Lễ hội chùa Hương luôn được coi là một trong những lễ hội hấp dẫn của nước ta, thu hút hàng triệu khách du lịch mỗi năm. Lễ hội được tổ chức hàng năm từ ngày mùng 6 tháng 1 âm lịch đến tháng 3 âm lịch trên địa bàn xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội. Đến với lễ hội du khách có dịp chứng kiến, tham dự vào không khí sinh hoạt của hội làng, cảm nhận được tinh thần văn hóa của tổ tiên, cha ông cũng như tập tục tín ngưỡng của dân tộc.
Sự độc đáo, hấp dẫn của lễ hội chùa Hương thể hiện sâu sắc ở không gian, nội dung và tinh thần của lễ hội, để làm rõ điều đó tác giả xin được trình bày những luận điểm sau:
• Sự hòa quyện tín ngưỡng văn hóa dân gian và đạo Phật
Truyền thuyết về bà chúa Ba và hang Phật Tích ở nơi thờ Tam Phủ đã khẳng định sự diện hiện của đạo Phật ở đất Hương Sơn. Đạo Phật đã giao thoa và hòa quyện với tín ngưỡng dân gian của người Việt cổ trở thành một thể thống nhất.
Sự hòa quyện giữa Phật giáo và tín ngưỡng dân gian giúp lễ hội chùa Hương mang hương sắc riêng biệt, độc đáo. Do đó lễ hội chùa Hương được coi là cuộc hội ngộ giữa con người với con người, là sự giao hòa giữa con người với trời đất và cõi Phật linh thiêng. Đến với lễ hội mọi người trút bỏ những lo toan, tính toán của cuộc sống thường nhật, tĩnh tâm hướng về đức Phật từ bi. Bởi thế đến với chùa Hương là đến với chân – thiện – mỹ, mọi ước mơ của con người giờ chỉ còn là khát vọng tự hoàn thiện bản thân.
Qua cách đặt tên hết sức bình dị cho các ngọn nơi đây như: Đụn Gạo, Nong Tằm, Cái Kén... người dân nơi đây đã gửi gắm những mong ước, khát vọng về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc, sinh sôi nẩy nở .
Tham dự lễ hội chùa Hương, ai cũng mong hứng được giọt nước từ bầu sữa tiên, bởi mọi người tin rằng nếu được giọt nước rỏ lên đầu sẽ xua tan mọi bệnh tật,
tăng thêm sức mạnh. Hình ảnh “bầu sữa, núi cậu, núi cô” chính là hiện thân của tín ngưỡng phồn thực.
Tín ngưỡng dân gian còn thể hiện ở chính ngày khai hội chùa. Ngày khai hội trước đây là ngày lễ khai sơn của người dân làng Yến Vĩ và Phú Yên. Thực chất lễ khai sơn là nghi lễ nông nghiệp của người Việt cổ để bày tỏ lòng thành kính lên thần núi, cảm tạ các thần đã phù hộ độ trì cho người dân và cầu mong một mùa vụ bội thu, mưa thuận gió hòa, gặp nhiều may mắn.
Ở trong chùa Trong có lễ dâng hương, gồm hương, hoa, đèn, nến, hoa quả và thức ăn chay. Lúc cúng có hai tăng ni mặc áo cà sa mang đồ lễ chay đàn rồi mới tiến dùng đồ lễ lên bàn thờ. Trong lúc chạy đàn, hai vị tăng ni múa rất dẻo và đẹp mắt qua những động tác ít thấy ở mọi nơi. Từ ngày mở hội cho đến hết hội, chỉ thỉnh thoảng mới có sư ở các chùa trên đến gõ mõ tụng kinh chừng nửa giờ tại các chùa, miếu, đền. Còn hương khói thì không bao giờ dứt.
Nếu ở Chùa Trong, thờ Phật Giáo là nét tâm linh chủ đạo, thì ở chùa Ngoài lại thờ các vị sơn thần thượng đẳng với đủ màu sắc của đạo giáo. Đền Cửa Võng là "chân long linh từ” thờ bà chúa Thượng Ngàn, là người cai quản cả vùng rừng núi xung quanh với cái tên là "tì nữ tuý Hồng" của sơn thần tối cao. Chùa Bắc Đài, chùa Tuyết Sơn, chùa Cả và đình Quân thờ ngũ hổ và tín ngưỡng cá thần.
Trong phần lễ ở Hội chùa Hương, quan trọng nhất phải kể đến Lễ Khánh Đản được tổ chức vào ngày sinh của Đức Quan Thế Âm tức là ngày sinh của Bà Chúa Ba Quan Âm Diệu Thiện. Đây được coi là nghi thức không thể thiếu của trong truyền thống văn hóa Hương Sơn.
Lễ Khánh Đản diễn ra từ chiều ngày 18 đến sáng ngày 19 tháng 2 âm lịch. Sau khi cúng vong linh xong, từ hai giờ chiều đến bốn giờ ba mươi chiều, các sư tăng và Phật tử tụng kinh Phổ môn trong chùa Thiên Trù. Người đứng đầu tụng kinh phải là một vị sư thành đạo và có căn duyên. Lễ vật cúng là đồ chay tịnh bao gồm hoa quả, oản, xôi, chuối, bỏng… được đặt trên các mâm trải dọc theo các bậc thềm từ gác chuông đến gian giữa Tiền đường chùa Thiên Trù. Nơi đứng hành lễ của hòa thượng chủ trì có một số bài vị hình nhân để làm lễ cắt giải,
trong đó có những đồng xu có tổng số là sáu, số sáu tượng trưng cho lục căn, lục trần, lục đạo…
Sau lễ cúng Phật, vị hòa thượng đi tới bàn cúng, diễu quanh đàn lễ, lễ bái các phương rồi lễ thỉnh các Thánh. Kế đến là tục cướp cháo cúng (còn gọi là cháo lá đa). Trong khi hành lễ, vị sư trụ trì đọc kinh và thực hiện một số ấn quyết.
Tối ngày 18 là lễ Quan Âm Khánh Đản Bà Chúa Ba. Lễ được tổ chức ở hai nơi: sân Chùa Thiên Trù và trong động Hương Tích (trước ban thờ Phật). Tại sân chùa Thiên Trù có chèo tái hiện sự tích Bà Chúa Ba, trong tam bảo chùa Thiên Trù và động Hương Tích các tăng ni và Phật tử tụng kinh niệm Phật. Các Phật tử đến dâng hương cũng cùng ngồi dự lễ.
Vào lúc 11 giờ đêm, sẽ có một đoàn tăng ni cùng với động chủ động Hương Sơn hành hương đến động. Đoàn người vừa đi vừa niệm Phật, Hương Tích lúc đó đèn đuốc lunh linh, rực rỡ sắc màu tựa hoa đăng.
Đúng 12 giờ đêm, đoàn người hành hương sẽ tiến vào động Hương Tích để bắt đầu buổi lễ chính thức. Mở đầu là bài thuyết giảng của động chủ Hương Sơn về sự hóa thân của bà Chúa Ba và sự tích ngày Khánh Đản. Sau khi bài thuyết giảng kết thúc, các tăng ni Phật tử cùng đọc kinh và hành lễ. Kết thúc buổi lễ, hòa thượng nhúng cành lá vào cốc nước tượng trưng cho nước Cam Lồ của Phật Bà Quan Thế Âm cứu khổ cứu nạn vẩy lên bàn lễ và chúng sinh xung quanh để ban phúc lộc cho mọi người. Cuối cùng là lễ đọc kinh đến sáng sớm ngày 19 thì kết thúc. [10, tr. 69-70]
Sự hòa quyện của Phật Giáo và tín ngưỡng dân gian Việt Nam là một trong những nét đẹp, hấp dẫn và độc đáo của Lễ hội chùa Hương – nơi con người hướng phần tâm hồn cao đẹp nhất lên Đức Phật từ bi, mong một tương lai tươi sáng hơn cho bản thân và bạn bè gia quyến.
• Nơi hội tụ các sinh hoạt văn hóa độc đáo
Hành hương về Hương Sơn là cuộc hành trình đến đất Phật. Vào dịp lễ hội, du khách sẽ có dịp chứng kiến và tham dự vào không khí sinh hoạt văn hóa
nơi đây, cảm nhận tinh thần Phật Giáo thiêng liêng để từ đó hồi âm về thời quá khứ xa xưa của tổ tiên.
Lễ hội chùa Hương là nơi hội tụ các sinh hoạt văn hóa dân tộc như bơi thuyền, leo núi và các chiếu hát chèo, hát văn …
Đầu tiên phải kể đến thú vui ngồi thuyền, lắng nghe tiếng chèo thuyền khoan thai, hít thở bầu không khí trong lành của sông núi và thả hồn vào thiên nhiên cảnh sắc non tiên cõi Phật khi du khách đến với lễ hội. Trong những ngày tổ chức lễ hội, khắp suối Yến là hàng trăm con thuyền độc mộc vào ra nhộn nhịp. Chính vì vậy, nói đến chùa Hương là nghĩ đến con đò - một nét văn hóa của cư dân Việt cổ. Đến nay, ngày hội bơi thuyền ở chùa Hương luôn tạo cảm hứng mãnh liệt cho người đi hội.
Thứ hai phải kể đến hành trình leo núi đến động Hương tích: rời con thuyền, giã từ sông nước, con người bắt đầu hành trình mới - hành trình leo núi. Du khách vừa thong thả leo núi vừa ngắm nhìn khung cảnh xung quanh. Vì vậy leo núi Hương Sơn dẫu có mệt nhưng có cảnh có người và có không khí của ngày hội nên ai cũng cảm thấy thích thú với cuộc chơi sông núi của mình. Cuộc leo núi ấy tạo ra trong con người tâm lý kỳ vọng, hướng đến cái đẹp. Và sự kỳ vọng cái đẹp hẳn sẽ làm cho con người thêm phần sảng khoái tin yêu cuộc đời hơn.
Thứ ba chính là hát chèo đò, các bài chèo do các vãi lựa chọn, chuẩn bị và thực hiện. Thông thường vãi có giọng hay đứng dậy làm động tác chèo đò, hát những đoạn văn trên sáu dưới tám liên quan đến tích nhà Phật gọi là kể hạnh; còn các vãi già ngồi nghe hát, chắp tay thành kính và xướng lại lời con hát như thể thức hát - hò. Đây là một sinh hoạt rất được các vãi đặc biệt ưa thích. Ngoài hát chèo, còn có hầu bóng, hát văn ở các đền, điện thờ, như điện trước chùa Giải Oan, điện Cô gần động Tuyết Sơn, đền Mắc Võng thờ bà Chúa Thượng Ngàn...
Như vậy có thể thấy, hội chùa Hương không chỉ dừng lại ở chốn Phật đài hay khung cảnh thiên nhiên thuần túy, mà còn là sự hòa nhập giữa tâm hồn tinh khiết, cao đẹp của con người và thiên nhiên. Đó là vẻ đẹp sông nước, đất trời, núi rừng, hang động hòa quyện cùng vẻ đẹp của các giá trị văn hóa.
• Chùa Hương là một tổng thể kiến trúc hài hòa trong khung cảnh thiên nhiên – một đại kỳ quan của đất nước
Vẻ đẹp hấp dẫn của quần thể di tích chùa Hương đã được nói kỹ lưỡng ở những phần trước. Vì vậy ở phần nghiên cứu này, tác giả chỉ muốn nhấn mạnh một lần nữa một trong những nét hấp dẫn, “hút khách” của lễ hội chùa Hương chính là những công trình kiến trúc cổ kính nằm ẩn mình trong khung cảnh thiên nhiên núi rừng hùng vĩ, và du khách trong suốt hành trình thủy – bộ của mình có dịp tham quan, chiêm ngưỡng.
• Đi hội chùa Hương chiêm ngưỡng những di tích lịch sử đặc sắc
Hương Sơn không chỉ hấp dẫn du khách ở vẻ đẹp thiên nhiên hay những công trình kiến trúc mà còn ở chính những di tích lịch sử mà nó lưu giữ qua nhiều thời kỳ lịch sử. Đó là những tầng văn hóa nguyên thủy được phát hiện trong hang Sũng Sàm có niên đại trên một vạn năm, là những chuông đồng được treo trong động Hương Tích, chùa Thiên Trù, là những bia đá, cổ vật bằng đá nằm rải rác khắp khu di tích. Những cổ vật này tôn thêm nét văn hóa độc đáo của vùng đất thiêng liêng.
Tóm lại giá trị văn hóa của lễ hội chùa Hương chính là sự gắn kết con người hướng về cội nguồn, là giá trị tâm linh hướng con người đến chân, thiện, mỹ, là những giá trị sáng tạo và hưởng thụ văn hóa cổ truyền và giá trị bảo tồn và trao truyền cho thế hệ tương lai.
Thực trạng hoạt động du lịch lễ hội chùa Hương