5. Cấu trúc của luận văn
3.3.3. Thi pháp văn học trung đại Việt Nam của Trần Đình Sử và
và những đóng góp.
Văn học trung đại là giai đoạn văn học kéo dài tới 10 thế kỷ, nằm trong dòng chảy bất tận của văn học, văn hoá dân tộc; tồn tại trong những điều kiện không gian, thời gian, môi trường xã hội - văn hoá - lịch sử đặc thù. Vận động với đặc trưng tư duy, hệ thống quan niệm và hệ thống chuẩn thẩm mĩ khác biệt với ngày nay, văn học trung đại cũng đã phát triển tới đỉnh cao ở thời đại Nguyễn Du; và tạo nên hệ thống di sản văn học khá đồ sộ, phong phú, giá trị. Mặc dù hệ thống lý luận nghiên cứu văn học với những hướng nghiên cứu: xã hội học, văn hoá học, phân tâm học, phong cách học,.... đã có nhiều thành tựu, tuy nhiên hệ thống di sản của văn học trung đại vẫn tiếp tục đặt ra nhiều thách thức, đòi hỏi với tư duy người hiện đại.
Đến khi bắt tay viết Thi pháp học trung đại Việt Nam, Trần Đình Sử có hai động lực thôi thúc: Một là, sau quá trình hơn 20 năm học tập nghiên cứ về Thi pháp học hiện đại, và có nhiều đóng góp quan trọng trên cả hai bình diện lý luận và ứng dụng nghiên cứu, với nhiều chuyên luận có giá trị, Trần Đình Sử tiếp tục mở rộng, đi sâu lý luận và ứng dụng thi pháp học hiện đại vào nghiên cứu văn học Việt Nam, ở cấu trúc của chỉnh thể nghệ thuật: giai đoạn văn học. Đặc biệt khi di sản văn học trung đại Việt Nam còn nguyên sức hấp dẫn với thi pháp học hiện đại. Hai là, việc nghiên cứu văn học trung đại dưới góc nhìn của thi pháp học hiện đại cũng đã được thực hiện rất thành công ở Liên Xô: Tiêu biểu công trình
Thi pháp văn học Nga cổ (1967) của D.S.Likhachev, Thi pháp học lịch sử
(1978) của A.N. Vexelopski. Trần Đình Sử cũng thẳng thắn khẳng định "đến lượt mình, chúng tôi cũng mô phỏng bước đi, cách làm của các nhà nghiên cứu Xô Viết. Tất nhiên khi vận dụng văn học trung đại Việt Nam chúng tôi buộc phải điều chỉnh cho phù hợp với thực tế" [71, trg 6].
Tuy nhiên, ý thức được những khó khăn, mà nỗ lực của một cá nhân khó có thể hoàn thành xuất sắc, như: sưu tầm, dịch thuật văn bản cổ, tác giả, niên đại... nên Trần Đình Sử cho rằng “nghiên cứu thi pháp văn học trung đại ở giai đoạn này chỉ có thể là bước đầu thử nghiệm, thăm dò, chờ đợi kiểm nghiệm, hoàn chỉnh” [71, trg 382]. Trên tinh thần đó, Trần Đình Sử đi đến định hướng nghiên cứu trên các phương diện: "1. Quan niệm văn hóa thẩm mỹ, bao gồm quan niệm tổng quát về văn học, về tác giả về thể loại, về ngôn ngữ nói chung. 2. Thể loại văn học với hệ thống đặc trưng cho loại hình của nó. 3. Hệ thống các thủ pháp, các phương pháp nghệ thuật thể hiện cho cách chiếm lĩnh, cảm nhận đời sống của người trung đại. 4. Hệ thống từ chương học với các nguyên tắc sử dụng ngôn từ trên các cấp độ" [71, trg 6]. Với quan niệm này, Trần Đình Sử không dừng lại ở hình thức thuần tuý, ở mỹ học chất liệu thuần tuý, mà tác giả của chuyên luận đã định hướng mở rộng tương quan giữa đối tượng với văn hoá, mỹ học, triết học của thời đại. Vì thế, định hướng nghiên cứu mà Trần Đình Sử thu hoạch được trên cơ sở đối sánh các hướng tiếp cận nghiên cứu khác, trở nên mới mẻ, hấp dẫn, khách quan và khoa học.
Để khẳng định "hướng thi pháp học hiện đại có nhiều triển vọng nhất, bởi nó mở ra khả năng giải quyết hàng loạt vấn đề mà mỹ học nhiều thế kỷ đặt ra nhưng chưa có câu trả lời thoả đáng" (Lã Nguyên), Trần Đình Sử tiến hành những bước đi, thẳng thắn đặt vấn đề một cách khoa học: Đầu tiên, tiếp cận Thi pháp văn học trung đại Việt Nam trong sự phát triển thi pháp học từ truyền thống tới hiện đại. Trong sự phát triển tiếp nối này, thi pháp học truyền thống, mặc dù với tất cả giá trị phong phú và uyên bác, vẫn không đáp ứng đầy đủ nhu cầu nhận thức về hệ thống nghệ thuật trung đại của người hiện đại. Vì thế, Trần Đình Sử cho rằng "thi pháp học hiện đại dựa vào việc phát hiện các yếu tố lặp lại có quy luật, xem xét cấu trúc bất biến của chúng, để xác lập các nguyên tắc nghệ thuật. Đồng thời, dựa vào các mã văn hoá chung của vùng và thời kỳ lịch sử mà giải thích nội dung quan niệm của chúng. Từ cách làm nói trên, thi pháp học hiện đại không hề phủ nhận thi pháp học truyền thống, mà bổ sung thêm cho nó bởi những vấn đề mới, cách nhìn mới và kết quả mới" 76, trg 336 - 367. Trên định hướng này, tiếp theo, Trần Đình Sử nghiên cứu thi pháp văn học trung đại như một đối tượng nghiên cứu văn học thông qua việc xác định thời trung đại, xác định một cách tổng quát loại hình văn học trung đại giúp ta nhận ra đặc trưng và qui luật chung của các hiện tượng văn học thời trung đại, phân biệt với loại hình văn học mới, hiện đại và những đặc điểm của nó (như tình trạng song ngữ, chịu sự chi phối mạnh mẽ của tư tưởng kinh điển và tôn giáo, chịu ảnh hưởng sâu sắc của văn học dân gian, hình thức biểu hiện ước lệ...), xác định các kiểu quan hệ qua lại của các nền văn học thời trung đại, nhằm khẳng định "tính chất của kiểu văn học trung đại Việt Nam thuộc phạm vi ảnh hưởng của hai nền văn học và văn hoá lớn: văn học chữ Hán và văn hoá Đông Nam Á" 76, trg 410
Để thể hiện tính nhất quán, hệ thống của lý luận, phương pháp thi pháp học hiện đại trong nghiên cứu văn học, Trần Đình Sử nghiên cứu văn học trung đại Việt Nam như một hệ thống đặc thù. Trong tính chỉnh thể này, khái niệm "văn học", "văn chương" thời trung đại "được dùng
lẫn cho nhau, chưa từ nào trở thành chuyên dụng để chỉ văn học theo ý nghĩa hiện đại đã phản ánh ý thức văn học đương thời, một ý thức còn mang nặng tính nguyên hợp văn - sử học bất phân" 76, trg 414. Điều này Trần Đình Sử nhận ra từ tính quy luật đặc thù của văn học trung đại nhìn qua cấu trúc hình thức thể loại cổ truyền biểu đạt tính nội dung nghệ thuật, kể cả biểu đạt chức năng ngoài văn học. Đồng thời, trên những nghiên cứu đối sánh, Trần Đình Sử chỉ ra kiểu tác giả văn học trung đại trong hệ thống đặc thù ấy, là "kiểu tác giả sáng tác văn học trung đại Việt Nam, thì kiểu nhà thơ ngôn chí, vật ngã tương cảm, tình cảm tương thông và kiểu tác giả văn sử bất phân, văn sử bổ sung cho nhau là tiêu biểu nhất" [76, trg 446]. Cũng xem xét sự sáng tạo và hư cấu của văn học trung đại, Trần Đình Sử nhận thấy đó là quá trình đi từ không tự giác đến tự giác, mức độ ngày càng cao. Sự sáng tạo quan trọng tập trung vào ngôn từ, lời thoại, lời kể, điểm nhìn trần thuật mà sự sáng tạo và hư cấu đến Nguyễn Du với Truyện Kiều phát triển đến đỉnh cao. Từ đó, Trần Đình Sử cho rằng mốc thế kỷ XVIII là bản lề quan trọng chia văn học trung đại làm hai giai đoạn.
Theo thời gian, văn học trung đại đang dần trở thành di sản của văn hóa truyền thống với những tầng vỉa của những trầm tích văn hóa thời đại sâu đậm, phong phú và đa dạng. Nghiên cứu văn học trung đại dưới góc nhìn văn hóa là xu hướng triển vọng; Tuy nhiên, xu hướng này chưa tạo được hệ thống giải mã, hệ thống công cụ nghiên cứu chung cho giai đoạn văn học trung đại, mà chỉ thống nhất ở tính nguyên tắc của quan niệm.Và, mới dừng lại thành công ở tác giả, tác phẩm. Xu hướng nghiên cứu lịch sử văn học, mặc dù đã xác lập được nhiều thành tựu nhưng vẫn thường nghiêng về nội dung, nghiêng về lý giải yếu tố ảnh hưởng từ bên ngoài tới văn học hoặc chia tách văn học thành những giai đoạn nhỏ. Các xu hướng khác: nghiên cứu văn học từ hệ tư tưởng, loại hình học tác giả, hình thức thể loại, thi pháp học truyền thống... Cũng đã có thành tựu đáng kể nhưng chỉ giới hạn trong phạm vi nhất định. Chính vì thế, xu hướng tiếp cận văn học trung đại bằng lý luận thi pháp học
hiện đại, vừa nằm trong xu thế phát triển của lý luận nghiên cứu, phê bình văn học ở Việt Nam, vừa là nỗ lực đáng trân trọng, đột phá của nhà thi pháp học Trần Đình Sử, khi đã coi thời kỳ giai đoạn này như một đối tượng nghiên cứu tính hệ thống của cấu trúc hình thức nghệ thuật được đặc biệt quan tâm. Tinh thần thi pháp học hiện đại của chuyên luận được thể hiện một cách khách quan, ngay từ cách đặt vấn đề của Trần Đình Sử: về những khó khăn khi tiếp cận hệ thống văn bản đồ sộ, về định hướng sử dụng lý luận thi pháp học hiện đại trên cơ sở đối sánh, tìm hiểu giới hạn của những xu hướng tiếp cận văn học trung đại... cho đến vạch định khuôn hình, đặc trưng, thuộc tính của đối tượng nghiên cứu và cấu trúc hệ thống hình thức mang tính nội dung, mang tính quan niệm của
Thi pháp văn học trung đại Việt Nam (ở các phương diện hệ thống thể loại, kiểu tác giả, sự sáng tạo, hư cấu, ngôn ngữ). Như vậy, xu hướng tiếp cận thi pháp văn học trung đại theo hướng lý luận thi pháp học hiện đại đã mở ra một xu hướng rõ ràng, triển vọng. Và đã đưa đối tượng nghiên cứu sang một trang mới trong việc vận dụng lý thuyết hiện đại vào nghiên cứu văn học truyền thống.
Viết chuyên luận này, Trần Đình Sử cũng thẳng thắn xác định mục đích hướng tới, thẳng thắn xác định nhiệm vụ nghiên cứu "là gợi mở một hướng nghiên cứu chứ không hẳn là đưa ra những kết luận cuối cùng về thi pháp học trung đại" 16, trg 18. Tuy nhiên, trong chuyên luận, Trần Đình Sử đã dành sự quan tâm đặc biệt tới một số phương diện, phạm trù của thi pháp văn học trung đại, tiêu biểu nhất là hệ thống thể loại. Thể loại văn học trung đại được Trần Đình Sử quan tâm đặc biệt, bởi thể loại "là hình thức điển hình của toàn bộ tác phẩm, của toàn bộ sự biểu hiện nghệ thuật" 77, trg 154. Thể loại nghệ thuật phản ánh những khuynh hướng lâu dài và hết sức bền vững trong sự phát triển văn học. Nhìn từ góc độ thể loại chính là đi từ hình thức tới nội dung. Và đi từ hình thức quan niệm tới những ý nghĩa thẩm mỹ văn hóa nói chung.
Trong chuyên luận, sự quan tâm này thể hiện ở số lượng trang viết về thể loại,chiếm tới hơn một nửa: 172/285 trang 76, trg 422-433; 478-639;
258/443 trang 71, chiếm 4/7 chương của chuyên luận 76, trg 357- 642. Hơn nữa, trên những nghiên cứu, đối sánh, Trần Đình Sử cho rằng: "có thể nói, cho đến nay một công trình nghiên cứu, giới thiệu đầy đủ các thể loại văn học trung đại Việt Nam vẫn chưa có" 76, trg 426. Đồng thời, tác giả của chuyên luận cũng ý thức được rằng, nghiên cứu, phân loại tác phẩm văn học trung đại không thể tuân thủ giản đơn, nguyên tắc phân loại cổ điển có từ thời cổ đại: tự sự, trữ tình, kịch. Ở đây, cần tôn trọng sự tạo thành tự nhiên của các thể loại và tên gọi của chúng. Tính hợp lý và khoa học trong việc tiếp cận hệ thống thể loại, theo Trần Đình Sử, là phải "giới thiệu, mô tả sự xuất hiện các thể loại văn học trong trật tự thời gian lịch sử... Nhưng mặt khác, việc xác định đặc trưng thể loại không thể chỉ theo hình thức quy phạm cổ truyền, mà cần xét chúng trong tính nội dung nghệ thuật, chức năng biểu đạt theo cấu trúc của văn bản biểu hiện" 76, tr 427-428. Trên tinh thần hình thức mang tính quan niệm này, Trần Đình Sử tiến hành khảo sát phân loại thể loại văn học trung đại thành các nhóm dựa vào tiến trình phát triển, đặc trưng cấu trúc hình thức mang tính nội dung, như: Các thể thơ tự tình, phú và các thể văn, thể loại truyện chữ Hán, Diễn ca lịch sử và truyện thơ Nôm. Có thể nói, chuyên luận đã đề cập, khảo sát đầy đủ nhất các thể loại của văn học trung đại Việt Nam; đã hướng tới các tuyến xuyên suốt: quan niệm về con người, không gian, thời gian, ngôn ngữ.... Nhưng vì sự giới hạn của mục đích nghiên cứu của chuyên luận, cho nên sự khảo sát trên, ít nhiều mang tính tập hợp.
Mối quan hệ giữa văn học và văn hóa là quan hệ giữa bộ phận với chỉnh thể, là quan hệ biện chứng tác động qua lại lẫn nhau trong quá trình vận động và phát triển. Nhận thức được ý nghĩa thẩm mỹ của tương quan này, hiện nay, xu thế nghiên cứu văn học đang dần mở rộng biên độ khám phá những đường nét, vẻ đẹp và giá trị của bản sắc văn hóa thời đại, dân tộc được in dấu trong những sáng tác nghệ thuật. Với những thuộc tính đặc thù, sự giao cắt giữa văn học trung đại với các lĩnh vực khác của văn hóa: đạo đức, tôn giáo, nghi lễ, hành chính, lịch sử thật khó
phân tách giới hạn và biên độ tồn tại giữa chúng một cách rõ ràng. Thi pháp học hiện đại được cộng hưởng tri thức từ nhiều lĩnh vực khoa học khác nhau: triết học, văn hóa học, lịch sử, ngôn ngữ học, thống kê... Cho nên, nó đáp ứng ngày càng tốt hơn đòi hỏi từ di sản văn học truyền thống đối với tư duy người hiện đại. Thi pháp học trung đại Việt Nam của Trần Đình Sử nằm trong xu thế ấy. Chuyên luận không chỉ dừng lại ở mục đích "mở rộng phạm vi nghiên cứu, đề xuất các vấn đề mới" 76, trg 640, dựa trên sự khảo sát tương quan giữa nội dung và hình thức, văn học và văn hóa, dân tộc và khu vực, mà còn là lời kêu gọi sự quan tâm rộng rãi tới giới nghiên cứu về một công trình nghiên cứu tương xứng với di sản văn học cổ Việt Nam. Vì thế, Thi pháp học trung đại Việt Nam của Trần Đình Sử sẽ mang một sứ mệnh mới, là công trình có tính chất đặt nền móng, trên định hướng rõ ràng, khoa học, nhằm hướng tới nghiên cứu một cách hoàn chỉnh cấu trúc hình thức nghệ thuật của văn học trung đại. Và, trong một tương lai không xa việc nghiên cứu thi pháp văn học dân tộc là hoàn toàn có thể thực hiện được. Điều này cũng có nghĩa thi pháp học hiện đại ở Việt Nam vẫn là một xu hướng nghiên cứu đầy triển vọng. Bởi vì: “ công việc tìm tòi các truyền thống thi pháp Việt Nam vẫn còn là một nhiệm vụ lâu dài” 77, trg 385.
Nhìn lại chặng đường hơn ba mươi năm theo đuổi quan niệm về thi pháp học, Trần Đình Sử xác nhận "tất cả phản ánh quan niệm nhất quán của tôi về thi pháp". "Một quan niệm có đủ cơ sở tin cậy để làm việc có hiệu quả" 77, trang 385. Sự nhất quán và hiệu quả của quan niệm đó được tác hợp từ tình yêu của Trần Đình Sử đối với thi pháp học. Một tình yêu mang tinh thần đổi mới khoa học và dân chủ. Và, chính tình yêu đó đã làm nên ở Trần Đình Sử một sức mạnh đáng kinh ngạc: Sức mạnh nuôi dưỡng đam mê nghiên cứu thi pháp học. Sức mạnh xóa tan đi rào cản của tuổi tác, của những bon chen thế tục và sức mạnh truyền cảm hứng tạo nên xu hướng thi pháp triển vọng. Được gần gũi Trần Đình Sử nhiều: cả khi học, khi dạy, lẫn khi viết lách, Chu Văn Sơn nhận thấy sức mạnh của tình yêu thi pháp học của Trần Đình Sử qua giờ giảng bài. Một
giờ mà giống như bao giờ giảng khác trong đời biểu hiện khá trọn vẹn