Lễ hội Chùa Hương với tất cả những tiềm năng sẵn có hoàn toàn có thể trở thành điểm đến du lịch lễ hội bậc nhất của toàn miền Bắc và cả nước. Tuy nhiên trên con đường phát triển của mình, bên cạnh các yếu tố về chính sách, đầu tư, cơ sở vật chất kỹ thuật, ... thì sản phẩm du lịch, dịch vụ cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc làm hài lòng du khách. Và cái cốt lõi để hình thành và phát triển sản phẩm du lịch lễ hội chính là tạo ra các hàng hóa, dịch vụ thỏa mãn được nhu cầu du khách khi đến với lễ hội. Một yêu cầu tối quan trọng đối với các hàng hóa phục vụ du khách là phải đảm bảo về chất và lượng, nghĩa là lượng hàng hóa dồi dào, phong phú, chất lượng phải ổn định, đảm bảo ngoài ra còn phải phù hợp với tinh thần lễ hội và văn hóa bản địa. Vì thế, chính quyền địa phương cần tiến hành đánh giá, phân loại sản phẩm dịch vụ du lịch, các cơ sở lưu trú, xây hệ thống tiêu chuẩn chất lượng, ban hành các quy định cụ thể về chất lượng hàng hóa và dịch vụ đồng thời phải lên kế hoạch kiểm tra để tránh tình trạng để có những biện pháp khắc phục hiệu quả và kịp thời.
Trong mùa lễ hội, lượng khách về hành hương, dự lễ rất đông nên chất lượng sản phẩm, dịch vụ thường bị giảm sút, giá thành cao. Do đó, để có một mùa lễ hội thành công, mang lại sự hài lòng cho du khách, cần coi trọng chất lượng dịch vụ,
chú ý đến công tác tiếp đón khách, thái độ phục vụ của nhân viên, số lượng và chất lượng hàng hóa, khả năng sẵn sàng phục vụ khách. Rõ ràng cùng lúc đạt được các yếu tố trên không đơn giản, nó đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng cũng như sự quản lý, tổ chức chuyên nghiệp với các hàng rào quy định, quy trình nghiêm ngặt, thống nhất và chặt chẽ. Đối với du lịch lễ hội Chùa Hương nên tăng cường áp dụng các khoa học công nghệ trong công tác quản lý, kiểm định chất lượng, chú trọng công tác đào tạo nhân lực phục vụ.
Về việc phát triển sản phẩm đặc sản chùa Hương, Huyện Mỹ Đức cần gắn sản phẩm nông nghiệp với du lịch lễ hội. Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội đã giao cho Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn kết hợp với ban quản lý địa phương thực hiện dự án “Khôi phục, cải tạo và phát triển một số cây đặc sản quý hiếm, đặc hữu tại rừng đặc dụng Hương Sơn”. Dự án này được triển khai trong ba năm, bắt đầu từ năm 2011, với kinh phí khoảng 75 tỷ đồng. Diện tích đất sử dụng cho dự án khoảng 250 héc ta, trong đó diện tích dùng cho trồng mới rau sắng là 170 héc ta, diện tích cho cải tạo rau sắng sẵn có là 30 héc ta, diện tích trồng mơ là 45 héc ta và diện tích dùng cho canh tác củ mài là 5 héc ta. Dự án này không những đảm bảo việc cung cấp sản phẩm du lịch đặc sản của địa phương cho khách du lịch mà còn góp phần tạo nên công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Tuy nhiên hiên nay do cơ chế, chính sách có nhiều thay đổi nên dự án khôi phục cây đặc sản tại Hương Sơn vẫn còn dang dở. Mặc dù còn nhiều khó khăn về mặt giấy tờ, thủ tục, dự án chưa được phê duyệt nhưng ban quản lý địa phương vẫn chủ động xây dựng phương án khôi phục và nhân giống cây trồng. Trong thời gian qua, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng đã tạo điều kiện về giống, vốn, kỹ thuật cho người dân ươm giống và trồng thành công hơn ba vạn cây sắng ở núi rừng Hương Sơn.
Tuy nhiên, để thúc đẩy nhanh hơn và hiệu quả hơn việc khôi phục, bảo tồn và phát huy cây đặc sản, đáp ứng nhu cầu du khách. Chính quyền địa phương vẫn phải tiếp tục nỗ lực theo đuổi để dự án được ký kết. Đồng thời, cần chủ động kêu gọi đầu tư từ các cá nhân, tổ chức cùng tham gia thực hiện. Ngoài ra để mở rộng diện tích trồng các cây đặc sản này, bên cạnh sự nỗ lực của người dân địa phương
cần sự quan tâm của chính quyền, các nhà khoa học, chuyên gia kỹ thuật trong việc nghiên cứu, đầu tư về giống cây trồng, đảm bảo giữ nguyên chất lượng, giá trị độc đáo của sản phẩm, xứng đáng cho vùng nguyên liệu, đồng thời hỗ trợ tư vấn về đăng ký nhãn hiệu, xây dựng thương hiệu các sản phẩm đặc sản của chùa Hương.
Đối với đặc sản mơ Hương Tích, từ nhiều năm nay người dân địa phương vẫn làm rượu mơ theo phương pháp truyền thống, thủ công nên chất lượng chưa cao, và chưa đồng đều. Vì vậy, các cơ sở sản xuất rượu mơ Hương Tích cần liên kết với các nhà khoa học, đầu tư thiết bị, khoa học công nghệ để nâng tầm đẳng cấp cho sản vật này, trở thành một sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc gia và thế giới, góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch trong mùa lễ hội hàng năm. Mặt khác để phát triển sản phẩm, xây dựng thương hiệu và quản lý chất lượng. Chính quyền bản địa nên thành lập các hiệp hội như hiệp hội các nhà sản xuất rau sắng, hiệp hội rượu mơ Hương Tích, ... . Các hiệp hội này sẽ là người định ra tiêu chuẩn các tiêu chuẩn, kiểm định chất lượng, chia sẻ kinh nghiệm về sản xuất, vốn, công nghệ, .... giúp các sản phẩm phát triển bền vững, có chỗ đứng trên thị trường, đáp ứng nhu cầu khách du lịch góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch lễ hội.
Ngoài các vấn đề trên, một vấn đề khác cần lưu ý đó là sản phẩm lưu niệm ở lễ hội Chùa Hương. Các sản phẩm lưu niệm được bày bán nơi đây thường không rõ nguồn gốc, không mang nét đặc trưng của vùng. Vì thế, nên sản xuất hàng lưu niệm mang đậm phong cách văn hóa phật giáo, tạo ấn tượng sâu đậm cho du khách khi đến Lễ hội chùa Hương. Cụ thể để xây dựng và phát triển sản phẩm lưu niệm đặc trưng của lễ hội, Ban tổ chức và chính quyền sở tại có thể phát động cuộc thi sáng tạo để tìm sản phẩm phù hợp, khuyến khích chế tác các mô hình bằng mây tre, lá hoặc bằng giấy mô phỏng theo kiến trúc các ngôi chùa, các tượng phật, hoặc sản xuất các móc chìa khóa in biểu tượng, hình ảnh về chùa Hương, lễ hội chùa Hương. Mở rộng và phát triển thị trường du lịch là một trong những yếu tố sống còn giúp phát triển du lịch nói chung và du lịch lễ hội nói riêng, mang lại doanh thu, công ăn việc làm các người làm dịch vụ. Thị trường khách du lịch đến tham dự lễ hội Chùa Hương hiện nay đa phần là khách nội địa, mà chiếm phần là những thanh thiếu niên, người trưởng thành và người già ở các thành phần xã hội, nghề nghiệp
khác nhau. Họ thường đi theo nhóm, thông thường là gia đình, cơ quan tự tổ chức hoặc đi theo các tour du lịch. Vì vậy để xác định nhóm khách hàng mục tiêu, khách hàng tiềm năng để ưu tiên khai thác thì cần căn cứ vào đặc điểm tâm lý, nhu cầu, sở thích, khả năng chi trả dịch vụ, hình thức tổ chức chuyến đi của du khách. Ngoài khách hàng nội địa, cần hướng đến đối tượng khách quốc tế. Tuy nhiên để thu hút được khách quốc tế, cần có cách thức tổ chức và quảng bá hết sức bài bản, chuyên nghiệp. Hơn nữa du khách quốc tế có nhu cầu tìm hiểu văn hóa rất cao nên việc cung cấp thông tin cho du khách vô cùng quan trọng. Do đó cần tiến hành khảo sát, xác định nhóm khách hàng mục tiêu từ đó xác định nhu cầu, sở thích, mong muốn, đòi hỏi của họ, để có hướng quy hoạch phát triển du lịch lễ hội phù hợp với du khách.
Thường xuyên tiến hành điều tra mức độ hài lòng của du khách đối với lễ hội và các sản phẩm lễ hội để làm căn cứ thống kê, phân tích nhu cầu của khách hàng và có những biện pháp xử lý thích hợp.
Hiện nay vào mùa lễ hội, các tour tuyến được các công ty du lịch quảng bá rất nhiều nhưng đa phần vẫn là các tour lễ hội, hành hương đi về trong ngày. Sản phẩm tour vẫn còn rất đơn giản, chưa phong phú và chưa tận dụng được lợi thế sẵn có cùa chùa Hương. Do đó Ban quản lý cần cho xây dựng các tour du lịch đa dạng phù hợp với các nhóm đối tượng khách hàng như:
- Du lịch hành hương kết hợp với du lịch tham quan thắng cảnh - Du lịch sinh thái kết hợp với du lịch khám phá
- Du lịch thể thao
- Du lịch văn hóa tìm hiểu lịch sử dân tộc
- Du lịch lễ hội kết hợp du lịch khám phá hang động
Ngoài ra nên chủ động liên kết với các lễ hội khác ở trong vùng hay các địa phương lân cận nhằm mục đích mở rộng thị trường, thu hút thêm du khách; đặc biệt hiện nay huyện Mỹ Đức có cụm du lịch Hồ Quan Sơn, được mệnh danh là Hạ Long trên cạn của Việt Nam. Đây là lợi thế lớn không phải nơi nào cũng có, do đó khi xây dựng chương trình tour, cũng cần chú ý kết hợp các điểm thăm quan để mở rộng thị trường khách du lịch đến lễ hội.
Giải pháp phát triển nguồn nhân lực du lịch lễ hội Chùa Hương
Quản lý con người luôn được coi là vấn đề rất quan trọng, được ưu tiên hàng đầu trong hoạt động quản lý nói chung và quản lý du lịch nói riêng. Bởi nó là một trong những yếu tố quyết định mọi sự phát triển. Do đó trên cần có những giải pháp cấp thiết, đồng bộ để đào tạo và tái đào đạo nguồn nhân lực.
Đào tạo nguồn nhân lực tập trung vào hai đối tượng chính là cán bộ quản lý, các chuyên gia và người trực tiếp làm du lịch lễ hội.
Đối với các cán bộ quản lý, các chuyên gia: Trong giai đoạn phát triển hiện nay, việc đào tạo là rất cấp thiết, trong tương lai du lịch lễ hội chùa Hương sẽ có một đội ngũ cán bộ, chuyên gia có nghiệp vụ chuyên môn, yêu nghề, có tâm với công việc, có tư cách đạo đức, có hiểu biết thực tế sâu sắc về điều kiện, tình hình du lịch lễ hội địa phương, tính mùa vụ, ảnh hưởng của tính mùa vụ đến sự phát triển du lịch lễ hội,... .Vì vậy, cần thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý cho đội ngũ quản lý, chuyên gia; đổi mới phương thức đào tạo, cải tiến nội dung đào tạo phù hợp với yêu cầu hoạt động du lịch lễ hội Chùa Hương. Ngoài ra cần cử các cán bộ quản lý đi học tập, trao đổi kinh nghiệm ở các địa phương khác, những nơi đang rất thành công trong việc quản lý, tổ chức du lịch lễ hội.
Mặt khác cần tiến hành tổng kết, đánh giá thực trạng đội ngũ cán bộ quản lý để nắm bắt toàn diện trình độ chuyên môn, năng lực quản lý, phẩm chất đạo đức để kịp thời bồi dưỡng, nâng cao.
Ngoài ra để thu hút nhân tài, lao động chất lượng cao cần xây dựng chế độ đãi ngộ hợp lý, tạo phong trào thi đua làm động lực cho các cán bộ quản lý năng động, sáng tạo trong công việc.
Đối với đối tượng lao động trực tiếp trong ngành du lịch lễ hội: cần mở nhiều lớp đào tạo nghiệp vụ ngắn hạn tại chỗ cho người dân tham gia hoạt động du lịch như nghiệp vụ phục vụ bàn, nghiệp vụ lễ tân, nhiệp vụ hướng dẫn du lịch, nghiệp vụ buồng, nghiệp vụ bán hàng ... . Các lớp đào tạo này sẽ hướng dẫn và chuẩn hóa tác phong làm việc, bổ sung trình độ chuyên môn cho các đối tượng chưa qua đào tạo. Ngoài ra cần mở các lớp đào tạo ngoại ngữ, văn minh thương mại cho người lao động.
Để công tác đào tạo nguồn nhân lực phục vụ lễ hội có hiệu quả, cần tuyên truyền, nâng cao trình độ học vấn, trình độ nhận thức về du lịch lễ hội của người dân địa phương giúp xóa bỏ tình trạng trẻ em bỏ học để tham gia phục vụ du lịch lễ hội.