Bờ biển giữa lục địa Việt Nam và đảo chính Calimantan Indonesia cách nhau khoảng 474 hải lý, khoảng cách gần nhất giữa các đảo của hai bên là 246 hải lý. Độ sâu trung bình của khu vực phân định khoảng 70 mét, phía Tây có độ sâu nhỏ nhất vào khoảng 50 mét và càng đi về phía Đông độ sâu càng lớn, có chỗ sâu tới gần 1000 mét. Gần đảo Natuna Bắc của Indonesia có một rãnh sâu khoảng từ 80 đến 100 mét. Trước đây không có vấn đề biên giới phải giải quyết giữa hai nước. Do sự phát triển của luật pháp quốc tế về biển, hai bên phải phân định ranh giới cả vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.
Theo các nhà địa chất, thềm lục địa tại khu vực hai nước tiến hành giải quyết phân định là thuộc thềm Xunđa. Vùng thềm lục địa này, có một số cấu tạo địa chất có thể có tiềm năng dầu khí, đặc biệt là khu vực phía Đông. Tuy nhiên về tài nguyên nghề cá ở vùng này không nhiều, ít có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của ngư dân Việt Nam.
Năm 1969, Indonesia ra tuyên bố về giới hạn thềm lục địa của mình, dựa trên nguyên tắc không vượt quá đường trung tuyến cách đều đường cơ sở quần đảo của Indonesia và đường cơ sở của các quốc gia hữu quan. Năm 1971, chính quyền Sài Gòn đã vạch ranh giới đặc nhượng dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam. Tại khu vực đối diện với Indonesia, đường ranh giới được chính quyền Sài Gòn ấn định theo đường trung tuyến cách đều bờ biển Việt Nam với bờ biển đảo Borneo của Indonesia. Năm 1972, Chính quyền Sài Gòn và Indonesia đã tiến hành đàm phán
117
nhằm phân định thềm lục địa giữa hai nước. Phía Indonesia đưa ra yêu sách đường trung tuyến giữa hai đường cơ sở, mà với Indonesia đó là đường cơ sở quốc gia quần đảo; thực chất đó là khoảng cách giữa đảo Natuna Bắc của Indonesia và Côn Đảo (một đảo lớn của Việt Nam, nằm cách đất liền khoảng 90 km về phía Đông) (gọi là trung tuyến đảo - đảo). Chính quyền Sài Gòn đề nghị phân định theo đường trung tuyến giữa bờ biển Việt Nam và bờ biển đảo lớn Borneo Bắc (Ca-li-man-tan) của Indonesia (gọi là trung tuyến bờ - bờ). Hai đường này tạo nên vùng chồng lấn
khoảng 37.000km2 [2].
Từ năm 1978, hai nước nối tiếp đàm phán. Indonesia vẫn giữ vững quan điểm trước kia của mình, quan điểm của Việt Nam theo định nghĩa về thềm lục địa là sự trải dài tự nhiên của lục địa do đó ranh giới hai bên theo đường thẳng (một rãnh ngầm ngăn cách hai thềm lục địa), từ đó tạo nên vùng tranh chấp rộng chừng 98.000km2. Sở dĩ Việt Nam không theo quan điểm cũ của chính quyền Sài Gòn vì UNCLOS III đã đưa ra khái niệm mới về thềm lục địa và giải pháp công bằng. Sau đó Việt Nam đã đưa ra đường dung hoà giảm diện tích vùng chồng lấn xuống còn khoảng 42.000km2. Qua 10 vòng họp cấp chuyên viên phân chia được 37.500 km2 trong đó Việt Nam được 12.000km2.
Quyết tâm giải quyết vấn đề phân định thềm lục địa, lãnh đạo cấp cao hai nước đã nhiều lần tiến hành các cuộc gặp gỡ, đặc biệt là trong chuyến thăm chính thức Indonesia của Chủ tịch nước Trần Đức Lương tháng 11 năm 2001, hai bên đã thoả thuận thúc đẩy đàm phán nhằm sớm đạt được giải pháp cuối cùng. Tuyên bố báo chí chung nêu rõ : “Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phân định thềm lục địa giữa hai nước và ghi nhận những tiến bộ đáng kể đạt được tại các kỳ họp cấp kỹ thuật gần đây, qua đó tạo đà cho việc tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác và hữu nghị giữa hai nước. Hai bên nhất trí sẽ sớm giải quyết xong vấn đề này.” Cho đến khi hai nước ký Hiệp định phân định thềm lục địa vào tháng 6 năm 2003, hai nước đã trải qua 2 vòng đàm phán cấp Chính phủ, 10 vòng đàm phán cấp chuyên viên, 12 vòng đàm phán không chính thức cấp chuyên viên và 4 cuộc trao
118
đổi hẹp giữa trưởng Đoàn đàm phán cấp chuyên viên hai nước và 1 vòng đàm phán về kỹ thuật hải đồ.
Ngày 26 tháng 6 năm 2003, Hiệp định giữa nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hoà Indonesia về phân định thềm lục địa giữa hai nước đã được ký chính thức nhân dịp Tổng thống Indonesia Megawati sang thăm Việt Nam. Giải pháp hợp tác khai thác chung cũng đã được hai nước nêu tại Điều IV của Hiệp định trong trường hợp phát hiện các mỏ khoáng sản, dầu khí nằm vắt ngang đường ranh giới phân định.
Như vậy, Hiệp định đã phân định rõ ràng phạm vi vùng thềm lục địa của hai nước; đề ra cách giải quyết khi xảy ra trường hợp hai bên chung nhau các mỏ nằm trên đường ranh giới thềm lục địa giữa hai nước, qua đó, Hiệp định tạo ra cho Việt Nam một cơ sở pháp lý vững chắc để quản lý vùng thềm lục địa, khép kín đường ranh giới thềm lục địa với một nước láng giềng, góp phần xây dựng đường ranh giới biển với Indonesia hòa bình, hữu nghị và ổn định lâu dài [3].
3.4. Phương hướng, giải pháp và kiến nghị đối với việc xác định ranh giới ngoài thềm lục địa Việt Nam ngoài thềm lục địa Việt Nam
3.4.1. Phương hướng, giải pháp, kiến nghị chung
Tại Biển Đông, đường phân định cuối cùng vể ranh giới ngoài thuộc thẩm quyền của các quốc gia hữu quan. CLCS không có thẩm quyền đối với các yêu sách chồng lấn, mà chỉ có thẩm quyền đưa ra các khuyến nghị trong trường hợp không làm ảnh hưởng đến việc phân định các đường biên giới trên biển giữa các quốc gia có đường bở biển tiếp liền hoặc đối diện cũng như lập trường của các quốc gia tham gia các vụ tranh chấp về biển hoặc đất liền. Do vậy, có khả năng CLCS sẽ không xem xét hồ sơ chung của Việt Nam và Malaysia cũng như hồ sơ riêng của Việt Nam. Nếu điều này xảy ra, đây sẽ là một điều đáng tiếc. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là Việt Nam sẽ dừng các công việc chuẩn bị các dữ liệu khoa học và kỹ thuật cho ranh giới ngoài thềm lục địa của mình. Quyền chủ quyền của một quốc
119
gia ven biển đối với thềm lục địa không phụ thuộc vào việc quốc gia đó có gửi bản đệ trình cho CLCS hay không. Việc đệ trình lên CLCS có ý nghĩa xác định phạm vi quyền chủ quyền của quốc gia ven biển. Do đó, Việt Nam cần tiếp tục các công việc chuẩn bị các dữ liệu khoa học và kỹ thuật để bổ sung các Hồ sơ của mình nếu như CLCS yêu cầu, đồng thời quá trình chuẩn bị này còn nhằm mục đích củng cố quyền chủ quyền của Việt Nam ở thềm lục địa.
Sẽ dễ dàng cho việc xem xét của CLCS nếu Việt Nam và Malaysia thành công trong việc thuyết phục các nước liên quan không phản đối các hồ sơ của mình. Nếu không có phản đối và với số lượng lớn các báo cáo trình CLCS thì hồ sơ của Việt Nam và Malaysia cũng chỉ được xem xét sớm là vào năm 2024 - 2035. Việc trình hồ sơ lên CLCS và các phản đối có thể đưa các quốc gia ven biển trong Biển Đông đến mức độ hợp tác mới. Trước hết, các hoạt động này cổ vũ các quốc gia tuân thủ Công ước1982 nhiều hơn. Các nước chưa trình báo cáo sẽ đẩy mạnh các hoạt động hoàn thành. Có thể xuất hiện những hồ sơ từng phần hoặc các hồ sơ toàn phần mới cũng như các phản đối mới. Nhưng qua đó, các bên sẽ hiểu nhau hơn, thể hiện rõ hơn lập trường về các vấn đề cụ thể, tạo diễn đàn trao đổi. Mặt khác, chúng khuyến khích các bên có được những cơ chế hợp tác trao đổi và thảo luận nghiêm chỉnh về các vấn đề pháp lý phức tạp như quy chế của các đảo…Đồng thời, chúng khuyến khích các bên làm rõ các đường yêu sách của mình phải phù hợp với các tiêu chí pháp lý, khoa học và trung lập, khách quan của Công ước. Làm việc cùng nhau sẽ tạo ra sự hợp tác mới trong giải quyết các vấn đề phát sinh [24].
Công ước Luật biển 1982 phải là cơ sở nền tảng và tối thượng cho tất cả các hoạt động phân định biển. Các tranh chấp trong Biển Đông chưa phải là trở ngại cho việc tiến hành các nghĩa vụ của các quốc gia ven biển khi thực thi Công ước 1982 mà thách thức lớn nhất đó chính là sự nghi ngờ và thiếu tin tưởng trong quan hệ giữa các bên. Do đó, chìa khoá để giải quyết tất cả các vấn đề ở Biển Đông là việc xây dựng lòng tin, tinh thần hợp tác và thiện chí giữa các quốc gia ở khu vực này.
120
3.4.2. Giải pháp, kiến nghị tiếp tục xác định ranh giới ngoài thềm lục địa của Việt Nam tại các khu vực chưa có đường hoạch định ranh giới thềm lục địa Việt Nam tại các khu vực chưa có đường hoạch định ranh giới thềm lục địa a) Vùng chồng lấn thềm lục địa giữa Việt Nam và Trung Quốc phía ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ
Vùng biển này nơi hẹp nhất là đường cửa Vịnh Bắc Bộ khoảng 131 hải lý, nơi rộng nhất khoảng 222 hải lý (nếu lấy Mũi Ba Làng An thuộc tỉnh Quảng Ngãi, Việt Nam đến Mũi Mả Liu Thẩu, điểm cực Nam của đảo Hải Nam, Trung Quốc). Theo Công ước 1982, do bờ biển của hai nước trong khu vực phân định nhỏ hơn 400 hải lý nên giữa hai nước chắc chắn sẽ tồn tại vùng chồng lấn đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.
Tại khu vực này, Việt Nam và Trung Quốc đều đã quy định đường cơ sở thẳng dùng để tính chiều rộng lãnh hải. Để đưa ra một giải pháp phân định thềm lục địa trong vùng chồng lấn này trước tiên cần phải khảo sát các hoàn cảnh có liên quan đến phân định.
Thứ nhất, về sự xuất hiện của các đảo và hiệu lực của các đảo. Bên phía đảo Hải Nam không có các đảo nhỏ nào nằm sát bờ mà có các đá, bãi đá được phía Trung Quốc chọn làm điểm cơ sở trong khi đó bên bờ Việt Nam có hai đảo nằm gần bờ được lựa chọn là hai điểm cơ sở là đảo Cồn Cỏ (cách bờ 13 hải lý) và đảo Lý Sơn (cách bờ 12 hải lý). Ngoài ra, giữa hai đảo này còn có một đảo nằm riêng biệt nữa là Cù Lao Chàm, cách bờ 8 hải lý. Các đảo này là các đảo lớn nằm sát bờ, đặc biệt là đảo Lý Sơn, Cù Lao Chàm có đời sống kinh tế riêng phát triển, có dân cư đông đúc sống định cư trên đảo. Do đó, hai đảo này hoàn toàn đáp ứng đủ các tiêu chuẩn quy định tại Điều 7 Công ước 1982 và được coi như đảo ven bờ và xứng đáng được xác định để hoạch định đường cơ sở của Việt Nam. Thực tiễn quốc tế cho thấy nhiều đảo có hoàn cảnh tương tự như vậy đã được hưởng hiệu lực toàn phần trong phân định.
Một hoàn cảnh hết sức đặc biệt ở đây là Quần đảo Hoàng Sa án ngữ ngay phía ngoài khu vực phân định này. Do vậy, việc xác định phạm vi cần giải quyết
121
phân định là hết sức khó khăn vì đụng chạm tới yêu sách “không thể khoan nhượng” của cả hai bên đối với Hoàng Sa. Cơ sở pháp lý để xác định phạm vi phân định là nguyên tắc “đất thống trị biển”, có nghĩa là cần căn cứ vào bờ biển để xác định vùng biển mà bờ biển tương ứng của hai bên có ảnh hưởng tới. Phạm vi có thể được hai bên chấp nhận đưa ra đàm phán phân định là khu vực biển nằm giữa bờ biển đảo của Việt Nam và bờ đảo Hải Nam Trung Quốc đối diện nhau, ranh giới phía ngoài là đường thẳng nối liền đảo Lý Sơn của Việt Nam và mũi Ta Noa trên đảo Hải Nam của Trung Quốc. Diện tích khu vực dự định phân định này khoảng 64.640 km2. Chiều dài theo hướng chung đường bờ biển của Việt Nam hướng ra khu vực phân định khoảng 150 hải lý, trong khi đó bên phía Trung Quốc chiều dài này khoảng 90 hải lý. Khoảng cách gần nhất giữa hai bờ biển trong khu vực phân định là 114 hải lý (đảo Cồn Cỏ - mũi Trân Chinh, đảo Hải Nam), xa nhất 220 hải lý (Lý Sơn - Ta Noa).
Thứ hai, về cấu tạo địa chất, địa mạo của khu vực này cho thấy toàn bộ vùng đáy biển giữa hai bờ cùng nằm trên một thềm lục địa [4]. Do đó hai quốc gia không thể dựa vào Điều 76 Công ước 1982 để xác định thềm lục địa của mỗi nước mà phải phân định dựa trên Điều 83 Công ước này.
Từ việc khảo sát các hoàn cảnh trên, có thể nhận thấy đảo Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm và Lý Sơn phải được tính đầy đủ hiệu lực trong phân định. Theo phương án này Việt Nam ít nhất phải được khoảng 50% vùng chồng lấn tạo nên giữa hai đường trung tuyến nói trên. Đây là một phương án phân định khách quan, hoàn toàn chỉ căn cứ theo luật pháp và thực tiễn quốc tế, có xem xét kỹ lưỡng các hoàn cảnh địa lý có liên quan để đi tới một giải pháp công bằng cho cả hai bên.