8. Cấu trúc luận văn
3.3.4. Tăng cường các điều kiện cung ứng tạo thuận lợi cho công tác bồ
dưỡng học sinh giỏi
3.3.4.1. Ý nghĩa
Việc tăng cường các điều kiện cung ứng cho công tác bồi dưỡng HSG là hết sức cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi cho việc nâng cao chất lượng dạy
và học. Trong đó việc phát hiện và tuyển chọn đúng mang ý nghĩa định hướng phát triển đúng đắn cho một nhân cách. Phát hiện và tuyển chọn được HS năng khiếu là bản lề, là điểm xuất phát cho việc bồi dưỡng HSG. Đồng thời nó mang ý nghĩa giáo dục rất lớn. Định hướng sai khả năng phát triển của HS gây nên sự miễn cưỡng, gò bó, rất có hại cho một nhân cách đang hình thành và phát triển.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác bồi dưỡng HSG thì cơ sở vật chất có vai trò quan trọng trong quá trình dạy và học. Nó là yếu tố tác động trực tiếp đến quá trình giáo dục, góp phần và quyết định đến việc nâng cao chất lượng giáo dục của mỗi nhà trường. Thực tiễn giáo dục của các nước trên thế giới và ở nước ta cho thấy không thể đào tạo con người phát triển toàn diện theo yêu cầu phát triển của xã hội nếu không có cơ sở vật chất tương ứng.
Song song với việc đầu tư về cơ sở vật chất thì việc huy động kinh phí hoạt động cho công tác đào tạo HS chuyên và HSG thực chất là đào tạo nhân tài cho đất nước, là một điều tất yếu, chính đáng và thậm chí rất tốn kém.
Trường học là nơi đào tạo nhân tài, nguồn lao động cho gia đình và xã hội nên cộng đồng xã hội cần có trách nhiệm tham gia vào quá trình giáo dục. Trong đó việc huy động cộng đồng tham gia vào công tác bồi dưỡng HSG là cần thiết.
3.3.4.2. Nội dung
Xây dựng kế hoạch dựa vào mục tiêu, định hướng phát triển và tình hình thực tế của nhà trường. Trong kế hoạch phải thể hiện rõ: Thời gian tuyển chọn; hình thức tuyển chọn; địa điểm tuyển chọn, nội dung tuyển chọn, số lượng HS vào đội tuyển, ai sẽ thực hiện việc tuyển chọn, hỗ trợ HSG có hoàn cảnh khó khăn, xây dựng kế hoạch chuyển giao HSG giữa các lớp.
Kế hoạch phải được rõ ràng chi tiết ngay từ đầu năm học và chỉ đạo từng GV đưa vào kế hoạch công tác giảng dạy và phụ trách lớp. Việc xây dựng kế hoạch tốt giúp cho các hoạt động có hướng đi đứng đắn đạt được
hiệu quả mong muốn và định hướng được triển vọng phát hiện tuyển chọn và bồi dưỡng HSG trong tương lai. Đồng thời kế hoạch hoá mang tính pháp chế yêu cầu mọi GV phải thực thi nhiệm vụ.
Cơ sở vật chất, thiết bị trường học là điều kiện vật chất cần thiết giúp người học nắm vững kiến thức, tiến hành thực nghiệm, nghiên cứu khoa học, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao... Quá trình đào tạo và bồi dưỡng HSG là một quá trình đòi hỏi người dạy, người học phải đầu tư thời gian và tâm trí để đạt được hiệu quả. Do đó, môi trường học tập cần phải đảm bảo điều kiện giúp GV và HS tiếp cận được với phương pháp dạy học hiện đại. Yêu cầu đối với phòng học khang trang, đầy đủ thiết bị dạy học; các phòng chức năng như phòng nghe nhìn, phòng thí nghiệm thực hành, thư viện, thư viện điện tử; sân chơi; nhà đa năng.
Hằng năm, nhà trường dùng 10% ngân sách do Nhà nước cấp để đầu tư cho công tác bồi dưỡng HSG. Ngoài ra, nhà trường cần huy động nguồn tài chính từ các cơ quan ban ngành, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, các bậc phụ huynh HS trong nhà trường.
Nguồn kinh phí trên sẽ được chi trả cho GV thỉnh giảng được mời từ các trường đại học và các trường chuyên khác, GV trực tiếp giảng dạy, học bổng cho HS tham gia đội tuyển là HS có khó khăn hoặc HS dân tộc ở các xã vùng 3 của các huyện trong tỉnh, các hoạt động ngoại khóa, thực tế, khen thưởng cho GV và HS đạt thành tích cao trong các kỳ thi chọn HSG...
Cộng đồng xã hội tham gia một cách trực tiếp và gián tiếp vào sự nghiệp giáo dục của nhà trường nhằm tạo sự đồng thuật với mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục đặc biệt là giáo dục mũi nhọn.
3.3.4.3. Tổ chức thực hiện
* Xây dựng kế hoạch tuyển chọn học sinh giỏi
Từ những vấn đề nêu trên cho thấy tổ chức phát hiện và tuyển chọn HSG cần được chỉ đạo đến các tổ chuyên môn, cần được quán triệt tới mọi
GV trong trường. Trước hết nên coi đó là nghĩa vụ của người GV và sau đó là việc phổ biến phương pháp, cách thức phát hiện để việc tuyển chọn được chu đáo. Kết quả của quá trình phát hiện và tuyển chọn mang tính công bằng, khách quan tạo niềm tin trong HS.
Để tuyển chọn chính xác phải căn cứ vào thông tin và xét cả quá trình học tập của HS. Việc phát hiện, tuyển chọn được thực hiện theo các bước sau: - Bước 1: GV phụ trách đội tuyển tiến hành khảo sát chất lượng HS bằng cách kiểm tra những nội dung kiến thức cơ bản trong chương trình học, kiến thức nâng cao bằng các hình thức kiểm tra viết, thảo luận trao đổi hằng ngày. Sau đó lập danh sách HSG của lớp mình phụ trách với số lượng không hạn chế. Đây là một việc làm hết sức cần thiết bởi chỉ có GV phụ trách lớp trực tiếp giảng dạy mới đánh giá chính xác đối tượng HSG.
- Bước 2: Tổ chức thi chọn để thành lập đội tuyển HSG của trường. + Lãnh đạo nhà trường chỉ đạo các tổ trưởng, nhóm trưởng chuyên môn phân công và cùng GV lãnh đội tuyển ra đề kiểm tra.
+ Tổ chức thi và tuyển chọn đội tuyển.
Vào tháng 9 hằng năm, nhà trường tổ chức thi tuyển chọn HSG nhằm củng cố, bổ sung số HS trong đội tuyển hoặc loại những HS có những biểu hiện hạn chế về năng lực và ý thức tham gia trong học tập.
Khi tiến hành tuyển chọn học sinh giỏi cho các đội tuyển, nhà trường cần chỉ đạo các GV phụ trách đội tuyển chú ý đến nhóm các HS dân tộc nhất là các HS dân tộc cư trú tại các vùng khó khăn của địa phương. Những HS này là nguồn cán bộ quan trọng cho các địa phương sau này.
* Tăng cường đầu tư về cơ sở vật chất
Cán bộ quản lý, GV, nhân viên phải có nhận thức đúng đắn về vị trí, tầm quan trọng và vai trò quyết định của cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đối với việc nâng cao chất lượng dạy học trong nhà trường. Từ đó, mọi người đều
có trách nhiệm trong việc xây dựng, sử dụng và bảo quản cơ sở vật chất, thiết bị dạy học.
Để nhà trường có đủ về cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ giảng dạy và học tập đạt chuẩn theo hướng hiện đại, lãnh đạo nhà trường cần tham mưu với lãnh đạo các cấp để xác định quỹ đất, xây dựng bổ sung hoàn thiện về diện tích của nhà trường, có thể chuyển sang một khu đất mới, có diện tích rộng hơn để xây dựng khuôn viên nhà trường khang trang, hiện đại.
Nhà trường dành một phần ngân sách Nhà nước cấp để đầu tư cho việc sửa chữa, nâng cấp, bổ sung cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy học, xây dựng kế hoạch bổ sung trang thiết bị giảng dạy và học tập: máy tính, máy chiếu đa năng, các đồ dùng thí nghiệm các phòng Vật lý, Hóa học, Sinh học… đạt chuẩn; tham mưu thiết kế và xây dựng các khu vui chơi, giải trí cho HS như: sân bóng, sân cầu lông, bóng rổ, bể bơi…; thiết kế và xây dựng phòng truyền thống của nhà trường; xây dựng khu nội trú, bếp ăn đầy đủ tiện nghi đảm bảo được điều kiện sinh hoạt phục vụ HS học tập.
Ngoài những đầu tư riêng của GV về tài liệu giảng dạy, nhà trường cần xây dựng một thư viện hiện đại với tủ sách dành riêng cho việc dạy, học môn chuyên và bồi dưỡng HSG, trong đó bao gồm các tài liệu giảng dạy của GV, tài liệu học tập của HS, các tài liệu tham khảo, nghiên cứu trong và ngoài nước. Đặc biệt cần xây dựng một thư viện điện tử để GV và HS có thể truy cập Internet tìm các thông tin trên mạng liên quan đến môn dạy và học của mình.
Nhà trường tổ chức các hội thi làm đồ dùng học tập nhằm khuyến khích GV, HS tự làm đồ dùng dạy học phù hợp với đặc thù của từng bộ môn, giúp cho việc dạy kiến thức cơ bản trên lớp. Từ đó phục vụ hiệu quả cho công tác bồi dưỡng HSG.
Bên cạnh việc đầu tư, xây dựng nâng cấp về cơ sở vật chất và tăng cường các thiết bị dạy học hiện đại thì hiệu quả sử dụng của chúng còn phụ
thuộc vào việc quản lý của Ban giám hiệu nhà trường, việc khai thác và sử dụng của mỗi GV. Vì vậy, cùng với việc trang bị, hiện đại hóa trường học, nhà trường cần đào tạo đội ngũ GV vững vàng về chuyên môn nghiệp vụ và thông thạo sử dụng các thiết bị dạy học.
Hằng tháng, Ban giám hiệu nhà trường có kế hoạch phối hợp với Ban kiểm tra nội bộ, giáo viên chủ nhiệm kiểm tra công tác quản lý, bảo quản cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đối với nhân viên phụ trách phòng nghiệm, thư viện và việc sử dụng đối với GV.
* Huy động nguồn tài chính
Sở GD&ĐT tham mưu với UBND tỉnh về chính sách ưu tiên tạo nguồn kinh phí đáp ứng yêu cầu phục vụ các hoạt động thường xuyên (trong đó đặc biệt quan tâm đến việc tăng kinh phí cho công tác bồi dưỡng HSG), kinh phí cho công tác bồi dưỡng, đào tạo và nghiên cứu khoa học của nhà trường. Xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp, linh hoạt, khuyến khích mọi thành phần kinh tế, các tổ chức xã hội, cá nhân cùng tham gia phát triển sự nghiệp giáo dục HSG và bồi dưỡng nhân tài cho quê hương, đất nước.
Nhà trường cần dùng nguồn kinh phí này một cách hợp lý, công khai, minh bạch và hiệu quả. Nguồn kinh phí trên sẽ được chi trả cho GV thỉnh giảng được mời từ các trường đại học và các trường chuyên khác, GV trực tiếp giảng dạy, học bổng cho HS tham gia đội tuyển nhất là HS có hoàn cảnh khó khăn hoặc HS dân tộc ở các xã vùng 3 của các huyện trong tỉnh, các hoạt động ngoại khóa, thực tế, khen thưởng cho GV và HS đạt thành tích cao trong các kỳ thi chọn HSG...
* Cộng đồng xã hội tham gia
Thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, nhà trường huy động cộng đồng cung cấp nhân lực, tài lực, vật lực giúp thực hiện các hoạt động giáo dục toàn diện cho học sinh. Các cơ quan nhà nước như UBND, Sở Văn hóa - Thông tin, Bảo tàng Lạng Sơn... giúp nhà trường xây
dựng chương trình, viết tài liệu, cử cán bộ hướng dẫn GV giảng dạy các vấn đề lịch sử, văn hóa, địa lý của địa phương hoặc các cán bộ này trực tiếp tham gia dạy các vấn đề về địa phương cho HS nhà trường. Công an tỉnh và các cơ quan có liên quan giúp đỡ nhà trường thực hiện giáo dục pháp luật, phòng chống tệ nạn xã hội. Ban chỉ huy quân sự tỉnh và Ban chỉ huy quân sự thành phố giúp đỡ nhà trường các thiết bị dạy học trực quan, kiểm tra đánh giá bộ môn giáo dục Quốc phòng- An ninh...
Nhà trường tạo niềm tin cho các bậc cha mẹ HS, các cấp lãnh đạo trong tỉnh bằng thương hiệu của mình đó là: tổ chức việc dạy - học tốt, đạt kết quả học tập và thành tích cao trong các kỳ thi chọn HSG các cấp và đại học. Khi đó sẽ thuận lợi hơn cho việc huy động các nguồn lực cho nhà trường.
Thực hiện công tác tuyên truyền để các cấp, các ngành và đặc biệt là phụ huynh HS nắm được mục tiêu, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác bồi dưỡng HSG.
Nhà trường tham mưu với chính quyền địa phương về sự nghiệp phát triển giáo dục, thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện tốt mục tiêu “Nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài” bằng các hình thức: xây dựng quỹ khuyến học động viên, khuyến khích kịp thời đối với những gia đình có con em đạt HSG, HS tiên tiến đặc biệt những em đạt giải cao trong các kỳ thi chọn HSG các cấp, thi đỗ các trường chuyên nghiệp với thành tích xuất sắc..., động viên khen thưởng đối với các thày, cô giáo có thành tích trong việc bồi dưỡng HSG.
Nhà trường tạo mối quan hệ chặt chẽ với cộng đồng để lực lượng này tham gia quản lý, giám sát các hoạt động giáo dục của nhà trường, quản lý HS ngoài giờ học có hiệu quả.
Tất cả các biện pháp trên với mục đích tạo mọi nguồn lực xây dựng công tác bồi dưỡng HSG.