Phân định thềm lục địa giữa Việt Nam và Trung Quốc trong Vịnh Bắc Bộ

Một phần của tài liệu Xác định ranh giới ngoài thềm lục địa trong luật quốc tế hiện đại (Trang 115)

114

Vịnh Bắc Bộ nằm trong khoảng kinh tuyến 105040'E - 109040'E và vĩ tuyến

17030'N - 21040'N, là một vịnh nửa kín, do bờ biển và đảo của hai nước Việt Nam và Trung Quốc bao bọc. Vịnh có hai cửa thông ra Biển Đông ở phía Đông và Nam. Vịnh có chiều dài Bắc - Nam khoảng 403 km (217,5 hải lý - từ cửa sông biên giới Việt Nam - Trung Quốc phía Bắc đến cửa Vịnh phía Nam), chiều ngang nơi rộng nhất khoảng 320 km (173 hải lý - từ Cửa Vạn trên bờ biển Việt Nam đến Mũi Duy Lỉn - đảo Hải Nam Trung Quốc). Chiều dài bờ vịnh phía Việt Nam khoảng 763 km (từ cửa sông biên giới phía Bắc đến Mũi Lay - Quảng Trị), phía Trung Quốc là khoảng 695 km (từ cửa sông biên giới phía Bắc đến Mũi Oanh Ca - đảo Hải Nam). Vịnh có độ sâu trung bình khoảng 43m, độ sâu lớn nhất không đến 100m, đáy vịnh tương đối bằng phẳng [32].

Vịnh Bắc Bộ được coi là nơi có nhiều tài nguyên thiên nhiên, trong đó đặc biệt là hải sản và dầu khí. Về hải sản, đại bộ phận các ngư trường chính ở Vịnh Bắc Bộ là nằm ở khu vực ven bờ và xung quanh đảo Bạch Long Vĩ của Việt Nam. Theo cấu trúc địa chất, đáy Vịnh Bắc Bộ là nơi có triển vọng dầu khí, đặc biệt là khí, nhưng trữ lượng và phân bố chưa được xác minh cụ thể. Ở Đông Bắc Vịnh xung quanh khu vực đảo Vị Châu, phía Trung Quốc đã tìm thấy và đang tiến hành khai thác một số mỏ dầu nhỏ. Khu vực giữa vịnh và cửa vịnh có bồn trũng sông Hồng có triển vọng chứa nhiều khí.

Căn cứ vào Công ước 1982, giữa hai bên phải vạch đường biên giới biển trong lãnh hải ở khu vực cửa sông Bắc Luân, vạch đường ranh giới vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa trong vịnh. Nếu hai quốc gia đều quy định vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý thì do khoảng cách giữa bờ biển hai bên chưa đến 400 hải lý nên hầu hết vịnh Bắc Bộ trở thành vùng chồng lấn, rất khó khăn cho công tác quản lý, khai thác, sử dụng và bảo vệ [8].

Năm 1993, hai bên đã đi đến thỏa thuận nguyên tắc về vấn đề vạch đường

biên giới biển trong vịnh Bắc Bộ là: “Hai Bên đồng ý sẽ áp dụng luật biển quốc tế

115

nhằm đạt thỏa thuận về phân định vịnh Bắc Bộ; nhằm đạt thỏa thuận về phân định Vịnh Bắc Bộ, hai bên cần theo nguyên tắc công bằng và tính đến mọi hoàn cảnh hữu quan trong vịnh để đi đến một giải pháp công bằng”. Thỏa thuận nguyên tắc này hoàn toàn phù hợp với pháp luật và thực tiễn quốc tế.

Về phương pháp phân định: phía Việt Nam đề nghị dùng phương pháp đường trung tuyến có tính hiệu lực của đảo (đặc biệt là đảo Bạch Long Vĩ của Việt Nam) trong phân định vịnh Bắc Bộ. Phía Trung Quốc yêu cầu trong quá trình phân định phải giải quyết thoả đáng “quyền lợi ngư nghiệp” của ngư dân Trung Quốc ở các “ngư trường truyền thống” (hàm ý của Trung Quốc là giải quyết vấn đề đánh cá cùng với phân định). Trung Quốc đề nghị bờ biển của hai nước sẽ là cơ sở để phân định và phương pháp vạch đường phân định ở từng khu vực có thể khác nhau, trên cơ sở xem xét điều kiện tự nhiên cụ thể từng khu vực, đồng thời bỏ qua hiệu lực đảo Bạch Long Vĩ của Việt Nam [18].

Từ năm 1994 - 2000, hai bên đã đàm phán cụ thể trong vòng bảy năm. Trong đàm phán, hai bên đã trao đổi về pháp luật quốc tế áp dụng trong hoàn cảnh và điều kiện cụ thể của Vịnh Bắc Bộ, tính đến các hoàn cảnh tự nhiên có liên quan như chiều dài và hướng đi, hình thái chung của đường bờ biển của mỗi bên, sự hiện diện và hiệu lực của đảo trong khu vực vịnh, kiểm tra tính công bằng của thỏa thuận theo phương thức của Tòa án quốc tế. Kết quả là hai bên đã thống nhất vạch một đường biên giới nối 21 điểm theo Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ ngày 25 tháng 12 năm 2000, trong đó đoạn từ điểm 1- 9 là biên giới lãnh hải, từ điểm 9 - 21 là ranh giới chung cho cả vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Đường biên giới biển này trong vịnh Bắc Bộ dài tổng cộng khoảng 500 km [8].

Theo đường hoạch định, phía Việt Nam được hưởng 53,2% diện tích vịnh, Trung Quốc được 46,77% diện tích vịnh. Theo đó, diện tích vùng biển phía Việt Nam hơn phía Trung Quốc khoảng 8.205 km2. Các đảo ven bờ Đông Bắc Việt Nam có hiệu lực một phần, đảo Bạch Long Vĩ nằm giữa vịnh gần đường biên giới nhưng vẫn có hiệu lực 25%, đảo Cồn Cỏ có hiệu lực 50%.

116

Kết quả này đạt được là do hai bên áp dụng Luật Quốc tế, bao gồm cả việc sử dụng phương pháp đường trung tuyến có điều chỉnh và được quyết định bởi yếu tố điều kiện và hoàn cảnh địa lý tự nhiên khách quan của Vịnh Bắc Bộ. Đây là Hiệp định vạch biên giới biển thứ hai của Việt Nam với nước liên quan, nhưng là một hiệp định có ý nghĩa lớn vì lần đầu tiên trong lịch sử đã vạch được đường biên giới chung giữa hai quốc gia trong một vịnh lớn, có tầm quan trọng đặc biệt về mọi mặt đối với cả hai quốc gia.

Một phần của tài liệu Xác định ranh giới ngoài thềm lục địa trong luật quốc tế hiện đại (Trang 115)