Hoàn thiện tổ chức, quản lý du lịch lễ hội chùa Hương

Một phần của tài liệu Nghiên cứu du lịch lễ hội chùa hương ở huyện mỹ đức, hà nội (Trang 91)

Đối với một lễ hội lớn, thời gian lễ hội kéo dài, số lượng khách tham gia đông đến hàng triệu người như lễ hội chùa Hương thì vấn đề quản lý, tổ chức lễ hội luôn là một bài toán làm đau đầu các Ban quản lý. Hiện nay theo xu hướng quản lý mới, hầu hết các khu du lịch văn hóa đều phát triển mô hình phát triển du lịch dựa vào cộng đồng nhằm huy động tối đa sự tham gia của người dân địa phương. Đây là cách để sử dụng các dịch vụ tại chỗ, phát triển văn hóa địa phương, thức đẩy nghề truyền thống, kích thích người dân tham gia gìn giữ di sản văn hóa. Đối với du lịch lễ hội chùa Hương đây cũng là hình thức cần được xem xét áp dụng uyển chuyển.

Các tiêu chí để xây dựng mô hình này bao gồm:

- Bảo tồn giá trị tài nguyên thiên nhiên và nhân văn tiến tới phát triển bền vững. Nó góp phần thiết lập sự cân bằng kinh tế, xã hội, môi trường tại chùa Hương.

- Đảm bảo việc khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên tự nhiên và nhân văn một cách hợp lý.

- Bảo vệ môi trường sinh thái, cảnh quan của chùa Hương - Bảo vệ môi trường văn hóa địa phương

- Nâng cao nhận thức của người dân địa phương

- Góp phần phát triển kinh tế, tạo thu nhập cho người dân

- Khuyến khích cộng đồng tham gia xây dựng và tạo ra các sản phẩm du lịch đặc trưng

- Phát triển du lịch và xây dựng nâng cấp cơ sở hạ tầng tại chùa Hương để tạo ra điều kiện tốt nhất cho cộng đồng dân cư.

Để hiện thực hóa các tiêu chí trên, cần từng bước tiến hành các công tác sau:

Hoàn thiện công tác quản lý của nhà nước đối với du lịch lễ hội chùa Hương

Trước tiên cần hoàn thiện công tác quản lý của nhà nước đối với du lịch lễ hội chùa Hương. Đó chính là xây dựng hệ thống chế tài, luật pháp đối với du lịch lễ hội, bảo tồn các di sản văn hóa. Đối tượng của các quy định pháp luật này bao gồm các nhóm: ban tổ chức, đơn vị kinh doanh và du khách. Trong đó cần quy định rõ trách nhiệm của ban tổ chức, quần chúng và mỗi cá nhân trong cộng đồng kinh doanh cũng như khách du lịch. Mục đích của những luật pháp, quy định, chế tài này là hướng các đơn vị kinh doanh theo đúng định hướng, quy hoạch, nâng cao trách nhiệm của mỗi người khi tham gia du lịch lễ hội, giảm thiểu những hành vi thiếu văn hóa trong lễ hội gây ảnh hưởng đến môi trường nhân sinh quan của lễ hội, đảm bảo du lịch lễ hội chùa Hương phát triển bền vững.

Hợp tác, phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan nhà nước với nhau và với các đơn vị cóliên quan

Ngoài việc thiết lập cơ sở pháp lý để quản lý lễ hội, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước trong công tác quy hoạch cũng như sự phối hợp với các công ty, các đơn vị liên quan đến du lịch lễ hội để có thể tạo ra sản phẩm hoàn hảo nhất phục vụ du khách.

Sự phối hợp giữa các cơ quan thẩm quyền giúp xác định hướng phát triển tốt hơn, phân bổ không gian đồng đều hơn, kết hợp được các lợi ích kinh tế với nhiệm vụ bảo tồn. Sự hợp tác giữa các cơ quan nhà nước tạo nên vòng đai pháp lý, định hướng để phát triển du lịch chùa Hương còn sự phối hợp giữa các đơn vị kinh doanh liên quan với nhau và với các cơ quan có thẩm quyền giúp hiện thực hóa các đường lối, chính sách, hoạch định. Sự phối hợp nhịp nhàng của các cấp, ban ngành và các đơn vị liên quan sẽ tạo điều kiện thuận lợi, đưa du lịch lễ hội Chùa Hương lên một tầm cao mới, xứng đáng với tiềm năng nơi đây.

Quản lý vé thắng cảnh, vé đi cáp treo

Thực tế cho thấy một trong những vấn đề nổi cộm của du lịch lễ hội Chùa Hương chính là vấn đề quay vòng vé. Vì vậy nhằm khắc phục và hạn chế tình trạng lợi dụng sự đông đúc của lễ hội trục lợi cho bản thân, ban quản lý lễ hội chùa Hương cần thiết lập quy trình, kiểm tra chéo, áp dụng công nghệ sử dụng hình thức thẻ điện tử và camera để kiểm soát vé đồng thời tăng cường, kiểm tra xử lý nghiêm ngặt các trường hợp vi phạm. Ngoài ra để giảm thời gian chờ đợi, giảm tình trạng chen lấn mua vé lễ hội gây ách tắc giao thông khu vực cửa vào, ban tổ chức lễ hội cần thực hiện hệ thống bán vé đa dạng, tăng cường công tác liên kết với các đại lý trên các tỉnh thành để bán vé hay xây dựng hệ thống điện tử bán vé online, ...

Nâng cao trình độ của ban quản lý và người dân phục vụ du lịch lễ hội

Bên cạnh đó cần có kế hoạch đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn cho các cán bộ quản lý, tăng cường học hỏi, trao đổi kinh nghiệm với những địa phương đã làm tốt công tác tổ chức, quản lý lễ hội. Thường xuyên đúc rút kinh nghiệm cho những mùa lễ hội sau.

Du lịch lễ hội đã và đang mang lại lợi ích kinh tế cho người dân Mỹ Đức, người dân hoàn toàn hiểu nguồn lợi to lớn mà lễ hội mang lại cho họ. Tuy nhiên hầu hết họ chỉ nghĩ đến nguồn lợi trước mắt mà không nghĩ đến lợi ích lâu dài. Họ chưa hoàn toàn nhận thức được vai trò của việc bảo tồn các giá trị văn hóa và môi trường sinh thái của lễ hội. Vì vậy cần nâng cao ý thức của cộng đồng đối với di sản văn hóa, ý nghĩa của di sản trong việc phát triển du lịch để từ đó người dân có ý thức và trách nhiệm tham gia bảo tồn lễ hội, bảo tồn những giá trị truyền thống. Công tác

tuyên truyền, vận động, giáo dục là một trong nhưng phương thức có thể áp dụng để nâng cao hiểu biết của người dân về phát triển du lịch bền vững, về công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, xã hội, môi trường sinh thái. Ban tổ chức lễ hội có thể học tập cách thức của ban tổ chức lễ hội Yên Tử để vận dụng linh hoạt trong công tác nâng cao nhận thức của người dân làm du lịch. Bên cạnh công tác giáo dục về nhận thức, công tác giáo dục nghiệp vụ cũng cần được chú ý. Chỉ khi người dân hiểu cách làm du lịch họ mới có thể cung cấp những dịch vụ tốt nhất cho du khách và ban tổ chức cũng như chính quyền địa phương sẽ bớt được gánh nặng tổ chức, quản lý lễ hội.

Tổ chức quản lý vận hành hệ thống đò

Đối với dịch vụ chèo thuyền trên suối Yến cần nghiên cứu kế hoạch quy hoạch sắp xếp bãi đỗ, phân luồng thuyền bè để việc đi lại được thuận tiện đồng thời nghiên cứu tăng số lượng thuyền tham gia phục vụ lễ hội, kiểm soát chặt chẽ khâu mua và bán vé đi thuyền, tránh tình trạng tự do tăng giá vé do khách đổ về khu lịch quá đông.

Quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ tại Lễ hội Chùa Hương

 Nghiêm cấm việc bày bán thịt thú rừng phản cảm

Việc bày bán thịt thú rừng phản cảm là đề tài bàn tán, báo chí nói “ra rả” nhưng “đến hẹn lại lên” hiện tượng này vẫn chưa được giải quyết. Do đó để giải quyết dứt điểm tình trạng này, ban quản lý cần mạnh tay cấm kinh doanh dịch vụ này đồng thời thường xuyên kiểm tra, xử phạt nặng vi phạm. Ngoài ra cần tuyên truyền, vận động du khách không tiêu thụ sản phẩm này bằng các bandroll, khẩu hiệu, khuyến cáo, ... .

 Tăng cường kiểm tra, thanh tra công tác an toàn vệ sinh thực phẩm

Trong mùa lễ hội, nhằm đảm bảo công tác an toàn vệ sinh thực phẩm đồng thời tránh tình trạng chặt chém du khách, ban quản lý lễ hội nên tổ chức thanh tra, kiểm tra đột xuất các cở sở kinh doanh ăn uống, giải khát trên địa bàn. Thêm vào đó, ban quản lý lễ hội cần quy định mức xử phạt hành chính, thậm chí rút giấy phép kinh doanh đối với những hành vi vi phạm và tái vi phạm.

Xử phạt các trường hợp xả rác bừa bãi gây mất vệ sinh môi trường

Vấn đề xử lý rác thải luôn là vấn đề làm đau đầu các nhà tổ chức lễ hội ở nhiều nơi. Đối với lễ hội Chùa Hương, hiện nay ban quản lý đã ban hành quy định cấm xả rác bừa bãi, sắp đặt các thùng rác khắp khu di tích nhưng tình trạng này chưa được cải thiện là bao, nhiều du khách vẫn ngang nhiên xả thải. Trước tình trạng nói trên, tác giả xin mạnh dạn đề xuất giải pháp khắc phục. Trước hết Ban quản lý cần xác định đây là công tác cộng đồng, mọi người phải cùng có ý thức giữ gìn thực hiện thì mới có hiệu quả. Vì vậy, cần tuyên truyền ý thức bỏ rác đúng nơi quy định đến từng cá thể kinh doanh tại khu di tích, thực hiện chính sách “mỗi người dân là một cán bộ tuyên truyền, là một nhà hoạt động môi trường”, yêu cầu người dân giúp đỡ ban quản lý nhắc nhở du khách không vứt rác bừa bãi, đồng thời phổ biến rộng rãi những quy định, mức xử phạt tới du khách bằng cách đọc lao thông báo tại các bến bãi. Ngoài ra, cần thiết kế lắp đặt các bảng biển, bandroll tuyên truyền nhắc nhở du khách. Bên cạnh đó, ban quản lý cần tăng cường kiểm tra, mạnh tay hơn nữa trong việc xử phạt những trường hợp xả thải bừa bãi.

Giải pháp về đầu tư, phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch lễ hội chùa Hương (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Cơ sở hạ tầng: cần tiến hành lập quy hoạch tổng thể khu di tích, khảo sát và nghiên cứu văn hóa, lịch sử để thi công, hoàn thiện và trùng tu các công trình lịch sử trong khu di tích. Đây là vấn đề vô cùng quan trọng cần có sự phối hợp giữa các bên: ban giám sát (bộ, ban ngành), ban tổ chức và nhà đầu tư. Trong đó ban tổ chức sẽ là người xây dựng quy hoạch (có sự tham gia của các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa để đảm bảo bản quy hoạch tuân theo đúng hoàn cảnh lịch sử của di tích), ban giám sát sẽ là người thẩm định, kiểm tra và phê duyệt bản quy hoạch. Nhà đầu tư sẽ là người kết hợp với ban tổ chức để thực hiện bản quy hoạch. Ban tổ chức và nhà đầu tư cũng chính là người chịu sự giám sát của ban giám sát trong quá trình thực hiện quy hoạch.

Ngoài ra công tác thăm dò, xây dựng hệ thống cấp thoát nước, xử lý rác thải phục vụ du lịch lễ hội cần thực hiện sớm, nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo an

toàn vệ sinh môi trường tại khu du lịch và nâng cao chất lượng sống của người dân trong vùng.

Giao thông vận tải: Đối với hệ thống giao thông vận tải ở chùa Hương tuy đã có nhiều tiến bộ nhưng vẫn cần phải tiếp tục xây dựng, mở rộng tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng và việc tổ chức lễ hội. Hiện nay giao thông đường thủy vẫn còn tồn tại nhiều bất cập. Trong đó việc sử dụng thuyền máy chạy trên suối Yến cần được nghiêm túc xem xét vì ngoài việc làm ảnh hưởng đến môi trường thiên nhiên, thuyền máy còn làm hỏng khung cảnh của lễ hội.

Ngoài ra việc tổ chức thanh tra, kiểm tra và có kế hoạch sửa chữa tu bổ thuyền, đò trước và sau mùa lễ hội nhằm đảm bảo an toàn cho du khách là cần thiết. Bằng phương pháp tuyên truyền giáo dục thông qua các tổ chức cộng đồng, ban tổ chức cần khuyến cáo các cá nhân và các hộ kinh doanh vận chuyển khách du lịch phải thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng các thiết bị, chú trọng trang bị các phương tiện cứu hộ, áo phao cứu sinh cho du khách. Thông qua các chương trình giáo dục này, ban tổ chức từng bước nâng cao nhận thức của người dân, tiến tới nếp sống văn minh trong kinh doanh dịch vụ chở đò. Bên cạnh đó, cũng cần nghiên cứu lập chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp, các hộ gia đình hay cá nhân tham gia kinh doanh vận chuyển khách công tác bảo trì, bảo dưỡng các thiết bị trước mỗi mùa hoạt động.

Về dịch vụ kinh doanh ăn uống và hàng hóa: Trên địa bàn chùa Hương, đặc biệt là gần khu vực chùa Thiên Trù và khu vực động Hương Tích tập trung rất nhiều các hàng quán. Các quán này đang tạo ra hình ảnh vô cùng xấu trong mắt du khách. Vì vậy cần nghiên cứu lập lại quy hoạch chi tiết khu dịch vụ bến Thiên Trù sao cho hợp lý và thuận tiện hơn. Các đối tượng tham gia kinh doanh ở đây nên được tập trung lại thành một cộng đồng (hội), có quy tắc hoạt động, kinh doanh và đóng thuế. Quy tắc hoạt động, kinh doanh, đóng thuế phải được Ban quản lý thông qua. Ban quản lý chỉ chịu trách nhiệm quản lý chung thông qua hội trưởng. Hội trưởng sẽ là người điều hành các hoạt động kinh doanh của các hội viên, đảm bảo các thành viên tuân theo đúng quy tắc chung đã được xây dựng và trình ban quản lý trước đó.

Về cơ sở lưu trú: hiện nay huyện Mỹ Đức vẫn chưa có một khách sạn nào đạt chuẩn 2 sao vì vậy chính quyền cần có chính sách khuyến khích các nhà đầu tư, các

doanh nghiệp kinh doanh du lịch tiến hành nâng cấp các khách sạn, nhà nghỉ với các tiện nghi hiện đại hơn. Để làm được điều đó các cơ quan chức năng ngoài việc tạo dựng một môi trường kinh doanh hấp dẫn còn cần phải thiết lập, xây dựng chính ưu đãi đầu tư. Vì vậy, cần phải tạo điều kiện thông thoáng về pháp lý, tránh các thủ tục rườm rà, gây khó dễ các nhà đầu tư trong việc cấp phép đầu tư. Bởi đầu tư cơ sở vật chất của du lịch lễ hội ngoài giá trị phát triển kinh tế còn mang ý nghĩa văn hóa xã hội sâu sắc.

Bên cạnh việc xây dựng các khách sạn đạt chuẩn, chính quyền địa phương cũng nên khai thác nhà ở của dân để phục vụ nhu cầu lưu trú của khách có thu nhập trung bình và thấp. Tuy nhiên, nhà dân đưa vào phục vụ khách lưu trú phải đảm bảo an ninh, vệ sinh và phải được cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát, cấp phép.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu du lịch lễ hội chùa hương ở huyện mỹ đức, hà nội (Trang 91)