Các nguyên tắc phân định ranh ngoài thềm lục địa giữa các quốc gia có bờ biển tiếp liền hay đối diện

Một phần của tài liệu Xác định ranh giới ngoài thềm lục địa trong luật quốc tế hiện đại (Trang 84)

e) Vấn đề về dải núi ngầm tại Điều 76(6)

2.4.1. Các nguyên tắc phân định ranh ngoài thềm lục địa giữa các quốc gia có bờ biển tiếp liền hay đối diện

biển tiếp liền hay đối diện

Đối với các quốc gia ven biển, thềm lục địa quan trọng bao nhiêu thì việc hoạch định vùng biển này lại càng có ý nghĩa quan trọng và cấp bách bấy nhiêu, đặc biệt là trong điều kiện những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực khai thác tài nguyên của thềm lục địa ngày càng tăng. Có đầy đủ cơ sở để khẳng định rằng việc hoạch định ranh giới thềm lục địa là tiền đề rất quan trọng đối với sự điều chỉnh pháp lý về việc thăm dò, khai thác và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên của vùng biển này. Ở một mức độ nhất định, tiềm năng kinh tế biển của quốc gia ven biển tuỳ thuộc vào việc vùng thềm của nước đó được kéo đến giới hạn nào.

Hoạch định ranh giới thềm lục địa xảy ra trong hai trường hợp:

Thứ nhất, khi toàn bộ vùng thềm lục địa của một quốc gia ven biển không nối liền hoặc tiếp giáp với bất kỳ bờ biển của một quốc gia nào khác. Trong trường hợp này, quốc gia đó chỉ cần đơn phương xác định ranh giới ngoài thềm lục địa của mình theo các quy định của Công ước như trên đã phân tích.

Thứ hai, khi vùng thềm được hoạch định nằm giữa các quốc gia có bờ biển tiếp liền hay đối diện, tức là vùng thềm nằm trong phần kéo dài tự nhiên của cả hai quốc gia ven biển. Trong trường hợp này thềm lục địa trở thành đối tượng của tất cả các quốc gia ven biển hữu quan.

Trong trường hợp này vấn đề hoạch định ranh giới thềm lục địa sẽ phức tạp hơn rất nhiều trường hợp thứ nhất, cần sự xem xét toàn diện các nhân tố pháp lý, địa lý, kinh tế, chính trị,...

Nếu như việc hoạch định lãnh hải, về nguyên tắc, chỉ liên quan tới một vùng biển tương đối hẹp về diện tích và không ảnh hưởng lớn đến lợi ích của các nước hữu quan thì việc hoạch định thềm lục địa lại có liên quan tới một vùng biển rộng lớn nhất của quốc gia, giàu có về tài nguyên thiên nhiên và trực tiếp ảnh hưởng tới lợi ích của các quốc gia ven biển đối diện, liền kề hay các quốc gia khác trong hoạt động sử dụng biển. Do vậy, việc thiết lập ranh giới ngoài của thềm lục địa mang

83

tính chất đặc biệt trong quan hệ giữa các quốc gia. Chừng nào hoạt động khai thác tài nguyên thiên nhiên của thềm lục địa vẫn tồn tại và tiềm năng kinh tế của thềm vẫn mang lại những lợi ích to lớn, thì chừng đó, việc thiết lập ranh giới thềm lục địa không chỉ liên quan tới việc xác định ranh giới ngoài của thềm lục địa mà còn liên quan tới việc phân định vùng biển này giữa các quốc gia ven biển láng giềng. Phó Chánh án Toàn án Quốc tế của Liên hợp quốc, Luật gia Liên Xô V.M.Cô-ret-ski đã đánh giá: “Tính chất lãnh thổ” của các quyền chủ quyền đối với thềm lục địa giữa các nước ngày càng đòi hỏi tính rành mạch, rõ ràng và chính xác như trong toán học” [7].

Ngoài ra, thực tế còn cho thấy, bên cạnh việc xác định ranh giới ngoài thềm lục địa của một quốc gia ven biển, thì việc phân định ranh giới thềm lục địa giữa các quốc gia hữu quan cũng là một vấn đề rất khó khăn bởi sự phức tạp và phong phú của những đặc điểm về địa lý, địa chất, yêu sách, và các mối quan hệ chính trị ngoại giao liên quan tới vùng biển này.

Qua nhiều nghiên cứu khoa học, thực tế từ quá trình hình thành và phát triển khái niệm pháp lý về thềm lục địa, các nhà khoa học đã đưa ra hai quan điểm chung và cơ bản nhất về phân định thềm lục địa giữa các quốc gia ven biển tiếp liền hoặc đối diện. Thứ nhất, phân định thềm lục địa không được thoát ly khái niệm pháp lý về thềm lục địa và phân định thềm lục địa là một hành vi pháp lý quốc tế. Điều đó có nghĩa là, việc phân định thềm trước tiên phải dựa vào khái niệm pháp lý về thềm lục địa mà trước hết phải dựa vào bản chất pháp lý của thềm lục địa là phần kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền của quốc gia ven biển. Thứ hai, phân định thềm lục địa giữa các quốc gia ven biển có thềm lục địa tiếp liền hay đối diện là một hành vi pháp lý quốc tế, vì nó là hành vi có sự tham gia của ít nhất hai quốc gia có liên quan. Hành vi này phải dựa trên cơ sở các nguyên tắc, quy phạm pháp lý quốc tế vì nó động chạm đến lợi ích của hai hoặc nhiều quốc gia ven biển đối với ranh giới không gian quy định phạm vi hiệu lực của quyền chủ quyền của quốc gia này đối với thềm lục địa. Đây là hai quan điểm hết sức đúng đắn, ảnh hưởng tới toàn bộ các quy định pháp lý, quy chế pháp lý về thềm lục địa cũng như các phương pháp,

84

nguyên tắc hoạch định ranh giới thềm lục địa giữa các quốc gia ven biển đối diện hay liền kề.

Hoạch định ranh giới thềm lục địa là một vấn đề quan trọng trong pháp luật quốc tế về biển. Do vậy cả Công ước 1958 và Công ước 1982 đều đưa ra các quy phạm pháp luật điều chỉnh hành vi pháp lý phức tạp này. Tuy nhiên, chỉ đến khi Công ước 1982 ra đời, hoạt động này mới được hệ thống hoá thành những quy định hết sức cụ thể, chặt chẽ trong Điều 83 Công ước:

1. Việc hoạch định ranh giới thềm lục địa giữa các quốc gia có bờ biển nằm tiếp liền hoặc đối diện nhau được thực hiện bằng con đường thoả thuận theo đúng luật pháp quốc tế như đã nêu ở Điều 38 của Qui chế Toà án Quốc tế để đi đến một giải pháp công bằng.

2. Nếu không đi tới được một thoả thuận trong một thời gian hợp lý, các quốc gia hữu quan sử dụng các thủ tục nêu ở phần XV.

3. Trong khi chờ ký kết thoả thuận nói ở khoản 1, các quốc gia hữu quan, trên tinh thần hiểu biết và hợp tác, làm hết sức mình để đi đến các dàn xếp tạm thời có tính chất thực tiễn và để không phương hại hay cản trở việc ký kết các thoả thuận dứt khoát trong giai đoạn quá độ này. Các dàn xếp tạm thời không phương hại đến việc hoạch định cuối cùng.

4. Khi một điều ước đang có hiệu lực giữa các quốc gia hữu quan, các vấn đề liên quan đến việc hoạch định ranh giới vùng thềm lục địa được giải quyết theo đúng điều ước đó.

Điều 83 Công ước 1982 về những nguyên tắc phân định thềm lục địa giữa các quốc gia ven biển tiếp giáp hoặc đối diện đã đề cao vai trò quan trọng của nguyên tắc thỏa thuận và công bằng trong việc phân định thềm lục địa. Điều đó có nghĩa là Công ước đã loại bỏ phương pháp đường trung tuyến và phương pháp cách đều trong quy định của Công ước 1958. Thay vào đó, Công ước đề cao phương pháp thương lượng, dành ưu tiên cho “thoả thuận” giữa các bên hữu quan. Do vậy, Công ước 1982 đã không chỉ loại bỏ những hạn chế trong quy định về phân định

85

thềm lục địa của Công ước 1958 mà còn đổi mới, phát triển hơn những nguyên tắc điều chỉnh vấn đề đó trên cơ sở thoả mãn những đòi hỏi mới và thực tiễn các quốc tế. Đồng thời, qua việc nghiên cứu, xem xét các quy định này và các quy định khác có liên quan của Luật Quốc tế, có thể hình thành nên một hệ thống cơ bản về các nguyên tắc phân định thềm lục địa. Hệ thống nguyên tắc này sẽ là cơ sở pháp lý quốc tế cho việc phân định công bằng thềm lục địa giữa các quốc gia ven biển láng giềng. Đó là các nguyên tắc:

1. Nguyên tắc thoả thuận phù hợp với luật pháp quốc tế;

2. Nguyên tắc công bằng;

3. Nguyên tắc giải quyết hoà bình các tranh chấp quốc tế về hoạch định thềm lục địa.

Trong các nguyên tắc này, phân định thềm lục địa giữa các quốc gia ven biển tiếp giáp hoặc đối diện nhau trên cơ sở thoả thuận được nhìn nhận là nguyên tắc cơ bản nhất để ấn định ranh giới thềm lục địa. Điều này đã được thực tiễn pháp lý quốc tế khẳng định và các công ước quốc tế về thềm lục địa cũng đặt ra nguyên tắc này ở vị trí hàng đầu trong hệ thống các nguyên tắc phân định thềm lục địa

Theo nguyên tắc này, ranh giới thềm được hoạch định chỉ có hiệu lực trong trường hợp tất cả các quốc gia hữu quan trực tiếp thoả thuận những tiêu chuẩn và phương pháp phân đinh, bởi vì đây là một hành vi pháp lý quốc tế. Những hành vi đơn phương của quốc gia ven biển, trong trường hợp này sẽ không có hiệu lực và không được cộng đồng quốc tế thừa nhận. Do vậy, nghĩa vụ hoạch định ranh giới thềm lục địa trên cơ sở thoả thuận đòi hỏi các quốc gia hữu quan tiến hành đàm phán một cách tự nguyện, thiện chí với những đề nghị thực sự xây dựng nhằm đi đến một thoả thuận thống nhất. Tuy nhiên, nguyên tắc này lại không cho phép các quốc gia thoả thuận một cách chiếu lệ, giản đơn, tuỳ tiện mà phải tuân theo các quy tắc pháp lý quốc tế. Điều này, giải thích theo khoa học pháp lý là, quốc gia hữu quan có quyền thoả thuận về bất kỳ một sự phân định ranh giới nào của thềm lục địa, miễn là không xâm phạm đến các quyền hợp pháp và lợi ích chính đáng của các

86

quốc gia khác [49].

Cùng với nguyên tắc thoả thuận, nguyên tắc công bằng là một yêu cầu đặc biệt quan trọng của việc phân định thềm lục địa tiếp liền hoặc đối diện giữa các quốc gia. Theo nguyên tắc này, khi phân định thềm lục địa, các quốc gia hữa quan có nghĩa vụ ấn định ranh giới thềm trên cơ sở luật pháp quốc tế, đồng thời cân nhắc mọi hoàn cảnh có liên quan và lấy quan điểm thiện chí, hợp lý và công minh làm tư tưởng chỉ đạo để đạt được một giải pháp công bằng [7].

Tuy nhiên, do tính chất phức tạp của các hoàn cảnh địa lý, chính trị, lịch sử, ngoại giao,… liên quan đến thềm lục địa mà trong từng trường hợp cụ thể, để đạt được mục đích công bằng người ta còn cần phải xem xét ý nghĩa của bản chất thềm lục địa là phần kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền với các yếu tố địa chất, địa mạo, cấu tạo địa lý riêng biệt của nó. Các hoàn cảnh đặc biệt ảnh hưởng đến việc phân định ranh giới biển không được quy định trong Công ước mà chỉ được hình thành từ các phán quyết của Toà án quốc tế liên quan đến thềm lục địa sẽ được xem xét ở phần sau.

Đây là ba nguyên tắc được rút ra và hệ thống hoá trên cơ sở những quy định của Điều 83 Công ước 1982. Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay, khi việc thực hiện các nguyên tắc để đảm bảo cùng tồn tại hoà bình trong quan hệ giữa các quốc gia ở các vùng biển đã trở thành một nhân tố quan trọng và cần thiết thì sự điều chỉnh pháp lý quốc tế về việc phân định thềm lục địa giữa các quốc gia ven biển láng giềng, ngoài những nguyên tắc kể trên, còn đòi hỏi phải bổ sung thêm một số nguyên tắc sau:

4. Nguyên tắc tôn trọng chủ quyền của các quốc gia ven biển hữu quan;

5. Nguyên tắc cấm sử dụng vũ lực hoặc đe doạ sử dụng vũ lực.

Đây cũng là các quyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế hiện đại. Do vậy, trong mối quan hệ phức tạp về phân định thềm lục địa, chúng cần được áp dụng để giảm thiểu các tranh chấp, đảm bảo công bằng, hoà bình về các lợi ích của các quốc gia. Như vậy, rõ ràng trong mọi trường hợp, nguyên tắc và biện pháp thương lượng,

87

hoà bình luôn được đề cao hơn cả, chỉ khi các bên không đạt được thoả thuận thì mới sử dụng các thủ tục giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hoà bình như quy định trong Khoản 3 Điều 2của Hiến chương Liên Hợp Quốc và các bên được quyền chọn các biện pháp hoà bình thích hợp. Ngoài ra, các bên có thể lựa chọn một hay nhiều biện pháp sau theo Điều 287 Công ước :

- Toà án quốc tế về luật biển, thành lập theo Phụ lục VI; - Toà án Công lý quốc tế;

- Toà án Trọng tài, thành lập theo Phụ lục VII; - Toà trọng tài đặc biệt, theo Phụ lục VIII.

Tóm lại, năm nguyên tắc trên là một thể thống nhất và giữa chúng có mối liên hệ hữu cơ với nhau. Do vậy, một yêu cầu đặt ra là phải áp dụng các nguyên tắc này theo một tổng thể vào quá trình hoạch định thềm lục địa giữa các quốc gia ven biển lãng giềng. Việc áp dụng một cách tổng hợp những nguyên tắc này là một đảm bảo chắc chắn để lựa chọn những phương pháp phân định phù hợp để đạt được mục đích phân định ngay cả trong những trường hợp phức tạp.

Một phần của tài liệu Xác định ranh giới ngoài thềm lục địa trong luật quốc tế hiện đại (Trang 84)