Vai trò của hội thẩm nhân dân trong xét xử sơ thẩm các vụ án hình sự còn bị xem nhẹ, không được phát huy.

Một phần của tài liệu Thủ tục xét xử sơ thẩm các vụ án hình sự Lý luận và thực tiễn áp dụng tại tỉnh Thừa Thiên Huế (Trang 63)

hình sự còn bị xem nhẹ, không được phát huy.

Hội thẩm nhân dân có vị trí, vai trò quan trọng trong hoạt động xét xử sơ thẩm các vụ án hình sự (cũng như đối với các lại án khác). Sự tham gia của

hội thẩm nhân dân trong xét xử sơ thẩm giúp cho việc xét xử được khách quan, công bằng, việc xét xử phù hợp được với thực tế đời sống xã hội, tránh được sự độc đoán của toà án. Khi tham gia xét xử sơ thẩm các vụ án hình sự, cũng như thẩm phán, hội thẩm nhân dân xét xử độc lập, chỉ tuân theo pháp luật và ngang quyền với thẩm phán.

Do đó, việc bảo đảm cho hội thẩm nhân dân thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ, phát huy được vai trò của họ trong hoạt động xét xử của toà án là rất quan trọng. Nhưng đặc điểm của hội thẩm nhân dân là họ không phải là những người làm công tác xét xử chuyên nghiệp, không mang tính nghề nghiệp như thẩm phán. Hội thẩm nhân dân làm việc ở các lãnh vực công tác, nghề nghiệp trong nhiều lãnh vực khác nhau của xã hội, kiến thức pháp lý cũng như kỹ năng xét xử của họ có giới hạn. Vì vậy, nếu toà án không chủ động tạo điều kiện, thì hội thẩm nhân dân khó mà phát huy vai trò của mình được.

Tuy nhiên, thực tiễn xét xử sơ thẩm các vụ án hình sự của toà án nhân dân hai cấp tại tỉnh Thừa Thiên- Huế cho thấy toà án còn xem nhẹ vai trò của hội thẩm nhân dân trong hoạt động xét xử, chưa quan tâm trong việc tạo điều kiện để hội thẩm nhân dân thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của họ, như:

Sau khi lên lịch phiên toà, toà án mới có thể sắp xếp để mời hội thẩm nhân dân đến nghiên cứu hồ sơ. Hội thẩm còn bận các công việc khác của họ, nhưng với lịch phiên toà được sắp xếp không hợp lý như đã nêu ở phần 2.3.4 thì thực tế, mỗi buổi nghiên cứu hồ sơ có khi một hội thẩm nghiên cứu nhiều vụ. Điều này đã dẫn đến tình trạng các hội thẩm nhân dân thường nghiên cứu hồ sơ một cách qua loa, không nắm bắt được những tình tiết, những vấn đề cần thiết của vụ án. Do đó, khi xét hỏi tại phiên toà, hội thẩm nhân dân hỏi không kỹ, nhiều lúc lặp lại những câu hỏi mà chủ toạ phiên toà đã hỏi, hoặc không đi sâu để làm rõ sự thật khách quan của vụ án mà chỉ phân tích, giáo dục bị cáo, người tham gia tố tụng khác. Nhiều phiên toà, trong quá trình xét

hỏi, chủ toạ phiên toà không theo đúng trình tự xét hỏi theo quy định của thủ tục xét xử sơ thẩm. Chủ toạ phiên toà hỏi bị cáo và tất cả những người tham gia tố tụng, tất cả các vấn đề cần làm rõ xong, rồi mới đến hội thẩm hỏi. Điều này đã dẫn đến tình trạng nhiều phiên toà, hội thẩm nhân dân bị rơi vào thế bị động, họ không hỏi gì thêm nữa và bị ảnh hưởng bởi xét hỏi có tính định hướng nhất định của chủ toạ phiên toà. Ví dụ:

- Vụ án Phạm Bá Vinh, bị truy tố về tội “Vi phạm các quy định về an toàn giao thông vận tải” (đã có nêu ở phần 2.3.6 luận văn này). Qua nghiên cứu biên bản phiên toà thì thấy toàn bộ phần xét hỏi chỉ có một mình chủ toạ phiên toà hỏi tất cả các sự việc.

- Vụ Hồ văn Mân, bị truy tố về tội “Hiếp dâm trẻ em”, do Toà án nhân dân tỉnh Thừa Thiên- Huế thụ lý số 86 ngày 25/9/1999. qua nghiên cứu biên bản phiên toà,tại phiên toà Chủ toạ phiên toà thẩm vấn tất cả các vấn đề cần thiết và hội thẩm nhân dân không hỏi gì thêm.

Nghiêm trọng nhất là khi nghị án, như đã phân tích ở phần 2.3.9, có nhiều phiên toà, toà án, thẩm phán chủ toạ phiên toà tìm cách áp đặt ý chí của mình đối với hội thẩm, vai trò của hội thẩm không còn như giá trị đích thực của nó nữa.

Một phần của tài liệu Thủ tục xét xử sơ thẩm các vụ án hình sự Lý luận và thực tiễn áp dụng tại tỉnh Thừa Thiên Huế (Trang 63)