Vùng thềm lục địa chồng lấn giữa Việt Nam và Campuchia

Một phần của tài liệu Xác định ranh giới ngoài thềm lục địa trong luật quốc tế hiện đại (Trang 125)

Việt Nam và Campuchia là hai quốc gia liền kề trong Vịnh Thái Lan, vì vậy giữa hai nước sẽ nảy sinh vấn đề phân định không chỉ vùng thềm lục địa mà cả vùng đặc quyền kinh tế, và lãnh hải. Cơ sở pháp lý để phân định vùng thềm lục địa giữa hai nước là Điều 83 Công ước 1982 và một số án lệ quốc tế.

Trong quá trình phân định, hai quốc gia cần lưu ý các hoàn cảnh đặc biệt như sau:

Một là, sự hiện diện của các đảo - đặc điểm địa lý nổi bật của biển giáp ranh giữa Việt Nam và Campuchia với các vị trí hết sức phức tạp, trong đó đảo Phú Quốc, các chuỗi đảo nhỏ thuộc quần đảo Hải Tặc, đảo Thổ Chu của Việt Nam và đảo Wai của Campuchia.

124

Hai là, theo các cứ liệu địa chất, địa mạo và các loại hải đồ, bản đồ hiện có cho thấy đường biên giới và ranh giới biển giữa hai nước sẽ là một đường duy nhất, liên tục chạy từ điểm mút biên giới đất liền giữa hai nước ra tới ranh giới ngoài chung cho cả vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.

Ba là, hình thể bờ biển của hai nước trong khu vực rất phức tạp, vừa có bờ biển đất liền liền kề nhau, vừa có bờ biển đối diện nhau, vừa tương đối bằng phẳng lại vừa có nhiều chỗ lồi lõm phức tạp

Bốn là, chiều dài đường bờ biển có ảnh hưởng đến việc phân định: của Việt Nam có dài hơn một chút so với bờ biển của Campuchia (90/66).

Từ đó, có thể đưa ra phương án phân định như sau:

- Đối với vùng nước phía Đông, Đông Bắc, Bắc nằm giữa bờ biển của Campuchia và bờ biển đảo Phú Quốc và một phần vùng nước nằm ở phía Tây cách bờ biển của Campuchia và đảo Phú Quốc 12 hải lý là các vùng nước thuộc chế độ nội thuỷ và lãnh hải sẽ được phân chia theo nguyên tắc phân định nội thủy và lãnh hải tại Điều 15 của Công ước 1982. Theo đó phương pháp được sử dụng là phương pháp đường trung tuyến.

- Đối với khu vực vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa tuân theo Điều 74 và Điều 83 của Công ước. Phương pháp đường trung tuyến có điều chỉnh hợp lý là một phương pháp có thể đáp ứng một cách tốt nhất các yêu cầu của nguyên tắc công bằng trong phân định vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Đối với vùng biển này, đường phân định đơn nhất theo phương pháp trung tuyến sẽ là đường phân định chung cho cả vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Đường trung tuyến có điều chỉnh này sẽ đảm bảo diện tích hai bên là tương đương nhau. Ranh giới vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa là đường trung tuyến giữa các đảo Việt Nam và Campuchia ra đến giao điểm các vùng biển 3 nước Việt Nam - Campuchia - Thái Lan. Phương án điều chỉnh đường trung tuyến để hai bên có diện tích tương đương nhau là phương án mang tính khách quan, có tính đến lợi ích của cả hai biên. Tỷ lệ diện tích này là có thể chấp nhận được.

125

Hiện tại, mặc dù Việt Nam đã có các tuyên bố mang tính nhà nước về quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia đối với các vùng biển Việt Nam, nhưng ranh giới cụ thể của các vùng biển, đặc biệt là ranh giới ngoài thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế vẫn chưa được xác định ở nhiều khu vực gây ra những khó khăn cho công tác quản lý, bảo vệ và khai thác các tài nguyên biển. Mặt khác, do đặc điểm địa hình vùng biển hầu hết đều liền kề hoặc đối diện với các quốc gia láng giềng nên không ở nơi nào Việt Nam có thể đơn phương vạch ranh giới ngoài thềm lục địa cho mình, mà hầu hết đều phải thông qua thương lượng, đàm phán để phân định với các nước trong khu vực.

Cho đến nay, công tác hoạch định thềm lục địa giữa Việt Nam với Trung Quốc, Thái Lan và Indonesia được thực hiện đã thiết lập được ranh giới ngoài thềm lục địa của ba vùng biển khác nhau. Ngoài ra, Việt Nam đã bước đầu xây dựng được ranh giới ngoài thềm lục địa vượt quá 200 hải lý tại khu vực phía bắc (VNM) và phía nam với Malaysia. Việt Nam vẫn còn bốn vùng biển khác chưa xác định được ranh giới ngoài thềm lục địa, trong đó hầu hết đều phải tiến hành phân định với các quốc gia láng giềng trong khu vực. Để đạt được kết quả phân định công bằng, phù hợp, bảo vệ được những lợi ích chính đáng của Việt Nam, Việt Nam cần xây dựng những bộ dữ liệu khoa học đầy đủ, tạo cơ sở cho đàm phán phân định công bằng theo đúng tinh thần của Điều 83 Công ước. Riêng với một số vùng biển rộng như vùng biển miền Trung, vùng biển Đông Nam Bộ có thể đệ trình lên CLCS để được mở rộng thềm lục địa ngoài 200 hải lý. Qua nghiên cứu các tài liệu hiện có và các kết quả khảo sát trong những năm qua cho thấy việc xác định ranh giới ngoài thềm lục địa ở khu vực miền Trung và Đông Nam Bộ vượt quá 200 hải lý “bằng cách nối các điểm cố định ở cách chân dốc lục địa nhiều nhất 60 hải lý” là một giải pháp tối ưu, có đầy đủ cơ sở pháp lý nhất và có thể được CLCS chấp thuận. Để thực hiện nhiệm vụ quan trọng này, Việt Nam cần nhanh chóng tiến hành khảo sát, đo đạc, đưa các số liệu địa lý, địa chất, các căn cứ pháp lý phù hợp với Điều 76 của Công ước để chứng minh và bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình ở thềm lục địa Biển Đông.

126

KẾT LUẬN

Với những quy định mang tính chất toàn diện, hệ thống và khoa học, Công ước Luật Biển 1982 đã hình thành nên một chế độ pháp lý đầy đủ, hợp lý để điều chỉnh quyền và nghĩa vụ, các hoạt động của quốc gia ven biển và quốc gia khác ở thềm lục địa. Các nội dung này đã chứng tỏ thềm lục địa có một chế độ pháp lý riêng biệt, hoàn toàn độc lập, và không liên quan đến chế độ pháp lý của vùng trời, vùng đặc quyền kinh tế hoặc vùng biển quốc tế. Lý do chủ yếu để không đồng nhất chế độ pháp lý của thềm lục địa với chế độ pháp lý của vùng đặc quyền kinh tế, mặc dù ở nhiều vùng biển, ranh giới phía ngoài hai vùng biển này trùng khớp nhau, là xuất phát từ bản chất pháp lý của thềm lục địa. Bản chất này có nguồn gốc từ yếu tố thềm lục địa là sự kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền của quốc gia ven biển. Nhân tố này là sự đảm bảo để chế độ pháp lý của thềm lục địa đứng vững và độc lập trong Luật Biển quốc tế.

Theo những quy định của Công ước Luật biển 1982 về thềm lục địa vừa được phân tích ở trên, quốc gia ven biển có quyền chủ quyền đối với thềm lục địa của mình không những đến 200 hải lý tính từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải mà còn có quyền mở rộng giới hạn thềm lục địa của mình ra ngoài 200 hải lý tính từ đường cơ sở, nếu đặc điểm của rìa lục địa phía ngoài bờ biển quốc gia đó đáp ứng các tiêu chuẩn được đề ra trong Điều 76 Công ước. Đối chiếu với những quy định đó, Việt Nam có đầy đủ cơ sở khoa học, kỹ thuật và pháp lý để xác định thềm lục địa của mình trên Biển Đông theo quy định của Công ước 1982 và các văn bản hướng dẫn của Ủy ban ranh giới ngoài thềm lục địa của Liên hợp quốc. Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng và chủ yếu để Việt Nam xác định ranh giới ngoài thềm lục địa nước mình. Tại những vùng thềm lục địa mở rộng ra quá 200 hải lý, Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý để xác định bờ ngoài rìa lục địa mở rộng đến 350 hải lý từ đường cơ sở hoặc cách đường đẳng sâu 2500 m một khoảng cách 100 hải lý. Ngay cả tại những khu vực chồng lấn quyền chủ quyền với quốc gia hữu quan

127

như Philippin và Trung Quốc, chúng ta vẫn có cơ sở pháp lý để phân định một cách công bằng với các nước này. Chính vì vậy, việc cần làm ngay trước mắt hiện nay là nghiên cứu cụ thể các quy định về xác định ranh giới ngoài thềm lục địa một cách bài bản, khoa học; nhanh chóng tiến hành đo đạc, khảo sát và đưa ra một hải đồ chính thức về thềm lục địa Việt Nam làm cơ sở pháp lý vững chắc cho việc đệ trình bổ sung lên Uỷ ban để xác định ranh giới ngoài thềm lục địa quá 200 hải lý khi có yêu cầu. Bên cạnh đó, cần tăng cường hợp tác, nỗ lực thực hiện việc đàm phán phân định thềm lục địa ở những vùng biển chồng lấn hoặc đang tranh chấp với các quốc gia ven biển láng giềng. Vận dụng một cách linh hoạt và sáng tạo những cơ sở pháp lý quốc tế và quốc gia, linh hoạt, mềm dẻo trong đàm phán sẽ đưa đến cho Việt Nam những ưu thế trong phân định, đảm bảo lợi ích sống còn và chủ quyền linh thiêng tại thềm lục địa.

128

Một phần của tài liệu Xác định ranh giới ngoài thềm lục địa trong luật quốc tế hiện đại (Trang 125)