Hồi giáo mà chúng ta đang cầu nguyện và tin theo ngày nay” [124; 3]. Mahathir cho rằng những điều mà tín đồ Hồi giáo tin theo lâu nay không phải những lời răn dạy nguyên thuỷ của thánh Allah mà đã bị biến tướng theo thời gian và theo những mục đích chính trị cũng như sự truyền bá thiếu hiểu biết của các ulama “Đạo Hồi đã không còn là Hồi giáo như chính nó hơn một nghìn năm trước nữa” [124;3].

Mahathir đặt ra câu hỏi cho tất cả những người Hồi giáo: “Chúng ta có thể trung thực thừa nhận về hiện tại của những người Hồi giáo trong thế giới hiện nay?” Và ông khẳng định “Chắc chắn là không” [124;4] vì người Hồi giáo ít khi chấp nhận được sự thật rằng tôn giáo họ đang là tôn giáo của số đông người nghèo và những người bị truy đuổi. Ông đã viện dẫn đến sự thay đổi của đạo Thiên chúa để chứng minh cho mọi người thấy rằng sự thay đổi cũng là một quy luật tất yếu trong lịch sử tôn giáo và những tín đồ trung thành và tận tuỵ sẽ phải là những người định hướng sự thay đổi đến chiều hướng có

lợi cho sự phát triển kinh tế xã hội của cộng đồng Hồi giáo. Mahathir là một tín đồ Hồi giáo nhưng khác với số đông cuồng tín và trung thành một cách tuyệt đối không thắc mắc, ông với sự tìm hiểu cặn kẽ và sự hiểu biết sâu sắc của mình đã đặt ra được vấn đề về tôn giáo nguyên thuỷ và tôn giáo mà họ đang được truyền bá và thờ phụng với hy vọng sự đối sánh sẽ mang lại cho họ một cái nhìn đầy đủ và đúng đắn hơn, khắc phục những sai lầm đã dẫn họ lún sâu vào sự nghèo nàn, lạc hậu. “Không phải chỉ có đạo Hồi mới cần một sự nhìn nhận lại về chính mình. Tất cả tôn giáo học thuyết và các hệ giá trị trên toàn thế giới đều cần được tái nhận định. Đạo Hồi ngày nay có phải là tôn giáo mà Prophet, Muhammad đã truyền bá hay là một tôn giáo khác? Nếu là nó thì nó sẽ phải nhận trách nhiệm gì cho hiện thực đáng buồn của các quốc gia Hồi giáo hiện nay? Hay sự thay đổi tôn giáo đã làm cho đạo Hồi không còn mang lại sự tốt đẹp như từng hứa hẹn? Hay thực tế là những người theo Hồi giáo phải chịu đựng một cuộc sống khổ cực trên trái đất này trước khi họ được hưởng thụ một thế giới khác – thế giới của những sung sướng và hạnh phúc như đã nói trong kinh Coran?” [133;11]. Ông không quy kết trách nhiệm của Hồi giáo trong việc làm cho những quốc gia tôn thờ nó rơi vào tình trạng kém cỏi so với những quốc gia theo tôn giáo khác nhưng ông muốn phân định rõ sự sai lầm trong hiểu biết về tôn giáo, sự ngu muội qua nhiều thế hệ dồn đọng thành những hệ quả đáng buồn ngày nay mà các nước theo Hồi giáo đang gánh chịu.

Mahathir là lãnh đạo đầu tiên trong các quốc gia Hồi giáo ( ở các quốc gia khác, việc kêu gọi cải giáo hay xét lại tôn giáo được thực hiện bởi các nhà thần học hoặc các nhà truyền giáo) đưa ra những ý tưởng sửa chữa những sai lầm về nhận thức bằng cách chỉ ra chính những mâu thuẫn trong nhận thức ấy “Kinh Coran nói rằng tất cả những điều xấu xa là từ chúng ta và những điều tốt đẹp là đến từ Allah. Vì vậy chúng ta có thể kết luận rằng cái thân phận

khốn khổ mà chúng ta đang chịu đựng ngày nay, sự đàn áp từ những thế lực khác, sự báng bổ tôn giáo là bởi vì chúng ta chứ không phải do Allah sắp đặt trước. Bởi vậy chúng ta cần phải nhận ra những khiếm khuyết và biết rằng chúng ta phải sửa chữa bản thân mình để trở về với đạo Hồi chính thống. Có như thế, chúng ta mới có cơ may được ban phước bởi Allah” [132; 6].

Để thuyết phục những người Hồi giáo vốn cuồng tín với tôn giáo của mình, coi đó như một chân lý tuyệt đối đúng, Mahathir dũng cảm chỉ ra những mâu thuẫn trong quan niệm về cuộc sống hiện tại và cuộc sống thiên đàng hứa hẹn sau khi chết . “Nhiều người Hồi giáo đã cố gắng giải thích cho hoàn cảnh đáng buồn hiện nay của họ bằng những nguỵ biện rằng thế giới này không phải dành cho họ. Chỗ của họ đang chờ họ ở thế giới bên kia. Và ở thế giới bên kia những kẻ thù của họ sẽ bị trừng phạt, bị ném xuống địa ngục vì những gì đã gây ra cho họ ở thế giới này. Đó có phải là điều mà Prophet đã dạy chúng ta? Có phải nhà tiên tri đã chấp nhận sự hành hạ hiện thời vì tin chắc rằng sang thế giới bên kia sẽ được lên thiên đàng? Điều gì sẽ xảy ra với đạo Hồi nếu như các thiên sứ không đấu tranh chống lại kẻ thù, không gửi những tín đồ đầu tiên đi đến nơi ẩn náu an toàn, không nhập về Madinah để xây dựng một cộng đồng Hồi giáo mạnh hơn? Nếu ông rút lui để nhận lấy phần thưởng của mình sau khi chết thì làm gì có cộng đồng Hồi giáo chúng ta ngày hôm nay” [138; 9]. Mahathir đã dùng chính những câu chuyện lịch sử Hồi giáo để giúp những người Hồi giáo nhận thức sâu sắc hơn chính từ những bài học họ đã có trong quá khứ. Trong rất nhiều bài viết của mình, ông luôn bộc lộ những trăn trở của một người khát khao thay đổi nhận thức ấu trĩ sai lầm về Hồi giáo đã làm cản trở bước tiến của tôn giáo này. Ông phân tích cho họ thấy rằng kết quả của việc đấu tranh chống lại kẻ thù của các thiên sứ đã mang lại sự lan rộng của đạo Hồi ngày nay trên toàn thế giới xây dựng một lịch sử, một nền văn minh một đế chế hùng mạnh. Chắc chắn rằng Prophet đã

không nhận thức rằng cuộc đời này là không quan trọng, rằng cuộc đời này không phải chỉ để cho những người không theo Hồi giáo, rằng cuộc sống hiện nay không phải chỉ là thời gian chờ đợi để lên một chuyến tàu đến tương lai huy hoàng hơn. Cuộc sống hiện tại cũng là một sự hưởng thụ mà người Hồi giáo cần phải làm và gây dựng được cho mình chứ không thể chờ đợi cái chết như một ân phước. Trong buổi phát biểu trước các thanh niên Malay ông nói để khuyến khích lòng khát khao thay đổi thân phận của họ “Người Malay là những người theo Hồi giáo. Nếu một kẻ ngu dốt có thể biến đổi mình thành một người thuộc sắc tộc đẳng cấp với nền văn minh ưu việt khi họ quy thuận đạo Hồi thì tại sao người Malay lại không thế, lại không thể xây dựng cho mình một xã hội ổn định hơn?”(28/2/2000).

Từ những sự phân tích đó, Mahathir cho rằng đã đến thời điểm để chấm dứt những u mê tăm tối trong nhận thức của người Hồi giáo đưa họ về với những ưu thế họ đã từng có trong lịch sử, tiến theo kịp sự phát triển của thời đại để khái niệm Hồi giáo không bị đồng nghĩa với nghèo đói lạc hậu và khủng bố, xây dựng một hình ảnh mới của thế giới nhìn nhận về Hồi giáo. “Bản chất của Hồi giáo không phải là chờ đợi trong im lặng hay mong ngóng thiên đường ở phía trước”. Kinh Coran nói rằng người Hồi giáo phải chuẩn bị ngựa chiến và cung tên để đánh bại kẻ thù. Điều đó làm cho nhiều người nghĩ rằng người Hồi giáo chỉ cần có ngựa chiến và cung tên là đã hoàn thành bổn phận của mình. Nhưng với cung tên và ngựa chiến họ không thể đánh bại được kẻ thù ngày nay. Họ cần súng, cần đạn, cần được trang bị tàu chiến, máy bay chiến đấu. Để làm được điều đó, để mạnh hơn và đánh bại kẻ thù họ phải có khoa học và kỹ thuật. Người Hồi giáo phải học để hoàn thành sứ mệnh của Hồi giáo. Sự trau dồi sẽ mang lại cho họ sức mạnh của thời đại kỹ thuật có tính quyết định cho việc thay đổi cuộc sống của họ “Nếu cho rằng chỉ cần học giáo lý là đã đủ thì chúng ta sẽ tự tước đi của mình vũ khí và sẽ thất bại trước

kẻ thù như một kết cục không tránh khỏi và tất nhiên sẽ chẳng thể nào bảo vệ được cộng đồng Hồi giáo” [133;5]. Những lời tâm huyết ấy là mơ ước của Mahathir về kiến tạo sức mạnh mới của người Hồi giáo trong cuộc sống hiện nay.

Ông lấy ngay sự tin tưởng ngớ ngẩn của những tín đồ đảng PAS “ở Malaysia chỉ có một đảng chính trị thuyết phục được các cử tri của họ chỉ bằng những điều không thể nào tin nổi. Có khoảng 10.000 người theo đảng này, tin rằng bầu cho các đại biểu của họ là một sự bảo đảm cho vị trí của họ ở trên thiên đường” [140;1]. Ông chỉ ra những cơ hội người Hồi giáo đã bỏ qua để phát triển để tiến kịp các nước chỉ vì những suy luận thiếu hiểu biết của mình “Tôi nghĩ cũng không có gì là sai khi nói rằng các quốc gia Hồi giáo đang ở thời kỳ khó khăn nhất và có thể sẽ dẫn đến sự sụp đổ” [140; 2]. Kể từ khi đế chế Hồi giáo Thổ Nhĩ Kỳ sụp đổ trước sự công kích dữ dội của các nước châu Âu thì không chỉ hệ thống thế giới Hồi giáo sụp đổ mà các quốc gia chịu ảnh hưởng của nó cũng đã dần dần thoát ra khỏi hào quang của Hồi giáo. Nếu tính một cách riêng rẽ thì không còn quốc gia Hồi giáo nào có khả năng để tạo nên một sự ảnh hưởng nào đó. Nhiều người Hồi giáo đã quay lưng lại với cơ hội mà cuộc cách mạng công nghiệp mang đến . Họ quan niệm Nhà thờ Hồi giáo không thể được thắp sáng bằng điện và do vậy chỉ mới 30 năm trước đây thôi đã có những nước dùng đèn dầu thay cho điện sáng. Không lâu trước đây nhiều tivi ở Malaysia bị ném xuống sông vì một số nhà truyền giáo đã tuyên bố một cách hết sức ngẫu hứng rằng nó là không đúng với tinh thần Hồi giáo. Nó nghe có vẻ rất ngớ ngẩn nhưng kì lạ thay nó lại được tin theo bởi rất nhiều người.

Thế giới sau sự kiện 11/9 luôn đặt ra những ngờ vực đối với mọi người Hồi giáo. Với nước Mỹ và phương Tây nói chung, những người Hồi giáo đồng nghĩa với những kẻ khủng bố. Và sự bất hợp tác của Mỹ và phương Tây

đã dẫn đến không chỉ là cuộc chiến tranh đàp áp các quốc gia Hồi giáo mà còn là sự ghẻ lạnh, bắt bớ người Hồi giáo trên toàn thế giới. Về vấn đề khủng bố, Mahathir viết “Tôi không ủng hộ khủng bố bất kể là với lý do gì”. Ông bày tỏ quan điểm khá rõ ràng của mình. Ông cũng phê phán một số quốc gia khác đang đi ngược lại với lợi ích tôn giáo với tinh thần mà Hồi giáo nguyên thuỷ đã kêu gọi “Bây giờ người theo đạo Hồi đang bị coi thường, bị đối xử bất công và bị đàn áp. Ở mọi nơi họ bị bắt nạt, bị bom đạn và bị tàn sát bởi những sự trừng phạt. Các quốc gia Hồi giáo không thể làm gì để bảo vệ chính mình và thậm chí một số quốc gia còn xuất hiện trong những liên minh quái quỷ với chính những kẻ đối nghịch với người Hồi giáo” [143;2].

Với vai trò là một người lãnh đạo đất nước, ông quan niệm về vấn đề Hồi giáo ở Malaysia: “Malaysia là một quốc gia Hồi giáo. Tôn giáo của các bang là đạo Hồi và người theo Hồi giáo có thể thực hiện các nghi lễ tôn giáo cũng như áp dụng luật Syariah. Những nhu cầu tôn giáo được đáp ứng bởi chính phủ. Đồng thời những người không theo Hồi giáo được tự do thực hiện tôn giáo của mình, vì điều này cũng không vi phạm gì đến đạo Hồi”.

Có thể nói Mahathir rất có công trong việc gây dựng nên hình ảnh người Hồi giáo hiện đại và định hướng cho mọi người thấy con đường đi khi mà Hồi giáo còn sai lầm trong nhận thức về chính người Hồi giáo và sự đánh giá nhìn nhận của người Hồi giáo với thế giới xung quanh. Ông đã chỉ ra rằng cuộc sống họ đang có cũng là một giá trị cao đẹp chứ không phải chỉ là sự chờ đợi chuẩn bị cho cuộc sống tiếp theo đó. Do vậy người Hồi giáo cần phải sống ý nghĩa ở ngay cuộc sống này, cần phải trang bị cho mình những tri thức hiện đại để bắt kịp thế giới và sống đúng như tầm vóc của đế chế Hồi giáo đã từng vinh quang trong lịch sử.

Một phần của tài liệu Mahathir Mohamad với vấn đề dân tộc và tôn giáo của Malaysia (Trang 94)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(136 trang)