5. Cấu trúc của luận văn
1.3.3. Các công trình thi pháp học tiêu biểu
Tiếp theo các tác giả trên các công trình thi pháp học xuất hiện liên tục. Có thể kể: Nguyễn Thị Bích Hải: Thi pháp thơ Đường (1995); Lê Dục Tú: Quan niệm con người trong tiểu thuyết Tự lực văn đoàn (1997); Lý Hoài Thu: Thơ Xuân Diệu trước cách mạng tháng Tám - 1945 (1997); Phan Diễm Phương: Lục bát và song thất lục bát - Lịch sử phát triển, đặc trưng thể loại (1998); Lê Lưu Oanh: Thơ trữ tình Việt Nam 1975-1990
(1998); Phùng Ngọc Kiếm: Con người trong truyện ngắn Việt Nam 1945- 1975 (1998); Phạm Thu Yến: Những thế giới nghệ thuật ca dao (1998); Vũ Văn Sĩ: Về một đặc trưng thi pháp thơ Việt Nam 1945-1995 (1999); Lê Trường Phát: Thi pháp văn học dân gian (2000); Trần Đình Sử, Nguyễn Thanh Tú: Thi pháp truyện ngắn trào phúng Nguyễn Công Hoan
(2001): Nguyễn Huy Hoàng: Tìm hiểu thi pháp truyện ngắn Gôgôn (2001); Trần Đăng Suyền: Chủ nghĩa hiện thực Nam Cao (2001); Trần Nho Thìn:
Nghiên cứu thi pháp truyện ngắn trung đại Việt Nam, Phạm Mạnh Hùng:
Thi pháp hoàn cảnh trong tác phẩm của Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao (2001) Nguyễn Đăng Điệp: Giọng điệu trong thơ trữ tình
(2002); Lê Quang Hưng: Thế giới nghệ thuật thơ Xuân Diệu (2002); Trần Khánh Thành: Thi pháp thơ Huy Cận (2002); Đào Ngọc Chương:
Thi pháp tiểu thuyết và sáng tác của E.Hemingwey (2003); Hồ Thế Hà:
Thế giới nghệ thuật thơ Chế Lan Viên (2004); Phan Thu Hiền: Thi pháp học cổ điển Ấn Độ (2006); Đoàn Đức Phương: Nguyễn Bính - hành trình sáng tạo thi ca (2006), Đào Duy Hiệp: Phê bình văn học từ lý thuyết hiện đại (2007). Có thể kể thêm nhiều tác giả khác cũng nghiên cứu thi pháp như La Khắc Hòa, Phan Huy Dũng, Bửu Nam, Trần Thị An, Chu Văn Sơn, Nguyễn Thành Thi, Lê Tiến Dũng, Trần Lê Bảo, Lê Thu Yến, Đỗ Hồng Kỳ, Hà Thị Hòa, Nguyễn Ái Học, Đinh Trí Dũng, Nguyễn Khắc Sính, Hoàng Mạnh Hùng, Biện Minh Điền, Nguyễn Văn Hạnh, Nguyễn Hoài Thanh, Trương Xuân Tiếu, Nguyễn Thị Mai Chanh, Nguyễn Thị Nương, Lê Trường Phát, Lê Thị Hường, Nguyễn Thị Nhàn, Bùi Thanh Truyền, Nguyễn Sĩ Đại, Nguyễn Thị Tuyết Nga,... [dẫn theo 78, trg 21-22; 46, trg 62-64].
1.3.4. Nhận xét
Sự xuất hiện và phát triển thi pháp học ở Việt Nam được cộng hưởng từ nhiều điều kiện: Cả khách quan và chủ quan, thống nhất từ yêu cầu của thời đại cho tới sự nỗ lực của nhiều nhà nghiên cứu. Do đó, thi pháp học hiện đại thực sự xuất hiện và phát triển thành hệ thống ở Việt Nam từ những năm 80 của thế kỷ XX. Tính hệ thống được thể hiện ở các cấp độ: dịch, giới thiệu và ứng dụng trong nghiên cứu văn học, thể hiện ở các phương diện: đội ngũ những nhà thi pháp học, các công trình nghiên cứu theo hướng thi pháp học.
Là người trong cuộc nhưng với cái nhìn khách quan, Trần Đình Sử khẳng định, thi pháp học ở Việt Nam tuy chịu ảnh hưởng của Nga hay Phương Tây, song khi vào Việt Nam, xét trên một số đóng góp chủ yếu, nó đã có sáng tạo rõ rệt, hoàn toàn không phải là sao chép. Xét về phương pháp, tuy khuynh hướng có khác nhau, song về đại thể hầu hết nghiên cứu thi pháp, phong cách đều có cách tiếp cận chung khá thống nhất là xét tần xuất để xác định hiện tượng độc đáo, sau đó xây dựng mô hình chỉnh thể, hệ thống, giải thích các hiện tượng tìm được về mặt quan niệm của thời đại và của tác giả. Đó là cách tiếp cận khách quan, khoa học. Nói như Nguyễn Văn Nam rằng "nếu không tìm thấy được cái chung, cái phổ biến, cái lặp đi lặp lại, nghĩa là tất cả những gì thuộc về tính quy luật trong các hiện tượng và xuyên qua các hiện tượng thì khoa học nói chung và thi pháp học nói riêng không còn lý do để tồn tại" [20,trg 303]. Các cách tiếp cận của Trần Đình Sử, Phan Ngọc, Đỗ Đức Hiểu, Đỗ Lai Thúy, Nguyễn Xuân Kính đều cho thấy cái chung đó.
Thi pháp học xuất hiện và phát triển ở Việt Nam chính là để giải quyết nhu cầu đổi mới nội dung, phương pháp nghiên cứu, phê bình do thời đại đổi mới toàn diện mà trước hết là đổi mới tư duy, nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật đặt ra. Khắc phục lối phê bình, bình tán chủ quan, xu hướng nghiên cứu văn học theo quan niệm xã hội học dung tục, là một trong những nhiệm vụ trung tâm của thi pháp học ở Việt Nam. Vì thi pháp học xác lập được cái nhìn biện chứng giữa
nội dung và hình thức nghệ thuật, trong đó cái nhìn bắt đầu từ hình thức, trước khi thực hiện trọn vẹn nhiệm vụ của một bộ môn khoa học. Thành tựu của thi pháp học trên thế giới đã được lịch sử nghiên cứu phê bình văn học xác lập trước khi nó có mặt ở Việt Nam, cho nên không có lý do gì để thi pháp học phát triển ở Việt Nam lại không tạo nên thành tựu. Điều dễ nhận ra đó chính là thi pháp học tạo ra xu hướng nghiên cứu nổi bật nhất, thu hút đông đảo nhà nghiên cứu tham gia, xác lập giá trị thẩm mỹ ở nhiều chuyên luận có giá trị.
Xét về mặt thời gian, nếu thi pháp học hiện đại trên thế giới xuất hiện đầu thế kỷ XX, phát triển mạnh mẽ ở những năm 20, 30 đến những năm 60, 70 của thế kỷ XX, thì thi pháp học hiện đại ở Việt Nam xuất hiện từ những năm 80 và phát triển liên tục ở những thập niên cuối của thế kỷ XX và tiếp tục ở thế kỷ XXI. Nhìn vào sự kế thừa, tiếp thu thi pháp trên thế giới vào Việt Nam, chúng tôi cho rằng, Trần Đình Sử chính là mắt xích quan trọng nhất, là cầu nối để tổ chức, dẫn truyền nhịp, tần xuất vận động, phát triển (của thi pháp học trên thế giới vào Việt Nam). Tuy đã có mấy chục năm tồn tại, phát triển ở Việt Nam, nhưng thi pháp học đang đặt ra nhiều thách thức: Đó là cần có sự phân hóa thành các trường phái để có thể phát triển, đó là cần đội ngũ chuyên gia để dịch, nghiên cứu một cách hệ thống, triệt để các nhà thi pháp học, trường phái và các chuyên luận tiêu biểu về thi pháp học trên thế giới; đó là khả năng vận dụng trong nghiên cứu, phê bình của những nhà khoa học, của độc giả, là khác nhau, thậm chí là phiến diện.... Bên cạnh đó, thi pháp học không phải là hướng nghiên cứu văn học duy nhất trong nhiều thập kỷ qua. Tuy không là xu hướng nổi bật nhưng các hướng nghiên cứu: Phân tâm học, văn hóa học, xã hội học, văn học so sánh... góp phần tạo nên sự phong phú đa dạng trong nghiên cứu, phê bình văn học ở Việt Nam.
CHƯƠNG 2:
NHỮNG ĐÓNG GÓP CỦA TRẦN ĐÌNH SỬ VỀ LÝ LUẬN THI PHÁP