Những bài học kinh nghiệm về phát triển du lịch lễ hội

Một phần của tài liệu Nghiên cứu du lịch lễ hội chùa hương ở huyện mỹ đức, hà nội (Trang 28)

Lễ hội Yên Tử là một trong những lễ hội hành hương lớn ở nước ta sau lễ hội Chùa Hương, được tổ chức bắt đầu từ ngày mùng 9 tháng Giêng đến hết tháng ba hàng năm. Khu di tích Yên Tử là một trong những danh lam thắng cảnh bậc nhất của cả nước. Nơi đây gắn liền với tên tuổi vua Trần Nhân Tông khi ông đến đây tu hành, lập ra trường phái Phật Giáo riêng, đó là Thiền Trúc Lâm Yên Tử.

Trong quần thể di tích Yên Tử rộng lớn hiện có 11 chùa và hàng trăm am tháp. Chùa Ðồng ở trên đỉnh cao nhất 1.068 m (so với mặt nước biển). Lên chùa Ðồng du khách cảm tưởng như đi trong mây “nói cười ở giữa mây xanh” (Nguyễn Trãi). Ở Yên Tử có ngọn tháp cao 3 tầng bằng đá. Ngọn tháp có niên đại “Cảnh Hưng thập cửu niên – 1758” là cổ nhất. Cũng không đâu có rừng tháp như khu Tháp Tổ ở Yên Tử gắn liền với những sự tích huyền thoại về ông vua nhà Trần và phái Thiền Trúc Lâm.

Du khách đến hội chùa Yên Tử để được tách mình khỏi thế giới trần tục, thực hiện cuộc hành hương tôn giáo giữa thiên nhiên hùng vĩ. Thú vui “như hội” là leo núi, lên đỉnh cao nơi có chùa Ðồng. Trên đường đi đôi lúc lại gặp ngôi chùa, ngọn tháp, con suối, rừng cây mỗi nơi là một truyện cổ tích sâu lắng tình người. Lên đến đỉnh núi tựa như cổng trời, sau khi thắp nén nhang ai nấy như thấy trong lòng nhẹ nhàng. Khi trời quang mây tạnh, từ nơi đây có thể phóng tầm mắt dõi nhìn khắp vùng biển miền Ðông Bắc.

Ca dao có câu:

“Trăm năm tích đức, tu hành Chưa đi Yên Tử, chưa thành quả tu”

Kinh nghiệm tổ chức lễ hội Yên Tử là một trong những bài học quý giá mà ban quản lý lễ hội các nơi có thể tham khảo, học hỏi kinh nghiệm.

Theo báo cáo của Ban Quản lý khu di tích danh thắng Yên Tử, riêng trong 3 ngày (mùng 1 - mùng 3 Tết) năm 2013, lượng du khách hành hương về Yên Tử đã đạt trên dưới 2 vạn lượt, tăng 20% so với cùng kỳ. Những ngày tiếp theo, lượng du khách luôn đạt xấp xỉ 5.000 đến 6.000 lượt/ngày.

Để tiếp đón một lượng khách lớn như vậy, công tác tổ chức đã được Ban Quản lý thực hiện khá sớm và quy củ. Đó là sự kết hợp nhuần nhuyễn, nhịp nhàng, chặt chẽ, đồng bộ giữa Thành phố Uông Bí, Ban quản lý khu di tích danh thắng Yên Tử, Công ty Cổ phần Phát triển Tùng Lâm và các đơn vị liên quan. Đến với lễ hội năm 2013, cảm nhận chung của du khách là Hội Yên Tử không có những cảnh phản cảm như ăn xin, chèo kéo du khách, giao thông thuận tiện, đường xá được nâng cấp rộng rộng rãi, khang trang, sạch sẽ. Toàn bộ khu di tích được quy hoạch bài bản, có kế hoạch: bãi đỗ xe rộng rãi, vệ sinh chung được giữ gìn sạch sẽ.

Tình hình an ninh: Ban tổ chức đặc biệt chú trọng đến công tác trật tự, đảm bảo an toàn cho du khách không có nạn ăn trộm, móc túi. Công an Thành phố đã đề nghị Công ty Tùng Lâm cho lắp đặt một số camera có khả năng chống ẩm, chống sương mù, tự động ghi những hình ảnh tại các chùa chính khu vực Yên Tử. Camera sẽ là “mắt thần” để lực lượng công an dễ dàng tìm ra những “đạo chích” trà trộn nơi đông người để móc túi du khách. Bên cạnh đó, Công an Thành phố Uông Bí còn bố trí cảnh sát hình sự, cảnh sát kinh tế, hoá trang, mật phục tại những khu vực như Chùa Trình, suối Giải Oan, chùa Hoa Yên, Chùa Đồng, ga cáp treo để kịp thời phát hiện ngăn chặn, bắt giữ các đối tượng đánh bạc, cò mồi, bán thuốc đông y giả.

Giao thông: bố trí lực lượng cảnh sát giao thông của tỉnh và thành phố phân luồng, hướng dẫn giao thông từ đoạn Quốc lộ 10 nối với Quốc lộ 18. Gần cổng chùa Trình nơi diễn ra lễ hội, nằm cạnh Quốc lộ 18, Công an thành phố luôn bố trí kíp trực 5 người hướng dẫn giao thông và làm trật tự khu vực. Việc kết nối giữa các lực

lượng sẽ được đảm bảo thông suốt qua bộ đàm và điện thoại di động. Tại các bãi đỗ xe đều bố trí lực lượng sắp xếp các xe đỗ theo hàng lối. Các công việc trên được duy trì liên tục trong khoảng ba tháng đầu năm. Lãnh đạo Công an thành phố luôn quán triệt cán bộ, chiến sĩ không được lơ là chủ quan, mục tiêu cao nhất là an vui cho mọi người đến với đất Phật.

Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm: công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, y tế, chỗ lưu trú cho du khách đến với Yên Tử đều được các đoàn từ thành phố đến tỉnh liên tục kiểm tra, nhắc nhở yêu cầu các hộ kinh doanh chấp hành tốt. Ban tổ chức yêu cầu các hộ kinh doanh ký cam kết đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, cam kết không lôi kéo, mời chào, ép khách; không bày bán thịt động vật tươi sống trước cửa hàng quán;...

Công tác vệ sinh môi trường: Công ty Phát triển Tùng Lâm góp phần quan trọng làm vệ sinh môi trường tại Khu Di tích sạch đẹp. Công ty đã xây dựng kế hoạch triển khai công tác bảo đảm vệ môi trường thu gom xử lý rác trên toàn tuyến Yên Tử; đầu tư mua mới 30 xe gom rác, 500 sọt đựng rác, 200 thùng nhựa, thuốc khử trùng tiêu độc để phun khu vực các nhà hàng, các khu vực tập trung đông người. Hệ thống nhà vệ sinh công cộng cũng được thường xuyên dọn dẹp.

Để tránh tình trạng du khách bị “chặt chém” vào mùa lễ hội đến, UBND Thành phố Uông Bí đã ủy quyền cho Phòng Tài chính Uông Bí kết hợp cùng Ban quản lí họp các hộ kinh doanh và niêm yết giá, đặc biệt là các cửa hàng ăn uống lớn nên không có hiện tượng ‘chặt chém”. Ngoài ra Ban quản lý còn thông báo rộng rãi đến du khách nếu như du khách nào mà bị mua đắt ở đây và phản ánh lại với Ban quản lí, lập tức sẽ bị rút giấy phép kinh doanh và chấm dứt hợp đồng của hộ kinh doanh đó.

Một điều rất hiếm có ở Lễ hội Yên Tử là không có nạn ăn xin. Đây được coi là vấn nạn, điều làm đau đầu Ban tổ chức lễ hội ở nhiều nơi. Để làm được điểu đó, Ban tổ chức Yên Tử đã xây dựng chính sách hỗ trợ cho người ăn xin bằng cách tạo công ăn việc làm chính đáng cho họ. Đó là bố trí, giúp đỡ vốn ban đầu cho họ để họ có chỗ bán hàng, có thu nhập. Đồng thời yêu cầu họ ký cam kết không tái phạm.

Công ty Cổ phần Phát triển Tùng Lâm đã làm rất tốt công tác quản lý, đào tạo các hộ kinh doanh cá thể bằng cách tập hợp họ lại thành Hiệp hội kinh doanh Yên Tử, tổ chức các khóa đào tạo, thi tuyển, cấp chứng chỉ cho các hộ dân tham gia Hiệp hội. Qua các khóa đào tạo đó, người dân học được cách của người làm dịch vụ là vui vẻ, hòa nhã, cư xử văn minh với khách hàng. Ngoài ra để tạo điều kiện học hỏi kinh nghiệm ở các nơi, Công ty còn đưa họ đến Huế, Hội An để tham quan, học tập.

Công tác chuẩn bị tổ chức được thực hiện bài bản, có kế hoạch, có sự phối hợp nhuẫn nhuyễn giữa các thành viên Ban tổ chức chính là yếu tố tạo nên thành công của Du lịch lễ hội Yên Tử. Đây chính là bài học kinh nghiệm quý báu cho Ban quản lý lễ hội ở các địa phương khác trong công tác tổ chức và quản lý lễ hội.

Nhận xét

Từ việc phân tích phát triển du lịch lễ hội Yên Tử ta có thể rút ra những bài học kinh nghiệm như sau:

Thứ nhất, cần hệ thống hóa những sản phẩm du lịch lễ hội của một địa phương, phát triển có chọn lọc những sản phẩm đó. Có chính sách đào tạo để gìn giữ và lưu truyền các giá trị văn hóa của người dân bản địa đến thế hệ tương lai.

Thứ hai, cần có sự phối hợp chặt chẽ, rõ ràng giữa chính quyền, các nhà đầu tư và người dân. cần có đường lối phát triển rõ ràng, không thể để du lịch lễ hội tự phát mà không có sự quản lý hay điều hành thống nhất từ chính quyền địa phương. Sự chia sẻ quyền lợi, nhiệm vụ, nghĩa vụ, lợi ích của các bên tham gia là cần thiết để cùng giải quyết dứt điểm những khó khăn, vướng mắc, nhằm phát triển du lịch lễ hội.

Thứ ba, khi tổ chức lễ hội, phải xem trọng yếu tố đóng vai trò chủ thể là cư dân địa phương, cân bằng được lợi ích của các bên tham gia. Bên cạnh đó, cần chú trọng đến đào tạo để bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể. Tập huấn cho người bản địa một số kỹ năng cần thiết về phục dựng lễ hội và kỹ năng giao tiếp với du khách. Nên dựa vào cộng đồng dân địa phương để phát triển nguồn nhân lực phục vụ du lịch, giúp họ nhận thức được quyền lợi và nghĩa vụ của mình trong việc phát triển du lịch lễ hội. Bởi vì có như vậy họ mới bảo vệ được những di sản văn hóa đặc sắc của mình, bỏ qua những lợi ích trước mắt, nghĩ đến

những lợi ích lâu dài, phục vụ khách hàng ngày một chu đáo. Chính vì thế, khi phát triển du lịch lễ hội, cộng đồng cư dân địa phương phải là chủ thể của lễ hội. Điều này sẽ tránh được việc biến chủ thể của lễ hội là cư dân địa phương thành những khán giả đơn thuần, chỉ đứng bên ngoài để xem hội.

Thứ năm, cần có sự quản lý khung của nhà nước để kiểm tra, giám sát, đôn đốc công tác quản lý, tổ chức, bảo tồn lễ hội nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững của du lịch lễ hội. Đồng thời ban tổ chức lễ hội nên xây dựng chính sách đầu tư, thu hút đầu tư, chủ động tìm kiếm các nguồn tài trợ, để có kinh phí tổ chức, phục vụ lễ hội mà không cần dựa vào ngân sách nhà nước.

Thứ sáu, cần làm tốt công tác thông tin, truyền thông để người dân bản địa và du khách luôn được cập nhập những thông tin mới nhất về kế hoạch, cách thức tổ chức, quản lý, .... của ban tổ chức.

Thứ bảy, quy hoạch đồng bộ và có hệ thống cở sở hạ tầng để phát triển du lịch lễ hội, đối với việc tôn tạo, trùng tu, bảo tồn các di tích, những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể để phát triển du lịch lễ hội cần nghiêm túc nghiên cứu lịch sử một cách chi tiết và cẩn thận để có thể trùng tu, tôn tạo mà không làm “lai căng”, biến dạng văn hóa.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu du lịch lễ hội chùa hương ở huyện mỹ đức, hà nội (Trang 28)