Những quy định về thủ tục xét xử tại phiên tòa

Một phần của tài liệu Thủ tục xét xử sơ thẩm các vụ án hình sự Lý luận và thực tiễn áp dụng tại tỉnh Thừa Thiên Huế (Trang 27 - 30)

1. Thủ tục bắt đầu phiên tòa hình sự sơ thẩm

Theo quy định tại Điều 175 Bộ luật tố tụng hình sự, khi bắt đầu phiên tòa, chủ tọa phiên tòa đọc quyết định đưa vụ án ra xét xử. Đây là thủ tục bắt buộc và được coi là hình thức khai mạc phiên tòa. Nếu chủ tọa phiên tòa không đọc quyết định đưa vụ án ra xét xử, thì bị coi là vi phạm thủ tục tố tụng.

2. Thủ tục xét hỏi tại phiên tòa

Theo quy định tại Điều 180 Bộ luật tố tụng hình sự, thì trước khi tiến hành xét hỏi, kiểm sát viên đọc bản cáo trạng và trình bày những ý kiến bổ sung. Việc hỏi và trả lời được diễn ra công khai, có ý nghĩa kiểm nghiệm lại kết quả điều tra của cơ quan điều tra. Ngoài ra, Hội đồng xét xử còn xem xét vật chứng, hiện trường, công bố các tài liệu...

Có thể nói, xét hỏi là gian đoạn trung tâm của hoạt động xét xử và cũng là giai đoạn quan trọng nhất để xác định sự thật khách quan của vụ án. Trong giai đoạn này, các nguyên tắc cơ bản của tố tụng hình sự được thể hiện một cách trực tiếp và đầy đủ nhất.

Việc xét hỏi không chỉ phải tuân thủ chặt chẽ các quy định của thủ tục tố tụng mà còn đòi hỏi kỹ năng và một trình độ về ý thức pháp luật nhất định của những người tiến hành tố tụng tại phiên toà. Việc xét hỏi một cách đơn giản, qua loa hoặc tuỳ tiện sẽ không tránh khỏi việc xét xử bị oan, sai.

3. Tranh luận tại phiên tòa

Thủ tục tranh luận tại phiên toà trong tố tụng hình sự thể hiện một cách rõ nét tính dân chủ của pháp luật nước ta. Việc tranh luận luôn luôn đặt trên cơ sở của sự tôn trọng và bảo vệ các quyền cơ bản của công dân, đảm bảo sự bình đẳng của mọi công dân trước Toà án, trước pháp luật, đảm bảo quyền tranh tụng của các bên tại phiên toà.

a) Kiếm sát viên trình bày lời luận tội

Theo quy định tại Điều 191 Bộ luật tố tụng hình sự, sau khi chủ tọa phiên tòa tuyên bố kết thúc phần xét hỏi chuyển sang phần tranh luận, thì kiểm sát viên thực hành quyền công tố tại phiên tòa trình bày lời luận tội. Bản luận tội của kiểm sát viên tại phiên tòa là quan điểm xử lý của Viện Kiểm sát sau khi xét hỏi công khai tại phiên tòa. Những ý kiến của kiểm sát viên chỉ là đề nghị Hội đồng xét xử xem xét khi nghị án, nó có ý nghĩa tham khảo đối với Hội đồng xét xử.

b) Bào chữa tại phiên tòa

Sau khi kiểm sát viên trình bày lời luận tội hoặc người bị hại trình bày lời buộc tội đối với bị cáo tại phiên tòa, chủ tọa phiên tòa mời người bào chữa trình bày lời bào chữa cho bị cáo mà mình nhận lời bào chữa; sau khi người bào chữa trình bày xong, chủ tọa phiên tòa để bị cáo trình bày ý kiến bổ sung.

c) Người bảo vệ quyền lợi của đương sự và đương sự trình bày ý kiến

Sau khi người bào chữa và bị cáo đã trình bày lời bào chữa của mình tại phiên tòa, thì chủ tọa phiên tòa mời người bảo vệ quyền lợi của đương sự trình bày ý kiến bảo vệ quyền lợi cho đương sự mà mình nhận lời bảo vệ. Nếu đương sự không nhờ người bảo vệ quyền lợi của mình, thì họ tự trình bày ý kiến để bảo vệ quyền và lợi ích của mình. Nếu đương sự vắng mặt hoặc có nhược điểm về thể chất hoặc tâm thần, thì người đại diện của họ trình bày ý kiến bảo vệ quyền và lợi ích của họ.

d) Đối đáp

Trong khi trình bày ý kiến của mình, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án có thể phát biểu những ý kiến không đồng tình với lời luận tội của kiểm sát viên, không đồng tình với lời bào chữa của người bào chữa, của bị cáo hoặc các đương sự khác. Khi có những ý kiến khác nhau, thì người tham gia tranh luận có quyền

đáp lại ý kiến của người khác, nhưng chỉ được phát biểu một lần đối với mỗi ý kiến mà mình không đồng ý. Như vậy, việc đối đáp không chỉ xảy ra giữa người bào chữa, bị cáo mà còn đối với cả những người khác, và các bên đối đáp đều bình đẳng với nhau.

đ) Trở lại việc xét hỏi

Nguyên tắc xét xử trực tiếp đòi hỏi những người tham gia tranh luận chỉ được viện dẫn những chứng cứ đã được xem xét tại phần xét hỏi tại phiên tòa. Nếu có yêu cầu xuất trình chứng cứ mới, thì những người tham gia tranh luận có thể yêu cầu Hội đồng xét xử trở lại phần xét hỏi tại phiên tòa hoặc qua tranh luận, Hội đồng xét xử thấy cần xem xét thêm chứng cứ, thì quýêt định trở lại xét hỏi.

4) Bị cáo nói lời sau cùng

Sau khi những người tham gia tranh luận không trình bày gì thêm, chủ tọa phiên tòa tuyên bố kết thúc tranh luận và cho bị cáo nói lời sau cùng. Khi bị cáo nói lời sau cùng, thì không ai được trình bày ý kiến thêm và chủ tọa phiên tòa phải tuyên bố Hội đồng xét xử nghị án.

5. Nghị án

Nghị án là việc Hội đồng xét xử thảo luận và thông qua bản án tại phòng riêng. Theo quy định tại khoản 1 Điều196 Bộ luật tố tụng hình sự, thì chỉ có thẩm phán, hội thẩm nhân dân mới có quyền nghị án. Các thành viên Hội đồng xét xử phải giải quyết tất cả các vấn đề của vụ án bằng biểu quyết theo đa số về từng vấn đề.

Có thể nói, nghị án là một hoạt động tố tụng đặc biệt, vì chỉ có thẩm phán và hội thẩm nhân dân mới là người thực hiện và hoạt động này không chịu sự kiểm sát trực tiếp của cơ quan Viện kiểm sát, cũng như sự giám sát hoặc tham gia của bất kỳ ai, dưới bất kỳ hình thức nào. Quy định về nghị án

của thủ tục tố tụng thể hiện rõ ràng nhất nguyên tắc độc lập trong xét xử của thẩm phán và hội thẩm nhân dân.

6. Tuyên án

Sau khi nghị án, chủ tọa phiên tòa thay mặt Hội đồng xét xử chỉnh lý lại bản án đã dự thảo theo nội dung mà Hội đồng xét xử đã thảo luận và quyết định trong khi nghị án. Theo quy định tại khoản 2, 3 Điều 198 Bộ luật tố tụng hình sự, bản án hình sự được kết cấu thành ba phần: phần thứ nhất là phần mở đầu ghi những người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng; phần thứ hai là phần nội dung vụ án và nhận định của Hội đồng xét xử; phần thứ ba là phần quyết định.

Một phần của tài liệu Thủ tục xét xử sơ thẩm các vụ án hình sự Lý luận và thực tiễn áp dụng tại tỉnh Thừa Thiên Huế (Trang 27 - 30)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(91 trang)