Việc trả hồ sơ cho Viện kiểm sát có nhiều sai sót

Một phần của tài liệu Thủ tục xét xử sơ thẩm các vụ án hình sự Lý luận và thực tiễn áp dụng tại tỉnh Thừa Thiên Huế (Trang 52 - 53)

Như số liệu phản ánh trong Bảng 1, hàng năm, số vụ án mà Toà án nhân dân các cấp trả hồ sơ lại cho Viện kiểm sát là khá lớn, chiếm tỉ lệ trung bình là hơn 12% số vụ án đã thụ lý.

Trả lại hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát là một hoạt động tố tụng cần thiết, nhằm đảm bảo sau đó, việc xét xử vụ án được chính xác, đúng người, đúng tội, không bị trở ngại. Điều 151 Bộ luật tố tụng hình sự quy định: “Đối với vụ án được trả lại để điều tra bổ sung thì trong thời hạn mười lăm ngày sau khi nhận lại hồ sơ, thẩm phán phải ra quyết định đưa vụ án ra xét xử.”. Như vậy sau khi thụ lý vụ án, trong quá trình chuẩn bị xét xử, toà án chỉ được một lần trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung( trừ trường hợp: nếu Viện kiểm sát không thực hiện yêu cầu điều tra bổ sung thì Toà án có quyền trả hồ sơ lại một lần nữa) . Quy định này nhằm hạn chế việc chuyển trả hồ sơ vụ án qua lại giữa các cơ quan tố tụng quá nhiều lần gây phiền hà và làm cho việc giải quyết vụ án bị kéo dài. Nhưng thực tiễn tại tỉnh Thừa Thiên- Huế cho thấy không ít vụ án, sau khi Toà án trả hồ sơ vụ án, Viện kiểm sát hoặc Cơ quan điều tra đã thực hiện các yêu cầu điều tra bổ sung và chuyển lại hồ sơ vụ án cho Toà án, thì Toà án không đưa vụ án ra xét xử mà lại tiếp tục trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung một số vấn đề khác. Ví dụ:

- Vụ án Đào văn Dũng và Lương Công Phúc, bị truy tố về tội “Buôn bán hàng cấm”, Toà án nhân dân tỉnh Thừa thiên- Huế thụ lý hồ sơ ngày 26/11/1998. Đến ngày 12/01/1999 Toà án ra Quyết định số 54 trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung. Ngày 23/01/1999,sau khi đã điều tra bổ sung xong, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thừa Thiên- Huế chuyển trả hồ sơ này lại cho Toà án.

Nhưng đến ngày 10/6/1999 Toà án lại trả hồ sơ vụ án lần hai để điều tra bổ sung thêm một số vấn đề khác.

Ngoài ra, hầu hết các Toà án tại tỉnh Thừa Thiên- Huế, không chú ý đến thời hạn xét xử các vụ án mà viện kiểm sát chuyển trả lại sau khi đã điều tra bổ sung. Các Toà án đều xem các vụ án này như là một vụ án mới được thụ lý và thực hiện các thủ tục tố tụng lại từ đầu. Ví dụ:

- Vụ Hoàng Quốc, bị truy tố về tội “ Vi phạm các quy định về an toàn giao thông vận tải”, Toà án nhân dân tỉnh Thừa Thiên- Huế thụ lý số 03 ngày 25/11/1997. Đến ngày 05/01/1998 Toà án trả hồ sơ cho Viện kiểm sát để điều tra bổ sung. Ngày 14/3/1998 Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thừa Thiên- Huế chuyển trả hồ sơ vụ án lại cho Toà án. toà án tiếp tục nghiên cứu hồ sơ cho đến ngày 13/6/1998 mới mở phiên toà xét xử vụ án.

- Vụ Nguyễn thị Thu Kiều và Trần Thanh Hân, bị truy tố vê tội “ Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của công dân”. Sau khi thụ lý, ngày 28/02/1998 Toà án nhân dân tỉnh Thừa Thiên- Huế trả hồ sơ cho Viện kiểm sát để điều tra bổ sung. Ngày 18/3/1998, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thừa Thiên- Huế chuyển trả hồ sơ vụ án lại cho Toà án. Đến ngày 30/7/1998 Toà án mới mở phiên toà xét xử vụ án.

Một phần của tài liệu Thủ tục xét xử sơ thẩm các vụ án hình sự Lý luận và thực tiễn áp dụng tại tỉnh Thừa Thiên Huế (Trang 52 - 53)