Lịch phiên toà sắp xếp không hợp lý

Một phần của tài liệu Thủ tục xét xử sơ thẩm các vụ án hình sự Lý luận và thực tiễn áp dụng tại tỉnh Thừa Thiên Huế (Trang 53 - 54)

Qua nghiên cứu, chúng tôi thấy, đối với Toà án nhân dân thành phố Huế và các Toà án nhân dân huyện, các vụ án hình sự sơ thẩm, sau khi đã được nghiên cứu, thực hiện các việc cần làm trong giai đoạn chuẩn bị xét xử thì sẽ được lên lịch xét xử. Lịch xét xử của các Toà án này thường mỗi ngày từ một đến hai vụ án. Với đặc điểm các vụ án thuộc thẩm quyền cấp huyện đa số là những tội phạm ít nghiêm trọng, ít có vụ án phức tạp. Do đó, việc lên lịch phiên toà như vậy không có vướng mắc gì.

Tuy nhiên, tại Toà án nhân dân tỉnh, cho đến nay vẫn tồn tại tình trạng: có thể có những thời gian dài từ một đến hai tháng không xét xử vụ án nào, nhưng khi đã lên lịch phiên toà, thì xếp nhiều vụ án hình sự sơ thẩm cùng được xử trong một ngày (đa số là 03 vụ/ngày) và xử liên tục trong nhiều ngày. Ví dụ:

- Lịch phiên toà số 1143 ngày 29/8/1998 xếp lịch xét xử 34 vụ án hình sự sơ thẩm và 28 vụ án hình sự phúc thẩm, trong đó có 13 ngày liên tục xử sơ thẩm, có ngày phải xét xử 04 vụ/ một ngày.

- Lịch phiên toà số 1243 ngày 28/8/1999 xếp lịch xử 31 vụ án hình sự sơ thẩm trong 17 ngày liên tục, với nhiều ngày phải xét xử 03 vụ/ một ngày

Tình trạng này dẫn đến thực tế là những người tiến hành tố tụng thường bị căng thẳng, mệt mỏi, ảnh hưởng chất lượng xét xử, nhiều vụ án được thẩm vấn một cách sơ sài, việc xét xử mang tính hình thức, không có tính thuyết phục cao. Đã có rất nhiều trường hợp những người tham gia tố tụng, mặc dù ở xa đến dự phiên toà, nhưng họ phải chờ đợi suốt một buổi hay cả ngày mới đến lượt Toà án xét xử vụ án mà họ được triệu tập để tham gia tố tụng.

Một phần của tài liệu Thủ tục xét xử sơ thẩm các vụ án hình sự Lý luận và thực tiễn áp dụng tại tỉnh Thừa Thiên Huế (Trang 53 - 54)