Tổng quan về lễ hội chùa Hương

Một phần của tài liệu Nghiên cứu du lịch lễ hội chùa hương ở huyện mỹ đức, hà nội (Trang 33)

Lễ hội chùa Hương là một trong những lễ hội lớn nhất Việt Nam kéo dài từ ngày mùng 6 tháng giêng âm lịch cho đến cuối tháng ba âm lịch tại địa bàn xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội. Lễ hội không những thu hút du khách trong nước mà còn hấp dẫn du khách nước ngoài đến thăm quan, tìm hiểu văn hóa, tập tục, tín ngưỡng của người Việt.

Về lịch sử lễ hội, truyện kể rằng tháng 3 năm Canh Dần (1770), Chúa Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm cùng quan quân trong triều tuần du Trấn Sơn Nam. Khi đến thăm động Hương Tích, say đắm trước vẻ đẹp mỹ lệ của tạo hóa, Nhà Chúa đã đề lên vách đá cử động năm chữ “Nam thiên đệ nhất động”.

Chúa Trịnh Sâm là người đầu tiên đặt nền móng cho lễ hội chùa Hương, và cũng từ đó hàng năm khi mùa xuân đến, du khách thập phương lại đến với lễ hội và ngày một đông vui hơn. Nhưng phải mãi đến năm 1896 niên hiệu Thành Thái năm thứ 8 mới chính thức mở hội lớn.

Hàng năm lễ hội thu thu hút hàng vạn khách hành hương đến vãn cảnh chùa và dâng nén hương thành kính.

Lễ hội chùa Hương có đầy đủ điều kiện để phát triển du lịch lễ hội:

Về vị trí địa lý, giao thông vận tải: chùa Hương có vị trí địa lý tuyệt vời khi cách trung tâm Hà Nội có 62 km về phía Tây, thuộc địa bàn xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội. Do đó, du khách khi đến với lễ hội chùa Hương rất thuận tiện về giao thông vận tải.

Tài nguyên du lịch tự nhiên và văn hóa: Lễ hội chùa Hương đã là thương hiệu, đặc sản có một không hai của địa bàn xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức. Từ xa xưa lễ hội chùa Hương đã được coi là lễ hội tâm linh lớn nhất nước ta, hàng năm thu hút hàng nghìn các phật tử về dự hội. Đây là một lợi thế rất lớn trên con đường phát triển du lịch bởi có rất nhiều lễ hội còn đang khó khăn để tạo nên thương hiệu của chính mình. Ngoài ra, lễ hội chùa Hương còn được thiên nhiên ban tặng một khung cảnh núi non sông nước diễm lệ, cuốn hút lòng người kết hợp cùng với hệ thống công trình kiến trúc, đền chùa miếu mạo tuyệt đẹp tạo nên sức hút đặc biệt của lễ hội nơi đây.

Chính sách phát triển du lịch của Thành phố và của huyện Mỹ Đức: một điều may mắn của lễ hội chùa Hương là lễ hội rất được các cấp ban ngành từ trung ương đến địa phương. Trong quy hoạch phát triển du lịch Thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã nhận định du lịch lễ hội chùa Hương là một trong những điểm du lịch lễ hội nổi tiếng nhất của Hà Nội, khu du lịch văn hóa lễ hội và cảnh quan Hương Sơn được công nhận là điểm du lịch quốc gia và được coi là một cụm du lịch trọng điểm và là một trong các dự án trọng điểm cần đầu tư giai đoạn đến năm 2020.

Thời gian tổ chức lễ hội: Lễ hội được tổ chức vào mùa xuân, thời gian diễn ra lễ hội kéo dài nên du khách có thể thoải mái lựa chọn, lên kế hoạch đến với lễ hội.

Cơ sở hạ tầng kỹ thuật: Trong những năm qua, được sự quan tâm của nhà nước và chính quyền địa phương. Điều kiện cơ sở vật chất ở chùa Hương được cải thiện rõ rệt: hệ thống điện lưới, thông tin điện tử, vận chuyển được đầu tư mới sẵn sang phục vụ khách du lịch.

Nguồn khách: Lễ hội chùa Hương từ xa xưa đã trở thành lễ hội được người dân Việt quan tâm. Mỗi dịp xuân về, người Việt Nam luôn mong muốn được trảy hội chùa Hương. Những giá trị tâm linh không thể phủ nhận chính là điểm hấp dẫn du khách khiến lượng khách đến chùa Hương mùa lễ hội không hề nhỏ.

Như vậy với những tiềm năng và danh tiếng sẵn có, lễ hội chùa Hương hoàn toàn có các điều kiện cần thiết để phát triển du lịch lễ hội.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu du lịch lễ hội chùa hương ở huyện mỹ đức, hà nội (Trang 33)