Theo quy định của thủ tục xét xử sơ thẩm, sau khi nghiên cứu hồ sơ, trong thời hạn luật định, nếu toà án nhận thấy có thể đưa vụ án ra xét xử, thì phải ra quyết định đưa vụ án ra xét xử. Quyết định này phải được giao cho bị cáo, người đại diện hợp pháp của bị cáo hay người bào chữa chậm nhất là 10 ngày trước khi xét xử. Việc được nhận quyết định đưa vụ án ra xét xử là một quyền quan trọng của bị cáo, nhằm tạo điều kiện cho bị cáo, người đại diện hợp pháp của bị cáo,người bào chữa chuẩn bị cho việc bào chữa cũng như thực hiện các quyền và nghĩa vụ khác tại phiên toà. Nhưng qua nghiên cứu thực tiễn xét xử, chúng tôi thấy có nhiều vụ án, các Toà án nhân dân hai cấp
tại tỉnh Thừa Thiên- Huế đã mở phiên toà xét xử vụ án mà trước đó không giao quyết định đưa vụ án ra xét xử cho bị cáo, người đại diện hợp pháp của bị cáo hay người bào chữa. Đây là vi phạm nghiêm trọng thủ tục xét xử sơ thẩm, làm ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án, gây thiệt hại quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo. Ví dụ:
- Vụ án Nguyễn Bom, bị truy tố về tội “ Cố ý gây thương tích”. Toà án nhân dân huyện Quảng Điền không giao quyết định đưa vụ án ra xét xử cũng như giấy triệu tập cho bị cáo nhưng vẫn mở phiên toà xét xử vắng mặt bị cáo. Do đó tại bản án phúc thẩm số 02 ngày 05/4/1996 của Toà án nhân dân tỉnh Thừa Thiên- Huế đã xử huỷ bản án sơ thẩm số 02 ngày 10/01/19996 của Toà án nhân dân huyện Hương Trà.
- Vụ án Phạm văn Yến, bị truy tố về tội “ Cố ý gây thương tích”, trong quá trình Toà án nhân dân huyện Phú Vang chuẩn bị xét xử và lúc xét xử vụ án, Phạm văn Yến đi khỏi địa phương (ra Hà Nội để khiếu nại một số hoạt động tố tụng của cơ quan điều tra trong vụ án này). Toà án nhân dân huyện Phú Vang đã không giao quyết định đưa vụ án ra xét xử cho người đại diện hợp pháp của bị cáo cũng như không niêm yết quyết định này. Đây là một trong những lý do mà bản án phúc thẩm số 41 ngày 30/8/2000 của Toà án nhân dân tỉnh Thừa Thiên- Huế đã xử huỷ bản án sơ thẩm số 09 ngày 19/5/2000 của Toà án nhân dân huyện Phú Vang.